16.12.10

2011: Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu giai đoạn sụp đổ

2011: Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu giai đoạn sụp đổ

“…Sự thật là đảng cộng sản dù có nhận thấy bắt buộc phải đổi mới cũng không thể đổi mới được nữa. Nó đã phân hóa ở mức không thể phục hồi…”

Thế giới bước vào năm 2011 mà vẫn chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu từ 2007.


Đó là vì cuộc khủng hoảng này không chỉ đơn thuần là một cuộc khủng hoảng kinh tế, càng không phải chỉ là một cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng. Nó là một cuộc khủng hoảng của mô hình chính trị thế giới hậu cộng sản trong đó các nước dân chủ phát triển tiêu thụ nhiều hơn hẳn sản xuất, chấp nhận thâm thủng ngoại thương quá đáng và để mặc cho các chế độ độc tài bóc lột triệt để công nhân để xuất khẩu tối đa. Kết quả là trong gần hai thập niên các nước phát triển tiêu xài quá đáng trong khi nhiều nước đang phát triển, nhất là Trung Quốc, tiết kiệm quá đáng. Tình trạng bệnh hoạn này dẫn đến bế tắc và đang áp đặt một xét lại toàn cầu trong đó các nước phát triển sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong khi các nước đang phát triển phải trước hết phải dựa vào thị trường nội địa và vốn đầu tư của chính mình. Nó đặt mọi quốc gia trước bài toán khó khăn là làm thế nào để cân bằng ngân sách mà không gây thương tổn cho hiệu năng kinh tế và an sinh xã hội. Thử thách này chỉ những quốc gia có đồng thuận dân tộc mạnh để chấp nhận những hy sinh và cố gắng chung mới có thể vượt qua được.

Trong bối cảnh thế giới khó khăn này tình trạng của Việt Nam lại càng bi đát hơn. Chúng ta không chỉ có những vấn đề của những nước đang phát triển mà còn có cả những vấn đề chỉ có ở những nước giàu. Chúng ta nghèo một cách hổ nhục, thu nhập trung bình của một người Việt Nam chỉ bằng 1/10 mức trung bình thế giới, nhưng lại tiêu xài hoang phí do sự kiện của cải tập trung trong tay một thiểu số huênh hoang. Kinh tế của chúng ta là một kinh tế hướng ngoại dựa trên xuất khẩu nhưng chúng ta lại nhập siêu liên tục ở mức báo động: 15% GDP. Đảng cộng sản quả thực đã quản lý kinh tế một cách tệ hại khó tưởng tượng. Mọi quốc gia đều gặp khó khăn và phải xét lại nhưng Việt Nam lại càng phải xét lại triệt để và toàn diện hơn. Không đổi mới được trong một hoàn cảnh bắt buộc phải thay đổi như vậy tương đương với tự sát.

Năm 2011 cũng bắt đầu với đại hội 11 của ĐCSVN và là dịp để đảng này chứng tỏ nó hoàn toàn không có khả năng thích nghi để tồn tại. Các tài liệu căn bản được soạn thảo cho đại hội – cương lĩnh chính trị, báo cáo chính trị và kế hoạch kinh tế xã hội – đều là những tài liệu nhàm chán, ngây ngô và lạc điệu đến độ người ta phải tự hỏi đảng cộng sản có còn trí khôn không và nghĩ mình đang sống ở thời đại nào.

Sự thật là đảng cộng sản dù có nhận thấy bắt buộc phải đổi mới cũng không thể đổi mới được nữa. Nó đã phân hóa ở mức không thể phục hồi. Cụ thể là chỉ còn vài tuần lễ là đến ngày khai mạc đại hội nhưng đảng vẫn chưa có nổi đồng thuận về một Tổng bí thư mới và một Bộ Chính Trị mới.

Đảng cộng sản đã lột xác nhiều lần, từ một đảng lý tưởng và lãng mạn đầu thập niên 1930, nó đã biến thành một đảng khủng bố sau 1945, rập khuôn theo mô hình Liên Xô sau 1975, rồi hóa thân thành một đảng mafia cướp đoạt nhà đất và bóc lột trắng trợn công nhân và nông dân. Đó là thời kỳ mà đảng cộng sản còn đủ gắn bó và quyết tâm để thay đổi, dù chỉ là thay đổi để tồn tại chứ không phải vì quyền lợi của đất nước. Thực tế hiện nay là đảng cộng sản đã mất hết khả năng thích nghi. Đại hội 11, và năm 2011, sẽ là khởi điểm của giai đoạn sụp đổ.

Thông Luận
Thông Luận số 253, tháng 12/2010

Không có nhận xét nào: