6.11.11

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG: DIỆN VÀ ĐIỂM

Ngô Quốc Sĩ
Biển Đông còn nổi sóng. Cuộc tranh chấp Biển Đông  có vẻ đang leo thang với những diễn biến khác thường, qua những phản ứng của Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ cũng như Hoa Kỳ, và đặc biệt là Việt Nam. Nhìn vào những diễn biến này, người ta khó mà xác định được, cuộc tranh chấp thực sự như thế nào và sẽ đi về đâu? Nói khác, đâu là Diện và đâu là Điểm của cuộc tranh chấp tại vùng biển chiến lược đuợc gọi là “Thái Bình” này.
Nhìn từ bên ngoài, người ta chỉ nhìn thấy cái Diện của cuộc tranh chấp qua những lời tuyên bố qua lại giữa các quốc gia liên hệ, và  những chuyển dịch quân sự qua các cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Philippines cũng như giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cộng thêm với tin đồn Đài Loan  đang tân trang vũ khí tại hải đảo vùng biển dậy sóng  này.
Phân tích kỹ hơn về những chuyển dịch bề mặt này, người ta không thể không nhắc tới những lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton , khẳng quyết là Hoa Kỳ sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ vùng biển chiến lược này trước mộng bá quyền của Trung Quốc.  Thêm vào đó, Việt Nam và Philippines cũng đã có những cuộc đàm phán về hợp tác quân sự để  hợp tác bảo vệ chủ quyền  của mỗi nước tại vùng biển màu mỡ này.  Đó là chưa nói tới  phản ứng của Malaysia và thái độ  của Nhật Bản và Ấn Độ, sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia trong vùng nhằm chặn đứng mộng bành trướng của Trung Quốc.
Cũng rất dễ hiểu, tại sao Hoa Kỳ và các quốc gia trong vùng đã tỏ ra quan tâm đặc biệt đến vùng biển xa xôi này. Nhìn lại lịch sử 2 cuộc thế chiến, cũng như cuộc chiến tranh Việt Nam mới kết thúc gẩn  đây,  biển Đông vẫn được coi là vùng biển chiến lược quan trọng trong cuộc đối đầu giữa Đồng Minh và phe Trục, giữa thế giới tự do và khối cộng. Chẳng thế mà ai cũng muốn đặt căn cứ  quân sự tại Cam Ranh! Thêm vào đó, đây cũng là vùng biển màu mỡ với một lượng dầu khí  đầy hứa hẹn và ngư sản phong phú và qúy giá, mà các quốc gia có thể chia sẻ quyền lợi kinh tế.
Phía Trung Quốc, cái thế chiến lược cũng như khả năng kinh tế của vùng biển này hiển nhiên  là miếng mồi ngon, và đó chính là động lực thúc đẩy họ vẽ đường “luỡi bò” nhằm dành quyền làm chủ Biển Đông,  bất chấp sự thật lich sử, địa lý cũng như pháp lý, đều xác  nhận chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển này nói chung và  Hoàng Sa Trường Sa nói riêng.
Nhưng đàng sau bộ mặt bên  ngoài, như những làn sóng gợn trên mặt đó, người ta phải  nhận thấy những bí ẩn duới đáy sâu của các hiện tượng, có thể gọi là cái “Điểm” của cuộc tranh chấp. Thật vậy, trong khi Chủ Tịch Nhà Nưóc Trương Tấn Sang đi Ấn Độ  nói là tạo vây cánh, giúp bảo vệ chủ quyền biển Đông,  thì trước đó, Nguyễn Chí Vịnh và Nguyễn Phú Trọng đã chính thức thăm viếng Trung Quốc, mà mục đích là ký kết những thỏa thuận ngầm,  mà thực chất là những văn kiện bán  đứng Việt Nam cho Trung Quốc. Nguyễn Chí Vịnh đã hết lời nâng bi Trung Quốc, lớn tiếng mạt sát những quốc gia đang cố gắng góp sức giải quyết tranh chấp, coi đó là những thế lực thù địch, chống lại mối giao hảo Việt Trung. Đặc biệt  Nguyễn Phú Trọng còn ký kết với Hồ Cẩm Đào  những thỏa thuận ngầm, theo đó, Trung Quốc và Việt Nam sẽ giải quyết tranh chấp qua các đàm phán song phương, có nghĩa là không để cho một thế lực quốc tế nào dính vào. Thử hỏi, một quốc gia nhỏ bé như thể con châu chấu với 86 triệu người, mà chỉ đàm phán song phương với một đại cuờng như con voi khổng lồ với 1.3 tỷ người, thì có khác nào đem nai tơ  nhét vào miệng sư tử! Nhất là Nguyễn Phú Trọng cũng như Nguyễn Chí Vịnh, đều cam kết với đàn anh, là sẽ dẹp tan các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của dân Việt. Đó  là lý do Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành sắc lệnh kỳ quái, phản dân chủ, cấm   dân chúng tụ tập biểu tình để biểu tỏ lòng yêu nước chân chính!
Sự thể sẽ kết thúc thế nào thì còn phải chờ thêm một thời gian nữa mới rõ trắng đen ra sao. Nhưng cán cân ngã về bên nào thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như ý chí chống ngoại xâm và chống tập đoàn bán nước của toàn  dân Viêt, trong nuớc cũng như ngoài nước, cùng với sự quyết tâm của quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong nỗ lực bảo vệ vùng biển chiến lược gọi là Đông Hải khỏi lọt vào tay Trung Quốc.
Tóm lại, giải pháp tối ưu  giúp giải quyết cuộc tranh chấp tại biển Đông, là quốc tế hóa  cuộc tranh chấp với những đàm phán đa phương  bao gồm các quốc gia liên hệ. Đó là  con đường duy nhất nhằm chặt đứt  những cái vòi đang  ngo ngoe của con bạch tuộc tham lam một cách vô liêm sỉ từ phương Bắc.
Ngô Quốc Sĩ

Không có nhận xét nào: