15.4.12

Chính sách chống ma túy : các nước châu Mỹ Latinh phản đối Hoa Kỳ



Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ cử ba năm hay bốn năm mới diễn ra một lần (Reuters)
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ cử ba năm hay bốn năm mới diễn ra một lần (Reuters)

Trọng Thành
Về thời sự quốc tế, Le Figaro chú ý đến hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ lần thứ 6, khai mạc hôm nay thứ Bảy 14/04/2012 tại Cartagena (Colombia) với nhận định, nguyên thủ các nước Mỹ Latinh chất vấn Hoa Kỳ về chính sách đối với ma túy và về việc Hoa Kỳ không muốn Cuba tham gia vào các định chế khu vực qua hồ sơ « Mỹ Latinh phản đối Hoa Kỳ ».

Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế người Achentina Gabriel Tokatlian, kể từ khi dự kiến thành lập một khu vực trao đổi tự do ở Châu Mỹ tại thượng đỉnh 2005 bị thất bại, Washington dường như không còn dự án nào cho khu vực này. Lời hứa hẹn của tổng thống Obama vào năm 2009, tại Trinidad, sau khi vừa đắc cử, là sẽ quan tâm đặc biệt đến các láng giềng phía Nam, đã không trở thành hiện thực.
Một trong những điều chủ yếu khiến quan hệ giữa các nước Mỹ Latinh và Hoa Kỳ trở nên trầm trọng là nạn buôn lậu ma túy mà Hoa Kỳ là điểm đến chính. Trong những năm gần đây, các nước vùng Trung Mỹ như Salvador, Honduras và Guatemala, đã trở thành khu vực nguy hiểm nhất trên hành tinh. Tại Honduras, con số người bị thiệt mạng liên quan đến ma túy hàng năm là 174 người/100.000 dân cư. Tại Mêhicô, cuộc chiến chống các băng đảng ma túy nơi trung chuyển của 90% lượng ma túy vào Mỹ, khiến 50.000 người chết kể từ năm 2006. Ma túy được đưa từ Mêhicô vào Mỹ, rồi vũ khí từ Mỹ được chuyển lại qua Mêhicô. Một số nhóm buôn lậu ma túy được thành lập ngay tại Hoa Kỳ.
Đứng trước tình trạng hết sức tồi tệ này, nhiều nguyên thủ Châu Mỹ Latinh cho rằng, cần phải thay đổi chiến lược đối phó với nạn buôn lậu ma túy, bởi cuộc chiến như hiện nay đã hoàn toàn thất bại, lượng ma túy cung cấp và tiêu thụ tăng cao chưa từng thấy kể từ 40 năm nay.
Trong bối cảnh này, sáng kiến hợp pháp hóa một số loại ma túy được đưa ra xem xét như một đề nghị nghiêm túc. Lãnh đạo của nhóm think-tank Inter-American Dialogue nhận xét, các tổng thống Colombia và Mêhicô – các nước nhận được hàng tỷ đô la tài trợ của Hoa Kỳ cho cuộc chiến chống ma túy - đều nhận thấy, xã hội dân sự đã phải trả một cái giá quá đắt cho cuộc chiến này, trong khi nhu cầu của những người tiêu thụ tại Hoa Kỳ lại chính là nguyên nhân kích thích việc sản xuất và buôn lậu ma túy.
Cũng về chủ đề này Libération có bài « Cocaine len vào thượng đỉnh Châu Mỹ ». Tờ báo cho biết, nhiều lãnh đạo Mỹ Latinh lên án chính sách chống ma túy bằng đàn áp, quá tốn kém, quá đẫm máu và không hiệu quả. Bị cô lập, tổng thống Obama buộc phải chấp nhận thảo luận về chính sách ma túy tại Cartagena.
Về chủ đề này, Le Figaro có cuộc phỏng vấn với ông Juan Gabriel Tokatlian, chuyên gia khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, về chủ đề hợp pháp hóa một số loại ma túy để đối phó với nạn buôn lậu. Ủng hộ việc đưa đề tài này ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Châu Mỹ, chuyên gia người Achentina nói, cùng với giải pháp kể trên, việc thành lập một tòa án hình sự của khu vực Trung Mỹ để trừng phạt các tội phạm ma túy hay việc các nước là điểm đến của ma túy phải chịu các khoản đóng góp tương đương với lượng ma túy bắt được tại các nước Trung Mỹ, … là các đề nghị có lý, cần được đưa ra xem xét. Theo ông, chính sách của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống ma túy đã hoàn toàn thất bại.
Theo Le Figaro, bối cảnh hiện tại ở Châu Mỹ Latinh không thuận lợi cho tổng thống Mỹ, đang ở ngưỡng cửa của cuộc tranh cử tổng thống. Các nước Nam Mỹ đã cho thấy họ có thể giữ được độc lập trong quan hệ kinh tế với các nước Phương Tây, bằng cách phát triển hợp tác với Châu Á. Brazil, cường quốc mới của khu vực đang nỗ lực thoát ra khỏi cái ô bảo trợ của Hoa Kỳ. Sự bực bội của Washington với Brazil, theo Le Figaro, còn được thể hiện qua việc tổng thống Obama không muốn đón tiếp trọng thể tổng thống Brazil bên lề hội nghị G8 tại Washington, như ông đã từng làm với thủ tướng Anh mới đây.
Cùng với cuộc tranh luận về chiến lược chống buôn lậu ma túy, việc Hoa Kỳ kiên quyết không chấp nhận để Cuba tham gia vào các định chế của khu vực cũng là điều gây bất bình đối với nhiều nước Mỹ Latinh. Tổng thống Ecuador đã quyết định tẩy chay tất cả các hội nghị thượng đỉnh của châu lục, chừng nào Cuba chưa được tham gia. Tổng thống Colombia thậm chí đã phải bay tới La Habana để giải thích với chủ tịch Cuba, lý do vì sao lại không thể mời được người đồng nhiệm Cuba tới hội nghị Châu Mỹ, mà Colombia là nước chủ nhà.
Được biết, Cuba bị loại khỏi OEA, liên minh của các quốc gia châu Mỹ vào năm 1961. Quyết định loại trừ này đã được đình lại vào năm 2009, tuy nhiên để Cuba có thể hội nhập hoàn toàn vào định chế này, Washington yêu cầu La Habana phải tôn trong hiến chương nhân quyền mà Cuba đã ký vào năm 2001. Theo một chuyên gia, chính phủ Mỹ khó lòng thay đổi quyết định này vào thời điểm chỉ còn vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống. Về vấn đề này, thái độ của các nước Nam Mỹ là rất kiên quyết. Tổng thống Columbia vừa đưa ra tuyên bố, đây là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Châu Mỹ mà không có Cuba.
Dù thất bại đau đớn, việc Bắc Triều Tiên thử tên lửa cho thấy sự bất lực của cộng đồng quốc tế
Về vụ thử tên lửa thất bại của chính quyền Bình Nhưỡng, Libération có bài « Dù lỡ trớn, hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên cũng gây trở ngại cho Obama ».
Theo Libération, điều đặc biệt mới lần này, là Bắc Triều Tiên đã thừa nhận thất bại của vụ bắn thử. Le Monde, với bài « Bình Nhưỡng thất bại đau đớn trong vụ phóng tên lửa », nhận xét, vụ bắn hỏng càng đau đớn hơn khi Bình Nhưỡng đã mời đến hơn 200 phóng viên nước ngoài tới trường phóng tên lửa.
Libération dẫn lời chuyên gia Nga về Triều Tiên Andrei Lankov, thất bại này có thể là một sai lầm của ông Kim Jong-un, trẻ tuổi và chưa có kinh nghiệm. Chuyên gia Nga nhắc lại rằng, mặc dù các vụ phóng trước cũng thất bại, nhưng cố lãnh đạo Kim Jong-il trước đây không bao giờ tiến hành cùng một lúc việc thương thuyết với Hoa Kỳ và việc thử tên lửa. Thất bại của cú thử tên lửa của Bình Nhưỡng cho phép chính quyền Obama giảm nhẹ tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ bất lực trước Bắc Triều Tiên. Đây là điều chứng tỏ các trừng phạt đối với Bình Nhưỡng là « có hiệu quả », cụ thể là đã cản trở không cho chế độ này có được các hệ thống điện tử có chất lượng.
Tuy nhiên, theo Libération chỉ riêng việc Bắc Triều Tiên tiến hành khiêu khích như vậy cũng khiến ông Obama bị thất bại trên ba lĩnh vực. Thứ nhất là chính sách hòa bình với các quốc gia thù địch, thứ hai là nỗ lực phi hạt nhân hóa toàn cầu và thứ ba là tham vọng ngoại giao tại Châu Á.
Chỉ còn vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đảng Cộng hòa có dịp để chỉ trích tổng thống mãn nhiệm « có năng lực kém », thay vì cứng rắn với Bắc Triều Tiên, thì lại tỏ ra nhân nhượng với một kế hoạch viện trợ thực phẩm « ngây thơ » và chỉ kéo dài không được bao lâu. Nhìn chung, theo Libération vụ bắn thử tên lửa của Bình Nhưỡng một lần nữa chứng tỏ sự bất lực của cộng đồng quốc tế. Ông James Acton, thuộc nhóm de Carnegie, nhận định, với Bắc Triều Tiên không còn có giải pháp nào. Trừng phạt, hay đối thoại, đều đã được đưa ra thử, mà không có kết quả.
Châu Âu : nạn thất nghiệp trong giới trẻ và sự cứng nhắc của thị trường lao động
Trở lại Châu Âu, vấn đề thất nghiệp trong giới trẻ là chủ đề được Le Monde quan tâm qua bài « Tại Châu Âu, nạn thất nghiệp bùng nổ trong giới trẻ », với nhận định ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, cứ hai thanh niên, thì có một thất nghiệp, các chuyên gia lên án sự cứng nhắc của thị trường lao động.
Tại Hy Lạp - quốc gia vừa mới thoát khỏi tình trạng trên bờ vực thẳm -, cơ hội tìm được việc làm của giới trẻ dưới 25 tuổi, chỉ là 50%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 21,8%. Thất nghiệp trong giới trẻ ở Tây Ban Nha cũng tương tự. Cần lưu ý là, tình hình rất khác giữa khu vực phía Nam của Châu Âu và khu vực phía Bắc. Thất nghiệp của người trẻ ở các nước Đức, Hà Lan hay Áo chỉ là khoảng từ 8 đến 9%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các số liệu kể trên cần được nhìn nhận một cách thận trọng, vì tại nhiều nước tỷ lệ thất nghiệp của lứa tuổi 15-25 là rất cao, vì nhiều người vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, ví dụ như ở Pháp, nếu không tính lượng thanh niên đang theo học tại các trường đại học, thì tỷ lệ thất nghiệp chỉ là hơn 8%, so với tỷ lệ hơn 22% nếu tính trên toàn bộ thanh niên trong độ tuổi này, năm 2010.
Theo Le Monde điều đáng lo ngại là, hiện tượng những người trưởng thành làm các lao động đơn giản, không cần đào tạo ngày càng nhiều. Đây không phải là một hiện tượng mới, nhưng ngày càng phát triển trong khoảng 15 năm trở lại đây, với các ngành dịch vụ. Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp nhìn chung thích tuyển dụng những người mới không cần phải đào tạo họ.
Bên cạnh đó, sự đối lập giữa các hợp đồng cả đời, được bảo đảm, với các hợp đồng ngắn hạn bấp bệnh của giới trẻ trên thị trường là điều bị các chuyên gia lên án.
Chỉ còn có một điểm tương đối sáng sủa, đó là thời gian trung bình cho một thanh niên tìm được việc làm, là ít hơn so với những người lớn tuổi hơn. Ví dụ, tại Pháp, giới trẻ trung bình cần 143 ngày để tìm được việc, trong khi đó lớp tuổi 25-49 cần 263 ngày, còn những người trên 50 trung bình cần đến 407 ngày.
Việc hàng loạt người phải làm các công việc không cần bằng cấp chuyên môn như họ được đào tạo, khiến nền giáo dục của một quốc gia mất đi ý nghĩa. Le Monde cũng nhấn mạnh những nguy cơ của nạn thất nghiệp đối với giới trẻ, về mặt tâm lý, như tự ti hơn, sức khỏe yếu đi, nguy cơ tự sát cao, mất tin tưởng vào các định chế ...
Trang nhất các nhật báo Pháp
Cuộc tranh cử tổng thống là chủ đề trên trang nhất của nhiều nhật báo chính. Le Figaro chạy tựa : « Cuộc mít tinh tại Concorde. Cuộc tấn công lớn của ông Sarkozy », để nhắc tới cuộc tập hợp lớn tại trung tâm Paris vào ngày mai của những người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm - ứng cử viên, bên cạnh một cuộc tập hợp khác tại Lâu đài Vincennes, ngoại ô Paris của ứng cử viên cánh tả Hollande. Trong khi Le Monde chú ý tới việc « Ê kíp của ông Sarkozy bị chia rẽ trong chiến lược tranh cử giai đoạn cuối », thì Libération hướng cái nhìn vào việc đối chiếu dự án kinh tế của hai ứng cử viên hàng đầu Hollande-Sarkozy với hàng tít : « Thuế : Trận đánh lớn ».
TAGS: CHÂU MỸ - HOA KỲ - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: