1.3.12

Việt Nam thu hút xí nghiệp nước ngoài chuyển sản xuất



Xưởng sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Việt Nam (Reuters)
Xưởng sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Việt Nam (Reuters)

Minh Anh
Tình hình kinh tế Việt Nam là một chủ đề được báo Le Figaro hôm nay quan tâm đến. Theo tờ báo, hậu quả của đợt sóng thần tsunami tại Nhật Bản năm rồi, trận lũ lụt tại Thái Lan, giá nhân công đang tăng tại Trung Quốc khiến cho Việt Nam trở thành "thiên đường" đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn chuyển dời sản xuất.

Le Figaro cho biết : từ nhãn hiệu Samsung, Canon, Foxconn, Neon Led, Hazan Group v.v… bất kể là thương hiệu của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, tất cả các tập đoàn lớn đều có mở cơ sở tại Việt Nam. Theo tờ báo, thảm họa thiên nhiên năm rồi xảy ra tại Nhật Bản và Thái Lan đã khiến cho hơn 200 tập đoàn Nhật Bản phải chuyển sản xuất đến Việt Nam với mức đầu tư lên đến 1,4 tỷ euro.
Vào tháng 7 năm 2011, tập đoàn SEB của Pháp cũng đã mua lại Asian Fan, một doanh nghiệp hàng đầu trong nước chuyên sản xuất quạt máy để từ đó tạo một nhịp cầu với châu Á. Và vào cuối tháng 12 năm vừa qua, Nokia cũng đóng cửa một nhà máy tại Rumani để lập một nhà xưởng khác tại phía Bắc ở Việt Nam.
Le Figaro cho biết, hầu hết trước đây các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tập trung chủ yếu ở các mặt hàng thứ cấp như hàng dệt may hay giày và ngành công nghiệp nhẹ nhằm tận dụng mức lương thấp trong nước. Nhưng kể từ bây giờ Việt Nam ngày càng hướng đến những lãnh vực tinh vi hơn và hướng vào các ngành dịch vụ.
Trong một báo cáo được công bố hồi tuần rồi, MacKinsey Global Institute tỏ ra hài lòng về mức tăng trưởng mạnh của Việt Nam trong vòng 5 năm rồi (trung bình 7%/năm) và sự cải thiện rõ nét về hiệu năng sản xuất. Bản báo cáo cũng đáng giá rằng « việc mở rộng các dịch vụ có giá trị cao cho thấy rõ một hướng phát triển đầy hứa hẹn ». Đồng thời bản báo cáo cũng khẳng định rằng « qua việc dựa vào nguồn nhân lực có bằng cấp cao , Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong sáu điểm đến trên thế giới chuyên cung cấp các dịch vụ bờ biển.
Báo cáo cho biết chỉ tính riêng trong năm rồi, các dịch vụ này đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam 1,5 tỷ đô-la và mang lại việc làm cho 100 ngàn người. Báo cáo cho rằng nhờ vào « 257 ngàn sinh viên có bằng cấp ra trường mỗi năm từ các trường trung học và đại học » và do việc mức lương trả một kỹ sư tin học tại Việt Nam thấp hơn tại Trung quốc đến 60%, Việt Nam còn có thể phát triển nhiều hơn nữa.
Le Figaro cho rằng các trường đại học lớn của Pháp từ Paris cho đến Toulouse, đến cả Lyon, Bordeaux và Orléans đã không sai lầm khi đề nghị mở các chương trình đào tạo thạc sĩ ngành quản trị hay tài chính tại chỗ ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý rằng để cạnh tranh với Ấn Độ, Việt Nam cần phải vượt qua được ba thử thách lớn :
- Thiết lập các cơ quan chuyên môn trong lãnh vực mà họ không mong đợi
- Phát triển nhiều hơn là các quan hệ đối tác công-tư
- Chứng tỏ cho thấy có một ý chí chính trị tham gia thật sự
Bài viết nhắc lại là kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách « Đổi mới » vào năm 1986 và việc tham gia vào Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2007, chế độ cộng sản đã mở cửa. Nhưng Việt Nam cũng có nhiều việc cần phải làm hơn nữa.
Bài viết cũng cảnh cáo rằng, dù hiện nay Việt Nam có thể tận dụng được nguồn lao động trẻ, nhưng quốc gia này cũng phải đối mặt với việc tăng lương như là Trung Quốc, khiến cho quốc gia này đang mất dần thế cạnh tranh trước Bangladesh và Cam Bốt. Và nếu muốn duy trì nhịp tăng trưởng như thời gian vừa qua, dứt khoát là Việt Nam cần phải nâng dòng sản phẩm của mình. Và cuối cùng, như nhận xét của McKinsey, nếu Việt Nam đạt được các điều đó, quốc gia này có thể « thực hiện giấc mơ trở thành đối thủ nặng ký trong lãnh vực công nghệ thông tin ».
Đông Nam Á mua nhiều vũ khí của châu Âu
Cũng liên quan đến đề tài kinh tế, Le Figaro chú ý đến Triển lãm Hàng không vừa kết thúc tại Singapore hôm 19/2 vừa qua. Qua đợt triển lãm lần này, Le Figaro nhận thấy rằng « Quân đội các nước Đông Nam Á mua nhiều thiết bị quân sự của châu Âu ».
Le Figaro nhận xét ngân sách cho quốc phòng trong khu vực Đông Nam Á đang tăng, ít nhất là trên phương diện trang bị cho quân đội. Và chính những đòi hỏi cấp bách về an ninh quốc gia, các tranh chấp trên vùng biển Đông, các vấn đề an ninh hàng hải và cướp biển đã giải thích cho động thái này.
Theo bà Marie-Laure Bourgeois, chủ nhân tập đoàn Thales, Pháp thì « tại vùng Đông Nam Á, các hợp đồng quân sự ít khi được quốc tế nhìn thấy rõ, bởi lẽ hiếm khi là những hợp đồng khổng lồ. Nhưng nếu các hợp đồng này càng khiêm tốn bao nhiêu thì số hợp đồng càng nhiều bấy nhiêu ».
Le Figaro cho biết, đối với ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, thì hiện nay Malaysia là khách hàng lớn thứ năm, đứng sau các nước Ả Rập Xê Út, các tiểu vương quốc Ả Rập, Brazil và Ấn Độ. Năm 2010, Malaysia đã ký một hợp đồng mua 12 chiếc trực thăng EC 725 với Eurocopter trị giá 340 tỷ euro. Trong tương lai, Malaysia còn muốn trang bị thêm 15 chiếc trực thăng tương tự như vậy.
Ngoài ra, Malaysia còn là khách hàng lớn của Pháp về khí tài cho hải quân. Từ năm 2002 đến 2006, Pháp đã bán tổng cộng cho Malaysia hai chiếc tàu ngầm và 6 tàu chiến. Sắp tới đây, sau bầu cử 2013, Malaysia muốn thúc đẩy nhanh hơn nữa dự án mua các tiêm kích đa năng. Năm rồi, Thales cũng đã ký với Malaysia một hợp đồng trị giá 200 triệu euro cho dự án trang bị các thiết bị điện tử trong các loại xe bọc thép cho bộ binh.
Theo đánh giá của tập đoàn Thales Pháp, thì sắp tới thị trường máy bay giám sát hải phận sẽ mang đến cho tập đoàn này nhiều hợp đồng trị giá hàng trăm triệu euro.
Le Figaro cho biết, ngoài Malaysia ra, tại Hội chợ hàng không singapore lần này, Indonesia cũng đã ký mua với Airbus Military 9 chiếc máy bay vận chuyển C295 cho không quân.
Tuy nhiên, bài báo cho rằng đáng ngạc nhiên nhất là Việt Nam. Như để đối chọi lại người hàng xóm Trung Quốc, Việt Nam ngày càng xích lại gần với Mỹ và Phương Tây hơn, ngay cả trên phương diện quân sự. Dù rằng đã là khách hàng lớn quen thuộc của Nga, nhưng Việt Nam cho biết là muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp để có đủ tự tin chống lại Trung Quốc.
Tham nhũng làm bại hoại nền kinh tế Nga
« Tham nhũng làm bại hoại nền kinh tế Nga như thế nào ? » là đề tài một bài phóng sự điều tra trên nhật báo kinh tế Les Echos. Trong khi ông Putin đưa ra chủ đề tranh cử là « chống lại các công chức sâu bọ » thì người dân Nga lại cho rằng chính dưới sự cai trị của ông, tham nhũng trở nên ngày càng dữ dội và lan rộng đến mọi cấp ngành.
Hối lộ tại Nga dưới mọi hình thức chiếm khoảng 300 tỷ đô-la một năm, tương đương với hơn 15% tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước đoán. Theo bà Elena Panfilova, giám đốc Tổ chức Minh bạch Thế giới « khó có thể nào đưa ra con số cụ thể. Nhưng có điều chắc chắn là tham nhũng đã thay đổi bản chất dưới 12 năm trị vì của Vladimir Putin ».
Bà cho biết, ngay khi vừa ra khỏi chế độ cộng sản, « thông điệp của chính phủ đến các cơ quan hành chính rất rõ ràng : hãy giúp đỡ chính phủ chống lại tội ác có tổ chức, hãy giúp chính phủ củng cổ các thể chế, nhưng do chính phủ không có phương tiện để tăng lương, các bạn được quyền làm thêm ngoài giờ. Kết quả là : chính phủ ngày càng mạnh hơn, nhưng cùng lúc đó, các nhân viên của chính phủ cũng trở thành những kẻ cưỡng đoạt. Ngày nay, họ đặt hoạt động tư của họ lên trên cả nhiệm vụ công của mình ».
Les Echos cho biết, tham nhũng tại Nga hiện hữu ở mọi nơi từ trường học cho đến bệnh viện. Trong giải quyết các vấn đề hành chính, người yêu cầu chỉ cần đưa một món quà hay một vé tiền, thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Còn trong các bệnh viện cũng như trong trường học, chuyện quà cáp gần như là một thông lệ, để được chăm sóc tốt hơn, hay tránh được tình trạng phải xếp hàng dài để chụp phim, hay đảm bảo có được một chỗ trong mẫu giáo hay ghi danh cho con vào các trường tốt nhất.
Nền kinh tế xám xịt
Điều nghịch lý là, trong khi chính phủ đang hồ hởi với tỷ lệ lạm phát thấp (7%), thì đại bộ phận dân chúng Nga phàn nàn về vật giá leo thang. Les Echos cho rằng các con số chính thức không tính đến tác hại của tham nhũng, hiện đang phát triển một nền kinh tế xám. Tham nhũng đã buộc người dân phải chi những khoản tiền mà đáng lẽ ra không cần phải có. Les Echos ước tính hối lộ trong các nhà trẻ tại trường đại học hàng năm chiếm khoảng 5,5 tỷ đô-la. Tham nhũng đã làm cho chi phí xây cầu đường và đường ống dẫn dầu tại Nga đắt hơn ở những nước khác có cùng điều kiện khí hậu. Một kiểu lạm phát trá hình đang làm trì trệ quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và gây cản trở cho sự phát triển nền kinh tế.
Giờ đây, ông Putin đưa « chống tham nhũng » làm chủ đề vận động tranh cử. Ông lên án « nạn tham nhũng có hệ thống ». Ông lấy làm tiếc là thiếu sự kiểm soát từ người dân, và hứa hẹn sẽ đấu tranh chống « sự ngạo nghễ của giới công chức ». Những lời tuyên bố mà Les Echos cho là quá nghịch lý bởi lẽ từ năm 2000, Putin đã làm đủ mọi cách để hạn chế sự ảnh hưởng của những tổ chức chống lại quyền lực (từ Thượng viện, báo chí cho đến các tổ chức phi chính phủ…).
Tuy nhiên, nhờ vào một số biện pháp cải cách cho tổng thống tạm thời Medvedev đương nhiệm mà nước Nga đã được tổ chức Minh bạch Thế giới nâng lên 11 điểm (tức xếp Nga hạng thứ 143 trên tổng số 183 có mức tham nhũng từ ít cho đến nhiều nhất). Nhưng Les Echos cũng lưu ý rằng so với số lượng các vụ hối lộ bị phanh phui, thì số người bị kết án vẫn còn rất ít. Một quan chức trong chính phủ phải nhìn nhận rằng « Medvedev đã thất bại. Là vì ông đã không tấn công thẳng vào tâm vấn đề : sự can thiệp quá mức của chính phủ vào kinh tế ». Tức là, hiện nay chính quyền Matx-cơ-va nắm quyền kiểm soát 50% nền kinh tế đất nước.
Không những thế, người dân Nga còn cho rằng, « Putin đã không hành động cho đến cùng bởi vì ông cũng góp phần trong vấn nạn này. Những ai lợi dụng được hệ thống này đều được huy động đứng sau lưng hỗ trợ sao cho Putin tại vị và không có gì thay đổi ».
Có lẽ tăng trưởng chậm lại (từ 7% xuống còn 4%) mới có thể tạo động lực thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng. Bởi lẽ, nó chính là tâm điểm của làn sóng phản đối, phát sinh từ việc người dân bị tước mọi quyền trước một hệ thống mà người dân cảm thấy không còn được chính phủ bảo vệ nữa.
Vận động tranh cử tại Pháp
Chủ đề tranh cử tại Pháp là vẫn là đề tài thời sự chính trên các trang báo Pháp hôm nay. Việc ứng viên tranh chức tổng thống của đảng Xã hội bất ngờ đề nghị đánh 75% thuế những người có thu nhập trên một triệu euro đã gây ra nhiều tranh luận sôi nổi.
Le Figaro chạy tít lớn « Thuế : Hollande đang chơi trò đấu giá ». Trong khi ông Nicolas Sarkozy đưa ra lời đề nghị tăng thêm lương cho giáo viên thêm 500 euro/ tháng đối lại giờ có mặt tại trường phải tăng từ 18 giờ lên 26 giờ, thì hôm qua ứng viên đảng Xã hội François Hollande đã bất ngờ đề nghị đánh thuế 75ù những hộ gia đình có thu nhập trên một triệu euro/ năm.
Le Figaro cho rằng không có gì phải nghi ngờ François Holland muốn đưa ra những lời cam kết với giới cử tri thiên tả nhất và muốn khoác cho mình chiếc áo « ứng viên của nhân dân ». Ngay lập tức, ứng viên tranh cử đảng UMP, đương kim tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã mỉa mai đưa ra lời bình phẩm cho là « vội vã, ngẫu hứng, không chuyên nghiệp ».
« Hollande muốn đánh thuế những người giàu nhất. Hãy đánh thuế Fouquet’s » là hàng tít trên trang nhất báo Liberation. Tờ báo cho rằng, lời tuyên bố của ông Hollande đã biến hình ảnh của ông Nicolas Sarkozy là « tổng thống của người giàu ».
Trong khi đó, tờ Les Echos lại nhận định rằng « Nước Pháp có thể sẽ trở thành quốc gia đánh thuế những người giàu có nhất ». Tờ báo cho biết, theo tính toán của ê-kip tranh cử của ông Hollande, việc đánh thuế 75% những người có thu nhập trên một triệu euro/ năm có thể mang lại cho chính phủ nguồn thu giữa 200 và 250 triệu euro.
Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Tài chính Pháp, thì chưa tới 3000 hộ gia đình có mức thu nhập trên một triệu euro. Như vậy, với mức đề nghị này, Les Echos cho rằng giới chủ, giới ngân hàng, nghệ sĩ và giới thể thao sẽ là những đối tượng chịu mức thuế trên. Và nước Pháp sẽ nắm giữ kỷ lục châu Âu, bỏ xa Thụy Điển là quốc gia đang giữ ky lục đánh thuế cao nhất (56, 55%).
TAGS: KINH TẾ - VIỆT NAM - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: