Thái Bá Tân - Lão sống một mình trong túp lều ngay sát Cầu Sắt. Suốt đời lão chỉ làm một nghề là mài dao kéo cho cả vùng Nho Lâm rộng lớn này, và cũng nổi tiếng cả vùng nhờ cái nghề ấy. Chắc phải có một bí quyết hay đồ nghề đặc biệt nào đó nên các con dao lão mài sắc ngọt một cách khác thường. Vả lại, lão kỹ tính và làm cẩn thận lắm. Chiếc dao nhỏ lão mài miết cả tiếng đồng hồ, bao giờ xong cũng lấy một sợi tóc đặt lên lưỡi dao, thổi một cái đứt đôi mới giao cho khách.
Vợ lão chết từ lâu. Cậu con trai duy nhất lấy vợ, ở rể ở huyện trên, nghe nói “chuột sa chĩnh gạo” nhưng không bao giờ thăm hỏi hay giúp đỡ gì bố. Trước còn khỏe, lão quảy chiếc gánh toòng teng đi khắp vùng. Mấy năm gần đây vì già, vì cả đôi chân phù thũng, lão chỉ quanh quẩn trong làng hoặc ngồi ở nhà, ai cần thì mang dao kéo tới. Bây giờ đồ Trung Quốc nhiều và rẻ nên thậm chí cả ở nông thôn, người ta cũng ít mài, mà mua cái mới. Thành ra việc không nhiều, tức là cái ăn cũng không nhiều. Có hôm lão phải ôm bụng đói đi ngủ. Đáng ra ở tuổi lão, tức là tám mươi trở lên, theo chế độ gần đây của nhà nước, lão phải được trợ cấp mấy chục nghìn đồng một tháng, nhưng do lão không có giấy khai sinh nên đành chịu. Thỉnh thoảng dân làng thương tình, người cho cân gạo, kẻ mấy quả trứng, hay mang những chiếc dao còn sắc đến nhờ lão mài. Có người còn cất công tìm gặp con trai lão. Anh ta hứa sẽ về đưa bố lên ở với mình nhưng mãi chẳng thấy tăm hơi đâu.
Một hôm tôi đến nhà lão và ngồi với lão cả buổi chiều.
Lão nằm thu lu trên chiếc giường tre ọp ẹp, trùm kín đầu chiếc chăn chiên sờn cũ, dù trời không lạnh. Biết tôi đến, lão ngồi dậy ngay.
“Ông giáo quí hóa quá, lúc nào cũng cho quà”, lão nói khi tôi bày ra bàn mấy bắp ngô luộc, xị rượu và ít đồ nhắm.
“Tôi đến nhờ bác mài cho con dao”, tôi cười đáp.
“Tôi biết”, lão cũng cười, miệng méo xệch, một dòng nước đục rỉ ra từ khóe miệng, trông thật tội.
“Dạo này bác có vẻ yếu hơn trước”.
“Ừ ừ. Tại đôi chân khốn khổ này. Cả ho nữa.”
Lão cùng tôi làm vài ly nhỏ rồi bắt tay vào mài con dao của tôi, vốn còn rất sắc. Thế mà gần ba mươi phút sau lão mới chịu dừng tay, sau khi vừa mài vừa dấp dấp chất gì đó lên lưỡi dao, chốc chốc dừng lại làm hớp rượu.
“Ông giáo xem này!” lão bảo tôi rồi nhổ sợi tóc bạc trên đầu, đặt lên lưỡi dao. Sợi tóc đứt đôi.
“Sắc quá!” tôi thốt lên.
“Cũng thường thôi,” lão nói, không phải không pha chút tự hào. “Tôi có một con còn sắc hơn nhiều”.
Nói rồi, lão lấy dưới gầm giường ra một con dao được bọc trong lớp giấy xi-măng bẩn. Nó dài, mỏng như một thanh kiếm Nhật, đầu nhọn và sáng loáng.
“Tôi lấy từ xác một tên lính Nhật hồi năm bốn tư đấy. Nó bị du kích giết ở Phủ Diễn. Đúng là cái bọn lùn ấy làm cái gì cũng tốt.” Lão nói rồi bất chợt thở dài: “Có điều chẳng biết dùng nó làm gì.”
Lão lấy tờ giấy quét lên lưỡi dao nhiều lần, quét đến đâu, các vụn giấy rơi đến đấy. Tôi nhìn mà thấy sờ sợ. Lát sau tôi chuyển đề tài:
“Bác đau ốm thế này, sao anh con không về nhỉ?” Lão im không nói gì. “Mà rồi chính quyền mãi không làm cho bác cái trợ cấp người già. Bác tám mươi tuổi rồi mà”.
“Đúng thế. Tôi sinh ngày mồng Một tháng Năm năm 30, khi bố tôi bị Pháp bắn chết vì tham gia đình công ở Bến Thủy, Vinh.” Tợp thêm chén rượu, lão nói tiếp, mắt rơm rớm: “Nhân quả đấy bác ạ. Cả chuyện thằng con bất hiếu cũng nhân quả nốt!”
Tôi nhìn lão vẻ không hiểu.
“Suốt đời tôi mài dao cho đời. Mà dao thì không chỉ cắt thái mà còn đâm chém. Tức là tôi tham gia vào tội ác. Giờ thì tôi phải chịu cảnh này.”
“Bác nghĩ quẩn rồi. Nghề của bác vô hại, nếu không muốn nói có ích cho đời”, tôi an ủi lão.
“Không. Đêm đêm chúng vẫn đến đấy. Cái bọn trâu bò, lợn gà bị giết ấy mà. Cả người nữa. Thời kháng chiến, thời cải cách ruộng đất tôi mài dao kiếm cho du kích. Bây giờ bọn Việt gian, địa chủ cường hào đến bắt đền tôi, nhiều lắm. Đêm nào cũng đến. Chúng bảo chúng bị oan. Tội tôi đáng chết. Nhân nào quả ấy thôi, ông giáo ạ”.
*
Cách một ngày, tôi lại đến, thấy lão chết, nằm trên giường, cuống họng bị cắt, tay phải lão còn giữ chặt chiếc kiếm Nhật sáng loáng.
12. 9. 2011
Vợ lão chết từ lâu. Cậu con trai duy nhất lấy vợ, ở rể ở huyện trên, nghe nói “chuột sa chĩnh gạo” nhưng không bao giờ thăm hỏi hay giúp đỡ gì bố. Trước còn khỏe, lão quảy chiếc gánh toòng teng đi khắp vùng. Mấy năm gần đây vì già, vì cả đôi chân phù thũng, lão chỉ quanh quẩn trong làng hoặc ngồi ở nhà, ai cần thì mang dao kéo tới. Bây giờ đồ Trung Quốc nhiều và rẻ nên thậm chí cả ở nông thôn, người ta cũng ít mài, mà mua cái mới. Thành ra việc không nhiều, tức là cái ăn cũng không nhiều. Có hôm lão phải ôm bụng đói đi ngủ. Đáng ra ở tuổi lão, tức là tám mươi trở lên, theo chế độ gần đây của nhà nước, lão phải được trợ cấp mấy chục nghìn đồng một tháng, nhưng do lão không có giấy khai sinh nên đành chịu. Thỉnh thoảng dân làng thương tình, người cho cân gạo, kẻ mấy quả trứng, hay mang những chiếc dao còn sắc đến nhờ lão mài. Có người còn cất công tìm gặp con trai lão. Anh ta hứa sẽ về đưa bố lên ở với mình nhưng mãi chẳng thấy tăm hơi đâu.
Một hôm tôi đến nhà lão và ngồi với lão cả buổi chiều.
Lão nằm thu lu trên chiếc giường tre ọp ẹp, trùm kín đầu chiếc chăn chiên sờn cũ, dù trời không lạnh. Biết tôi đến, lão ngồi dậy ngay.
“Ông giáo quí hóa quá, lúc nào cũng cho quà”, lão nói khi tôi bày ra bàn mấy bắp ngô luộc, xị rượu và ít đồ nhắm.
“Tôi đến nhờ bác mài cho con dao”, tôi cười đáp.
“Tôi biết”, lão cũng cười, miệng méo xệch, một dòng nước đục rỉ ra từ khóe miệng, trông thật tội.
“Dạo này bác có vẻ yếu hơn trước”.
“Ừ ừ. Tại đôi chân khốn khổ này. Cả ho nữa.”
Lão cùng tôi làm vài ly nhỏ rồi bắt tay vào mài con dao của tôi, vốn còn rất sắc. Thế mà gần ba mươi phút sau lão mới chịu dừng tay, sau khi vừa mài vừa dấp dấp chất gì đó lên lưỡi dao, chốc chốc dừng lại làm hớp rượu.
“Ông giáo xem này!” lão bảo tôi rồi nhổ sợi tóc bạc trên đầu, đặt lên lưỡi dao. Sợi tóc đứt đôi.
“Sắc quá!” tôi thốt lên.
“Cũng thường thôi,” lão nói, không phải không pha chút tự hào. “Tôi có một con còn sắc hơn nhiều”.
Nói rồi, lão lấy dưới gầm giường ra một con dao được bọc trong lớp giấy xi-măng bẩn. Nó dài, mỏng như một thanh kiếm Nhật, đầu nhọn và sáng loáng.
“Tôi lấy từ xác một tên lính Nhật hồi năm bốn tư đấy. Nó bị du kích giết ở Phủ Diễn. Đúng là cái bọn lùn ấy làm cái gì cũng tốt.” Lão nói rồi bất chợt thở dài: “Có điều chẳng biết dùng nó làm gì.”
Lão lấy tờ giấy quét lên lưỡi dao nhiều lần, quét đến đâu, các vụn giấy rơi đến đấy. Tôi nhìn mà thấy sờ sợ. Lát sau tôi chuyển đề tài:
“Bác đau ốm thế này, sao anh con không về nhỉ?” Lão im không nói gì. “Mà rồi chính quyền mãi không làm cho bác cái trợ cấp người già. Bác tám mươi tuổi rồi mà”.
“Đúng thế. Tôi sinh ngày mồng Một tháng Năm năm 30, khi bố tôi bị Pháp bắn chết vì tham gia đình công ở Bến Thủy, Vinh.” Tợp thêm chén rượu, lão nói tiếp, mắt rơm rớm: “Nhân quả đấy bác ạ. Cả chuyện thằng con bất hiếu cũng nhân quả nốt!”
Tôi nhìn lão vẻ không hiểu.
“Suốt đời tôi mài dao cho đời. Mà dao thì không chỉ cắt thái mà còn đâm chém. Tức là tôi tham gia vào tội ác. Giờ thì tôi phải chịu cảnh này.”
“Bác nghĩ quẩn rồi. Nghề của bác vô hại, nếu không muốn nói có ích cho đời”, tôi an ủi lão.
“Không. Đêm đêm chúng vẫn đến đấy. Cái bọn trâu bò, lợn gà bị giết ấy mà. Cả người nữa. Thời kháng chiến, thời cải cách ruộng đất tôi mài dao kiếm cho du kích. Bây giờ bọn Việt gian, địa chủ cường hào đến bắt đền tôi, nhiều lắm. Đêm nào cũng đến. Chúng bảo chúng bị oan. Tội tôi đáng chết. Nhân nào quả ấy thôi, ông giáo ạ”.
*
Cách một ngày, tôi lại đến, thấy lão chết, nằm trên giường, cuống họng bị cắt, tay phải lão còn giữ chặt chiếc kiếm Nhật sáng loáng.
12. 9. 2011
Thái Bá Tân
1 Ý kiến:
Lưu Ý :
- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google
- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi
- Những phản hồi chữ Việt không dấu cũng sẽ bị xóa.