Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Bảy, 14 tháng 4 2012
Cuộc bầu cử bổ sung ở Miến Điện đã kết thúc với chiến thắng vang dội của phe đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo: Họ chiếm được 43 trên tổng số 45 ghế được bầu. Dĩ nhiên, chiến thắng ấy, dù vang dội đến mấy, vẫn không thay đổi được bàn cờ chính trị ở Miến Điện. Lý do là Quốc Hội Miến Điện có đến 664 ghế. 43 trên 45 thì lớn. Cực lớn. Nhưng 43 trên 664 thì lại nhỏ. Quá nhỏ. Họ vẫn là thiểu số. Chỉ chiếm có bảy phần trăm. Hơn 90% số ghế còn lại trong Quốc Hội vẫn nằm trong tay giới quân phiệt vốn nắm vai trò thống trị độc tôn tại Miến Điện từ hơn 20 năm nay.
Hình: Reuters |
Với một thiểu số ít ỏi như vậy, bà Suu Kyi, trong cương vị mới, ít – nếu không muốn nói là không – có cơ hội để mang lại bất cứ sự thay đổi quan trọng nào. Bà đặt ra ba mục tiêu lớn cho nhiệm kỳ của mình: một, thiết lập một nền pháp trị (rule of law); hai, viết lại hiến pháp; và ba, hoà giải với tất cả các dân tộc thiểu số. Không mấy người tin là bà có thể đạt được ba mục tiêu ấy. Ai cũng biết không có bất cứ một điều luật nào đi ngược lại chính phủ có thể được thông qua trong một hoàn cảnh như thế. Không có một cải cách nào có tầm vóc lớn lao có thể được thực hiện khi Quốc Hội vẫn nằm trong tay các lực lượng bảo thủ và độc tài như thế.
Suu Kyi biết tất cả những điều đó. Nhưng bà vẫn quyết định ra tranh cử. Có hai lý do chính: Thứ nhất, bà muốn chứng tỏ thiện chí hợp tác với Thein Sein, tân Tổng thống Miến Điện, trong nỗ lực dân chủ hóa chế độ và giải tỏa vòng vây kinh tế cũng như chính trị của thế giới bên ngoài để nâng cao đời sống của 60 triệu dân, những kẻ đã chịu đựng quá nhiều đau khổ trong suốt mấy thập niên vừa qua. Thứ hai, bà cũng muốn sử dụng diễn đàn Quốc Hội để cất lên những tiếng nói vừa phản ánh được nguyện vọng của dân chúng vừa nhắm đến những người mà bà muốn họ nghe nhất: thế giới bên ngoài.
Bởi vậy, ngay cả khi, ở cương vị mới, Suu Kyi không làm được gì nhiều, bà vẫn hiện diện như một biểu tượng. Trước hết là biểu tượng của khát vọng và ý chí đấu tranh cho tự do và dân chủ, bất chấp mọi đe dọa và nguy hiểm, kể cả những đe dọa và nguy hiểm đối với sinh mạng của chính mình. Ở góc độ này, hầu như không có ai trên thế giới hiện nay có thể sánh được với bà ở cả sự hy sinh lẫn mức độ cao cả của sự hy sinh. Một số người so sánh bà với Nelson Mandela của Nam Phi mấy chục năm trước: cũng đầy lý tưởng và cũng vì lý tưởng mà chịu đựng mọi khổ nạn đằng đẵng từ năm này qua năm khác, thậm chí, từ thập niên này sang thập niên khác. Thứ hai là biểu tượng của tinh thần hòa giải: với bà, chấp nhận ra tranh cử cũng có nghĩa là chấp nhận đối thoại với kẻ thù, những kẻ đã cướp đoạt chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử năm 1990 và sau đó, liên tục tìm cách hãm hại bà, từ việc bắt bà bỏ tù đến việc câu lưu bà tại gia cũng như một số âm mưu ám sát bà nữa. Bà có thù họ không? Chắc chắn là có. Nhưng khi có chút hy vọng thay đổi, bà vẫn nhận lời để đẩy mạnh tiến trình thay đổi ấy cho nhanh hơn. Và đúng hướng hơn.
Khi được một phóng viên hỏi có phải đó là một dấu hiệu thỏa hiệp với bạo quyền hay không, bà Suu Kyi đáp: “Đúng, nếu bạn nói về việc cho và nhận; và Không, nếu bạn muốn nói về sự thỏa hiệp trong bảng giá trị của tôi.” (If you are talking give and take: yes,” she said. “If you talk of compromising my values: no!) Có nghĩa là bà sẵn sàng chấp nhận hy sinh về chiến thuật trong khi vẫn bảo vệ các niềm tin và nguyên tắc về tự do và dân chủ của mình.
Đó chính là một trong những thử thách lớn nhất mà Suu Kyi sẽ phải đương đầu trong thời gian tới: bảo đảm sự cân bằng giữa tính thực dụng và tính lý tưởng. Không ai có thể đoán chắc là bà sẽ thành công hay thất bại. Không khí chính trị ở Miến Điện vốn thất thường và cho đến nay, hầu như vượt ra ngoài dự đoán của giới quan sát và bình luận trên thế giới. Chúng ta chỉ còn một lựa chọn duy nhất: chờ đợi.
Có điều, cho đến giờ phút này, tính chất biểu tượng của Suu Kyi vẫn còn nguyên vẹn. Con người lý tưởng ở bà càng đẹp đẽ hơn trong thời gian trước và sau cuộc bầu cử bổ sung ngày 1 tháng 4 vừa qua. Trong các chi tiết được tường thuật trên các phương tiện truyền thông thế giới, tôi tâm đắc với hai chi tiết:
Thứ nhất, trong cuộc phỏng vấn vào ngày Thứ Sáu 30/3, khi được hỏi bà muốn được nhớ như thế nào, bà đáp: “Tôi muốn mọi người nhớ tôi nhưmột kẻ đã làm xong nhiệm vụ của mình.” (I want to be remembered as someone who did her duty.) Chỉ vậy thôi. Không hơn. Chỉ là nhiệm vụ. Không có chút hơi hướm công thần chủ nghĩa nào cả. Và thứ hai, trong một cuộc phỏng vấn khác, sau khi đã biết kết quả bầu cử, khi được hỏi liệu bà có phải chuyển đến một ngôi nhà mới cho gần với Quốc Hội, cách ngôi nhà nơi bà đang ở đến bốn giờ lái xe, để dễ làm việc hay không, bà đáp: Dĩ nhiên. Rồi nói tiếp: “Đừng quên là tôi có một con chó. Và tôi phải mang con chó theo với mình.”
Một phụ nữ học thức, dòng dõi quý tộc, sau mấy chục năm đấu tranh cho dân chủ, hầu như bị mất tất cả những gì mình yêu quý. Chồng bà bị ung thư và qua đời năm 1999 ở Anh. Trước đó, mấy lần chồng bà xin sang Miến Điện thăm bà nhưng lúc nào cũng bị chính quyền Miến Điện từ chối. Ngày chồng hấp hối, bà không dám sang Anh để vĩnh biệt chồng vì sợ sẽ không được phép quay lại quê hương của mình: Giữa quê hương và chồng, bà đã chọn quê hương. Sau ngày bố chết, hai đứa con trai của bà vẫn sống ở Anh. Mới năm ngoái, người con út, lúc ấy đã 33 tuổi, mới xin được visa sang thăm mẹ lúc bà được trả tự do.
Bao nhiêu năm đằng đẵng, bà sống một mình. Với một lý tưởng chưa biết lúc nào thực hiện được.
Và một con chó.* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét