Trịnh Sơn (Nguyentrongtao.com) - Bây giờ thì sao rồi? Một dân tộc nói không dám nói, khóc không dám rơi nước mắt? Một nhà báo là “đại diện cho ngôn luận nhân dân” (như lời Uncle Ho đã từng căn dặn) lại tự nhận mình “thấp cổ, bé họng” thì hỡi ôi, lũ dân đen ba chìm bảy nổi học hành hóng hớt quanh năm vất vả cơm áo gạo tiền làm sao mà còn có cổ có họng để mà bé để mà thấp? Chợt nhớ câu văn của cụ Nguyễn Tuân:
“Nước ta là một pháp trường trắng. Không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết!”. Thời đại của tôi, đã bắt đầu thấy linh hồn rơi vãi từ quan trường ra đường xá, bắt đầu nghe mùi tanh của máu rồi, cụ Vang bóng một thời ạ!..
“Nước ta là một pháp trường trắng. Không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết!”. Thời đại của tôi, đã bắt đầu thấy linh hồn rơi vãi từ quan trường ra đường xá, bắt đầu nghe mùi tanh của máu rồi, cụ Vang bóng một thời ạ!..
*
Một thầy giáo ghé thăm tôi. Mang theo một bài thơ. Đọc xong, hai thầy trò cúi mặt nhìn ly rượu, thầy khóc. Có chuyện gì mà đến nông nổi vậy chứ? Đàn ông con trai gì mà yếu đuối quá vậy? Lưng dài vai rộng sao lại òm èm cảm tức như đàn bà vậy?
- Không thể làm gì hơn được, em à!
Lại khóc. Giọt nước mắt của một nhân sĩ trí thức, đã từng đứng trước bao nhiêu thế hệ học trò, đã từng trải qua bao nhiêu biến cố sóng động của đất nước, cớ làm sao?
Bài thơ như thế này:
CÂU HỎI NGHÌN NĂM
Thế kỷ đi qua một thập niên
Bao điều ghét nhớ lại không quên
Hoàng Sa giặc đến co chân chạy
Bauxite hùm sang cắn miệng rên
Tham nhũng nghe quen thành chuyện vặt
Người nghèo thấy khó ngóc đầu lên
Bạn thù ai sẽ là tri kỷ?
Câu hỏi nghìn năm chẳng lặng yên
(MINH HUY )
Khóc cùng đất nước thì cứ khóc nữa đi Thầy ạ. Rượu suông này, kẻ phàm phu uống tìm say. Người quân tử nốc vào thấm mật đắng.
Rồi thầy lại hỏi :
- Em đang viết gì?
- Một chút lá cải để kiếm cơm thôi, chứ còn biết viết gì nữa!
- Uổng công tôi dạy cho các em viết lách… Mà thôi, chính tôi cũng không thể viết như tôi muốn mà. Cầm bút lên mà cán bút thì người ta đã kiềm giữ rồi thì ngòi bút nào còn đạo với hạnh nữa chứ!
Tội nghiệp thầy tôi! Nhưng, thầy ơi, bồi bút cũng có nhiều loại bồi bút, từ mạt hạng bán nước cầu vinh cho tới thượng hạng ngụy trang hiền thánh. Chúng ta còn ý thức được nghĩa vụ ngòi bút của mình, thì dù cho cán bút kia có bị ai cầm nắm kiềm giữ, vẫn biết cày mòn trang đời, trang sử theo cách của nó.
Bao nhiêu học trò của thầy, từ giảng đường bước ra chiến trường, từ chiến trường lửa đạn lại bước vào chiến trường quyền lực khi hòa bình, bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ – Ai còn giữ cho mình một chút xíu kháng thể trước bao nhiêu khối u nhọt bọc đường của thời đại này?
- Cố gắng lên, em nhé! Không làm được như Phùng Hưng, cũng phải có tí ti Phùng Quán.
Tôi tiễn thầy ra cổng. Ngất ngư chiều thứ bảy. Đường phố đông đúc kia có biết có một người rất yêu thương nó đang lầm chẫm dắt xe đi, có thể ngã bất cứ lúc nào.
Vào phòng, nhận email của một người quen.
“Những ngày gần đây, với nhiều biến chuyển đang diễn ra chung quanh mình, người viết chúng ta ai cũng đang suy nghĩ làm sao để viết ra cái gì có ý nghĩa, thay vì tạo ra những thứ hoang đường, phù phiếm, hoặc nông cạn theo thời…”
Anh ơi! Thế kỷ của chúng ta đã có quá nhiều hoang đường phù phiếm rồi, tất nhiên, những cái có ý nghĩa sẽ chìm xuống đáy theo nguyên lý bình thường nhất. Phùng Quán đi dây ngót nghét mấy mươi năm trước, bây giờ, sợi dây ấy đã biến ảo thành trái cầu trơn nhẵn xoay vòng. Người viết, nếu muốn đứng được trên trái cầu ấy, không thể không nhún nhảy biến chuyển 2 bàn chân để giữ cân bằng cho bản thân mình. Có khác nào những nghệ sĩ xiếc: bóc lột thú vật, uốn éo vặn vẹo bản thân, phóng dao, phun lửa… ? Có khác nào mấy anh hề bôi vẽ mặt mày cho người ta cười thỏa thuê tấm vé rẻ tiền?
Đã có một thời, Sài Gòn trước 1975, văn chương nghệ thuật là hủ rượu nồng. Khi giải phóng, chính quyền cho thiêu hủy hết với lý do: Tất cả những thứ ấy là cặn bã, là rác rưởi, là ru ngủ, xếp cùng rổ với ma túy và rượu mạnh.
Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
Các anh từ Bắc vào Nam
Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc
Các anh đến
Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác
Của xì ke, gái điếm, cao bồi
Của tình dục, ăn chơi
“Hiện sinh – buồn nôn – phi lý!!!”
Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy
Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ
Các anh bảo Sài Gòn là trang sách “hư vô”
Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc
Ngòi bút các anh thay súng
Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi
Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ
Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản
Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn
Là thiêu thân ủy mị, yếu hèn
Các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương
Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!
(Tạ lỗi Trường Sơn – Đỗ Trung Quân, 1982 )
Hôm nay thì sao? Cũng chính quyền ấy, đang cố dồn văn chương nghệ thuật vào cái rổ mình đã đậy nắp chôn vùi ba lăm năm trước. Nhan nhản trên mặt báo đài là cướp, giết, hiếp để câu khách hay để dùng sự trí trá, ngụy trang, đánh lạc hướng dân tộc trước những sự kiện đứt ruột: chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, văn hóa, …? Anh nói phải lắm, anh thân mến! Phải sống và phải viết đàng hoàng tử tế, không thể nông cạn theo thời được.
Thật sự, chưa bao giờ tôi cảm thấy cái xã hội mình sống lại nặng nề hỏng hóc như vậy. Cái mùng hoài nghi 4 đầu dây bị cắt thõng. Bao nhiêu con người rúc trong nó một cách chật chội và dung tục hòng tìm lấy giấc ngủ mê muội. Gọi điện hỏi thăm bè bạn, cũng chỉ ậm ờ qua loa, không dám phải trái nói thẳng.
- Thằng đó là đảng viên. Đừng lôi thôi với nó, rách việc.
Hay:
- Ông kia hay viết bài cho bauxite. Coi chừng dính líu. Mệt.
Nhà thơ Hoàng Quý cất vang giọng đọc chương NHÂN DÂN của trường ca ĐỐI THOẠI TRẮNG ở sân Văn Miếu Hà Nội dịp Nguyên tiêu:
“Khi nhân dân tôi đắp lũy sông Cầu
Vua xuống lũy như dân!
Khi nhân dân tôi họp Hội Diên Hồng
Vua ngồi giữa nhân dân!”
Bao nhiêu con người đã vểng tai nghe, rơi nước mắt? Bao nhiêu con người đã xanh xám mặt, vội quay lưng? Ở phía nào, thì cũng là con dân Việt Nam máu đỏ da vàng cả thôi. Nghịch lý lại luôn luôn có lý. Trong đầu rơi máu đổ, Dân nuôi từng nắm cơm vua. Để rồi, Dân và vua, tại sao lại chia biệt hai chiến tuyến trong hòa bình? Dân bỏ vua hay vua từ dân? Trong hoạn nạn, dân là lá chắn vững chắc nhất cho vua và chính quyền của vua, nên vua phải bước vào dân để tự bảo vệ mình, tự ngụy trang để sống hết can qua. Đến khi yên ổn thì:
“Rồi vàng son lại cao thấp vàng son
Vuốt cọp vuốt rồng nào chả nhọn
Thương, sĩ náu kinh kỳ cửa hẹp
Phượng, nghê thiêng đội nến sân chầu
Nhân dân nổi nênh theo dòng như bọt
Nắm gạo trong bồ giật mình vì chuột”
Cay xót quá. Dân ơi ! Nhân ở đâu?
Một nhà thơ có tên tuổi, hỏi tôi:
- Sao chú lại dám viết táo tợn như thế?
- Viết gì?
- Về Trường Sa Hoàng Sa, về nỗi căm phẫn tuyệt vọng của nhân dân. Không sợ à?
Tôi lắc đầu.
Nhà thơ này, lãnh đạo cả một Hội Văn học Nghệ thuật của một tỉnh, là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, đã in mấy mươi đầu sách, đã giải này giải nọ, đã nhận bổng lộc của Nhà Nước (là mồ hôi nước mắt của dân chứ của ai).
- Sao anh không viết? Dân nuôi anh. Nước của anh. Sao anh không viết cho dân?
- Anh đã sống cả đời với đảng, đã tòng quân từ mười sáu tuổi, có sợ gì chết chóc hy sinh đâu. Mấy mươi năm tuổi đảng. Nhưng, bây giờ, cả sự nghiệp đầu tóc bạc không lẽ lại đánh đổi với một sự lạnh lẽo của người ta?
- Người ta nào?
- Đồng chí!
- Vậy mà anh còn tự hào vì từng là một chiến sĩ! Anh yêu đảng thì phải có ý thức xây dựng cái đảng ấy cho đàng hoàng chứ. Xây, cũng có nhiều cách xây. Tưới bón cái tốt, thường. Cắt tỉa cành lá sâu sia, mới khó. Cần thiết, phải bứng cả cái cây hủ bại ấy lên để cải tạo đất, thay đổi cả gốc rể nữa kìa.
- Thôi thôi chú ơi, anh còn có vợ đẹp con ngoan và cuốn sổ lương hưu nữa, cho anh xin 2 chữ bình yên đi…
Từ câu chuyện vãn với nhà thơ, tôi nghĩ đến cả một đội ngũ văn nghệ sĩ trong nước. Văn chương mà làm gì ? Nghệ thuật mà làm gì ? Khi thứ nghệ thuật văn chương mình sản xuất ra chỉ nhăm nhe phục vụ cho một cuộc tầm phào hoặc nghỉ xả hơi giữa giờ?
“Thương nữ bất vi(tri) vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa”
(Gái kia không biết sầu vong quốc
Ngồi hát bên sông khúc Hậu Đình)
Ôi, thứ văn nghệ giả, chẳng có vị nhân sinh, cũng không hề vị nghệ thuật.
Bây giờ thì sao rồi? Một dân tộc nói không dám nói, khóc không dám rơi nước mắt? Một nhà báo là “đại diện cho ngôn luận nhân dân” (như lời Uncle Ho đã từng căn dặn) lại tự nhận mình “thấp cổ, bé họng” thì hỡi ôi, lũ dân đen ba chìm bảy nổi học hành hóng hớt quanh năm vất vả cơm áo gạo tiền làm sao mà còn có cổ có họng để mà bé để mà thấp?
Chợt nhớ câu văn của cụ Nguyễn Tuân: “Nước ta là một pháp trường trắng. Không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết!”. Thời đại của tôi, đã bắt đầu thấy linh hồn rơi vãi từ quan trường ra đường xá, bắt đầu nghe mùi tanh của máu rồi, cụ Vang bóng một thời ạ! Không biết địch ở đâu ta ở đâu nữa, chỉ biết rằng nỗi mặc cảm tội lỗi cứ đè nặng trong lòng mỗi khi ngước mặt nhìn quốc kỳ. Thẹn lắm, đau lắm, rồi cũng chỉ biết thẹn biết đau một cách âm thầm xấu hổ. Khối căm hờn của con cọp nhớ rừng (Thế Lữ) biến thành nhúm sợ hãi nhầy nhụa bao trùm tư duy, suy nghĩ, tình cảm, văn hóa của mỗi “con cừu” trên con đường ngụy biện chia lề hoang tưởng.
Việt Nam sẽ có tác phẩm văn chương nghệ thuật nào mang tầm vóc lớn nữa hay không? Từ hát cho dân tôi nghe cho đến khóc cho dân tôi nghe, đã là một cuộc chiến dòng dọc không có điểm kết. Hố sâu của bom rải thảm năm nào, giá như Phạm Tiến Duật đo được – chắc chắn không sâu bằng lòng dạ của lý tưởng mình phụng sự!
Saigon, 2009-2012
Có người bảo: Dối trá thế quen đi, sau làm sao sửa được
Lại có người nói: Như dấm, ớt cho vào món nộm,
Thiếu nó nộm có ra gì.
Mầm dối trá cứ thế len vào cuộc sống
Rồi đến một ngày nghe được lời nói thật.
Ai cũng bảo "Đồ điên"
Cuộc sống tươi đẹp đầy những ước mơ
Làm chi có điều dối trá