Ai là con, cha mẹ, chó và chủ nhà?
Hà Hiển - Ai là con, cha mẹ, chó và chủ nhà? “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo.”
Tôi chỉ muốn nói rằng câu thành ngữ này chỉ đề cập trực tiếp đến những mối quan hệ rất cụ thể: cha, mẹ – con cái, chủ nhà – con vật có thể được coi là trung thành nhất với người là con chó. Vì câu này đề cập đến mối quan hệ giữa những chủ thể rất cụ thể mà ngoài các chủ thể này thì khó có các chủ thể nào khác tương đương để so sánh, nên khi dùng nó để ám chỉ bất kỳ mối quan hệ nào khác thì phải hết sức cẩn thận.
Nếu các bạn không đồng ý với tôi về điều này thì các bạn cứ đưa ra ví dụ về các mối quan hệ tương đương với các chủ thể này đi. Nào, theo các bạn thì cái gì là tương đương với mối quan hệ rất thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái? Tương tự như thế, nếu các bạn cho rằng có một mối quan hệ tương đương giữa “chủ nhà” và “chó” trong vế sau của câu trên thì trong thời đại văn minh này liệu các bạn có dám đưa ra các ví dụ ai là “chó”, ai là “chủ nhà” ngoài “chó” và “chủ nhà” thực sự theo đúng nghĩa đen của nó (vì lấy đâu ra nghĩa bóng mà so sánh).
Thế mà trên báo chí, vẫn có những nhà lý luận của ta, khi phê phán người này người khác vì khác quan điểm với họ, thường dẫn câu thành ngữ dân gian này ra để miệt thị và xúc phạm những người không cùng quan điểm với mình. Tôi còn nhớ có nhà báo rất nổi tiếng cũng dẫn ra câu đó khi phê phán LM Ngô Quang Kiệt sau khi đã tùy tiện cắt xén lời phát biểu của ông cách đây vài năm.
Gần đây nhất, trên trang Anh Ba Sàm, khi bình luận về việc sinh viên Nguyễn Anh Tuấn gửi thư cho VKSNDTC liên quan đến vụ xử LS Cù Huy Hà Vũ, một còm sỹ có nick name là NPB Nguyễn Hòa cũng phán câu đó khi chỉ trích hành động của sinh viên Tuấn.
Chưa bàn đến hành vi của chàng sinh viên này đúng sai ra sao, nhưng trong toàn bộ lá thư của Tuấn, tôi chẳng thấy dòng nào em chê cha mẹ em nghèo khổ cả, cũng không thấy có dòng nào đề cập đến con chó nào hay ông bà chủ nhà nào trong lá thư ấy.
Vì lá thư của Tuấn là kiến nghị của một công dân, và trong đó đề cập đến cả những vấn đề của Tổ quốc, nhân dân có liên quan đến nhà nước, nên tôi buộc phải suy đoán là còm sỹ NPB Nguyễn Hòa muốn ám chỉ đến những mối quan hệ giữa các chủ thể này khi dẫn ra câu thành ngữ trên.
Nếu vậy thì ai là cha mẹ, ai là chủ nhà và “ai” là chó để có thể so sánh tương đương với những chủ thể trên?
Trước hết nói về cha mẹ. Trong số các chủ thể này, “Tổ quốc” được ví với “cha mẹ” nghe ra cũng không nghịch nhĩ lắm. Nhưng cứ giả thiết còm sỹ Hòa ví Tổ quốc như cha mẹ thì trong toàn bộ lá thư của Tuấn, tôi cũng không thấy em viết 1 chữ nào chê bai Tổ quốc cả để có thể lên lớp với em rằng “con không (được) chê cha mẹ khó” . Còn đưa phạm trù quan hệ “Chó – Chủ nhà” vào mối quan hệ giữa Tuấn và Tổ quốc thì lại càng không tương thích và xúc phạm Tuấn.
Hay là còm sỹ Hòa dùng câu thành ngữ này để ám chỉ mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, trong đó có Tuấn? Nếu vậy thì giữa công dân và Nhà nước ai là con, ai là cha mẹ? Về điều này thì Bác Hồ đã nói ngay từ khi nước nhà mới giành được độc lập rằng nhà nước, chính quyền không phải là cha mẹ dân, thậm chí Bác nói rất rõ rằng chính quyền phải là đầy tớ của nhân dân. Các nhà lãnh đạo của ta cũng thường nói Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nói thế cũng chẳng khác gì bảo là dân đẻ ra Nhà nước. Và nếu thế thì trong mối quan hệ với nhà nước, với chính quyền, dân hoàn toàn có thể được gọi là “cha mẹ”. Thế thì câu “con không chê cha mẹ khó” mà còm sỹ Nguyễn Hòa đưa ra để nhắc nhở phê phán em Tuấn hóa ra là theo hướng ngược lại với ý của Bác Hồ à? Nếu giả thiết rằng bây giờ còm sỹ Hòa có lý do chính đáng để nhận thức lại rằng điều Bác Hồ nói bây giờ không đúng nữa và chính quyền phải là cha mẹ, dân là con thì mới đúng, nếu cứ cho là thế thì cái câu “con không chê cha mẹ khó” cũng không áp được vào tình huống này, vì nếu so với dân (con) thì Nhà nước (cha, mẹ) mà đại diện cụ thể là các ông các bà lãnh đạo, có ông bà nào nghèo khó đâu mà chỉ có các con dân là nghèo là khó thôi! Nếu dân có chê thì chỉ chê nhiều ông nhiều bà quá giàu mà để cho dân cứ nghèo khổ lam lũ mãi, chứ nếu các ông, các bà mà nghèo thì dân không thương thì thôi, chứ ai dám chê bai gì! Thôi chẳng dám bàn đến vế sau – “Chó không chê chủ nhà nghèo” nữa vì những “chủ thể” này nó “nhạy cảm” quá! Chỉ muốn nói thế này cho nó nhanh: trong một xã hội văn minh, tôn trọng nhân quyền thì rất không nên người này coi người kia là chó chỉ vì không đồng quan điểm với nhau!
Tóm lại là nói ngược xuôi theo kiểu nào cũng thấy việc các nhà lý luận của ta áp dụng câu này trong bất cứ tình huống nào từ trước đến nay cũng đều không ổn. Xin các vị đừng quen mồm bạ đâu nói đấy, ăn theo, nói leo nữa mà trước khi nói gì thì nên chịu khó NGHĨ cái đã!
. Bookmark the permalink.
Thêm Bình luận Mới
Hiển thị 2 bình luận