15.4.12

Từ Bắc Hàn, Cuba, nhìn lại Việt Nam


Cùng là “những nước XHCN anh em,” nhưng những thông tin về Bắc Triều Tiên, Cuba được đăng tải trên báo chí Việt Nam khá là hiếm hoi.
Khung cảnh một làng quê bên trong một nước Bắc Triều Tiên khép kín. Nó nhắc nhở những người dân Việt Nam về một thời kinh tế bao cấp mà không một ai muốn quay trở lại. (Hình: Kim Jae-Hwan/AFP/Getty Images)
Chỉ khi các nước này có những sự kiện gì đó, ví dụ như vụ phóng tên lửa (thất bại) ngày 13 tháng 4 của Bắc Hàn. Hoặc liên quan tới Việt Nam như vụ ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang tận Cuba giảng giải, tuyên truyền về mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tại trường đảng cao cấp Nico Lopez ngày 9 tháng 4 vừa qua…
Thật ra, tin tức từ những quốc gia này, đặc biệt Bắc Hàn, thuộc loại “hàng hiếm” đối với cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Từ lượng thông tin ít ỏi đó, người Việt hiểu được cuộc sống của người dân Cuba, Bắc Hàn. Sự kham khổ, nghèo đói, thiếu vắng hầu như mọi tiện nghi, bị lạc hậu rất xa về nhiều mặt so với tiêu chuẩn của một quốc gia phát triển ở mức trung bình… Và nhất là sự tù hãm về tinh thần, hoàn toàn không có một chút quyền tự do dân chủ nào, bị nhồi sọ, tẩy não, bị bưng bít thông tin…
Ðến mức người dân gần như trở thành những con cừu, con vẹt, chỉ biết một lòng ngợi ca các lãnh tụ, tuyệt đối trung thành và biết ơn cái chế độ đã đày đọa mình và người khác (điều này ở Bắc Hàn hình như nặng nề hơn ở Cuba).
Nhìn vào xã hội Cuba, Bắc Hàn, những người Việt thuộc lứa tuổi từ 30 trở lên lại giật mình nhớ lại hình ảnh của xã hội xã hội miền Bắc trước năm 1975 và của cả nước thời bao cấp, đêm dài trước khi đổi mới.
Cái thời khốn khó tù túng ngột ngạt mà nếu có kể lại e thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ cũng không sao hình dung nổi.
Cái thời con người hoàn toàn phụ thuộc vào sổ gạo, tem phiếu. Suốt ngày xếp hàng chen lấn để được mua từng ký gạo độn mì, sắn, bo bo, cao lương, từng miếng thịt bạc nhạc, bốc thăm chia nhau từng cuộn chỉ cây kim cái quần đùi…
Cái thời mà mọi thứ đều được quốc hữu hóa, đều do nhà nước kiểm soát, khu vực tư nhân hoàn toàn bị triệt tiêu. Con người giống nhau từ loại vải mặc trên người cho đến kiểu may, từ cách nhìn nhận đánh giá sự việc cho đến cả yêu ghét, ước mơ… Ðời sống tinh thần thì bị nhồi sọ có khác gì Bắc Hàn.
Cho nên, cảm xúc của người Việt khi nhìn vào cuộc sống của người dân ở các “nước bạn,” chắc chắn phải khác với cảm xúc của những người chưa bao giờ sống trong những xã hội giống như thế. Ðã từng trải qua, chúng ta mừng vì dân Việt dù sao cũng còn… sung sướng hơn! Và chắc chắn rằng không một ai muốn quay trở lại giai đoạn đó nữa.
Mặt khác, cũng như thế giới, người Việt cảm thấy khó hiểu vì sao người dân Cuba, Bắc Hàn có thể chịu đựng được một cuộc sống, một xã hội, chế độ như vậy, vào những năm tháng của thế kỷ XXI này. Khi chính Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa cũ đã phải sụp đổ, phải từ bỏ hoàn toàn cái mô hình thể chế chính trị xã hội cũng như đường lối, nguyên tắc phát triển kinh tế sai lầm ấy.
Cuba đã bắt đầu có những thay đổi. Từ sự thừa nhận của chính lãnh tụ Fidel Castro rằng mô hình kinh tế của Cuba không còn phù hợp nữa. Ngược lại, tuyên bố mới đây nhất của Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Bắc Hàn là:
“Chúng tôi trang trọng và quả quyết tuyên bố rằng các chính trị gia ngu ngốc trên khắp thế giới, bao gồm cả những kẻ bù nhìn ở Hàn Quốc, đừng có mong bất cứ sự thay đổi gì từ phía chúng tôi.” (BBC, “Bắc Hàn: Ðừng mong chúng tôi thay đổi”).
Khi so sánh với Cuba, Bắc Hàn, với chính Việt Nam thời chiến tranh, thời bao cấp, câu nói cửa miệng của nhiều người Việt là dù sao bây giờ Việt Nam cũng đỡ khổ hơn nhiều.
Nhưng chúng ta lại thường quên so sánh với các nước láng giềng. Trước năm 1975 so với miền Nam, các nước Nam Hàn, Singapore, Thái Lan… ra sao và bây giờ sau 37 năm Việt Nam cách các nước này bao nhiêu năm?
“Theo báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân Hàng Thế Giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.
Báo cáo này căn cứ vào tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người tính theo giá cố định trong giai đoạn 2001-2007 của các quốc gia và kết luận “thực tế là Việt Nam sẽ phải rất lâu mới theo kịp được.” (“Giật mình với thu nhập của người Việt Nam so với khu vực, Thời báo Kinh tế Sài Gòn).
Ðó là mới nói đến mỗi khía cạnh thu nhập, và chỉ mới so sánh với các nước ASEAN!
Trong khi không thể hiểu nổi những gì đang xảy ra ở Bắc Hàn, chúng ta nhiều khi cũng không biết rằng nhiều quốc gia trên thế giới cũng không thể hiểu nổi Việt Nam.
Tất cả những gì mà chúng ta đang chịu đựng và cho là bình thường thật ra là hoàn toàn bất bình thường, bất hợp lý, không thể chấp nhận được ở những quốc gia có mô hình thể chế chính trị tự do dân chủ đa nguyên đa đảng pháp trị.
Sẽ không thể có ở những quốc gia như vậy, tình trạng người dân không có bất cứ quyền gì kể cả quyền yêu nước và biểu tình phản đối nước khác xâm lược biển, đảo của mình.
Nơi mọi lời góp ý, phản biện, kêu ca, mọi nỗi thống khổ, vụ án oan sai của người dân đều rơi vào khoảng không. Nơi những con người vì nói sự thật mà phải vào tù, vào trại giáo dục cải tạo nhân phẩm… Nơi ngày càng nhiều những người dân khỏe mạnh bước vào đồn công an để “làm việc” khi trở ra là cái xác…
Sẽ không thể có ở những quốc gia như vậy, người dân phải còng lưng đóng thuế nuôi một bộ máy đảng và nhà nước cồng kềnh nhưng lại không được cái nhà nước ấy lo cho cái gì. Từ học phí, viện phí, lúc đau ốm, thất nghiệp, khi tai nạn hay bị tàn tật… người dân đều phải tự lo.
Sẽ không thể có ở những quốc gia như vậy, tình trạng phổ biến những ông quan to quan nhỏ dốt nát, nói ra câu nào là người dân té ngửa câu đó. Ðưa ra chính sách gì nếu không phù hợp với lòng dân thì cũng không phù hợp với thực tế xã hội, và sẽ bị phá sản chỉ sau một thời gian ngắn.
Bằng cấp thì nhiều, gian hùng có thừa, nhưng cái tâm cái tầm thì thiếu, xem dân, xem dư luận như cỏ rác, xem trách nhiệm nhẹ tựa lông hồng, khi làm sai một lời xin lỗi cũng không có, nói gì đến văn hóa từ chức!
Sẽ không thể có tình trạng ngày càng nhiều những vụ làm ăn thua lỗ, thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng Việt Nam tức hàng chục triệu đô la Mỹ của hàng loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước to đùng. Chủ yếu là do tham nhũng, điều hành quản lý kém cỏi, xài tiền thuế của dân như tiền chùa nhưng lại không hề phải chịu trách nhiệm gì, trừ một vài con chốt bị thí. Cuối cùng gánh nợ đó người dân phải gánh.
Và còn muôn vàn nghịch lý nữa… Người ngoài không thể hiểu nổi. Vậy mà chúng ta vẫn đang sống, đang quen dần đến mức không còn biết là cái xã hội, cái cuộc sống ấy khác với phần lớn các nước ra sao.
Trong khi chúng ta nhìn sang Cuba, Bắc Hàn bằng cặp mắt của những người đã có những trải nghiệm tương tự, thì người dân tại các nước từng chịu sự lãnh đạo của các đảng cộng sản và nay đã thay đổi, thoát ra như Nga, Ðông Ðức, Ba Lan… cũng đang nhìn vào chúng ta với cặp mắt như vậy.
Bao giờ thì những câu chuyện phi lý ngày hôm nay ở Việt Nam sẽ được nhắc đến với một cảm giác không thể hình dung nổi, như những câu chuyện về cái thời bao cấp?
Khác với người dân Bắc Hàn, và cũng may mắn hơn, người Việt trong nước không hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài, và tỷ lệ số người còn thực sự mù quáng tin vào đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam cũng không nhiều.
Nhưng chúng ta lại có cái nguy khác trong cách nhìn, cách nghĩ. Ðó là luôn tự an ủi, tự bằng lòng dù sao bây giờ cũng đỡ khổ hơn trước kia, là cảm giác đã quen dần với mọi thứ phi lý đến mức không còn muốn thấy gì nữa!

Không có nhận xét nào: