Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-11-17
Với nghị quyết mới nhất nhằm tái cơ cấu nền kinh tế đang trở nên bất cập trên nhiều lĩnh vực, các chuyên gia kinh tế Việt Nam nghĩ gì về những nỗ lực này?
Chúng tôi có loạt bài phỏng vấn ba ông gồm Luật sư Nguyễn Trần Bạt, TS Lê Đăng Doanh và TS Nguyễn Minh Phong nhằm tìm hiểu các góc cạnh khác nhau của vấn đề này.
Bài đầu tiên xin dành cho luật sư Nguyễn Trần Bạt, giám đốc Trung tâm Tư vấn Đầu tư đã trả lời cho Mặc Lâm chung quanh đề tài Vinashin, trách nhiệm của chính phủ đối với việc trả nợ và tính chất bảo hộ các tập đoàn quốc doanh đang là câu hỏi chung rất lớn hiện nay.
Không chỉ là kinh tế
Mặc Lâm : Trước tiên xin được cảm ơn Luật Sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Thưa ông, theo một phát biểu mới đây của ông thì hậu quả của vụ Vinashin bị kiện ở Anh không chỉ về kinh tế mà còn là hậu quả chính trị nữa. Xin ông có thể cho biết những hậu quả ấy là gì hay không ạ?
Thưa ông, theo một phát biểu mới đây của ông thì hậu quả của vụ Vinashin bị kiện ở Anh không chỉ về kinh tế mà còn là hậu quả chính trị nữa. Xin ông có thể cho biết những hậu quả ấy là gì hay không ạ?
LS Nguyễn Trần Bạt : Rất khó để mà nói về những hậu quả chính trị cụ thể, bởi vì hậu quả chính trị bao giờ cũng là kết quả của bản lĩnh chính trị của nhà cầm quyền và của xã hội nữa. Bây giờ nhà cầm quyền chưa có bất kỳ một tuyên bố nào liên quan đến việc kiện cáo của tập đoàn Elliott với Vinashin, cho nên tôi chỉ muốn gợi ý với các nhà quản lý, với nhà nước là cần phải nhìn việc này một cách sâu sắc hơn để tránh tất cả những vụng về trong việc xử lý hậu quả. Buộc phải nhìn nó như một hiện tượng, một hiện tượng khủng hoảng chứ không phải là một hiện tượng cụ thể của công ty Vinashin.
Tất nhiên là trong tình hình chung, chính phủ và các cơ quan khác nhau, các nhánh quyền lực khác nhau của hệ thống chính trị cũng đã bắt đầu đưa ra những phát biểu đầu tiên về đòi hỏi phải cải cách nền kinh tế, và xa hơn nữa có thể phải cải cách xã hội, trong đó có cả những vấn đề bàn về sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa rõ ràng, chưa thể hiện một quan điểm rõ rệt. Tôi linh cảm rằng mọi sự cải cách thực chất bao giờ cũng dẫn đến một đòi hỏi cải cách cao hơn, hay là cải cách một số quan điểm chính trị cơ bản để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc cải cách xã hội, cải cách kinh tế. Đấy là trả lời của tôi về câu hỏi này.
Mọi sự cải cách thực chất bao giờ cũng dẫn đến một đòi hỏi cải cách cao hơn, hay là cải cách một số quan điểm chính trị cơ bản để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc cải cách xã hội, cải cách kinh tế.LS Nguyễn Trần Bạt
Mặc Lâm : Trên lĩnh vực tài chánh, nếu chính phủ quyết định lãnh trách nhiệm giải quyết vụ Vinashin thì dư luận đặt ra những câu hỏi là có còn những vụ vỡ nợ khác thì chính phủ có giải quyết nổi hay không, thưa ông ? Và liệu những vụ vỡ nợ domino này có khả năng xảy ra hay không ạ?
LS Nguyễn Trần Bạt : Vâng. Câu hỏi của anh rất hay. Tôi cũng tự đặt ra câu hỏi ấy và cũng từng đặt ra câu hỏi ấy. Vấn đề là hiện nay nhà nước chưa công khai những nguy cơ, những vụ vỡ nợ có thể có của các tập đoàn kinh tế khác, cho nên chưa tiện bình luận về giải pháp tổng thể của nhà nước đối với các vụ vỡ nợ trên quy mô rộng hơn, mà tôi chỉ nói một vụ liên quan đến Vinashin thôi. Tuy nhiên, nếu khái quát hóa thành hiện tượng vỡ nợ có thể có đối với nhiều tập đoàn thì đấy là một bài toán rộng lớn hơn nhiều, đòi hỏi chính phủ phải có một tiềm năng tài chính đủ lớn thì mới có thể hỗ trợ các tập đoàn này giải quyết vấn đề tín dụng.
Nhưng cũng phải nói với anh rằng có lẽ tiềm lực của chính phủ về mặt tài chính trong câu chuyện này là cũng khá hạn chế cho nên giải quyết ở quy mô nào, giải quyết theo cách thức nào, phụ thuộc vào bản lĩnh của chính phủ. Bản lĩnh của chính phủ hoàn toàn lệ thuộc vào tiềm năng tài chính của chính phủ, mà điều đó thì chính phủ không công khai, vì thế cho nên phải nói rằng xã hội rất khó đoán định giải pháp cho vấn đề này một cách tổng quát là như thế nào.
Trách nhiệm của chính phủ
Mặc Lâm : Xin được quay lại việc trách nhiệm và chịu trách nhiệm của chính phủ, dư luận cho rằng Việt Nam không thể cải tổ ngay cái cốt lõi một cách hữu hiệu do nhóm lãnh đạo cao nhất nước không bị chế tài bằng các kỹ thuật dân chủ. Cơ chế này trói buộc những đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, ông nghĩ sao về những nhận xét này?
LS Nguyễn Trần Bạt : Tôi nghĩ rằng câu hỏi của anh rất là tế nhị. Nó bước một bước rất dài sang địa hạt của đời sống chính trị, mà xã hội chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin nào để đoán định hoặc để có thể dự báo về tình hình này. Đương nhiên là xã hội cũng đang phấn đấu, có lẽ cả chính phủ chúng tôi, nhà nước chúng tôi, cũng đang phấn đấu để xây dựng một nhà nước pháp quyền. Tất nhiên có một số đặc điểm Việt Nam mà người ta quy ra thành cái điệp ngữ là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và tất cả các bí ẩn của tương lai mà chúng ta cần đoán định cho Việt Nam chính là chúng ta xử lý những vai trò của pháp quyền như thế nào trong điều kiện của một nước xã hội chủ nghĩa.
Mặc Lâm : Thưa, có một việc không bí ẩn như ông nói, đó là dư luận đang rất chú ý việc bảo hộ chính trị cho các tập đoàn quốc doanh đang là sức nặng đè lên trên toàn bộ nền kinh tế VN, theo ông thì nhà nước có nên hy sinh quyền lợi chính trị cho quyền lợi của đất nước hay không? Và tại sao không thấy sự cất cánh của nền kinh tế là một thành quả chính trị, thưa ông?
LS Nguyễn Trần Bạt : Tôi nghĩ rằng trên đời này không có một đảng chính trị nào hy sinh các quyền lợi chính trị của mình vì bất kỳ cái gì khác cả. Chỉ có một đảng chính trị cầm quyền ở Việt Nam là Đảng Cộng Sản Việt Nam cho nên bài toán này là bài toán đặc thù của Việt Nam thôi. Tôi nghĩ rằng nếu tồn tại Đảng CSVN thì sẽ không có sự hy sinh tuyệt đối các quyền lợi chính trị cho bất kỳ cái quyền gì. Nhưng xã hội cũng có áp lực của nó vì thế cho nên giải pháp ở đây là một sự cân đối nằm giữa, nằm ở đâu đó trong khoảng cách giữa quyền lợi chính trị với những quyền lợi toàn diện khác. Và tôi nghĩ rằng chắc chắn khuynh hướng cải cách sẽ đi theo hướng là tìm một điểm hợp lý chứ không phải là thay đổi toàn bộ khuynh hướng.
Tôi nghĩ rằng nếu tồn tại Đảng CSVN thì sẽ không có sự hy sinh tuyệt đối các quyền lợi chính trị cho bất kỳ cái quyền gì.LS Nguyễn Trần Bạt
Mặc Lâm : Xin được hỏi ông một câu cuối cùng, trước chính sách tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay ông có đặt một kỳ vọng nào dù lớn hay nhỏ, thưa ông?
LS Nguyễn Trần Bạt : Tôi kỳ vọng, cũng là một khái niệm hết sức khác nhau trong những chủ thể khác nhau. Tôi có một thói quen là không bao giờ đặt kỳ vọng theo một nghĩa là vô điều kiện. Kỳ vọng bao giờ cũng dựa vào kỳ vọng chính xác, kỳ vọng đúng, kỳ vọng có giá trị thực tế bao giờ cũng căn cứ vào điều kiện khác nhau của các lực lượng xã hội khác nhau. Trong đó nhà cầm quyền, đảng chính trị cầm quyền cũng là một lực lượng xã hội. Và tôi nghĩ rằng mọi sự cân đối cũng theo nguyên tắc như vậy, là đi tìm điểm hợp lý. Hay nói cách khác toàn bộ nghệ thuật để tiến hành một cuộc cải cách xã hội trong điều kiện Việt Nam là đi tìm một điểm hợp lý giữa các khuynh hướng quyền lợi khác nhau. Nó không thể thay đổi một cách tuyệt đối từ khuynh hướng này đến khuynh hướng khác được, ít nhất là trong thời lượng năm mười năm trước mắt.
Mặc Lâm : Xin cám ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét