18.11.11

Tái cơ cấu nền kinh tế - phần 2


2011-11-17
Quyết định gia nhập Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất nhiều cơ hội và rào cản vẫn còn phía trước đối với Việt Nam.
AFP photo
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chuyện với Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk (P) trong một cuộc họp với các lãnh đạo TPP tại Honolulu, Hawaii, vào ngày 12 tháng 11 năm 2011.
Những khó khăn mà Việt Nam phải vượt qua là giải quyết các bảo hộ thương mại mà các công ty quốc doanh là những ví dụ. Cạnh đó vấn đề bảo hộ lao động và nghiệp đoàn đang chờ Việt Nam quyết định sao cho phù hơp với yêu cầu của hiệp định. Liệu gia nhập TPP có giúp gì cho việc tái cơ cấu mà nhà nước đang phát động hay không? 
Mặc Lâm phỏng vấn TS Nguyễn Minh Phong, thuộc Viện Nghiên cứu Khoa Học Xã Hội Hà Nội, để biết thêm chi tiết.

Thay đổi nhận thức 

Mặc Lâm : Xin cảm ơn TS Nguyễn Minh Phong đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Thưa ông, Việt Nam vừa tham gia ký kết để gia nhập Hiệp Định Thương Mại Tự Do Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Với rất nhiều quy định khắt khe của định chế này cần phải vượt qua, trước nhất là VN phải giải quyết sự bảo hộ của nhà nước, mà đối với VN thì đó là những tập đoàn quốc doanh. Theo ông thì chính phủ phải quyết định thế nào trước đòi hỏi này?
TS Nguyễn Minh Phong : Thực ra khi đã chấp nhận đổi mới và tham gia hội nhập kể từ 1986 và đặc biệt là tham gia vào ASEAN, AFTA cũng như WTO, chính phủ Việt Nam đã xác định là sẽ có những điều chỉnh để tuân theo luật chơi chung để tạo ra những lợi ích và động lực phát triển chung cho đất nước cũng như cho thế giới và khu vực. 
Bằng việc đang tham gia và sẽ tham gia đến cùng vào TPP thì chắc chắn Việt Nam sẽ đối diện với bài toán giống như trước đây Việt Nam đã đối diện khi tham gia vào thỏa thuận của WTO. Thực ra Việt Nam đã có những thay đổi rất lớn trong nhận thức về vai trò của nhà nước cũng như sự độc quyền của nhà nước .
Mặc Lâm : Tiến Sĩ có thể cho biết những thay đổi nhận thức đó như thế nào hay không, thưa ông?
TS Nguyễn Minh Phong : Bằng chứng gần đây nhất là thông qua các văn kiện rất quan trọng. Một là văn kiện của Đại Hội 11 với báo cáo chính trị, rồi nghị quyết cộng với cương lĩnh phát triển đất nước đến 2020. Cũng như chiến lược phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới 2020-2030, rõ ràng Việt Nam đã khẳng định đã có sự điều chỉnh về vai trò của nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước theo hướng giảm bớt sự kềnh càng, tỷ trọng cũng như vai trò chủ đạo ở tất cả các lãnh vực.
Khi đã chấp nhận đổi mới và tham gia hội nhập kể từ 1986 và đặc biệt là tham gia vào ASEAN, AFTA cũng như WTO, chính phủ Việt Nam đã xác định là sẽ có những điều chỉnh để tuân theo luật chơi chung...
TS Nguyễn Minh Phong
Chỉ còn tập trung ở một số lãnh vực quan trọng do đòi hỏi của an ninh quốc gia, do đòi hỏi của việc bảo đảm ổn định chung, cũng như do tư nhân chưa tham gia được, còn các lãnh vực khác sẽ mở để cho tư nhân cùng tham gia. 
Thứ hai nữa là TBT Nguyễn Phú Trọng trong kết luận Hội Nghị Trưng Ương 3 gần đây, hơn hai ba tuần qua, cũng như trong thông báo công bố của Ban Lý Luận Trung Ương thì đã có chỉ đạo rất quan trọng. Chúng tôi cho là quan trọng không kém văn kiện Đại Hội 11, đó là bối cảnh mới đòi hỏi đột phá tư duy lý luận, nhận thức về các vấn đề lý luận kinh tế, xã hội là cần phải có sự thay đổi. 
Chúng tôi cho rằng đây là tiền đề để Việt Nam trong những ngày sắp tới sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa trong nhận thức lý luận về tất cả các vấn đề, trong đó sẽ có vấn đề hội nhập cũng như vai trò độc quyền của nhà nước. Tôi tin rằng với những nhận thức như vậy và với những tư duy hiện nay mà Đảng, Nhà Nước cũng như giới khoa học Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến thì nó sẽ đáp ứng được cái TPP.
Mặc Lâm : Thưa ông, còn những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, quan hệ giữa các nghiệp đoàn... theo ông thì làm sao VN đáp ứng yêu cầu này của TPP mà hệ thống chính trị hiện hành không bị ảnh hưởng?
TS Nguyễn Minh Phong : Thực ra thì Việt Nam không gặp vấn đề hội nhập mà giữ nguyên hệ thống chính trị hiện hành, bởi vì trong văn kiện Đại Hội 11 mình vừa nói đến, cũng như trong nhận thức mới là đòi hỏi đột phá thể chế toàn diện, trong đó có cả thể chế kinh tế thị trường cũng như thể chế chính trị, nghĩa là sẽ có thể có những sự điều chỉnh nhất định cần thiết thích hợp để tham gia các thỏa thuận quốc tế. 
Trong chuyện này, đặc biệt là đối với vấn đề TPP, Việt Nam càng không đặt vấn đề giữ nguyên những thể chế liên quan đến lao động hiện nay mà sẽ có sự điều chỉnh sao cho phát triển nghiệp đoàn lao động. Hai nữa bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như quyền lợi của người chủ sử dụng lao động. Thứ ba là để cho thị trường lao động Việt Nam liên thông với thị trường thế giới. Cuối cùng là sẽ phát triển các tổ chức liên quan tới vấn đề sử dụng, bảo vệ cũng như xử lý các vấn đề lao động. Chắc chắn là sẽ có một sự điều chỉnh chứ không phải là theo một cái giả định như vừa nói là tham gia mà vẫn giữ nguyên những tồn tại hiện nay liên quan đến thể chế lao động cũng như thể chế chính trị.

Mạnh dạn cải tổ

Mặc Lâm : Hàng năm ngân sách nhà nước chi vào các hội đoàn chính trị, các hội đoàn xã hội, các hiệp hội, viện nghiên cứu một ngân sách rất lớn nhưng hiệu quả thật sự của nó thì dư luận đánh giá là không cao. Theo ông, trong việc cải tổ lần này có nên mạnh dạn cắt bỏ những tốn kém theo chủ nghĩa “thân quen” này hay không để giúp gỡ bỏ một phần gánh nặng trong lạm phát ?
001_GR271512(2)-200.jpg
Biểu đồ phát triển kinh tế 4 nước thuộc khối ASEAN: Indonesia, Thailand, Malaysia, Philippines and Vietnam. AFP
TS Nguyễn Minh Phong :Thực ra thì hiện nay chưa có tổng kết chính thức của nhà nước liên quan tới vấn đề đánh giá hiệu quả cũng như là sự hợp lý của các tổ chức đoàn thể chính trị, các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ, cũng như là các tổ chức nghề nghiệp khác ở Việt Nam, mà cần phải có một đánh giá thấu đáo và chính thức hơn.
Hiện nay Việt Nam đang tổ chức nghiên cứu để tổng kết việc thực hiện hiến pháp. Chúng tôi cũng được tham gia vào trong cái tổ hiến pháp của thành phố Hà Nội và chính tôi cũng là người viết báo cáo tổng hợp, đánh giá việc thực hiện hiến pháp trên địa bàn Hà Nội để góp ý cho Quốc Hội, cũng như là góp ý chung cho cả nước để tiến tới việc tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh hiến pháp trong thời gian tới. Rõ ràng việc điều chỉnh hiến pháp này nó sẽ bao quát tất cả các vấn đề, trong đó có thể có vấn đề liên quan tới các hiệp hội mà chúng ta vừa nói. 
Riêng cá nhân tôi cho rằng từ trước tới nay thì Việt Nam đúng là có các loại tổ chức đoàn thể từ chính trị cho đến xã hội, ngành nghề, hiệp hội và các hoạt động khác. Tuy nhiên, đã đến lúc cũng cần phải xem lại cách thức tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, số lượng. Rồi quy mô, rồi các nguyên lý hoạt động cũng như vai trò của các loại này sao cho một là nó tinh giản bớt đi, giảm bớt tính chất hành chính nhà nước trong các hiệp hội.
Đã đến lúc cần phải xem xét lại một cách hệ thống hơn để có những thay đổi tương đối mạnh mẽ liên quan tới vấn đề nhận thức cũng như cơ chế, môi trường pháp lý và các hoạt động thực tiễn của các tổ chức này.
TS Nguyễn Minh Phong
Thứ hai nữa là nó phải thiết thực phục vụ cho các hoạt động mà các hiệp hội họ mong muốn, chứ không phải là hình thức nữa. Và thứ ba là để cho nó liên thông với thế giới nhiều hơn, tạo ra sứ mệnh của nó như sự bổ sung cho chính quyền, như một sự thay thế những mảng hoạt động hay những chức năng nào đó của chính quyền phân vai cho nó. 
Bên cạnh đấy cũng có những việc xem xét và quản lý các hoạt động này sao cho đúng pháp luật cũng như chặt chẽ hơn. Tránh các hiện tượng chúng ta cứ xây dựng ra rồi để hoạt động một cách tự phát, hoặc là không hoạt động, hoặc là hoạt động không trong sự kiểm soát. Tất cả những vấn đề này là bất cập. Chúng tôi đồng ý là đã đến lúc cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc hơn, một cách hệ thống hơn để có những thay đổi tương đối mạnh mẽ liên quan tới vấn đề nhận thức cũng như cơ chế, môi trường pháp lý và các hoạt động thực tiễn của các tổ chức này.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn ông. 

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: