Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012-06-06
Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã có 12 vòng đàm phán và sẽ mở vòng thứ 13 vào tháng tới, tại thành phố San Diego ở miền Nam California.2012-06-06
Sau bài phỏng vấn Tiến sĩ Scott Flipse, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Chính sách trong Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, về những trở ngại từ phía Việt Nam liên quan đến nhân quyền và quyền của người lao động, chúng tôi tìm hiểu tiếp về diễn biến của việc đàm phán giữa chín quốc gia cho dự án quy mô này. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi sau đây cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vòng đàm phán thứ 12 để tiến tới một chế độ tự do mậu dịch thống nhất giữa chín quốc gia quanh Thái bình dương vừa hoàn tất hôm 18 tháng trước tại thành phố Dallas của bang Texas. Nhân dịp này, hôm mùng bốn vừa qua, chúng tôi đã tìm hiểu về những trở ngại cho Việt Nam liên quan tới hai hồ sơ là quyền của người lao động và tiêu chuẩn quá thấp về nhân quyền cho người dân. Hôm nay, xin ông phân tích cho toàn cảnh của sáng kiến và những diễn biến về kỹ thuật của dự án quy mô này.Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là cách nay đúng bảy năm, bốn quốc gia khởi thủy đã hoàn tất một thỏa ước về tự do mậu dịch và áp dụng từ cuối Tháng Năm năm 2006. Đó là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore sau gần bốn năm thương thảo. Mục tiêu là mở ra chế độ buôn bán với tối thiểu hạn chế giữa bốn nước vì nguyên tắc là tự do về ngoại thương đem lại lợi ích cho tất cả các đối tác. Tinh thần của thỏa ước còn là mở rộng cho các quốc gia khác tham dự trong vành cung Thái bình dương, từ Tây bán cầu là lục địa Nam Bắc Mỹ tới các nước Đông Á ở miền Tây biển Thái bình.
Sau đó, vào đầu năm 2008, Hoa Kỳ dưới thời Chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã xin gia nhập tập thể này và bốn quốc gia khác cũng muốn tham dự, đó là Australia, tức là Úc, Malaysia, Peru và Việt Nam. Việc đàm phán để thương thảo giữa chín nước đã bắt đầu từ đó.
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì vào lúc đầu, Hoa Kỳ không có mặt trong sáng kiến này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa không, nhưng với trọng lượng của nền kinh tế số một thế giới có thị trường nhập khẩu lớn nhất địa cầu là nước Mỹ thì sáng kiến này mở ra triển vọng hợp tác mậu dịch có kích thước rất lớn. Thế rồi, sau khi nhậm chức vào đầu năm 2009, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama lại có vẻ do dự và vòng đàm phán trù tính cho Tháng Năm năm đó đã bị đình hoãn. Mãi đến Tháng 11 năm 2009, trong chuyến thăm viếng Á châu đầu tiên của mình, ông Obama mới tuyên bố quyết tâm của Hoa Kỳ là mở ra quan hệ đối tác xuyên Thái bình dương. Vòng đàm phán chính thức giữa chín nước đã bắt đầu từ đó, lần đầu là tại Melbourne.
Vũ Hoàng: Giới quan sát quốc tế có nêu ý kiến là trong nội bộ đảng Dân Chủ tại Mỹ, xu hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh có thể là những trở ngại đầu tiên, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, và đây cũng là một nguyên do khiến Quốc hội Mỹ lúc đó không phê chuẩn bốn hiệp định tự do ngoại thương mà Hoa Kỳ đã ký kết từ lâu với các nước khác. Nhưng, Chính quyền Obama sau đấy đề nghị chiến lược phát triển ngoại thương, với tiêu chí là nâng mức xuất khẩu gấp đôi trong năm năm để tạo thêm hai triệu việc làm cho dân Mỹ. Sáng kiến đó được sự ủng hộ của các nghiệp đoàn, vốn có thế lực chính trị rất mạnh tại Hoa Kỳ.
Vì vậy, từ năm 2010, việc đàm phán về chuyên môn được đẩy mạnh, bốn vòng trong năm 2010, sáu vòng trong năm 2011. Cuối năm ngoái, tại Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC ở Honolulu, ông Obama còn đề nghị là các nước nên hoàn tất việc đàm phán nội trong năm 2012. Bây giờ là đến giữa năm rồi, tôi e rằng chỉ tiêu đó khó thành.
Khó thành công
Tổng thống Barack Obama tại Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC ở Honolulu hôm 14/11/2011. AFP |
Vũ Hoàng:Chúng ta đi vào phần chuyên môn của việc đàm phán. Thưa ông vì sao ông cho là việc chín nước đạt được một thỏa thuận trong năm nay như Tổng thống Mỹ đã yêu cầu lại khó thành công?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước tiên, và vụ khủng hoảng Âu châu hiện nay là một nhắc nhở, mọi cam kết quốc tế của một nước đều sẽ chi phối luật lệ và quy tắc hành xử trong nội bộ quốc gia đó. Đó là phần nguyên tắc, khiến cho Quốc hội từng nước thật sự dân chủ phải phê chuẩn các hiệp ước mà Chính phủ mình đã thương thảo và ký kết với nước ngoài. Ngược lại, và đây là phần thực tế, trong trao đổi với thế giới, hàng hóa của xứ khác mà nhập vào Mỹ chẳng hạn thì cũng phải phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành của Hoa Kỳ. Khi thương thuyết, đại biểu của từng quốc gia phải đối phó với hai vấn đề song hành là những thỏa thuận hay cam kết với quốc tế và những quy luật sinh hoạt đã có sẵn ở nhà. Khi muốn được cái này với bên ngoài thì phải hy sinh chuyện kia ở bên trong. Nếu gặp mâu thuẫn là sẽ có trở ngại.
Vũ Hoàng: Ông có thể nêu ra một thí dụ về trở ngại này hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thí dụ như về vệ sinh hay an toàn cho người tiêu thụ, tiêu chuẩn an toàn của mỗi quốc gia lại có thể mỗi khác khi đi vào tiểu tiết nhưng lại có thể là một trở ngại. Riêng tại Hoa Kỳ, hồ sơ gây tranh cãi lớn nhất chính là quy định về quyền sở hữu trí tuệ với tiêu chuẩn khắt khe do đại diện Hoa Kỳ nêu ra cho các đối tác. Tranh cãi xảy ra ngay bên trong nước Mỹ.
Trong một nước độc tài như Việt Nam thì chính công đoàn của nhà nước, một công cụ của đảng độc quyền, mới gây khó khăn cho hệ thống tư doanh và kinh tế thị trường.
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Về mặt ngoại giao từ các chính quyền Bush và Obama, nước Mỹ muốn trợ giúp các nước nghèo có thể mua dược phẩm thuốc men của Mỹ với giá rẻ. Nhưng khi đàm phán về quyền sở hữu, tiêu chuẩn quá cao của Hoa Kỳ lại gây khó khăn cho việc giải toả những hạn chế này. Làm sao giúp các nước nghèo có loại thuốc rẻ, không mang thương hiệu lớn nếu các tổ hợp dược phẩm có thể viện dẫn quy định của hiệp ước Xuyên Thái bình dương để cản trở?
Vũ Hoàng: Đấy là ta nhìn từ phía Hoa Kỳ, các nước khác thì yêu cầu hoặc đòi hỏi những gì mà ông cho là cũng có thể gây trở ngại khiến dự án này khó thành tựu nội trong năm nay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Các nước đang phát triển, như Việt Nam hay Malaysia, thì muốn bảo vệ khu vực công nghệ của mình và chỉ muốn mở thị trường đón nhận hàng hóa điện tử của Mỹ nếu Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu áo quần giày dép mà họ sản xuất rất nhiều. Một nước khác như New Zealand thì có chính sách nâng đỡ sắc dân bản địa là người Maori hoặc có chế độ trợ cấp dược phẩm thì thấy nhiều trở ngại trong các quy định của sáng kiến Xuyên Thái bình dương này. Là một quốc gia có nền canh nông rất mạnh, New Zealand cũng không muốn mở rộng vòng đàm phán cho Canada khi xứ này vẫn còn duy trì chế độ bảo vệ các sản phẩm gốc nông nghiệp của mình như trứng, sữa hay thịt gà. Nói chung thì người ta đụng vào nhiều vấn đề cứ tưởng là lắt nhắt rất nhỏ nhưng thật ra lại có ảnh hưởng rất lớn.
Vũ Hoàng: Một trong những nguyên tắc chỉ đạo của sáng kiến hợp tác xuyên Thái bình dương là vai trò của các xí nghiệp tư doanh, và yêu cầu hạn chế các doanh nghiệp nhà nước. Điều ấy có là một trở ngại không nếu chúng ta nhìn vào hoàn cảnh Việt Nam với khu vực kinh tế nhà nước vẫn giữ vị trí chủ đạo?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Các nước phát triển trên thế giới đã thấy tư doanh mới là sức mạnh kinh tế, doanh nghiệp loại vừa và nhỏ mới tạo ra nhiều việc làm nhất. Vì vậy mà họ đều muốn hạn chế doanh nghiệp nhà nước và đây cũng là một tiêu chuẩn khiến Trung Quốc không thể có mặt trong dự án này. Hà Nội thì mới chỉ nói đến tái cấu trúc kinh tế và cải tổ hệ thống doanh nghiệp nhà nước mà chưa có biện pháp cụ thể và thực tế thì vẫn muốn bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước do sức ép của các nhóm lợi ích ở bên trong. Vì vậy, Việt Nam cũng sẽ gặp trở ngại rất lớn, gần như khó vượt qua được.
Ngoài ra, ta không quên rằng một trong tiêu chí trọng yếu của hợp tác Xuyên Thái bình dương chính là bảo vệ quyền lợi của giới lao động qua hệ thống tiêu chuẩn rất cao. Nôm na là ngoài các tiêu chuẩn về an toàn lao động, thợ thuyền phải được sinh hoạt công đoàn và được quyền thành lập nghiệp đoàn tự do. Luật lệ Việt Nam ngày nay vẫn hạn chế quyền lập hội và chỉ cho một công đoàn quy nhất được hiện hữu là công đoàn của nhà nước. Điều này, chương trình mới đây của đài Á châu Tự do cũng có nhắc tới. Nói chung, ta nên chú ý đến một nghịch lý rất lạ.
Trong các xã hội dân chủ, chính là thế lực rất mạnh của các nghiệp đoàn tư nhân mới cản trở tự do kinh tế vì tinh thần bảo hộ hay bảo vệ quyền lợi của họ. Trong một nước độc tài như Việt Nam thì chính công đoàn của nhà nước, một công cụ của đảng độc quyền, mới gây khó khăn cho hệ thống tư doanh và kinh tế thị trường.
Tìm sự đồng thuận
Lãnh đạo các nước đến Honolulu dự Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC năm 2011. Photo courtesy of whithouse |
Vũ Hoàng:Ông vừa nhắc tới trường hợp của New Zealand khi họ không muốn Canada tham gia vòng đám phán vì sẽ cạnh tranh với nông sản của mình. Một trường hợp khác là Trung Quốc, hiện vẫn đứng ngoài vì vai trò quá lớn của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta có thể suy ra nhiều trường hợp khác, điển hình là Nhật Bản. Vì sao mấy nước đó, như Canada hay Trung Quốc hay Nhật Bản lại không có mặt trong sáng kiến này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta thấy ra một quy tắc chung từ những vấn đề đối nội hay quốc tế của từng lĩnh vực đàm phán. Đó là càng có nhiều quốc gia tham dự hoặc càng có nhiều hồ sơ phải thương thuyết thì người ta càng khó tiến tới đồng thuận. Chẳng hạn như từ Tháng 10 năm 2001, Hoa Kỳ đã đề nghị các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mở ra vòng đàm phán Doha để giúp các nước đang phát triển cùng tiến tới chế độ tự do mậu dịch. Vậy mà 10 năm đã qua rồi, vòng đàm phán Doha vẫn lâm vào bế tắc.
Trở lại chuyện Hiệp ước Xuyên Thái bình dương, Nhật ngỏ ý muốn tham dự, mà vẫn đòi bảo vệ hệ thống nông nghiệp của họ nên vẫn phải đứng ngoài, y như Canada hay cả Mexico. Trung Quốc mà còn coi khu vực kinh tế nhà nước là mũi nhọn thì sẽ chẳng được mời vào đàm phán.
Dù là chỉ có chín nước trong cuộc, những chướng ngại hiện nay của sáng kiến Xuyên Thái bình dương cho thấy các nước sẽ khó hoàn tất thỏa ước nội trong năm nay như Tổng thống Mỹ đã yêu cầu. Giữa việc tìm kiếm đồng thuận với việc tôn trọng lịch trình thì người ta chỉ có thể chọn một mà thôi, với hy vọng là vòng đàm phán này sẽ không bế tắc như vòng Doha.
Vũ Hoàng: Nhân đây, xin hỏi ông một câu liên hệ. Trung tuần Tháng Năm vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc là Hồ Cẩm Đào đã có một thượng đỉnh hai ngày 13-14 với Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Nam Hàn. Ba quốc gia này cũng đang đàm phán về việc tăng cường hợp tác kinh tế với nhau. Vì sao lại có sáng kiến đó và liệu kết quả có khả quan hơn hiệp ước Xuyên Thái bình dương hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, chúng ta có Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN, một cơ chế hợp tác chủ yếu là kinh tế hơn là chính trị hay an ninh. Sau đó, hiệp hội này lại có tham vọng mở ra một diễn đàn hợp tác giữa các nước Á châu với nhau, đấy là lúc ba nước Đông Bắc Á tham gia đối thoại, là Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn, người ta gọi đó là ASEAN+3. Thế rồi ba nước Đông Bắc Á này muốn tiến xa hơn và mở ra việc đàm phán tay ba.
Thuần về kinh tế thì ba quốc gia này có thể bổ sung cho nhau nhờ trình độ phát triển khác biệt. Thí dụ như Trung Quốc tiếp nhận đầu tư của
Nam Hàn hay Đài Loan để thợ thuyền và doanh nghiệp của họ làm gia công với sáng kiến và linh kiện điện tử của Nhật Bản rồi xuất khẩu ra ngoài. Nói cho dễ hiểu thì khối ASEAN ở phía Nam đã làm cỗ cho ba đại gia phía Bắc cùng hợp tác với nhau và còn có thể chiếm thị phần của mình. Máy vi tính ráp chế tại Trung Quốc có thể cạnh tranh với máy vi tính chế tạo tại Malaysia.
Giữa việc tìm kiếm đồng thuận với việc tôn trọng lịch trình thì người ta chỉ có thể chọn một mà thôi, với hy vọng là vòng đàm phán này sẽ không bế tắc như vòng Doha.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Tuy nhiên, về nhiều mặt khác, như an ninh và chính trị, ba nước Đông Bắc Á này lại có những dị biệt, nghi kỵ thậm chí mâu thuẫn lâu đời, giữa Trung Quốc với Nhật Bản hoặc giữa Nam Hàn với Nhật Bản chẳng hạn. Mà Nam Hà chưa chắc đã có lợi trong thế tay ba đó khi mình vẫn yếu thế giữa hai đại gia Tầu và Nhật. Thứ ba nữa, dù muốn cộng tác với nhau, cả ba nước đều ưu tiên cần tới Hoa Kỳ chứ chưa có thể gạt nước Mỹ ra khỏi Thái bình dương được! Vì vậy, tôi không nghĩ rằng sáng kiến tay ba này đã thành công, ngoài một số thắng lợi biểu kiến để lấy thế thương thảo riêng với Hoa Kỳ.
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần cuối, liên quan đến Việt Nam. Ông nghĩ sao về những hồ sơ ngoài kinh tế, như nhân quyền hay tiêu chuẩn lao động và môi sinh chẳng hạn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong quan hệ song phương với Hoa Kỳ, lãnh đạo Việt Nam coi thường người dân của mình nên gặp trở ngại với chính quyền Mỹ. Thí dụ như vì không tôn trọng nhân quyền và quyền tự do tôn giáo mà đã kẹt và sẽ kẹt vì thoả ước GSP, là chế độ thuế quan phổ cập rất có lợi cho kinh tế Việt Nam. Hoặc sẽ còn kẹt với hàng loạt đạo luật về nhân quyền của Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ.
Trong quan hệ đa phương, thí dụ như khuôn khổ của Hiệp ước Xuyên Thái bình dương, Việt Nam cũng vì không tôn trọng yêu cầu bảo vệ lao động và giải tỏa khu vực kinh tế nhà nước mà mất cơ hội thoát ra khỏi ảnh hưởng kinh tế quá sức tai hại của Trung Quốc. Nguời dân Việt Nam phải được biết về những chọn lựa tai hại đó của lãnh đạo.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét