9.6.11

Phát triển kinh tế biển Việt Nam


Phát triển kinh tế biển Việt Nam

2011-06-09
Diễn đàn kinh tế Biển Việt Nam 2011 do Tổng cục Biển và Hải đảo, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tổ chức tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, trong khuôn khổ “Tuần lễ Biển và Hải Đảo VN”.

AFP photo
Cư dân một làng chài ở Nha Trang

Phải thay đổi tư duy 

Lên tiếng trước diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu và quản lý đều cho rằng biển của Việt Nam đúng nghĩa là “biển bạc” vì có tài nguyên, tiềm năng phong phú và gần như vô tận. Bờ biển Việt Nam dài gần 3300 km, vùng biển rộng gần một triệu km2, tỷ lệ cao gấp sáu lần so với mức trung bình của thế giới.
Tổng trữ lượng dầu khí ước tính tới 10 tỷ tấn, trữ lượng hải sản khoảng trên dưới 3 triệu rưỡi tấn. 
Dọc theo miền duyên hải có rất nhiều bãi biển và vịnh nổi tiếng thế giới như  Hà Tiên, Vũng Tàu, Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong, Hạ Long… với trên 2700 hòn đảo lớn nhỏ, 90 cảng biển, 100 địa điểm có thể xây dựng bến cảng, trong tương lai.
Theo Tuổi Trẻ online thì các hội thảo viên nhận định rằng, nếu Việt Nam muốn phát triển kinh tế biển cho có hiệu quả, tương xứng với tiềm năng sẵn có, thì những ai có trách nhiệm cần phải thoát ra khỏi tư duy “tiểu nông”, nói cách khác là vẫn theo kiểu “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, khai thác biển theo lối đánh bắt ven bờ.
Nhận định về tầm quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế biển, từ Nha Trang, với tư cách là một trong các hội thảo viên, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhấn mạnh:
Việt Nam xưa nay chủ yếu khai thác ở đất liền, bây giờ tiến ra biển thì đối tượng nó khác, tư duy phải khác.
TS Trần Đình Thiên
“Việt Nam xưa nay, chủ yếu khai thác ở đất liền, bây giờ tiến ra biển thì đối tượng nó khác, tư duy phải khác. Tôi cho rằng, có hai vấn đề cần phải quan tâm, một là lực lượng doanh nghiệp khai thác phải mạnh, thứ hai là trình độ khoa học công nghệ cao. Đấy là yếu tố nội lực, thế còn hiện nay thế giới đang chuyển sang khoa học công nghệ và mở cửa rồi, thì phải tận dụng được thế mạnh ấy, nếu không thì khai thác biển là một cái mới, cái khó, mà trình độ phát triển của Việt Nam chưa cao, thì cần có tư duy chiến lược rất dài hạn, rất bài bản thì mới được.”
Cũng có ý kiến khác nói rằng, giới hữu trách chưa rõ quan niệm toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, trong khi cả thế giới đang đồng loạt tiến ra biển cả, khai thác tiềm năng biển với mọi cấp độ, mọi hình thức, phương tiện và kỹ năng hiện đại.
Trước đây, quốc hội Việt Nam đã có chủ trương khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ nhưng khi đụng chạm thực tế, việc đó không được đáp ứng nên bị quên lãng.
Về hướng phát  triển trong tương lai, tiến sĩ Trần Đình Thiên tin rằng Việt Nam đang gặp một số điều kiện thuận lợi và thực tế đang chứng minh cho điều ấy:
“Những yếu tố liên quan đến biển, đến bây giờ vẫn là những thứ thuộc về tài nguyên tự nhiên, nói chung là tốt, nhưng nếu muốn tận dụng điều kiện cần ấy thì phải có điều kiện đủ, tức là sự phối hợp giữa phát triển kinh tế và phát triển về năng lực khoa học công nghệ. Đấy là hai yếu tố mấu chốt mà hiện nay, khi phát triển kinh tế thị trường, đổi mới năng lực, cái đòi hỏi rất lớn, không thể phê phán hay nhìn chốc lát mà phát triển được, vì đó là một nỗ lực lâu dài và khó khăn. 
Đây là hướng mở rất quan trọng ở Việt Nam, một là gia nhập WTO, hai là tuyên  bố về chiến lược biển, thì hai cái hướng này mở ra không gian kinh tế và điều kiện phát huy tối đa, cho nên đấy là những yếu tố quyết định rất nhiều đến tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam.”

Và cơ chế hành chánh

Trước tình thế hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo nhà nước nên sớm có thay đổi chính sách về phát triển kinh tế biển, đánh giá đầy đủ về nguồn đầu tư, nhân lực, khoa học, công nghệ và cần bắt tay ngay vào những dự án trọng điểm. Một số định hướng phát triển kinh tế biển được nói tới là mở mang công nghiệp đóng tàu, du lịch biển đảo, thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài khơi. Nếu không biết ứng dụng trình độ quản lý, công nghệ cao, kỹ thuật tân tiến của thời đại, mà chỉ dùng sức lực của con người thì không khác nào chuyện tổ tiên “mang vó ra khơi đánh bắt cá”.
033_RIA11-839715_3264-200.jpg
Vợ của các ngư dân phân loại cá để bán trên vùng biển Nha Trang. AFP photo
Nhà nước Việt Nam thường lặp đi lặp lại là bờ biển dài cùng các bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế chính là mỏ vàng quý báu, vì thế ngay từ ghế nhà trường, học sinh thường được dạy là nước ta có “rừng vàng, biển bạc”.
Từ câu nói đó, tại diễn đàn kinh tế biển Việt Nam, nhiều thắc mắc được nêu lên, vì sao có “rừng vàng biển bạc” nhưng sao nước mình vẫn nghèo.
Trả lời câu hỏi đó, giáo sư tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Thế giới giải tích rằng, thể chế hành chánh, chính trị và kinh tế là những trở ngại, gây bế tắc, cản trở. Ông nhắc tới Singapore, đất hẹp, người ít, không có được tiềm năng như Việt Nam mà họ vẫn phát triển mạnh, vượt xa Việt Nam.
Ông dẫn chứng bằng một thí dụ cụ thể như là bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, giá trị mỗi mét vuông đất hơn một tỷ đồng, mà có người chỉ đến đó mở một quầy bán nước chè thì muôn đời sau vẫn nghèo hoài.
Một người dân Nha Trang có theo dõi thông tin về Diễn đàn kinh tế biển đang nhóm họp tại đây, kể về chuyện làm ăn, sinh sống của phần lớn dân chúng mà ông cho là “bảo sao, làm vậy” mà vẫn không khá:
“Với góc độ của tôi, thấy sao mình vẫn nghèo, mổ xẻ, nói về kinh tế thì bao la lắm, mình chỉ thấy là lâu nay dân làm theo kiểu cá thể, ít tập trung mà muốn tập trung thì nhà nước phải làm một cái gì đó, người ta thấy có hiệu quả, người ta mới mạnh dạn theo. Hồi nào tới giờ, phát huy nhiều mô hình lắm, như biểu cứ trồng đi, như nói về nông nghiệp, anh cứ trồng đi, cuối cùng là được mùa, mất giá, đầu ra không có, thế thì nông dân phải chật vật. Anh biển cũng vậy thôi, nói như là báo chí nói, như đảng kêu gọi, người dân thì thực tế lắm, làm thế nào chuyến ra khơi của tôi trừ dầu, trừ tiền công, tôi còn có thể mua gạo được, lỗ thì làm sao tôi đi. 
Dân đã làm nhiều, nhưng cuối cùng, hiệu quả không có, dân người ta ngao ngán. Cụ thể như tại Vạn Giả này, nói là bảo vệ môi trường biển, không được dùng chất nổ đánh (cá), không được đánh những cái nhà nước không cho phép, thực sự ở đâu tới ào ào, đi một cái là sạch sẽ, cá lớn cá bé bắt hết, dân người ta ngơ ngác. Ai có quyền chặn đứng, thì công an biên phòng, chặn rồi, phạt nó 5 triệu, 6 triệu, sẵn sàng cho thêm một triệu nữa là 7 triệu, 8 triệu, nhậu chơi. Đó là thách thức hay kiếm được nhiều thì coi thường vậy, không biết. Bắt rồi, thả ra, cuối cùng nó đi rồi thì trở lại là biển không, rồi dân vẫn đói.”
Một số đề nghị được trình bày trước diễn đàn nhấn mạnh đến việc nhà nước cần phải đặt lơi ích, chiến lược quốc gia lên trên hết, chứ không vì quyền lợi địa phương hay phe nhóm.
Nhà nước và quốc hội nên cho thành lập một Bộ Quản lý, Phát triển Kinh tế biển với trách nhiệm xử lý toàn bộ những vấn đề về kinh tế biển ở trên mặt nước, dưới đáy biển, từ trên bờ cho tới đại dương.
Tuy nhiên, xét về mặt thực tế thì qua thông tin gần đây, người ta thường nghe  những chuyện “tàu lạ” đụng chìm, bắn giết ngư dân Việt Nam, bắt cóc họ đòi tiền chuộc, hay mới đây tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2 bị các tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp, thì chương trình phát triển kinh tế biển của Hà Nội, không biết đến khi nào mới xúc tiến được.

Không có nhận xét nào: