15.4.12

Giải pháp nào cho Biển Đông - phần 3



2012-04-14
Vấn đề Biển Đông ngày một biến dạng vượt khỏi những dự đoán của giới quan sát quốc tế.
EyePress News
Thủy thủ Việt Nam trên đảo Phan Vinh trong quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên điều Việt Nam cần hiện nay vẫn là sự chuẩn bị tất cả mọi phương tiện nhằm đối phó với Trung Quốc trong lúc nước này đã và đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách lộ liễu.
Trong bối cảnh này, Mặc Lâm thực hiện loạt bài tìm hiểu và lấy ý kiến của những chuyên gia về Biển Đông, các Luật gia, nhà báo cũng như các vị đại sứ từng hiểu biết sâu sắc vấn đề nhằm tìm ra một câu trả lời tương đối thỏa đáng có thể giải quyết bài toán hóc búa này.
Khách mời của chúng tôi hôm nay là Nhà báo Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động từ năm 1988 tới năm 1994. Trước tiên ông cho biết ý kiến của ông về thực tế của 16 chữ vàng mà dư luận đang rất chống đối hiện nay.
Nhà báo Tống Văn Công: Mười sáu chữ vàng, nội dung của nó tức là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, đó là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, mà cũng là nguyện vọng của nhân dân Trung Quốc, tức là nhân dân Việt Nam làm cho nhân dân Trung Quốc thấy rằng đó là nguyện vọng chung.
Những người cầm quyền Trung Quốc bịp bợm, họ nói một đàng để mà ru ngủ, lợi dụng, thao túng những người cầm quyền Việt Nam, mà nhân dân hai nước thì chắc chắn thật sự mong muốn điều đó. Những người Việt Nam chân chính kêu gọi nhân dân Trung Quốc buộc nhà cầm quyền của họ thực hiện cái nguyện vọng đó của hai dân tộc.

Công khai chính nghĩa

HQ-604-250-youtube.jpg
Tàu vận tải HQ-604 bị tàu chiến Trung Quốc nã pháo, bắn cháy, đang chìm xuống biển ngày 14-3-1988. Ảnh lấy từ youtube do TQ quay lại
Mặc Lâm: Vâng. Nhưng mà thưa ông, để thực hiện những điều mà ông vừa nói thì bằng cách nào? Vì Việt Nam so với Trung Quốc rất yếu kém về nhiều mặt, từ kinh tế, quân sự cho tới sự đoàn kết trong và ngoài nước như hiện nay?
Nhà báo Tống Văn Công: Mặc dầu nội lực của mình yếu hơn nhưng mà thế của mình là thế chính nghĩa nó cao hơn. Bao giờ chính nghĩa nó cũng nhân cái sức mạnh lên gấp bội, thế mà tại sao chúng ta lại không dám đấu tranh với họ để mà thực hiện “mười sáu chữ vàng”?
Những vấn đề lịch sử thì mình phải công khai, thẳng thắn. Ví dụ như phía họ mà họ viết tiểu thuyết, họ đề cao bọn xâm lược 6 tỉnh phía Bắc, đề cao Hứa Thế Hữu tại sao ta không có dám phê phán quyển sách đó là nó phá hoại tình hữu nghị? Những tấm bia lịch sử lên án quân xâm lược ở các tỉnh biên giới phía Bắc thì phải giữ gìn trân trọng, tại sao mình lại đục phá đi? Những ngày lịch sử thì mình cũng phải kỷ niệm đàng hoàng và mình phải có xã luận để nói ai đúng ai sai.
Những tấm bia lịch sử lên án quân xâm lược ở các tỉnh biên giới phía Bắc thì phải giữ gìn trân trọng, tại sao mình lại đục phá đi?
Nhà báo Tống Văn Công
Phía bên kia thì họ ra rả, thậm chí họ khiêu khích mình, còn ở đây thì mình chỉ nói đúng cái sự thật, rút ra những bài học lịch sử để cho nhân dân mình và nhân dân Trung Quốc biết. Ví dụ như ngày Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh phía Bắc của mình ngày 17 tháng 2, tại sao mình lại làm thinh, mình không nói gì cả? Cái ngày mà Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bây giờ có khi hỏi nhân dân mình thì nhiều người không biết, thậm chí đã có những cán bộ đảng viên cho Hoàng Sa – Trường Sa là bãi hoang chim ỉa.
Vừa qua có chuyện hai cháu một là người Trung Quốc và người kia là Việt Nam mình ở bên Mỹ đối thoại với nhau về chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa. Cháu người Trung Quốc nói rất là mạch lạc, còn cháu người Việt Nam mình thì chỉ biết nói rằng Hoàng Sa là của mình mà không có nói lý lẽ gì hết, rồi khóc, trùm mền, bỏ cơm. Đó là cái lỗi của ta rất là lớn. Chính là vì nhân dân mình không biết, cán bộ mình không biết làm cho thế chính nghĩa của mình bị che lấp, không khơi dậy được nhận thức của toàn dân thì không thể có sức mạnh. Người Việt Nam không hiểu việc của mình thì làm sao thế giới người ta ủng hộ mình?

Chính sách mâu thuẫn

000_Hkg5049235-250.jpg
Công an trấn áp người dân trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội. AFP photo
Mặc Lâm: Thưa ông, chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc hình như không được nhất quán khi mà một mặt Việt Nam vẫn ca tụng tình hữu nghị giữa hai nước và khái niệm “vì đại cuộc” vẫn được đưa lên hàng đầu trong những văn bản chính thức của hai nước. Tuy nhiên cũng chính Bộ Ngoại giao khi lên tiếng về vụ Trung Quốc bắt giữ ngư dân và tổ chức du lịch Hoàng Sa vừa rồi thì đã nhiều lần dùng từ rất nặng là “phi pháp”. Mà một nước khi đã phi pháp với mình thì làm sao có thể giao hảo được, thưa ông?
Nhà báo Tống Văn Công: Tôi cũng thấy là nó không nhất quán, nó thể hiện ở nhiều chỗ rất mâu thuẫn. Ví dụ như cái phim “Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát” nó có cái gì là sai sự thật đâu? Nó hoàn toàn nói lên nguyện vọng, nói lên hoàn cảnh cụ thể của những ngư dân Việt Nam bị đày ải, bị hành hạ một cách vô lối, sai luật pháp quốc tế. Thế mà mình lại không dám bênh vực, mình vẫn sợ, mình không dám chiếu!
Hoặc khi người dân của mình lên tiếng “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” tại sao mình lại cấm? Cái cách cư xử của chúng ta nó làm người trong nước khó hiểu huống gì người ngoài nước! Những lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao vừa rồi nói rất là mạnh mẽ nhưng mà rất là sáo mòn, thành ra nó không có sức thuyết phục.
Hoặc khi người dân của mình lên tiếng “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”tại sao mình lại cấm?
Nhà báo Tống Văn Công
Hồi đầu tháng 3 hai bên tuyên bố thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam với Trung Quốc, thế mà một tháng qua đường dây nóng tại sao nó lại không hoạt động? Mục đích đặt ra cho nó rất là rõ ràng tức là để tăng cường quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, triển khai cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh để mà duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. Những điều này đúng với việc mà đường dây nóng được thiết lập, thì tại sao đường dây nóng lại không hoạt động?
Hay là nó có hoạt động mà phía bên kia có lý lẽ bào chữa cho cái quyền mà họ làm, nhưng mà ta thì coi như việc riêng nên không công bố nội dung đó? Nếu không công bố thì rất là vô lý.
Theo tôi, phía bên kia lý lẽ của họ như thế nào thì mình cứ công khai ra, tức là mình cũng tỏ ra rất bình đẳng, rất là tôn trọng người ta, để cho nhân dân trong nước mình với nhân dân thế giới cùng nghe, ai phải ai trái, tại sao mình không làm cái đó? Nếu làm được như vậy thì tôi nghĩ rằng bên phía Trung Quốc họ cũng thấy là họ đuối lý, bởi vì cái lý họ đâu có! Họ chỉ nói ngang rằng Hoàng Sa là của họ, không cần bàn cãi.

Đoàn kết dân tộc

Cú đạp lịch sử vào lòng yêu nước- RFA screen shot
Cú đạp lịch sử vào lòng yêu nước- RFA screen shot
Mặc Lâm: Theo ông, nếu nhà nước tiếp tục che giấu thông tin hay nói chính xác hơn là họ không muốn cho dân chúng biết những thông tin mà Trung Quốc đối với Việt Nam thì người dân có đồng thuận hay không? Và trong thời gian qua việc che giấu thông tin này đã có những kết quả nào thấy được?
Nhà báo Tống Văn Công: Người Việt Nam trải qua lịch sử lâu dài rất nhạy cảm với họa ngoại xâm. Mọi động thái trong bang giao của nhà nước đều được toàn dân chăm chú, lắng nghe, thẩm định, do đó nếu chúng ta không có một đối sách minh bạch đối với Trung Quốc, ứng phó từng trường hợp. Về lâu dài có những trường hợp bất nhất, nhiều khi nhượng bộ vô nguyên tắc thì tình trạng đó gây nghi hoặc, gây phân tâm trong đảng viên, trong cán bộ, trong nhân dân. Lẽ ra trước tình thế hiện nay thì mọi việc làm đều phải nhằm đoàn kết được toàn dân tộc, nhất trí chống lại kẻ thù bên ngoài.
Lẽ ra trước tình thế hiện nay thì mọi việc làm đều phải nhằm đoàn kết được toàn dân tộc, nhất trí chống lại kẻ thù bên ngoài.
Nhà báo Tống Văn Công
Chúng ta có những chuyện rất là đáng buồn. Ví dụ như đảng viên Nguyễn Chí Đức đi biểu tình, bị bắt, bị lôi như là súc vật, bị đạp giày lên mặt. Các nhà trí thức, các nhà văn hóa hàng đầu đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn cũng bị xếp một rọ với bọn phản động. Yêu cầu đính chính, xin lỗi cũng không đính chính, không xin lỗi.
Những buổi tổ chức thuyết trình về Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng bị ngăn cản. Những buổi chiếu phim “Hoàng Sa – Nỗi đau Việt Nam” gần đây thì cũng bị cấm đoán mà không giải thích. Tất cả những chuyện đó gây một hiệu ứng tâm lý rất xấu, phá hoại sức mạnh đoàn kết dân tộc rất nguy hiểm.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những biểu hiện trong cách xử lý của chính quyền cho thấy nhà chức trách Việt Nam có những biểu hiện không tin dân, thậm chí là sợ dân, cho rằng dân có thể bị bọn phản động xúi giục, lôi kéo. Đó là một nhận thức rất lệch lạc, gây tác hại rất lớn nếu như không mau chóng khắc phục được.

Thái độ dứt khoát

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009.Source lysonforum.
Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009.Source lysonforum.
Mặc Lâm: Xin quay trở lại vấn đề đang bức bối hiện nay: theo ông thì Việt Nam cần làm gì để việc bắt giữ ngư dân Việt Nam của Trung Quốc phải chấm dứt trong khi chờ đợi một giải pháp chung do quốc tế đưa ra nếu có?
Nhà báo Tống Văn Công: Lẽ ra ta phải có một văn kiện chính thức của chính phủ Việt Nam nói về chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa có đầu có đuôi để làm văn kiện cơ bản. Và phải có mặt trên tất cả các diễn đàn trên thế giới, không phải chỉ ASEAN. Phải đấu tranh với họ về vấn đề chủ quyền của chúng ta trên hai quần đảo này.
Như việc họ bắt ngư dân ta cho tới nay vẫn chưa thả tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình phải đưa việc này ra trọng tài quốc tế. Mình phải công khai đòi hỏi phía Trung Quốc, nếu mà song phương để đối thoại về chủ quyền Hoàng Sa thì phải có tiếng nói yêu cầu họ trả lời dứt khoát. Nếu mà song phương không được, trong thời hạn nào đó – phải có thời hạn – để tiến hành đấu tranh ở đa phương, chớ không thể nói cho qua như là nói không biết đến bao giờ có thời hạn cuối cùng thì không thể được.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Tống Văn Công đã dành thời gian cho chúng tôi trong ngày hôm nay.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: