27.10.12


Không HỐI mà sửa... một cái dấu thôi: CÃI (!)

Bùi Văn Bồng - Trên đời, HỐI CẢI khó lắm. Sự gian manh, lòng tham, tâm không thiện, hết thuốc trị, vô phương sửa đổi. Những người như thế thường không bao giờ biết HỐI mà chỉ lo CÃI mà thôi, cãi đến cố cùng. Có sửa dấy, nhưng sửa một cái dấu thôi, dấu Hỏi, thành dấu Ngã: CÃI! 

... Kêu gọi, trông chờ vào sự tự giác hối cải, nhận khuyết điểm, giác ngộ, tự thức tỉnh, tự biết "quay đầu" thì sẽ gặp ngay phải sự lì lợm, trơ tráo. Đó cũng là điều tất yếu từ trong bản chất con người đã biến chất, đã suy thoái nặng, hết thuốc trị.

Thà chịu thiên hạ chửi rủa, nhiếc móc, khinh miệt, họ vẫn quyết liệt không chịu mất chức, kiên quyết không để mất quyền lợi đã vơ được từ nhiều năm bằng nhiều thủ đoạn. Cho nên, lúc này kêu gọi hối cải là những động thái vô hiệu, khó lắm thay... 

Trong kinh Cựu Ước (kinh Thánh Hebrew), ý niệm về sự hối cải được miêu tả bằng hai từ:Quay trở lại và Thống hối (nicham). 

Trong kinh Tân Ước, hối cải có nguyên ngữ từ là Hi văn (metanoia), đây là một từ kép cấu thành bởi giới từ ‘meta’ (sau, với) và động từ ‘noeo’ (thấu hiểu, suy nghĩ; kết quả của sự thấu hiểu hoặc nhận thức). 

Hối cải, hoặc ăn năn, là sự thay đổi trong tư tưởng và hành động nhằm chỉnh sửa sự sai trái để được tha thứ. Tương tự, đạo Phật gọi là sám hối. Trong nội hàm tôn giáo, hối cải thường được xem là sự xưng tội trước Chúa Trời, từ bỏ tội lỗi, tránh tối tìm sáng, từ bỏ con đường đang bị lạc lối đi về nơi cố thủ của cái ác, từ đó dứt khoát theo đuổi nếp sống mới phù hợp với lề luật tôn giáo. Hối cải bao hàm sự xưng nhận tội lỗi, cam kết hoặc quyết tâm không tái phạm, và nỗ lực bồi thường thiệt hại, sự hối cải kèm theo nghĩa như một sự cứu rỗi. 

Khi người đứng đầu một đất nước, một địa phận, dân tộc vì lòng tham mà sinh ác, vì quyền lợi mà sinh hư đốn, vì ham giàu mà suy thoái, nhờ ăn năn tội lỗi của mình mà các cá nhân hoặc một dân tộc được tránh khỏi thảm họa của sự suy sụp, đỏ nát hoặc bị ngoại bang chinh phục. Sự mất nước chỉ trong gang tấc, dân tình rơi vào cảnh lầm than. Cái mầm của chiến tranh hóa thành khói lửa tàn hại. Người Công giáo gọi đó là sự trừng phạt của Chúa. Trong tiếng Hebrew, từteshuvah (nghĩa là quay trở lại), thực tế là dừng ngay những thói quen, lối sống mất đạo đức, gây cho thiên hạ căm ghét, sợ hãi, oán hận để xác định sống đúng, sống đẹp và nhất là hoàn lượng từ thiện. 

Các tội lỗi tất yếu đều từ hậu quả không tránh khỏi của sự lầm lạc khi con người từ bỏ những giá trị nhân văn cao cả, những giá trị đạo đức truyền thống, coi thường mọi người và bất chấp luật pháp. 

Trong sự hối cải có đầy đủ những ý nghĩa về thời gian và sự thay đổi, có thể biểu thị là “sau đó” và “khác biệt”, cũng là “đổi mới”, hay cách mạng; như thế toàn bộ từ kép này có nghĩa là con người phai thay đổi về chất, như sự lột xác, về sau suy nghĩ hoàn toàn khác, hành động hoàn toàn khác, phải ngược lại hoàn toan với sai lầm trong quá khứ. Có thể nói Giá trị của Hi văn – hối cải (metanoia) ngụ ý một sự thay đổi triệt để trong tư duy; một sự hoán cải trong nhận thức đi đôi với lòng ân hận sâu sắc và sự thay đổi trong lối sống, cũng có nghĩa là “sự thay đổi tấm lòng và tâm trí” hoặc “sự thay đổi nhận thức”. Một trong những miêu tả sinh động nhất về lòng hối cải được kinh Tân ước gọi là dụ ngôn nói về Đứa con hoang đàng, nhuốm bùn điếm nhục. 

Trong Kinh Phật có câu: "Tội từ tâm khởi đem tâm sám / Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu / Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không / Thế mới thật là chơn sám hối". Tất cả tội lỗi đều phát xuất từ tâm. Một người bị tâm niệm tham xúi dục muốn lấy của người khác làm sở hữu của mình. Điều này xuất phát từ lòng tham. Một người bị tâm niệm sân chi phối, làm chủ gặp việc trái ý liền đùng đùng nổi giận mà quên mất mình đã và đang làm gì. Đây là xuất phát từ lửa "sân" trong "sân si" (Một đốm lửa sân đốt cháy cả rừng công đức” là thế). Trong Kinh Quán Phổ Hiền có ghi:“Muốn sám hối phải quán thật tướng các pháp, thì tội mới hoàn toàn tiêu diệt”. Nhưng hầu như "một bộ phận không nhỏ bị suy thoái" đều nỗ lực bênh che cho nhau, phòng vệ chặt chẽ, cố công xây dựng thêm vững chắc cái trận địa tham nhũng để mưu lợi lâu dài. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn yêu cầu khi triển khai NQTW 4: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu làm trước (ngay sau Hội nghị này, không phải chờ gì cả) tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình”. 

Nếu như cái gọi là “tự kiểm điểm, soi lại mình” được thì lại là quá dễ, quá tuyệt vời, nhàn hạ cho cả tổ chức Đảng và nhân dân. Suy cho cùng, đó chưa phải là biện pháp hy vọng đạt được hữu hiệu gì đáng kể. Tư tưởng con người diễn biến phức tạp hơn cả vần xoay của vũ trụ mênh mông, đâu phải chỉ vài lời kêu gọi, hay một sự cải huấn, giáo dưỡng nào đó mà dễ dàng chuyển biến tư tưởng, nhận thức, động cơ sống của con người nhanh như đang mưa rào chuyển ngay thành nắng. 

Khó lắm, nghe thì tưởng có lý, tưởng như thế là tốt nhất, nhưng lại bị rơi vào siêu thực, không khéo cũng là cái phương sách còn nặng về duy ý chí. Không có chí quyết, nhu nhơ không dám quyết, bỏ pháp luật ra... vỉa hè, kêu gọi tính tự giác cho đàng hoàng, có đầy đủ lòng tự trọng và dũng khí thì hầu như chỉ là chuyện không tưởng. Trên đời, HỐI CẢI khó lắm. Sự gian manh, lòng tham, tâm không thiện, hết thuốc trị, vô phương sửa đổi. Những người như thế thường không bao giờ biết HỐI mà chỉ lo CÃI mà thôi, cãi đến cố cùng. Có sửa dấy, nhưng sửa một cái dấu thôi, dấu Hỏi, thành dấu Ngã: CÃI! 


Không có nhận xét nào: