Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2012-06-07
Năm 2006, thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Vân Tảo thuộc huyện Thường Tín - Hà Tây cũ, đã thu hình ảnh về gian lận thi cử xảy ra tại hội đồng thi Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên - Hà Tây khiến dư luận rất bất bình.
Năm nay, thầy Đỗ Việt Khoa tiếp tục thực hiện công việc khó khăn này tại trường phổ thông Đồi Ngô, huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang và sau khi clip này được công bố trên báo chí thì dư luận một lần nữa đặt câu hỏi về tình trạng gian lận thi cử và chạy theo thành tích của ngành giáo dục. Mặc Lâm phỏng vấn thầy Đỗ Việt Khoa về câu chuyện này, trước tiên thầy Khoa cho biết:
Máy thu hình: biện pháp chống gian lận thi cử?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi là người tham gia vào cuộc phát động “hai không” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Chúng tôi đã ký cam kết nói không với tiêu cực trong thi cử và nói không với bệnh thành tích. Cuộc phát động ấy ba năm đầu tiên thực hiện khá nghiêm túc. Lúc đó có sự giám sát của Thanh tra Ủy quyền Bộ Giáo dục đào tạo. Tuy nhiên ba năm nay Bộ đã rút Thanh tra Ủy quyền đi trao việc thanh tra lại cho các trường tự làm. Vì các địa phương tự quản lý nên đã nổi lên tiêu cực.
Ba năm nay tôi được các thầy cô giáo trên cả nước gọi cho biết tình hình là như vậy. Trừ các tỉnh nam bộ và tây nguyên, các kỳ thi diễn ra khá nghiêm túc còn các tỉnh bắc bộ thi cử rất bát nháo. Năm ngoái các thầy cô giáo ở 4 trường của tỉnh Bắc Giang nói cho tôi biết Bắc Giang chỗ nào cũng có chuyện tiêu cực. Có giải bài tập thể, có thu tiền học sinh để làm quà cáp cho giám thị. Tôi nghĩ năm nay sẽ nhờ các thầy cô ở Bắc Giang bố trí cho tôi mỗi trường một vài học sinh để quay clip. Cuối cùng thì tôi nhờ được giáo viên của một trường là Trung học phổ thông Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Giáo viên
này đã tìm cho tôi một số học sinh sẵn sàng quay clip này. Sau khi tôi cung cấp máy quay bí mật cho các em đó. Chúng tôi hướng dẫn và bố trí người để quay và thu toàn bộ tài liệu gửi về lại máy cho tôi để tôi lưu giữ sau đó đưa cho báo chí toàn bộ vụ việc....Giáo viên này đã tìm cho tôi một số học sinh sẵn sàng quay clip này. Sau khi tôi cung cấp máy quay bí mật cho các em đó. Chúng tôi hướng dẫn và bố trí người để quay và thu toàn bộ tài liệu gửi về lại máy cho tôi để tôi lưu giữ sau đó đưa cho báo chí toàn bộ vụ việcThầy Đỗ Việt Khoa
Mặc Lâm :Thưa thầy việc bố trí này có được thông báo cho Sở Giáo dục của tỉnh hay huyện nơi có phòng thi bị theo dõi hay không? Và sau khi clip này xuất hiện thì thái độ của Sở Giáo dục ra sao?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Họ không biết. Tôi chuyển clip này cho một vài phóng viên thì các bạn ấy tức tốc lên Bắc Giang xác minh sự việc. Họ vào tận hội đồng thi, vào tận hiện trường phòng thi. Sau đó họ lên Sở Giáo dục đào tạo gặp giám đốc sở và mở clip do tôi cung cấp cho giám đốc sở xem. Ông giám đốc sở cùng xem với chủ tịch hội đồng thi Đồi Ngô. Sau khi xem họ đều xác nhận đây là clip vừa mới quay đúng những diễn biến trong kỳ thi và họ thừa nhận luôn có tiêu cực trong thi cử. Họ không né tránh, họ nhận ngay lập tức.
Đây là điều khác so với Hà Tây vào năm 2006. Năm đó khi tôi quay xong mang clip lên Sở Giáo dục thì không một đối tượng nào của Sở chịu nhận cả, họ bỏ trốn hết không ai dám tiếp thầy Khoa. Cả tháng sau họ cũng không chịu thừa nhận có tiêu cực trong thi cử cho nên năm nay Bắc Giang khác hoàn toàn.
Tham nhũng nguy hiểm hơn họa ngoại xâm
Mặc Lâm :Tình trạng tiêu cực, tham nhũng rất phố biến hiện nay được bao che bởi nhiều thế lực và nhiều vụ người dân tố cáo với bằng chứng đầy đủ vẫn bị chìm xuồng. Thầy có nghĩ clip này cũng sẽ như những vụ khác hay không?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Ở Việt Nam bấy lâu nay tôi không tin vào hệ thống hành pháp, nói chung tôi đã mất niềm tin vào hệ thống hành pháp. Qua các kinh nghiệm đấu tranh của tôi và các thầy cô và nhân dân cả nước thì tôi khẳng định rằng bất kỳ một vụ tiêu cực nào cũng chỉ được xử lý khi đưa ra báo chí. Mà nếu chỉ một hai tờ báo đăng thôi thì họ cũng không bao giờ xử lý.
Trên mặt báo đầy dẫy những vụ tiêu cực tham nhũng ở địa phương báo đăng đầy đấy nhưng họ có xử lý đâu? Phải tất cả các báo vào cuộc cùng phản ảnh dư luận bức xúc lên thì mới giải quyết được. Do đó tôi buộc phải nhờ đến báo chí. Năm 2006 vụ Hà Tây cũng thế, báo chí làm rầm rộ lên nhưng họ cũng chả buồn xử lý đến nỗi truyền hình Việt Nam đăng lên họ cũng không xử lý phải đến Thủ tướng chính phủ chỉ đạo thì họ mới chịu, còn không thì họ không làm đâu....Trên mặt báo đầy dẫy những vụ tiêu cực tham nhũng ở địa phương báo đăng đầy đấy nhưng họ có xử lý đâu? Phải tất cả các báo vào cuộc cùng phản ảnh dư luận bức xúc lên thì mới giải quyết được. Do đó tôi buộc phải nhờ đến báo chí.Thầy Đỗ Việt Khoa
Vụ Tiên Lãng Hải phòng cũng vậy phải tất cả các báo đồng loạt phản ánh sự việc chứ để tự nhiên thì họ không xử lý đâu.
Mặc Lâm :Điều gì khiến thầy vững tin vào công việc rất khó khăn và nguy hiểm hiện nay?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi cho rằng cái xấu trong mấy năm gần đây nó hiện hữu, tác oai tác quái tương đối mạnh vì vậy việc đấu tranh trong mấy năm gần đây rất là khó. Không phải lúc nào cũng đấu tranh được. Thế nhưng tôi tin rằng người tốt còn nhiều. Những người có lương tâm trong và ngoài nước đều hướng về cái thiện. Muốn cái thiện chiến thắng và cái ác, cái xấu bớt đi.
Chính vì thế tôi cũng tự tin là cứ làm. Không đặt mục tiêu vào chiến thắng vụ việc nhưng phản ảnh sự việc ra cho dư luận cả nước thấy. Ở đâu có tiêu cực, có tham nhũng tôi lượng sức mình có thể tham gia được thì tôi tham gia với hy vọng một ngày nào đó tiêu cực xã hội nó sẽ giảm bớt.
Mặc Lâm :Sự thực cho thấy những ai chống tham nhũng, tiêu cực cuối cũng đều nhận kết quả rất giống nhau tất cả đều xấu cho tính mạng và sự nghiệp của họ và gia đình. Thầy có nghĩ là một lúc nào đó mỉnh cũng như vậy hay không?
Thầy Đỗ Việt Khoa: Vâng! Báo Tiền Phong năm 2010 đã có bài tổng kết nêu rằng 100% người tố cáo tiêu cực đều bị trả thù, đều bị trù dập! Đấy là sự thật và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi đã chịu rất nhiều hành vi xấu của thế lực tham nhũng trong bộ máy tham nhũng của ngành giáo dục hiện nay. Nhưng không lẽ vì sợ trù dập, vì sợ thiệt bản thân làm người thầy mà chúng ta lại buông xuôi? Chúng ta dạy dỗ cho học sinh của mình là nhắm mắt làm ngơ trước cái xấu thì tôi không đành lòng. Đó không còn là thầy cô giáo nữa mà đó là những kẻ cơ hội.
...Họ sẵn sàng a dua với cái xấu và đấy mới là mối hiểm họa của đất nước. Nó nguy hiểm hơn họa ngoại xâm vì nó phá đất nước từ trên xuống, từ trong ra và điều này không thể chấp nhận được.Thầy Đỗ Việt Khoa
Có một anh vừa là bạn vừa là anh của tôi là một tiến sĩ vật lý hẳn hoi. Anh này khác tôi hoàn toàn và tôi cũng không thể học theo anh ấy được. Anh ấy thấy mọi chuyện tiêu cực thì anh ấy không bao giờ bàn, không bao giờ bình luận và loại người như anh ấy ở Việt Nam hiện nay rất nhiều. Một số rất đông hiện nay đều rất sợ đấu tranh, rất sợ quyền lợi bị ảnh hưởng. Họ sẵn sàng a dua với cái xấu và đấy mới là mối hiểm họa của đất nước. Nó nguy hiểm hơn họa ngoại xâm vì nó phá đất nước từ trên xuống, từ trong ra và điều này không thể chấp nhận được.
Không phải cuộc chiến nào cũng chiến thắng đâu. Kẻ xấu biết mình tố cáo nó, nó trù dập mình thẳng tay, nó hành đủ kiểu. Nó nghĩ đủ trò để triệt hạ mình. Trong tình trạng một mất một còn thì phải có đường rút đường tiến chứ không phải đặt mục tiêu chiến đấu là phải chiến thắng toàn diện được.
Mặc Lâm :Xin cám ơn thầy Đỗ Việt Khoa.
Ý kiến của Bạn