6.6.12

Đông Nam Á đua nhau mua sắm tàu ngầm





RFI - Thứ tư 06 Tháng Sáu 2012

Anh Vũ
Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng của thế giới. Một cuộc chạy đua vũ trang đang rộ lên ở nhiều nước trong khu vực thời gian gần đây cùng với đà gia tăng sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết đề cập đến « cuộc chạy đua trang bị tàu ngầm ở Đông Nam Á » nhân cuộc đối thoại quốc tế về an ninh vừa diễn ra tại Shangri-La, Singapore từ ngày 01-03/06/2012.

Đặc phái viên của tờ báo tại Singapore nhận định vùng biển Đông Nam Á, vốn đã tấp nập các hải đội thương thuyền thế giới qua lại, sắp tới sẽ còn dậy sóng từ dưới sâu bởi hàng chục chiếc tàu ngầm chiến đấu đang được các nước đua nhau mua sắm. Đua nhau mua sắm tàu ngầm là một chủ đề được Hội nghị quốc tế Shangri-La Singapore về vấn đề an ninh từ ngày 1-3/6 vừa qua tâm đặc biệt.

Theo chuyên gia Christian Le Miere, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Luân Đôn thì trong khu vực châu Á thực sự đang có một “làn sóng mua sắm” tầu ngầm. Tờ báo đưa ra con số thống kê: Trung Quốc vừa mới khánh thành căn cứ Hải Nam dự kiến sẽ chứa 66 chiếc tàu ngầm. Việt Nam đang trong giai đoạn đặt mua 6 chiếc, Indonesia cũng đặt 3 chiếc, Úc đang muốn tăng đội tàu ngầm 6 chiếc của mình lên gấp đôi.

Nhật Bản thì từ nay đến năm 2020 cũng sẽ nâng đội tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc. Hàn Quốc từ năm 1990 đến nay cũng đã sắm được 12 chiếc, Malaisia cũng đã có 2 chiếc, còn Ấn Độ đội tàu ngầm 15 chiếc của họ vừa được bổ sung thêm một chiếc chạy bằng năng lượng nguyên tử trong tháng 4 vừa qua. Tác giả bài viết còn cho biết tại hội nghị Shangri-La hôm 2/6 vừa rồi, một nguồn tin quân sự còn ước tính đến năm 2025 số lượng tàu ngầm họat động trong khu vực Ấn Đô Dương và Thái Bình Dương sẽ tăng gấp ba hiện nay, tức là vào khoảng 170 chiếc.

Để lý giải cho cuộc chạy đua mua sắm tàu ngầm, báo Le Monde trích dẫn phân tích của bà Valerie Niquet, nhà nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris : « Việc gia tăng tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông cùng với việc mở rộng tầm ảnh hưởng của họ là yếu tố dẫn đến làn sóng hiện đại hóa các hạm đội hải quân trong khu vực Đông Nam Á. Trong vài năm gần đây, tàu ngầm đang trở thành hướng ưu tiên của hải quân trong vùng ».

Theo Le Monde, những con số chạy đua vũ trang nói trên cho thấy tầm mức quan trọng của vùng biển trong khu vực Đông Nam Á này. Tại hội nghị Shangri-la, người ta cũng đã nhắc lại con số đáng lưu ý đó là 1/3 lượng hàng hóa thương mại của Mỹ mỗi năm, trị giá khoảng 1200 tỷ đô la, được chuyển qua tuyến đương hàng hải trên Biển Đông.

Để bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và không để cho Bắc Kinh phủ nhận không gian lưu thông chung này, mỗi nước có liên quan đều tỏ ra sẵn sàng tự triển khai những phương tiện bảo đảm an ninh cho mình, nhưng đồng thời vẫn cố gằng làm sao không ảnh hưởng đến quan hệ thương mại sống còn với Trung Quốc.

Tác giả bài viết nhận thấy, Washington cũng như Paris đều khuyến khích các nước trong khu vực đưa ra một bộ luật ứng xử trên biển. Nhưng các nước châu Á cho thấy họ còn gặp nhiều khó khăn để triển khai được việc này. Theo Le Monde, chính sách « cân đối lại » lực lượng Mỹ tại Đại Tây Dương và Thái Bình Dương sẽ góp phần gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực châu Á. Chuyến công du châu Á 9 ngày vừa rồi của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta là một bước cụ thể hóa chiến lược mới của Mỹ.

Washignton sẽ gây khó cho Trung Quốc cùng với việc rải quân khắp từ Singapore đến Úc, qua Philippines, Indonesia, Hàn Quốc rồi Nhật Bản, Guam và không loại trừ cả Việt Nam. Washington đang gia tăng các đối tác sẵn sàng trợ giúp cho các nước có lực lượng hải quân yếu.

Theo tác giả bài viết, các nước châu Âu như Đức, Anh và Pháp cũng đang muốn tìm được một vị trí trong bàn cờ an ninh khu vực này. Nhưng theo giới quan sát thì ngoài việc bán vũ khí ra, vai trò của Liên Hiệp Châu Âu rất hạn chế. Tại Singapore lần này, Pháp và Đức đã không bỏ lỡ cơ hội chào mời các nước về trang thiết bị quân sự chủ yếu là trong lĩnh vực tàu ngầm.

Không có nhận xét nào: