Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-04-11
Kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn tất sớm vào ngày 15/4.
Mua tạm trữ có lợi cho nông dân hay doanh nghiệp
Đã có sự trùng hợp lạ kỳ, trong thời gian Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa hồi giữa tháng 3, cũng là lúc các thành viên VFA ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo, tỷ lệ tăng so với tháng 3/ 2011 là 12%. Thế nhưng, những thông tin nhậy cảm có thể giúp vực dậy giá lúa gạo đã chỉ được VFA loan báo vào tối ngày 9/4, trong cuộc họp báo ở TP.HCM.
Giá lúa trong ba tuần lễ mua tạm trữ chỉ ổn định ban đầu, sau đó xuống thấp vài trăm đồng 1kg lúa làm nông dân nản lòng. 90 doanh nghiệp thành viên VFA được chính phủ hỗ trợ toàn bộ lãi suất 14% vay vốn ngân hàng để mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo qui lúa, bảo đảm giá lúa khô không dưới 5.000đ/kg. Đây là một ưu đãi quen thuộc với các thành viên VFA, bởi vì mỗi năm ít nhất có hai đợt mua tạm trữ gạo. Trung bình giá gạo nguyên liệu khoảng 6.500đ/kg thì tương đương giá lúa 5.000đ/kg, mặc dù 1 triệu tấn gạo xuất khẩu chỉ chiếm chừng 25% lượng gạo đông xuân xuất khẩu, nhưng tiền vốn mua gạo ít nhất cũng từ 7 tới 8 ngàn tỷ đồng, để doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% thời hạn 3 tháng, ngân sách nhà nước phải hỗ trợ không hề nhỏ.
...mặc dù 1 triệu tấn gạo xuất khẩu chỉ chiếm chừng 25% lượng gạo đông xuân xuất khẩu, nhưng tiền vốn mua gạo ít nhất cũng từ 7 tới 8 ngàn tỷ đồng, để doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% thời hạn 3 tháng, ngân sách nhà nước phải hỗ trợ không hề nhỏ.
Tối 10/4, một ngày sau khi VFA loan báo ngừng kế hoạch tạm trữ vào 15/4 sớm hơn dự định 15 ngày và không đề nghị mua thêm, nông dân Tám Cước ở đồng bằng sông Cửu Long phản ứng:
“Chuyện nhà nước mua lúa tạm trữ đâu có ảnh hưởng tới nông dân gì đâu có giúp được gì cho nông dân. Nếu ông nhà nước đưa cho nông dân đồng vốn thì đỡ, đằng này lại đưa cho doanh nghiệp hưởng lợi còn nông dân
chẳng được gì. Vụ mua tạm trữ mục đích là làm cho giá lúa tăng lên nhưng thực tế nó không tăng, mấy ổng phải có phương pháp làm sao đưa nguồn vốn tới tay người nông dân để họ trữ lúa lại thì hy vọng nó có lý hơn, chứ vô tình làm giàu cho doanh nghiệp mà người dân đâu có hưởng được gì.”
Những gì người nông dân phản ảnh rất đáng suy ngẫm, thực tế giá lúa đã trồi sụt nhiều lần trong giai đoạn mua tạm trữ. Theo Trang thông tin điện tử của chính VFA, giá lúa ngày 15/3/2012 ngày khởi đầu mua tạm trữ giá lúa khô loại thường tại kho khu vực đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 5.150-5.250đ/kg, lúa dài khoảng 5.350-5.450đ/kg. Giá ngày 22/3 tăng 50đ/kg, nhưng vẫn theo VFA giá ngày 5/4 lại sụt giảm mạnh khoảng 100đ/kg so với khởi điểm ngày 15/3.
Với giá lúa khô loại thường tại kho 5.050đ/kg thì nông dân bán lúa tươi tại ruộng chỉ được khoảng 4.200đ/kg trở lại. Với giá này nông dân không thể nào lãi tối thiểu 30% như chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Theo tính toán giá thành 1kg lúa vụ đông xuân bao gồm toàn bộ chi phí từ vật tư nông nghiệp đầu vào cho đến công lao động, chi phí máy gặt đập, là khoảng 3.500đ/kg nếu bán 4.200đ thì chỉ lãi khoảng 20% trở lại.
Vụ mua tạm trữ mục đích là làm cho giá lúa tăng lên nhưng thực tế nó không tăng, mấy ổng phải có phương pháp làm sao đưa nguồn vốn tới tay người nông dân để họ trữ lúa lại thì hy vọng nó có lý hơn, chứ vô tình làm giàu cho doanh nghiệp mà người dân đâu có hưởng được gì
nông dân Tám Cước
Vì sao nông dân sợ "mua tạm trữ"
Ông Nguyễn Bình, một chuyên viên am hiểu thị trường nông sản hiện sống và làm việc ở Tây Nguyên nhận định:
“Nhập nhằng của Việt nam mình là Hiệp hội gạo tập trung các nhà xuất khẩu kinh doanh gạo lại là người định giá gạo, cái phi lý là ở chỗ đó.”
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần cải tổ chính sách lúa gạo một cách đồng bộ, hiện nay sản xuất nhỏ lẻ đã bùng nổ đưa tới sản lượng vượt bực nhưng phẩm chất thấp, lượng lúa nông dân làm ra đã vượt quá xa sự đáp ứng về phơi sấy, xay xát, tồn trữ. Để kế hoạch mua tạm trữ có lợi cho nông dân thì Việt Nam nên xem xét cách làm của Thái Lan. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
Nhập nhằng của Việt nam mình là Hiệp hội gạo tập trung các nhà xuất khẩu kinh doanh gạo lại là người định giá gạo, cái phi lý là ở chỗ đó
Ông Nguyễn Bình
“Bên Thái Lan có thuận lợi, nông dân dùng số giống tương đối ít và đặc biệt nhà nước và doanh nghiệp có năng lực lớn để thu mua lúa, có khả năng kho tàng đúng kỹ thuật để tồn trữ thời gian dài. Còn ở Việt Nam doanh nghiệp vốn hạn chế, kho tàng cũng hạn chế do vậy mới xảy ra tình trạng bán gạo tươi, gạo Việt Nam mua thẳng từ cánh đồng của bà con nông dân đem xay xát đóng gói và bán liền.”
Suốt từ cuối năm 2011 đến hiện nay các Bộ ngành của chính phủ và cả VFA luôn dự kiến sẽ xuất khẩu từ 6,5 triệu tấn tới 7 triệu tấn gạo trọn năm 2012, đây là kế hoạch bình thường không phản ánh những khó khăn trong quí 1 vừa qua.
Trong cuộc họp báo chiều 9/4 ở Saigon, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã lập lại dự báo kim ngạch 6,5 đến 7 triệu tấn gạo xuất khẩu 2012. Người đại diện VFA còn phấn khởi loan báo lượng hợp đồng ký trong tháng 3 rất lớn, tổng lượng tăng 12% so với tháng 3/2011, ngoài 700.000 tấn ký kết chính ngạch với Trung Quốc, xuất khẩu tiểu ngạch gạo phẩm cấp thấp với thị trường này đạt 500.000 tấn,
ngoài ra chỉ trong 22 ngày đầu tháng 3 đã ký kết hợp đồng xuất khẩu gần 600.000 tấn gạo.
VFA nhận định, tất cả các thị trường mà Việt Nam bị Ấn Độ, Pakistan thế chỗ thì nay đã quay lại mua gạo Việt Nam. Xin nhắc lại rằng, đến gần hết tháng 3 vừa qua, các giới chức VFA vẫn thường xuyên đưa tin xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn vì bị gạo giá rẻ của đối thủ cạnh tranh.
Với những gì VFA vừa loan báo tối 9/4 cho thấy, những người cầm trịch hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đã biết những diễn biến thị trường từ trước thời điểm 15/3, khi 90 thành viên của họ hưởng ưu đãi lãi suất ngân hàng để thực hiện kế hoạch tạm trữ. Duy có điều VFA đã không hé lộ thông tin, bởi vì nếu đầu ra xuất khẩu đã tốt thì chẳng có lý do gì để chính phủ phải chi ngân sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp.
Cuối cùng thì chỉ có nông dân chịu thiệt vì không hưởng lợi về chính sách tạm trữ, không những thế đại đa số nông dân còn bán với giá thấp trong thời gian VFA mua tạm trữ.
Theo dòng thời sự:
- Nông nghiệp sẽ có nhiều thay đổi>
- Hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2012 giảm đáng ngại
- Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ai được lợi?
- 20 năm nữa nông dân trồng lúa mới khá
- Cần chuẩn bị cho việc mất thị trường gạo giá rẻ
- Đồng bằng Cửu Long trăn trở vụ đông xuân
- Giá lúa gạo nhảy vọt, tiền vào túi ai?
- Giá gạo xuất khẩu tăng hai lần trong tháng 8
- Kiểm tra, theo dõi sát tình hình thị trường gạo ĐBSCL
- Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân
- Quên đi chuyện bảo đảm giá lúa lãi 30%
- Ngân hàng nhà nước VN chỉ đạo cho vay mua tạm trữ lúa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét