9.2.12

Chức năng Ngân hàng



Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012-02-08
Trong bối cảnh khó khăn đến mức khủng hoảng của hệ thống ngân hàng tại nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những yêu cầu cơ bản của các ngân hàng, từ chức năng đến mục tiêu và yêu cầu về thanh tra, kiểm soát.
Vũ Hoàng có cuộc phỏng vấn với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.

Trung gian chuyển hóa

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Như một số thính giả có đề nghị sau khi chứng kiến nhiếu biến động khó hiểu trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, kỳ này, tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về các ngân hàng. Chức năng của chúng là gì thưa ông?
Ngân hàng Trung ương ở Hà Nội hôm
22/1/2012. RFA photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin phép là đi lại từ chuyện cơ bản đến độ thường thức và xin cố trình bày cho đơn giản vì đây là đề tài cần thiết cho đa số chúng ta, là người cho ngân hàng vay tiền khi ký thác tiền của mình vào ngân hàng và chịu rủi ro khi ngân hàng đem tiền đó cho vay mà có thể bị mất.
Vũ Hoàng: Vào đầu, ông nói ngay một điều có thể là lạ tai. Người ta thường nghĩ rằng mình vào ngân hàng là để vay tiền, ông lại nói rằng đa số chúng ta là những người cho ngân hàng vay tiền! Vì sao lại như vậy thưa ông?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa lý do là ngân hàng lấy tiền đâu ra mà cho vay nếu trước đó không nhận ký thác của các trương chủ? "Trương chủ" là người chủ của các trương mục ký thác, hay các tài khoản, và thực tế là một quần chúng chủ nợ của ngân hàng, và những người đi vay là khách nợ của ngân hàng.
Trước hết, ta sẽ nói về chức năng mà tôi xin gọi là "trung gian chuyển hóa" của các ngân hàng. Ngân hàng là một tác nhân kinh tế giữ vị trí trung gian, có chức năng chuyển hóa khoản tiền dư dôi của người ký thác thành ra tiền tín dụng cho người có nhu cầu vay tiền. Một định nghĩa khác là ngân hàng là bộ phận nhận tiền ký thác để đem cho vay và kiếm lời ở giữa. Nói trong khuôn khổ kinh tế thì đấy là chức năng chuyển hóa tiết kiệm thành đầu tư. Vì vậy, ta cần nhấn mạnh đến sự kiện là các trương chủ ký thác mới là chủ ngân hàng. Mà họ là một đám đông mờ nhạt, có thể lại không được bảo vệ, trong khi đa số vẫn giữ cảm quan ấn tượng thiếu chính xác rằng người ta khớp nớp bước vào ngân hàng là để vay tiền.
Yếu tố chuyển hóa ở đây là thời gian, khi mà tiền dư dôi trong ngắn hạn được chuyển ra tiền đầu tư cho dài hạn hơn.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Chuyện thứ hai cũng đáng chú ý là đa số người Việt ngày nay chỉ có kinh nghiệm về ngân hàng từ hai chục năm trở lại thôi và mình sẽ tìm hiểu điều này sau khi nói thêm cho rõ về chức năng chuyển hóa.
Vũ Hoàng: Vâng thưa ông, mình sẽ tìm hiểu thêm về chức năng chuyến hóa ấy của ngân hàng.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ngân hàng là tác nhân kinh tế có chức năng chuyển tiền ký thác ra tiền tín dụng với mục tiêu kiếm lời ở giữa. Từ định nghĩa rất sơ đẳng và phổ cập ấy ta sẽ tìm hiểu về các chức năng chính của ngân hàng. Thứ nhất là "chuyển hóa thời gian" hay "lấy ngắn nuôi dài" cho dễ hiểu. Đó là khi ngân hàng nhận tiền ký thác, mà đa số là đoản kỳ hay trung hạn, gom lại thành tài sản cho vay dài hạn hơn.
Về đại lược, chúng ta có thể vào ngân hàng mở một trương mục ký thác loại vãng lai - tức là muốn rút tiền ra lúc nào cũng được - hoặc một một trương mục tiết kiệm với tiền lãi cao hơn nhưng chỉ được rút ra dưới diện tiền mặt trong một hạn kỳ nào đó từ vài tháng đến cả năm. Với lượng tiền ký thác chủ yếu là ngắn hạn này, các ngân hàng mới đem cho vay, từ ngắn đến dài hạn mà thông thường là dài hạn hơn. Yếu tố chuyển hóa ở đây là thời gian, khi mà tiền dư dôi trong ngắn hạn được chuyển ra tiền đầu tư cho dài hạn hơn.

Chuyển hóa rủi ro

Vũ Hoàng: Như vậy, ở giữa hai khoản thời gian ngắn dài đó là sự rủi ro, có phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng và đấy là chức năng thứ hai của ngân hàng, "chuyển hoá rủi ro".
Các ngân hàng có thể giảm trừ rủi ro của việc nhận bạc triệu từ cả ngàn trương chủ ký thác trong ngắn hạn mà cho một hai khách nợ vay hàng tỷ trong dài hạn bằng cách phân tán thành nhiều khoản tín dụng nhỏ. Phân tán mức rủi ro ấy là kỹ thuật cơ bản của nghiệp vụ ngân hàng.
Nhìn như vậy ta cũng thấy ra chức năng thứ ba của ngân hàng là "chuyển hóa kích thước", từ một khoản ký thác lớn chẻ ra thành từng món vay nhỏ, hoặc từ các khoản ký thác lắt nhắt với thời hạn dài ngắn khác nhau mà gom thành một số tiền cho vay lớn hơn. Cân nhắc chuyện gom lại hoặc rải ra để giảm thiểu rủi ro là bí quyết thành công của các ngân hàng để luôn luôn có sẵn thanh khoản là tiền mặt hầu khỏi thiếu tiền thanh toán nhưng không quá nhiều vì tiền đó chẳng sinh lời bằng tiền cho vay.
Vũ Hoàng: Nhìn theo một cách nào đó thì thưa ông có phải là ngân hàng kiếm lời bằng cách quản lý sự rủi ro giữa việc nhận tiền vào và cho vay ra để thoả mãn yêu cầu của chủ nợ và khách nợ không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng và ta bước qua lĩnh vực thứ hai mà mình cần chú ý, đó là kế toán của ngân hàng.
Một cách rất đại lược, ngân hàng vay các trương chủ khi nhận tiền ký thác và phải trả tiền lời cho họ, rồi phải quản lý khoản tiền đó cho các thân chủ qua nhiều dịch vụ như thanh toán ngân phiếu, theo dõi việc chi thu hay tá thải của trương mục. Ta gọi tiền lời đó là phí tổn của việc huy động ký thác. Với số ký thác trong tay ngân hàng mới cho vay ra theo một tỷ lệ an toàn nào đó và lấy lãi mà ta gọi là tiền lời tín dụng. Vì vậy, trên đại thể, ngân hàng kiếm lời khi cho vay ra với lãi suất tín dụng cao hơn là tiền lời ký thác. Biên độ giữa lãi suất tín dụng và lãi suất ký thác là chuyện sinh tử của các ngân hàng. Nhân đây, xin nói thêm rằng trong chữ "lãi suất" thì "suất" viết với chữ "S", có nghĩa là một tỷ lệ như trong chữ "tô suất" hay "thuế suất", chứ không viết với chữ "X".
Vũ Hoàng: Nếu mình nhìn theo lối kế toán như ông nói thì kế toán ngân hàng gồm có hai cột, một là tiền lời tín dụng thu vào và một bên là tiền lời ký thác phải trả ra, có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy và ở giữa còn các khoản chi phí điều hành khi ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán cho các trương chủ là chủ nợ và khi quản lý các hồ sơ tín dụng là cứu xét việc cho vay rồi đòi nợ để giảm thiểu rủi ro. Vì vậy, làm ngân hàng cũng là quản lý sự rủi ro khi dùng tiền của người này cho người kia vay, nếu khéo quản lý thì sẽ có lời, nếu không thì bị lỗ. Khi các trương chủ ký thác mất tín nhiệm mà rút tiền ồ ạt hoặc không gửi thêm tiền mà ngân hàng lại không kịp đòi được nợ vì chuyện lấy ngắn nuôi dài ta nói ở trên là bị khủng hoảng.
Sau cùng, tôi cũng xin nói đến một chi tiết kế toán khác mà nhiều người ít chú ý: đó là mỗi khi ta gửi tiền vảo ngân hàng thì ngân hàng phải bút khi khoản tiền ký thác đó như một khoản nợ của họ. Và họ phải ý thức rằng đó là gánh nợ sẽ thanh toán chứ không là tiền chùa, tiền miễn phí mà ngân hàng muốn xài thế nào cũng được. Vì thế, việc thanh tra và kiểm soát ngân hàng là điều rất hệ trọng và thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng của nhà nước.
Ngan-hang-A-250.jpg
Giao dịch bên trong ngân hàng Maritime ở Hà Nội. RFA photo
Vũ Hoàng: Chúng ta trở lại chuyện Việt Nam và chi tiết ông có nói hồi nãy, rằng đa số người Việt mới chỉ có kinh nghiệm về ngân hàng từ khoảng hai chục năm trở lại thôi. Vì sao như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh khiến miền Nam đã quen dịch vụ ngân hàng từ thời thực dân Pháp qua thời phân chia Nam Bắc khi miền Nam theo kinh tế thị trường và miền Bắc nằm dưới chế độ tập trung quản lý. Sau 1975, cả nước đều cùng nằm dưới chế độ ấy.
Khi đó toàn bộ hệ thống ngân hàng trở thành khí cụ ngân quỹ của Ngân hàng Nhà nước và chính sách tiền tệ hay tín dụng bị thủ tiêu. Các nhân viên am hiểu về ngân hàng không được sử dụng, bị dùng sai chỗ và đa số phải ra đi. Chỉ còn lại một số rất ít mà họ cũng chưa được dùng vì lãnh đạo cả nhà nước lẫn các ngân hàng khi ấy vẫn chưa hiểu gì về chức năng của ngân hàng.
Sau khi khủng hoảng bùng nổ vì tính chủ quan duy ý chí và thực chất là lạc hậu của kinh tế chính trị học Mác-Lênin và sau khi Liên bang Xô viết tan rã đúng 20 năm trước, Việt Nam mới chấp nhận đổi mới và cải cách hệ thống ngân hàng thành loại ngân hàng "hai cấp". Đó là cấp ngân hàng trung ương và cấp ngân hàng ta gọi là thương mại, ban đầu thì cũng chỉ là các chi nhánh của ngân hàng nhà nước được tách riêng và bắt đầu học tập về nghiệp vụ ngân hàng vốn dĩ nhiêu khê phức tạp hơn dịch vụ ngân quỹ hay xuất nhập kho mà khỏi lý đến rủi ro.
Việc thanh tra và kiểm soát ngân hàng là điều rất hệ trọng và thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng của nhà nước.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Một trong các lý do khủng hoảng ngày nay tại Việt Nam thật ra cũng dễ hiểu, đó là trình độ tư duy và non yếu về nghiệp vụ nếu ta so với mấy chục năm hoặc cả thế kỷ hay nhiều thế kỷ về nghiệp vụ ngân hàng của thiên hạ. Ngày nay, dù một số người có thể đã tốt nghiệp về ngân hàng hay quản trị ở nước ngoài thì họ vẫn chỉ là thiểu số chưa đủ đông. Lý do kia là sự khôn ngoan nửa vời của những người làm ngân hàng đã trục lợi nhờ kẽ hở của cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa mà bất chấp rủi ro cho cả hệ thống - và đó là trách nhiệm rất nặng của nhà nước.
Vũ Hoàng: Xin đề nghị ông giải thích cho sự phê phán rất nặng vừa rồi.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ hai chục năm qua, Việt Nam được quốc tế viện trợ về tài chính và kỹ thuật để cải tổ hệ thống ngân hàng mà làm chưa tới, trong khi đó lại ghép vào một hệ thống đang chuyển hóa - và còn phải học tập - một chế độ quản lý kỳ lạ xuất phát từ cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa".
Hậu quả là Việt Nam có các đại gia ngân hàng của nhà nước và một đám mây rất nhiều ngân hàng đa số lại là "ngân hàng công cụ" hay "captive banks" của các doanh nghiệp nhà nước hoặc ngân hàng bình phong của giới thân tộc có quan hệ với đảng viên và quan chức nhà nước. Đám mây ngân hàng này là các ngân hàng cổ phần mà đa số có hình thức là của tư doanh chứ thực chất vẫn chỉ là công cụ của hệ thống nhà nước hoặc thân tộc.
Ở trên cùng là khả năng quản lý lỏng lẻo và bất nhất của hệ thống lãnh đạo kinh tế. Họ quên hẳn một chức năng then chốt và đầy rủi ro của ngân hàng là phát hành tiền tệ mỗi khi cho vay ra. Vật giá gia tăng từ những yếu kém trong quản lý vĩ mô khiến giới chức lãnh đạo ngân hàng của nhà nước rơi vào thế kẹt là vừa phải kềm hãm lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng với quyết định là giới hạn lãi suất huy động tức là tiền lời ký thác, thí dụ như ở mức 14%, trong khi thực tế thả nổi lãi suất tín dụng lên tới hơn 20%.
Giới ký thác không có lời khi gửi tiền ngân hàng thì đầu cơ qua ngả khác và gây thêm hỗn loạn cho thị trường, từ bất động sản đến quý kim và ngoại hối. Trong khi doanh nghiệp cần tiền cho sản xuất thì đi vay không nổi nên phải tìm thị trường tín dụng đen với lãi suất cắt cổ - mà dù có vay được thì cũng khó trang trải được tiền lời hơn 20%.

Phải thay đổi từ đâu?

Vũ Hoàng: Nhiều người ở trong nước nhận xét rằng các ngân hàng thương mại cơ bản thì vẫn nắm thế độc quyền trong việc cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong khi các ngả tài trợ kinh doanh khác, như thị trường chứng khoán chẳng hạn thì vẫn èo uột. Vì thế mà nhiều đại gia ngân hàng vẫn kiếm lời rất cao mà các doanh nghiệp cần vốn thì chết kẹt. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng tình trạng gọi là "ngồi mát ăn bát vàng" có thực tế xảy ra khiến một thiểu số có thể kiếm lời rất nhiều trong khi đa số là các trương chủ ký thác và tiểu doanh nghiệp của tư nhân vẫn thiếu vốn kinh doanh. Và rủi ro của tình trạng quái lạ này là tiềm lực tăng trưởng bị bóp nghẹt trong khi ngân hàng vẫn tích lũy nguy cơ khủng hoảng.
Các định chế quốc tế viện trợ đều ý thức được vấn đề và cố giúp Việt Nam cải tiến nghiệp vụ quản lý ngân hàng ở dưới và trình độ quản lý vĩ mô ở trên mà không xong. Lý do thứ nhất là các công chức hay chuyên gia quốc tế không thể đụng vào hệ thống chính trị ở trên và một số rơi vào chủ nghĩa hình thức là làm cho xong rồi đi xứ khác với kết quả biểu kiến là trong tài khóa đó họ đã viện trợ ngần ấy tiền cho Việt Nam. Lý do thứ hai còn nghiêm trọng hơn mà có khi chuyên gia quốc tế không nhìn ra hoặc nếu có thấy thì cũng chẳng nói đến trong các phúc trình của họ.
Nghĩa là vẫn phải đổi mới từ trên đầu xuống thì các ngân hàng mới hoàn thành được chức năng chuyển hoá rất cần thiết đó.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Đó là trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, có một cơ chế kín đáo mà đầy thực quyền là một bộ phận kiểm soát và quyết định còn mạnh hơn hội đồng quản trị hay hội đồng cổ đông hoặc các chủ tịch, tổng giám đốc. Cơ chế này thực tế xuất phát từ đảng và quyết định về tín dụng theo tiêu chuẩn khác hơn là rủi ro kinh doanh.
Khi ráp lại chuyện trên và dưới, từ chính sách vĩ mô về tiền tệ và tín dụng với chính sách quản lý các ngân hàng, người ta thấy ra một động lực bất thường là hệ thống ngân hàng thu hút bạc tiền của đa số để làm giàu cho một thiểu số trong khi các trương chủ ký thác không được bảo vệ và người đi vay thì khó kiếm ra tiền. Tình trạng đó không thể kéo dài và trong nỗ lực gọi là tái cơ cấu mà người ta nói ngày nay thì phải giải tán cái cơ cấu thực chất là chính trị này. Nghĩa là vẫn phải đổi mới từ trên đầu xuống thì các ngân hàng mới hoàn thành được chức năng chuyển hoá rất cần thiết đó.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Góp Ý

Không có nhận xét nào: