26.2.12

Sửa Luật thế nào đối với đất nông nghiệp



2012-02-25
Vào tháng 8 sắp tới Chính phủ Việt Nam sẽ chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Nếu cải tổ Luật Đất đai mà không chờ sửa Hiến pháp, vẫn giữ ý nghĩa đất đai là sở hữu toàn dân, thì nên sửa những nội dung nào đặc biệt về đất nông nghiệp.

AFP PHOTO
Nông dân phơi lúa trên một cánh đồng ở huyện Phú Nhuận, tỉnh Tiền Giang, ảnh chụp trước đây.
Nam Nguyên trình bày vấn đề này.
Trước khi vụ Tiên Lãng nổ ra thì đất đai đã là vấn đề nóng ở tất cả các tỉnh thành Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đất nước và đà tăng dân số, đất càng ngày càng hiếm và đắt giá. Nhu cầu đất trở thành nguyên nhân gây ra những bất ổn xã hội, khiếu kiện tập thể khắp nơi, bao gồm bao lãnh vực đất nông nghiệp, thổ cư và ngay cả đất an táng nghĩa trang…
Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi trình bày ý kiến chuyên gia và người dân riêng trong lãnh vực đất nông nghiệp, khi mà 70% dân số sinh sống ở nông thôn và liên quan tới nghề nông.
Nếu chưa tới thời điểm thích hợp để sửa Hiến pháp và vẫn giữ nguyên qui định “đất đai là sở hữu toàn dân giao cho Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu” thì chính phủ có thể sửa đổi những nội dung nào trong Luật Đất đai.

Mở rộng

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn từ Hà Nội phát biểu:
“Từ khía cạnh của nông nghiệp nông thôn, tôi thấy có mấy việc sau là cần phải sửa: Thứ nhất phải mở rộng hạn điền, có nhiều hộ nông dân mở trang trại tổ chức sản xuất lớn, hiện nay bị vướng vì qui định giới hạn mức đất tối đa một nông hộ. Việc này chắc sẽ được mọi người ủng hộ để mở rộng ra.
Thứ hai là Luật đất đai lần này mở rộng thời hạn sử dụng đất để cho người chủ đất yên tâm đầu tư xây dựng cơ bản hoặc là đầu tư cải tạo đất đai.
Thứ ba là thời gian vừa qua có rất nhiều tranh chấp, mâu thuẫn nảy sinh do vấn đề thu hồi đất. Chắc là việc thu hồi đất cũng phải được xem xét lại, làm thế nào để nó vừa bảo đảm thẩm quyền vừa đúng phạm vi để bảo đảm quyền lợi cho toàn dân, đảm bảo quyền lợi cho những người quản lý sử dụng đất tại chỗ.”
nong-nghiep-rfa-250.jpg
Nhiều cánh đồng lúa bị chia ra từng mảnh nhỏ của những hộ nông dân nghèo. RFA photo.
LS Trần Vũ Hải ở Hà Nội, người có kinh nghiệm tham gia tranh tụng hàng trăm vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai cho rằng, ở Việt Nam vẫn còn một số người quan tâm đến việc mở rộng hạn điền sẽ đưa tới quá trình tích tụ ruộng đất và trở lại tình trạng địa chủ thu tô.
Theo LS Trần Vũ Hải, nền kinh tế của Việt Nam giờ đây đã khác trước, nếu người nông dân thấy mình tự sản xuất là không có lợi thì họ sẽ làm công việc khác ở thành thị, hay tìm việc trong ngành công nghiệp ngay tại địa phương. Tương tự quá trình phát triển số lượng người tham gia nông nghiệp sẽ giảm dần như ở Canada, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc. LS Trần Vũ Hải tiếp lời:
“Tích tụ là tất yếu, rất nhiều người không làm nông nghiệp nữa, như vậy đương nhiên họ sẽ bán lại cho người khác. Những lo lắng như thế tuy có thật nhưng không trầm trọng và nó sẽ được điều chỉnh theo kinh tế thị trường bởi các ngành dịch vụ, ngành công nghiệp khác.
Hiện nay rất nhiều các nhà khoa học nhà kinh tế cố gắng tìm cách xóa bỏ nỗi lo lắng đó của các nhà lãnh đạo cấp cao, khi họ cho rằng Đảng Cộng Sản này là đảng của công nhân của nông dân, nếu làm không tốt lại sinh ra một lớp người bị bóc lột nữa. Họ lo lắng như vậy, nhưng tôi cho rằng sự lo lắng ấy không còn cơ sở.”
Chính vì thế mức hạn điền cùng với sử dụng cơ giới hóa trong tương lai sẽ được mở rộng hơn, nhưng sẽ nhắm vào đối tượng người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và phải làm thế nào trong phạm vi gia đình họ trực tiếp sản xuất chứ không phát canh thu tô như là địa chủ trước đây.
TS Đặng Kim Sơn
Trong quá trình thành lập nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các chính quyền liên tiếp thực hiện chủ trương chia đều ruộng đất người cày có ruộng. Do vậy trên toàn lãnh thổ Việt Nam có tới 70 triệu mảnh ruộng với diện tích bình quân mỗi nông hộ khoảng 0,65 ha, sự tích tụ ruộng đất đã diễn ra trên thực tế bằng cách này hay cách khác.
Đáp câu hỏi của chúng tôi là nếu mở rộng hạn điền thì mở tới mức nào và bằng cách nào. TS Đặng Kim Sơn đáp lời:
“Trước đây qui định hạn điền vùng đồng bằng là 3 ha sau đó nâng lên 6 ha. Mức hạn điền qui định để cho phép người nông dân tích tụ đất đai bằng cách mua hay là thuê đất mở rộng nó ra để có thể áp dụng cơ giới máy móc sản xuất lớn được.
Qui mô mở rộng đến đâu, tôi nghĩ là có hai yếu tố giới hạn. Đối với yếu tố trên, mở như thế nào để mức độ sản xuất đem lại hiệu quả cao nhất về qui mô, còn yếu tố dưới phải chặn như thế nào để cho những người định đầu cơ đất đai, mua đất đai không vì mục đích sản xuất không thể lợi dụng được. Chính vì thế mức hạn điền cùng với sử dụng cơ giới hóa trong tương lai sẽ được mở rộng hơn, nhưng sẽ nhắm vào đối tượng người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và phải làm thế nào trong phạm vi gia đình họ trực tiếp sản xuất chứ không phát canh thu tô như là địa chủ trước đây.”

Hay xóa bỏ

024_138532-250.jpg
Một thửa ruộng ở ĐBSCL sau thu hoạch. Hemis.fr photo
Người nông dân làm lúa ở đồng bằng sông Cửu Long nghĩ gì về vấn đề hạn điền, thời hạn giao đất. Anh Ba một nông dân từng tự mình khai phá đất đai hoang hóa và được chính quyền cấp quyền sử dụng đất có thời hạn nêu lên ý nghĩ của mình:
“Người ta không an tâm. Có những mảnh đất từ đời ông cố tới đời ông nội lưu truyền cho người ta làm, tại sao lại cứ gọi là sở hữu toàn dân được. Tôi nghĩ giao đất cứ giao vĩnh viễn lâu dài, hạn điền thì nên xóa bỏ. Nếu người ta có tiền có khả năng thì có thể mua đất để làm phát triển kinh tế, những người không có đất có thể đi làm thuê.
Đa số nông dân làm 1 héc-ta trở xuống, nếu cứ bám vào đó suốt cuộc đời đủ ăn không nổi đâu, không đủ trang trải đời sống nông dân khổ lắm. Làm dưới 1 héc ta sống không nổi, miền Nam còn đỡ ngoài Bắc ít đất hơn nữa họ tính bằng sào.”
Có những mảnh đất từ đời ông cố tới đời ông nội lưu truyền cho người ta làm, tại sao lại cứ gọi là sở hữu toàn dân được. Tôi nghĩ giao đất cứ giao vĩnh viễn lâu dài, hạn điền thì nên xóa bỏ.
Anh Ba
Hàng triệu hộ nông dân trên toàn quốc những người được giao đất sẽ hết thời hạn 20 năm vào năm 2013. Luật đất đai sửa đổi lần này sẽ chú ý tới nội dung quan trọng này. TS Đặng Kim Sơn trình bày ý kiến cá nhân:
“Nói chung mọi người muốn mở rộng thời gian đến mức cao nhất không có giới hạn. Tốt nhất là mọi người nếu sử dụng đất đúng quy hoạch có hiệu quả thì không nên thu hồi đất của người ta cho đến một giới hạn nào cả, chỉ trừ trường hợp có nhu cầu công cộng thật sự quan trọng của quốc gia thì theo tinh thần bồi hoàn thỏa đáng cho người ta. Hoặc là các trao đổi thay đổi mục đích sử dụng thì phải diễn ra theo cơ chế thị trường.”
Như vậy những nội dung cần sửa đổi của Luật Đất đai hiện hành liên quan đến đất nông nghiệp sẽ không thể thiếu các vấn đề là, mở rộng hay bỏ hạn điền tức hạn mức diện tích đất giao, bỏ hay mở rộng thời hạn giao đất và qui định rõ về vấn đề thu hồi đất theo tinh thần bảo vệ lợi ích của những người bị thu hồi đất một cách tích cực nhất.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: