Đoàn Hưng Quốc
Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đã ra điều trần ngày 23 tháng 5-2012 kêu gọi Thượng Viện phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Việc thông qua Công Ước này sẽ tăng cường thế chính trị của Hoa Kỳ khi can thiệp vào các tranh chấp tại Biển Đông. Từ năm 1994 đến nay, chính quyền Mỹ qua các đời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush đã nhiều lần đề nghị Quốc Hội phê chuẩn, nhưng đều thất bại do sự chống đối của một số Thượng Nghị Sỹ bảo thủ của đảng Cộng hòa.
Câu hỏi đặt ra nơi đây là người Mỹ gốc Việt có nhân kỳ bầu cử tháng 11 tới đây để vận động cho Công Ước này hay không? Thí dụ như hai nhân vật chống đối hàng đầu là TNS John Cornyn thuộc tiểu bang Texas, và TNS Orrin Hatch thuộc tiểu bang Utah đều phải ra tái ứng cử năm 2012, và riêng ông Hatch thì chiếc ghế đang lung lay nên rất cần lá phiếu của từng cử tri.
Từ trước đến nay ngành ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đàm phán song phương về các vấn đề hàng hải một phần vì địa lý ưu đãi của nước Mỹ không phải tiếp cận với nhiều quốc gia xung quanh. Nhưng giờ này Hoa Kỳ muốn có hiện diện trong cuộc tranh chấp đa phương tại Biển Đông, đồng thời cần giải quyết quyền khai thác tài nguyên tại Bắc Băng Dương với Gia Nã Đại, Nga, Đan Mạch thì Hành Pháp, nhiều Dân Biểu Nghị Sĩ cùng giới tư bản đã ủng hộ việc Hoa Kỳ chấp nhận Công ước về Luật Biển để làm căn bản cho các cuộc thương lượng. Tuy nhiên việc này bị khối bảo thủ đầy thế lực trong Quốc Hội phản đối và chận đứng nhiều lần vì theo họ cần duy trì truyền thống đàm phán song phương và không nên bị ràng buộc bởi luật lệ quốc tế.
Đây là cuộc tranh cãi nội bộ của Hoa Kỳ nên các chính phủ nước ngoài không có lý do can thiệp. Nhưng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể đóng góp tiếng nói để chứng minh rằng quyền lợi của Hoa Kỳ phù hợp với Công Ước Quốc Tế về Luật Biển, và xử dụng hữu hiệu lá phiếu của mình nhằm tạo áp lực đến Quốc Hội.
Được biết TNS John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã cho biết ông sẽ không đưa việc phê chuẩn UNCLOS ra bỏ phiếu tại Thượng viện trước cuộc bầu cử năm 2012 diễn ra, do nhiều Nghị Sỹ e ngại phải bỏ phiếu cho một vấn đề nhạy cảm trong lúc đang vận động tranh cử. Vì thế đây là cơ hội rất tốt để các cộng đồng người Việt vận động và phát huy tiếng nói chính trị của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét