10.2.12

Trung Quốc cũng sẽ có hành động xác quyết chủ quyền ở vùng biển sát Nhật Bản



Vùng đảo tranh chấp Senkaku - Điếu Ngư
Vùng đảo tranh chấp Senkaku - Điếu Ngư
Reuters

Thanh Phương
Viện Quốc gia Nghiên cứu Quốc phòng của Nhật Bản hôm nay, 10/02/2012, vừa ra báo cáo cho biết là những hành động của Bắc Kinh nhằm xác quyết chủ quyền ở vùng Biển Đông cũng sẽ được lập lại ở vùng biển Hoa Đông, sát với Nhật Bản.

Bản báo cáo mang tựa đề « Báo cáo An ninh Trung Quốc » viết : « Cũng giống như Biển Đông, đối với Trung Quốc, biển Hoa Đông là một con đường quan trọng để tiến vào các đại dương. Nếu sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng thêm, rất có thể là Bắc Kinh sẽ có thái độ xác quyết chủ quyền ở vùng biển này, như họ đã thể hiện ở vùng Biển Đông ».
Cho nên, theo Viện Quốc gia Nghiên cứu Quốc phòng, Tokyo cần phải thật chú ý đến mọi dấu chỉ cho thấy Trung Quốc đang tìm cách mở rộng tầm kiểm soát ra biển Hoa Đông.
Đây chỉ mới là lần thứ hai bản Báo cáo An ninh Trung Quốc, do Bộ Quốc phòng Nhật tài trợ, được công bố, trong bối cảnh mà châu Á và Hoa Kỳ ngày càng lo ngại trước sự phát triển nhanh chóng của tiềm lực quân sự của Bắc Kinh.
Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu vẫn tranh chấp chủ quyền trên một quần đảo không có người ở nhưng có tầm quan trọng về chiến lược, đó là quần đảo Senkaku (gọi theo tiếng Nhật) và Điếu Ngư (gọi theo tiếng Hoa).
Vấn đề này đã từng gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước, nhất là vào cuối năm 2010, khi Tokyo bắt giữ một thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc sau vụ va chạm với một tàu tuần duyên Nhật Bản.
Tuy vậy, cho tới nay Trung Quốc vẫn tránh đối đầu trực diện với Nhật Bản trong vùng biển Hoa Đông. Theo báo cáo của Viện Quốc gia Nghiên cứu Quốc phòng, khác với ở vùng Biển Đông, Bắc Kinh chưa có những hành động gây hấn ở biển Hoa Đông, như là sách nhiễu các tàu nước ngoài hoặc mở các cuộc tập trận bắn đạn thật, vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ với Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, với việc Trung Quốc gia tăng tiềm lực của lực lượng hải quân và tìm cách làm cho cán cân quân sự trong vùng Thái Bình Dương không còn nghiêng về phía Mỹ, tình hình có thể thay đổi. Biểu hiện cụ thể là Bắc Kinh đang xây dựng một căn cứ hải quân quy mô lớn trên đảo Hải Nam.
Trong thập niên qua, ngân sách quân sự của Trung Quốc mỗi năm vẫn tăng với tỷ lệ hai con số, nhưng nước này vẫn chưa trở thành một cường quốc « biển sâu » giống như Hoa Kỳ, bởi lẽ con đường tiến vào Thái Bình Dương của Bắc Kinh bị chặn lại bởi các đảo của Nhật Bản và những vùng biển chung quanh.
Tuy vậy, theo báo cáo của Viện Quốc gia Nghiên cứu Quốc phòng, ngày càng có nhiều chiến hạm Trung Quốc đi len lỏi giữa các đảo của Nhật, vì hải quân của nước này đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động.
Trong tình hình đó, các nước láng giềng của Trung Quốc dĩ nhiên đã rất hoan nghênh những tuyên bố thường xuyên của Hoa Kỳ, theo đó, Washington sẽ vẫn duy trì sự hiện diện ở vùng Thái Bình Dương.
TAGS: BIÊN GIỚI - CHÂU Á - NHẬT BẢN - PHÂN TÍCH - QUÂN SỰ - TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào: