Trong một bài phỏng vấn dành cho hãng tin Pháp AFP vào hôm qua, 01/06/2012, ông Tint Swe, đương kim Giám đốc Cục Đăng ký và Giám sát Báo chí của chính quyền Miến Điện – thực chất là cơ quan kiểm duyệt tối cao – đã chính thức xác nhận sự cáo chung của chế độ kiểm duyệt báo chí ngay trong tháng Sáu này.
Trong bảy năm qua, viên sĩ quan quân đội này, trong tư cách là người đứng đầu bộ phận kiểm duyệt tại Miến Điện, bị coi là hung thần của tổng biên tâp các tờ báo trên đất nước này. Ông là người đã ra lệnh sửa đổi tựa đề các bài báo, đục bỏ các đoạn văn không vừa ý, thậm chí buộc vứt bỏ toàn bộ bài viết, để phục vụ một chế độ quân sự không muốn dành bất kỳ một không gian nào cho những lời chỉ trích.
Chủ nhiệm một tuần báo tại Rangoon tỏ ý rất thông cảm : “Quả là ông Tint Swe có một công việc tồi tệ nhất Miến Điện. Từ các nhân vật lãnh đạo, các bộ trưởng, cho đến các doanh nhân, tất cả đều sách nhiễu ông để đòi kiểm duyệt các bài viết, trong lúc các nhà báo thì bám lấy ông ấy để yêu cầu đừng đục bỏ”.
Thế nhưng nhờ chủ trương cải cách đang được tiến hành, tình hình đang thay đổi. Trong những tháng gần đây, chế độ kiểm soát của chính quyền Miến Điện trên những gì được các phương tiện truyền thông loan tải đã được giảm thiểu đáng kể, song song với đà cải tổ chính trị.
Tiến trình dân chủ được khởi động, chế độ kiểm duyệt không còn chỗ đứng
Và trong một cuộc phỏng vấn với AFP, ngay trong văn phòng của ông tại Cục Đăng ký và Giám sát Báo chí tại Rangoon, ông Tint Swe cho rằng lãnh vực truyền thông báo chí đang bước vào một kỷ nguyên của tự do. Ông khẳng định : “Báo chí sẽ không còn bị giám sát kể từ cuối tháng Sáu, sẽ không còn chế độ kiểm soát các tờ báo và tạp chí nữa”.
Ông Tint Swe thừa nhận rằng cơ quan của ông vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng chỉ lo việc đăng ký của các ấn phẩm mới và lưu trữ mà thôi. Đối với ông : “Khi quốc hội và chính phủ cùng tìm cách phát huy tiến trình dân chủ, thì làm sao mà ngành kiểm duyệt còn có thể tiếp tục công việc của mình nữa ?”.
Phải nói là tốc độ cải tổ tại Miến Điện đã khiến nhiều người phải kinh ngạc, cứ tưởng là mình còn nằm mơ. Vào tháng Ba năm 2011, khi tập đoàn quân sự trao chính quyền lại cho giới sĩ quan cao cấp đã xuất ngũ, thoạt đầu, người ta nghĩ là các biện pháp cải cách sẽ chỉ mang hình thức bề ngoài. Không ngờ là trong thực tế, cải tổ lại sâu sắc hơn người ta tưởng.
Trong vòng vài tháng, Tổng thống Thein Sein đã thả hàng trăm tù nhân lương tâm và kêu gọi lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi - bị quản thúc tại gia trong một thời gian dài – hội nhập trở lại vào đời sống chính trị hợp pháp. Và một cách cực kỳ nhanh chóng, các nhà báo đã bắt đầu mở rộng các giới hạn hành động của họ, kết hợp với các đồng nghiệp khác vừa được thả ra sau khi bị cầm cố trong nhiều năm trời trước đó.
Theo AFP, tháng Ba vừa qua, tuần báo The Voice (Tiếng nói), trích dẫn nhiều nghị sĩ xin ẩn danh, đã loan báo sự kiện Văn phòng Tổng kiểm toán, tương đương với Thẩm kế viện tại Pháp, đã phát hiện ra gian lận và tham ô trong các bộ Khoáng sản, Thông tin, Nông nghiệp và Công nghiệp. Một đơn kiện của một bộ nhắm vào tờ báo đang được đệ trình. Tuy nhiên, một tòa án đã đứng về phía tờ báo khi phán quyết rằng cơ quan truyền thông này có quyền không tiết lộ danh tánh nhà báo đã viết bài điều tra.
Ông Tint Swe công nhận : “Môi trường chính trị hiện tự do hơn, người ta được suy nghĩ tự do hơn, và chúng tôi, trong ủy ban kiểm duyệt, đã gặp rất nhiều khó khăn để thích ứng”.
Bộ trưởng Thông tin bảo thủ ngày càng bị cô lập
Một dấu hiệu khác cho thấy là quyền tự do ngôn luận và báo chí tại Miến Điện càng lúc càng được cải thiện. Mới đây, giới phân tích cho rằng viên bộ trưởng bộ Thông tin Kyaw Hsan, nổi tiếng là bảo thủ, đang ngày càng bị cô lập. Một số nguồn tin còn cho rằng ông ta sẽ bị thay thế nếu có cải tổ nội các.
Từ nhiều tháng qua, chính quyền Miến Điện đã làm việc trên một dự thảo luật báo chí. Văn bản chưa được công bố, nhưng báo giới đã được tham khảo ý kiến về nội dung của nó, bao gồm các quyền hạn và nghĩa vụ của nhà báo, cũng như một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Theo một số nguồn tin chính thức, luật này có thể được thông qua tại khóa họp sắp tới của Nghị viện vào tháng Bảy. Luật này sẽ đi kèm với việc thành lập một Hội đồng Báo chí.
Về hội đồng này, ông Tint Swe đã bác bỏ tin đồn cho rằng định chế đó sẽ giống như một cơ quan kiểm duyệt. Theo ông, đó chủ yếu như một bộ phận làm trung gian giữa giới báo chí và Bộ Thông tin. Dẫu sao thì ông cũng tỏ ý hân hoan : “Việc bãi bỏ kiểm duyệt là thông tin tốt lành nhất cho tất cả những ai trong ngành báo chí”.
Trong bảy năm qua, viên sĩ quan quân đội này, trong tư cách là người đứng đầu bộ phận kiểm duyệt tại Miến Điện, bị coi là hung thần của tổng biên tâp các tờ báo trên đất nước này. Ông là người đã ra lệnh sửa đổi tựa đề các bài báo, đục bỏ các đoạn văn không vừa ý, thậm chí buộc vứt bỏ toàn bộ bài viết, để phục vụ một chế độ quân sự không muốn dành bất kỳ một không gian nào cho những lời chỉ trích.
Chủ nhiệm một tuần báo tại Rangoon tỏ ý rất thông cảm : “Quả là ông Tint Swe có một công việc tồi tệ nhất Miến Điện. Từ các nhân vật lãnh đạo, các bộ trưởng, cho đến các doanh nhân, tất cả đều sách nhiễu ông để đòi kiểm duyệt các bài viết, trong lúc các nhà báo thì bám lấy ông ấy để yêu cầu đừng đục bỏ”.
Thế nhưng nhờ chủ trương cải cách đang được tiến hành, tình hình đang thay đổi. Trong những tháng gần đây, chế độ kiểm soát của chính quyền Miến Điện trên những gì được các phương tiện truyền thông loan tải đã được giảm thiểu đáng kể, song song với đà cải tổ chính trị.
Tiến trình dân chủ được khởi động, chế độ kiểm duyệt không còn chỗ đứng
Và trong một cuộc phỏng vấn với AFP, ngay trong văn phòng của ông tại Cục Đăng ký và Giám sát Báo chí tại Rangoon, ông Tint Swe cho rằng lãnh vực truyền thông báo chí đang bước vào một kỷ nguyên của tự do. Ông khẳng định : “Báo chí sẽ không còn bị giám sát kể từ cuối tháng Sáu, sẽ không còn chế độ kiểm soát các tờ báo và tạp chí nữa”.
Ông Tint Swe thừa nhận rằng cơ quan của ông vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng chỉ lo việc đăng ký của các ấn phẩm mới và lưu trữ mà thôi. Đối với ông : “Khi quốc hội và chính phủ cùng tìm cách phát huy tiến trình dân chủ, thì làm sao mà ngành kiểm duyệt còn có thể tiếp tục công việc của mình nữa ?”.
Phải nói là tốc độ cải tổ tại Miến Điện đã khiến nhiều người phải kinh ngạc, cứ tưởng là mình còn nằm mơ. Vào tháng Ba năm 2011, khi tập đoàn quân sự trao chính quyền lại cho giới sĩ quan cao cấp đã xuất ngũ, thoạt đầu, người ta nghĩ là các biện pháp cải cách sẽ chỉ mang hình thức bề ngoài. Không ngờ là trong thực tế, cải tổ lại sâu sắc hơn người ta tưởng.
Trong vòng vài tháng, Tổng thống Thein Sein đã thả hàng trăm tù nhân lương tâm và kêu gọi lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi - bị quản thúc tại gia trong một thời gian dài – hội nhập trở lại vào đời sống chính trị hợp pháp. Và một cách cực kỳ nhanh chóng, các nhà báo đã bắt đầu mở rộng các giới hạn hành động của họ, kết hợp với các đồng nghiệp khác vừa được thả ra sau khi bị cầm cố trong nhiều năm trời trước đó.
Theo AFP, tháng Ba vừa qua, tuần báo The Voice (Tiếng nói), trích dẫn nhiều nghị sĩ xin ẩn danh, đã loan báo sự kiện Văn phòng Tổng kiểm toán, tương đương với Thẩm kế viện tại Pháp, đã phát hiện ra gian lận và tham ô trong các bộ Khoáng sản, Thông tin, Nông nghiệp và Công nghiệp. Một đơn kiện của một bộ nhắm vào tờ báo đang được đệ trình. Tuy nhiên, một tòa án đã đứng về phía tờ báo khi phán quyết rằng cơ quan truyền thông này có quyền không tiết lộ danh tánh nhà báo đã viết bài điều tra.
Ông Tint Swe công nhận : “Môi trường chính trị hiện tự do hơn, người ta được suy nghĩ tự do hơn, và chúng tôi, trong ủy ban kiểm duyệt, đã gặp rất nhiều khó khăn để thích ứng”.
Bộ trưởng Thông tin bảo thủ ngày càng bị cô lập
Một dấu hiệu khác cho thấy là quyền tự do ngôn luận và báo chí tại Miến Điện càng lúc càng được cải thiện. Mới đây, giới phân tích cho rằng viên bộ trưởng bộ Thông tin Kyaw Hsan, nổi tiếng là bảo thủ, đang ngày càng bị cô lập. Một số nguồn tin còn cho rằng ông ta sẽ bị thay thế nếu có cải tổ nội các.
Từ nhiều tháng qua, chính quyền Miến Điện đã làm việc trên một dự thảo luật báo chí. Văn bản chưa được công bố, nhưng báo giới đã được tham khảo ý kiến về nội dung của nó, bao gồm các quyền hạn và nghĩa vụ của nhà báo, cũng như một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Theo một số nguồn tin chính thức, luật này có thể được thông qua tại khóa họp sắp tới của Nghị viện vào tháng Bảy. Luật này sẽ đi kèm với việc thành lập một Hội đồng Báo chí.
Về hội đồng này, ông Tint Swe đã bác bỏ tin đồn cho rằng định chế đó sẽ giống như một cơ quan kiểm duyệt. Theo ông, đó chủ yếu như một bộ phận làm trung gian giữa giới báo chí và Bộ Thông tin. Dẫu sao thì ông cũng tỏ ý hân hoan : “Việc bãi bỏ kiểm duyệt là thông tin tốt lành nhất cho tất cả những ai trong ngành báo chí”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét