Phạm Hồng Sơn
Tháng 4 11, 2012
Có thể nói chính cuộc đời Karl Marx (1818-1883) lại là chứng minh hùng hồn cho tính ưu việt, nhân bản của xã hội tư bản (captalist society) hơn hẳn mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa (socialist society) – mô hình do chính Marx quyết liệt đề nghị thay thế xã hội tư bản. Dưới góc độ phát triển, mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa của Marx là một phản biện, phản kháng về xã hội, kinh tế cho những nơi mà Marx đã sống và biết.
Nhưng phản biện, phản kháng đó có một tinh thần cổ động của một tín điều thuộc vào những tín điều có sức cuốn hút nhất và bạo lực nhất của loài người. Tín điều đó nhằm thay đổi toàn bộ, một cách không dung thứ, cái xã hội -xã hội tư bản- đã sinh ra, nuôi dưỡng, gây cảm hứng, và dĩ nhiên cả bức xúc, để Marx có những phản biện, phản kháng mãnh liệt, sắt máu nhưng hoàn toàn thành thực ấy. Nếu nói theo ngôn ngữ thời sự hiện nay, Marx là một nhà bất đồng chính kiến chân thành nhất nhưng bạo động nhất, một người đối lập chính trị triệt để nhất nhưng ảo tưởng nhất.
Nhưng chính bản thân Marx và cả tín điều không khoan nhượng đó vẫn được xã hội tư bản – mà theo Marx cần phải bị loại bỏ – cưu mang, dung thứ, che chở và giải độc rất nhiều. Không những thế, xã hội tư bản, đúng hơn là hệ thống chính trị và hệ giá trị của xã hội tư bản, còn nhận ra và tiếp thu nhiều điều từ tư duy và cả trong những lời kết tội của Marx. Tên, hình ảnh và các ý tưởng của Marx – người kêu gọi “dùng bạo lực lật đổ mọi rường cột của xã hội tư bản”[i] – vẫn xuất hiện trang trọng trong xã hội tư bản, kể cả trong các ấn phẩm giáo dục, nghiên cứu ở bậc cao nhất.
Nhưng rất đáng tiếc hầu hết tất cả những quốc gia và hầu như tất cả những con người bày tỏ sự quyết tâm thực hiện mô hình xã hội do Marx đề xuất lại không có được sự dung thứ, tỉnh táo và nhân bản mà Marx đã được hưởng. Một lãnh tụ, người đã say mê, ngưỡng mộ mô hình xã hội của Marx tới mức mơ ước đầu tiên sau khi qua đời là được gặp ngay Marx, đã có quan điểm về người bất đồng chính kiến, người có quan điểm đối lập chính trị như thế này:“Tất cả những ai không theo con đường tôi đã vạch đều sẽ bị tiêu diệt.”[ii] Đáng tiếc nữa là lịch sử đã chứng thực quan điểm (không chấp nhận đối lập chính trị) của vị lãnh tụ đó không chỉ là lời nói mà còn thể hiện sự nối tiếp, nhất quán với các lãnh tụ khác như Lenin, Stalin và Mao. Đau đớn hơn, cho tới ngày nay, quan điểm đó vẫn, và tất yếu, là nền tảng của những hệ thống cầm quyền theo kiểu “lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”[iii]
Những tâm tình hay lời huấn thị, khuyến dụ kiểu “Bỏ Điều 4 là tự sát”, “Kiên quyết không để hình thành các tổ chức đối lập” hay “Lực lượng công an là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ” chỉ là những biểu hiện logic của những hệ thống cầm quyền vừa kể.
Nghịch lý thay kể cả những người đã phụng sự, một cách thành tâm hay không thành tâm, những mô hình xã hội, chính trị theo hướng Marx đề xuất, đều có thể bị chính hệ thống cầm quyền của những mô hình đó ruồng bỏ, tẩy trừ một khi họ lại có sự thành thực trong phản biện, phản kháng như của Marx, dù không hề vương chút bạo lực, cực đoan như của Marx hoặc chỉ muốn làm những việc khiêm nhường hơn Marx nhiều: cất lên tiếng nói cho lớp người cận dưới của “giai cấp vô sản” hoặc chỉ muốn việc cầm tù con người phải theo đúng luật của “giai cấp thống trị”. Những người phụng sự Marx hay học trò của Marx trong các chế độ chính trị, theo Marx hay giả theo Marx, vẫn không có được cái may mắn của Marx cách đây 129 năm. Nhưng căn nguyên ở đâu? Chắc chắn, bây giờ không thể hỏi được Marx. Và cũng không thể cho rằng hoàn toàn từ Marx.
© 2012 pro&contra
[i] Nguyên văn tiếng Anh: “They openly declare that their ends can be attained only by forcible overthrow of all existing conditions. Let the ruling classes tremble at a Communistic revolution.” Karl Marx, Friedrich Engels, The Communist Manifesto, Penguin Books, 1969, trang 120.
[ii] Lời của Hồ Chí Minh trong cuộc nói chuyện với đảng viên Đảng Xã hội Pháp Daniel Guérin, vào ngày 25/06/1946 tại Pháp, về cái chết bí ẩn của Tạ Thu Thâu- một lãnh tụ cộng sản của Việt Nam theo trường phái Trotskyist (đối lập với trường phái Stalinist của Hồ Chí Minh). Jean Lacouture, Ho Chi Minh, Penguin Books, 1968, trang 130. Độc giả có thể tham khảo thêm thông tin trên mạng ở đây.
[iii] Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 03/2011, tr. 31-32.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét