Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2012-02-06
Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ năm nay vẫn được một trăm thư đề cử của giới dân cử và giới học giả tại Mỹ và châu Âu, đề nghị trao Ngài giải Nobel hoà bình. Ý Lan phỏng vấn một đại biểu quốc hội châu Âu về việc này.
Hạn ghi danh đề cử ứng viên Giải Nobel Hòa bình thường năm kết thúc vào ngày mồng một tháng hai dương lịch. Kết quả chọn giải sẽ được công bố vào thượng tuần tháng 10 cùng năm. Bên cạnh sự đế cử của Dân biểu Loretta Sanchez thuộc địa hạt Liên bang thứ 47 của California, còn có nhiều vị Thượng Nghị sĩ, Dân biểu các Quốc hội Châu Âu, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, các giáo sư đại học, v.v… Năm nay tại Quốc hội Châu Âu cũng có nhiều Dân biểu viết thư để cử. Thông tín viên Ỷ Lan của đài Á Châu Tự Do phỏng vấn ông Tremosa I Balcells, Dân biểu thuộc Khối Liên minh Tự do và Dân chủ cho Âu châu tại Quốc hội Châu Âu. Ông cũng là Kinh tế gia, Giáo sư Đại học Barcelone tại Tây Ban Nha.
Ỷ Lan: Xin chào ông Ramon Tremosa I Balcells. Xin ông cho biết lý do nào ông cùng quý vị đồng viện tại Quốc hội Châu Âu vận động thu thập chữ ký đề cử Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ ứng viên Giải Nobel Hòa bình năm nay, 2012?
Ramon Tremosa I Balcells: Trước hết xin cảm ơn đã mời tôi nói đôi lời với Đài Á châu Tự do, là tiếng nói quan trọng và công cụ giúp đỡ cho mọi giới bất đồng chính kiến, đấu tranh bất bạo động, và là tiếng nói cho tự do, dân chủ Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tôi hy vọng với đôi lời phát biểu tôi có thể đóng góp thêm niềm hy vọng cho giới bất đồng chính kiến, nhân dân bị áp bức, và những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền hiện đang dấn thân cho dân chủ Việt Nam.
Tôi người Catalan, thuộc dân tộc ít người ở Tây Ban Nha, từng bị kỳ thị hàng trăm năm trước và hiện nay vẫn tiếp tục đấu tranh cho tự do, dân chủ. Nhân dân Catalan đòi hỏi sự tôn trọng các quyền cơ bản một cách ôn hòa và kiên trì qua những thời đại đen tối của lịch sử, như thời nội chiến dưới chế phát xít Franco chỉ mới bốn mươi năm trước đây thôi. Vì vậy tôi thông cảm và chia sẻ những sợ hãi cùng các vấn nạn mà các dân tộc bị chính quyền nước họ sách nhiễu và áp bức.
Tôi biết rõ chế độ Cộng sản Việt Nam đàn áp mọi phê phán ôn hòa, cùng các luật gia và những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền. Việt Nam hạn chế tự do Internet, đàn áp những cuộc biểu tình, kiểm soát tôn giáo cũng như đàn áp những cộng đồng tôn giáo “không được thừa nhận” như trường hợp Giáo Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Tôi sẽ tiếp tục sử dụng những công cụ quốc hội của tôi để gây sự quan tâm của Quốc hội Châu Âu về những vi phạm nói trên.
Do đó, tôi quyết định hậu thuẫn Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel Hòa bình vì Hòa thượng là người bất đồng chính kiến nổi danh nhất Việt Nam.
Ba mươi năm trời Hòa thượng bị giam cầm vì ôn hòa kêu gọi cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền. Hiện nay Hòa thượng bị quản thúc tại Thanh Minh Thiện Viện ở Saigon, và là vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam, hiện bị nhà cầm quyền Cộng sản không cho hoạt động sau khi thành lập Hội Phật giáo Nhà nước năm 1981.
Thế nhưng cuộc tranh đấu của Hòa thượng là cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Giải Nobel Hòa bình sẽ mang lại niềm hy vọng cho tất cả những ai đấu tranh cho tự do và dân chủ.
Ỷ Lan: Thưa ông, Việt Nam và Liên Âu vừa thỏa thuận Hiệp ước Đối tác và Hợp tác mới sẽ ký kết trong năm nay. Tháng giêng vừa qua đã có cuộc Đối thoại nhân quyền tại Hà Nội. Thế nhưng Việt Nam vẫn duy trì chế độ độc đảng, mọi tự do bị từ khước. Trong vị trí Dân biểu Quốc hội Châu Âu, ông có thể làm gì để áp lực cho nhân quyền trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam ?
Ramon Tremosa I Balcells: Qua các quyết nghị, Quốc hội Châu Âu không ngừng kêu gọi chấm dứt các vi phạm nhân quyền và mở ra tiến trình cải cách dân chủ tại Việt Nam. Bản thân tôi vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ các vấn đề này.
Tôi sử dụng mọi công cụ dành cho người Dân biểu để soi sáng các sự việc xẩy ra tại Việt Nam nhằm tạo áp lực lên chế độ. Tôi thường xuyên tố cáo trước công luận những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và kêu gọi Liên Âu chấm dứt việc giao thương với Việt Nam nếu không có sự đổi thay.
Gần đây khi có phái đoàn cao cấp quốc hội và các bộ trưởng Việt Nam viếng thăm Quốc hội Châu Âu, tôi đã nói lên sự quan tâm của tôi, rằng các lợi lộc kinh tế và đầu tư mà Liên Âu mang lại cho Việt Nam rơi vào tay Đảng Cộng sản trước tiên, vì đảng kiểm soát toàn bộ kinh tế, trong khi đa số nhân dân Việt Nam sống
trong nghèo khó với những bất bình đẳng xã hội.Mỗi khi có cơ hội tôi luôn nhắc nhở Liên Âu, rằng mặc những ràng buộc với nguyên tắc nhân quyền và dân chủ như điều 1 quy định trong Hiệp ước Hợp tác Liên Âu– Việt Nam ký kết năm 1995, Việt Nam vẫn dập tắt một cách có hệ thống mọi phê phán ôn hòa, đàn áp các nhà bất đồng chính kiến tôn giáo và chính trị, nghĩa là mọi hình thức tự do ngôn luận.
Tôi thường công khai chất vấn đâu là những bước cụ thể mà Hội đồng Châu Âu thực hiện, cùng với những bước tiến mới trong tương lai để chấm dứt các vi phạm nhân quyền? Hội đồng Châu Âu có lấy những biện pháp mạnh chống lại chính quyền Việt Nam trong khuôn khổ của Hiệp ước không? Những hành động gì Phái đoàn Liên Âu có nhiệm sở tại Việt Nam đã thực hiện?
Tôi sẽ tiếp tục quan tâm và tố cáo mọi hình thực vi phạm. Đó là điều tối thiểu mà chúng tôi có thể lảm tại Quốc hội Châu Âu nhằm mang lại niềm hy vọng cho giới đối lập bất bạo động tại Việt Nam, và cho những ai đấu tranh đòi hỏi nền dân chủ thực sự để thăng tiến Việt Nam, những người như ông Võ Văn Ái, là những lãnh đạo cao cả và dũng cảm. Chúng tôi hậu thuẫn họ trong cuộc tranh đấu mà thắng lợi hẳn nhiên phải hiện ra, tối đoan quyết như thế.
Ỷ Lan: Xin cám ơn Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa I Balcells.
Ý kiến của Bạn