9.6.11

Doanh nghiệp thoi thóp trong cơn khát vốn


Doanh nghiệp thoi thóp trong cơn khát vốn

2011-06-09
Các nỗ lực điều chỉnh bất ổn kinh tế vĩ mô chống lạm phát của chính phủ đang dẫn tới những hiệu ứng phụ là tạo ra một cơn khát vốn trong nền kinh tế.

AFP photo
Một bãi tắm ở Đà Nẵng do doanh nghiệp tư nhân đầu tư

Thiếu vốn

Việt Nam có nửa triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đây không phải là lần đầu tiên khối doanh nghiệp ở khu vực tư gặp khó khăn vì nền kinh tế thiếu vốn. Nhưng hiện nay cơn khát vốn càng khốc liệt khi nhiều ngân hàng thỏa thuận vốn cho vay lên tới gần 30%, một hậu quả không mong muốn khi chính phủ thực hiện các biện pháp về tiền tệ tín dụng. TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập từ Hà Nội phát biểu:
“Hiện nay doanh nghiệp rất thiếu vốn và vì thắt chặt tiền tệ thiếu vốn cho nên các ngân hàng đã đẩy lãi suất tiền gởi tiết kiệm lên vượt trần của Ngân hàng Nhà nước là 14% mà hiện nay đã lên tới 18%-19%. Vì vậy đã đẩy lãi suất cho vay lên đến 28%-29% là một mức lãi suất quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.”
Tình trạng khát vốn của nền kinh tế hiện nay được hiểu như thế nào? Trong cuộc trao đổi với chúng tôi ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM nhận định rằng, trong nhiều năm trước đây, những lãnh vực phát triển nóng như bất động sản đã vay rất nhiều tiền từ ngân hàng. 
Do đó trong nghị quyết 11 chính phủ đã đưa ra một mức khống chế, tức là những khoản vay từ khu vực phi sản xuất không được quá 22% tổng huy động vốn của mỗi ngân hàng, chính vì vậy bây giờ nhiều ngân hàng đã cho vay ở mức quá cao so với tổng vốn họ huy động đang tìm cách cân bằng theo qui định của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay các ngân hàng có hai cách làm, một là họ phải giảm cho vay bằng cách thu hồi một phần vốn lại từ lãnh vực phi sản xuất, trong đó đặc biệt lãnh vực bất động sản có số vốn vay nhiều nhất phải thu hồi lại.
... tình trạng thiếu vốn của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra, không những trong năm nay và có thể kéo dài cho sang năm.   
Ông Diệp Thành Kiệt
Nhưng việc thu hồi vốn là không dễ dàng, các doanh nghiệp sau khi vay vốn đã đầu tư vào xây dựng và vẫn có nhu cầu phải vay thêm, việc họ trả nợ để ngân hàng đạt được tổng cho vay dưới mức 22% là việc không khả thi. Chính vì vậy ngân hàng buộc phải bằng mọi cách huy động thêm để nâng tổng vốn huy động lên, từ đó giảm tỷ lệ cho vay vào lãnh vực phi sản xuất.
Ông Diệp Thành Kiệt tiếp lời:
“Chính vì thế tình trạng thiếu vốn khát vốn vẫn đang tồn tại mặc dầu lãi suất hiện nay rất cao, chúng tôi cho rằng đó là một mặt. Mặt thứ hai đầu tư công trong thời gian qua rất lớn, mặc dù chính phủ có những nỗ lực nhất định, nhưng theo nhiều chuyên gia việc giảm đầu tư công chưa mạnh lắm, chỉ ở chừng mực. Điều này có nghĩa vốn vẫn phải rót vào những công trình như vậy. Hai vấn đề đó gộp lại làm cho tình trạng thiếu vốn của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra, không những trong năm nay và có thể kéo dài cho sang năm.”   

Lãi suất cao

Khi triển khai nghị quyết 11 để ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, chính phủ để lộ nhược điểm là không thực tế kiểm soát được kế họach cắt giảm đầu tư công cũng như biện pháp thắt chặt tiền tệ tín dụng. Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Cố vấn kinh tế của Thủ tướng Việt Nam nhận định:
000_Hkg4927770-200.jpg
Một nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu tại một sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 năm 2011. AFP photo
“Kềm chế tăng trưởng tín dụng, thì tôi cho là cần tăng cường tập trung kềm chế tăng trưởng tín dụng ở phần tín dụng cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước hoặc cho dự án của Nhà nước. Đây là phần tiêu tốn tín dụng nhất và hiệu quả tín dụng là thấp. Trong khi đó lẽ ra cần phải tiếp tục cung cấp tín dụng, tạo điều kiện cung cấp tín dụng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho khu vực tư nhân, khu vực nông nghiệp, là những nơi có đông đảo người dân đang tham gia hoạt động kinh tế, đó là cuộc sống của người ta và khu vực này từ trước tới nay đã được chứng minh là có hiệu quả tín dụng tốt hơn so với khu vực Nhà nước.”
Đúng như lời bà Phạm Chi Lan nói, các doanh nghiệp nông nghiệp ngoài quốc doanh phải bươn chải vay vốn ngân hàng với lãi suất rất cao, trong khi đầu tư cho nông nghiệp chịu nhiều rủi ro. Và ngay chính những nông dân góp phần đem về cho đất nước hàng tỷ USD xuất khẩu gạo hay tôm cá cũng phải chịu vay vốn ngân hàng với lãi suất còn cao hơn nữa. Một nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:  
“Nói chung 100% nông dân vay vốn ngân hàng với số tiền vay khá lớn. Cách đây một năm tôi vay lãi suất 1,35% một tháng, nhưng hiện tại tôi đang vay 2,15% một tháng. Ngân hàng Nông nghiệp cho vay số tiền rất ít không đáp ứng nhu cầu nông dân, còn ngân hàng tư nhân lãi suất rất cao.”
Cách đây một năm tôi vay lãi suất 1,35% một tháng, nhưng hiện tại tôi đang vay 2,15% một tháng.
Một nông dân ĐBSCL
Trong thời gian kinh tế suy trầm 2008-2009, Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam ước tính lúc đó có đến 50% số doanh nghiệp phá sản, hoặc ngừng hoạt động. Trong năm chấn động vì lạm phát cao 2011 này, chưa có một ước tính nào được công bố về con số các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sớm rời khỏi sân chơi của thời kỳ nền kinh tế thiếu vốn. 
Điều chắc chắn, những doanh nghiệp muốn tồn tại không còn cách nào khác hơn là thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công, tìm kiếm nguồn vốn với lãi suất có thể chấp nhận được từ chính cán bộ, công nhân của mình.
Nền kinh tế thiếu vốn dẫn tới sản xuất đình đốn, lực lượng thất nghiệp gia tăng. Giải quyết tín dụng cần thiết cho khu vực kinh tế tư nhân, khu vực sản xuất nông nghiệp là những việc cần làm ngay, hoặc nói như  chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, đã đến lúc ngồi xuống đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết 11 để có những điều chỉnh kịp thời.

Không có nhận xét nào: