2.3.12

Putin chuẩn bị trở lại ghế tổng thống Nga trong không khí căng thẳng



Thủ tướng Nga Vladimir Putin phát biểu trong một gặp với các ủng hộ viên ở Matxcơva, 29/02/2012
Thủ tướng Nga Vladimir Putin phát biểu trong một gặp với các ủng hộ viên ở Matxcơva, 29/02/2012
REUTERS
Nguyễn Minh Cần / Tú Anh
Đương kim thủ tướng Vladimir Putin, người nắm toàn bộ quyền lực tại Nga, chuẩn bị trở lại điện Kremlin qua cuộc bầu cử tổng thống 04/03/2012 mà kết quả có thể dự báo trước. Tuy nhiên, chưa bao giờ bầu không khí chống đối cựu trung tá mật vụ KGB lại lên cao như hiện nay, kể từ khi ông lên cầm quyền từ năm 2000.
Trong một động thái biểu tượng, hôm Chủ nhật vừa qua, đối lập Nga đã đã huy động hơn 40 000 người, mang khăn và bong bóng màu trắng, màu của sự trong sạch và tinh khiết, nắm tay nhau trên đại lộ vành đai Matxcơva. Chiến dịch " nối vòng tay lớn " tiếp nối những cuộc xuống đường biểu dương sức mạnh và tâm nguyện của xã hội công dân phản đối chế độ tham ô toàn diện mà chính bản thân ông Putin phải công nhận là trầm kha.
Mặc dù uy tín cá nhân của ông Putin bị sút giảm, từ 70% xuống còn khoảng 50%, nhưng các kết quả thăm dò ý kiến gần đây cho rằng, cựu trung tá mật vụ sẽ trở lại ghế tổng thống với từ 58% đến 60% số phiếu trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật 04/03/2012.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 12 năm 2011, đảng cầm quyền chỉ thắng với 50% phiếu và bị đối lập cũng như quan sát viên quốc tế tố cáo gian lận.
Nắm toàn bộ quyền lực từ lập pháp, an ninh, tư pháp, truyền thông, ông Putin đã thẳng tay trấn áp phong trào phản kháng chống tham ô, đòi trong sạch hóa và dân chủ hóa chế độ.
Để giành hết ưu thế và đề phòng mọi bất trắc, chính quyền Nga qua Ủy ban bầu cử, đã loại ứng cử viên sáng giá nhất của đối lập là ông Grigori Iavlinski với lý do vi phạm thủ tục đăng ký ứng cử.
Bốn người còn lại là lãnh đạo đảng Cộng Sản Guennadi Zyuganov, thủ lãnh dân túy Vladimir Jirinovski, tỷ phú Mikhail Prokhorov và thủ lãnh cánh trung tả Serguei Mironov, không nhân vật nào đủ sức đối đầu với ông Putin.
Theo chuyên gia Nikolai Petrov thì thủ tướng Nga "chọn” đối thủ "dưới tầm", giống như một vận động viên thể thao chọn đối thủ và ấn định cách thi đấu.
Đã vậy, ông Putin còn tìm cách tránh né, không dám tranh luận trực tiếp với đối lập trên hệ thống truyền thanh truyền hình, một điều chưa bao giờ xảy ra ở các nước dân chủ.
Sở phản gián FSB, hậu thân của KGB cũng đang theo dõi và trấn áp đối lập trên mạng internet, vũ khí duy nhất của người dân Nga hiện nay.
Nhưng dường như chưa đủ yên tâm, ông Putin còn lên án đối lập bằng những lời buộc tội thô bạo như là "chà đạp ý nghĩa cuộc bầu cử tổng thống và sẵn sàng giết người cùng phe để rồi vu cáo cho chính phủ".
Trong không khí căng thẳng này, đài truyền hình theo phe Putin loan tin có một âm mưu ám sát ông Putin mà thủ phạm là Doku Umarov, lãnh đạo lực lượng Hồi giáo võ trang Tchetchenia.
Cựu trung tá mật vụ KGB còn những đòn ngầm nào để giành chiến thắng ? Trong hoàn cảnh này, phe đối lập và xã hội công dân Nga có chấp nhận thúc thủ hay không ?
Theo nhà báo Nguyễn Minh Cần, phe đối lập kêu gọi không bỏ một lá phiếu nào cho ông Putin để ông ta phải vào vòng hai, sau đó, nếu cần sẽ dồn phiếu cho lãnh đạo đảng Cộng sản .
Từ Matxcơva, nhà báo Nguyễn Minh Cần phân tích.


Nhà báo Nguyễn Minh Cần - Matxcơva - 01/03/2012
01/03/2012
TỪ KHÓA : BẦU CỬ - NGA - QUỐC PHÒNG - QUỐC TẾ - TẠP CHÍ

Không có nhận xét nào: