2.11.10

Bùn đỏ là mối lo ngại ám ảnh dân VN

Tại Việt Nam trong mấy ngày qua, được biết hầu như khắp mọi nơi, từ công sở cho tới quán nước, từ học giả - và cả một số quan chức đương nhiệm – cho tới dân thường, đều bàn tán và rồi lo ngại về nguy cơ bùn đỏ Tây Nguyên sau khi Hungarie bắt đầu gặp phải thảm họa này hồi mùng 4 tháng 10.
Người dân âu lo

„Một nước có trình độ cao gấp mấy lần Việt Nam mà còn bị thảm họa như vậy, trong khi số lượng của nó thì rất ít nếu so với 5-3 năm nữa khi Việt Nam khai thác bauxite Tây Nguyên.

Blogger Hà Văn Thịnh

Cả triệu mét khối bùn đỏ độc hại từ bể chứa của nhà sản xuất bauxite nhôm MAL ở thị trấn Ajka cách thủ đô Budapest khoảng 160 km về phía Đông đã tràn vào nhiều làng lân cận gây ô nhiễm môi sinh nghiêm trọng, đe dọa dòng sông Danube, khiến cho tới giờ ít nhất 9 người chết, hơn 150 người bị thương, bị phỏng nặng, mức thiệt hại sơ khởi lên tới 50 triệu đô la. Đó là chưa kể giới chức Hung phát hiện hồ chứa chất độc hại do quá trình chiết xuất nhôm từ quặng bô-xít này có nguy cơ bị vỡ thêm nữa sau đợt tràn bùn đỏ vừa nói.

Thảm họa bùn đỏ Hungarie khiến người dân trong nước âu lo, đặc biệt thể hiện qua Bản Kiến Nghị yêu cầu giới cầm quyền đình chỉ toàn bộ dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, với chữ ký – theo blogger Quechoa trích dẫn mạng boxitvn – hiện lên tới cả ngàn và đang tiếp tục gia tăng.

Số trí thức ban đầu ký tên vào Bản Kiến Nghị như Giáo sư Hoàng Tụy, nhà văn Nguyên Ngọc, TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Quang A, GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư Hà Văn Thịnh…Kiến Nghị cũng có sự tham gia của nhiều tướng lãnh như Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhiều vị lão thành cách mạng trên 60 tuổi đảng và đặc biệt là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Blogger Hà Văn Thịnh, một trong những người đầu tiên ký tên trong kiến nghị này lên tiếng về nguy cơ bùn đỏ từ Tây Nguyên:

“Khi ký kiến nghị bauxite thì tôi thuộc trong 100 người đầu tiên. Nguy cơ về bùn đỏ thì chúng tôi nhận thức từ rất sớm. Thứ nhất tôi đã ký tiếp vào bản kiến nghị đợt 2 về bauxite Việt Nam, tức vẫn đòi hỏi là nên dừng khai thác, chờ khi nào Việt Nam có kỹ thuật cao. Theo quan điểm của tôi thì Việt Nam cũng như nhiều nước khác phải có cách sống làm sao vừa để dành tài nguyên cho con cháu sau này, nhất là khi chúng có điều kiện tốt hơn, có kỹ thuật tốt hơn.v.v… Chứ không phải khai thác ồ ạt tài nguyên như vậy. Còn nguy cơ bùn đỏ thì hiện nay, cả 1 ngàn nhà khoa học chuyên môn, có uy tín đã nói rõ. Còn chúng tôi là những nhà làm công tác khoa học xã hội chỉ biết đánh giá chung vậy thôi, nhưng cũng biết bụi bùn đỏ bauxite gây ung thư, hay lũ bùn đỏ như ở Hungarie vừa rồi có thể gây bỏng nặng. Những điều đó thì rất có khả năng xảy ra ở Việt Nam, mặc dù sự cam kết của các quan chức thì bao giờ cũng to, cũng hay. Nhưng niềm tin của dân chúng vào đó thì không nhiều lắm.”

Công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Photo courtesy of chinhphu.vn Blogger Nguyễn Xuân Diện trích dẫn lời một người từng là viên chức cáo cấp tỉnh An Giang, là ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Phó bí Thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, than thở:

“Mấy hôm nay, thông tin và hình ảnh về thảm họa bùn đỏ tại cơ sở khai thác bô-xít-luyện nhôm ở Hunggari làm dấy lên nỗi bất an trong lòng của những người quan tâm về hai dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên, không chỉ mấy ngàn người đã ký tên “Thỉnh nguyện thư” lần trước. Tôi và gia đình luôn nhắc trong các bữa ăn, mỗi sáng đọc báo ta rất kỹ. Bởi vì hai nơi khai thác bô-xít ở ngay trên đầu mấy chục triệu dân Nam bộ, nhất là Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi không chỉ có đồng bào, đồng chí mà còn có con, cháu là máu thịt của tôi. Ngủ ngon sao được?”
Blogger Anh Ba Sàm chuyển dịch một bài báo trên tờ Financial times lưu ý:

“Các công ty khai thác mỏ bauxite của Việt Nam đã đảm bảo rằng bùn đỏ sẽ được chôn cất cẩn thận. Nhưng không có nghĩa là nó sẽ được an toàn sau 20-30 năm. Nếu một thảm họa tương tự xảy ra ở Tây Nguyên, bùn đỏ sẽ chảy vào sông Đồng Nai, đe dọa cuộc sống và sức khỏe của hàng chục triệu người dân.”
Trấn an dân chúng?
Mặc dù Tập Đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam KTV ra sức trấn an rằng:

“Bùn đỏ của Hungary nằm ở đồng bằng và được quây bằng đập bờ cao thì hai dự án của Việt Nam nằm trong thung lũng với lòng chảo sâu 15 m, được bao bọc bởi các đồi cao, độ cao của hồ thấp dưới mặt bằng nhà máy 1,5 m. Ngoài ra, hồ được chia thành tám ngăn và đã được tính toán kỹ cả lượng mưa đổ xuống nên mặc dù cùng áp dụng công nghệ thải ướt giống nhau, hồ bùn đỏ của Việt Nam an toàn hơn. Trong trường hợp có sự cố, có thể chặn nhốt toàn bộ bùn trong thung lũng không tràn ra ngoài.”
„Chưa có một kiến nghị nào các trí thức và quan chức lớn nhỏ lại đồng thanh tương ứng nhiều như vậy, có nhiều tên tuổi lớn kí tên đến như vậy.
Blogger Quechoa
Trong khi đó, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại “vừa có công văn yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương đầu tư xây tuyến đường tránh phía tây TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) để phục vụ khai thác và vận chuyển bauxite từ mỏ Tân Rai (Lâm Đồng) ra quốc lộ 20”, thì blogger Nguyễn Xuân Diện trích dẫn lời TS Tô Văn Trường lưu ý rằng: “Khoa học và công nghệ của loài người để xử lý bùn đỏ đến nay tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa có phương cách xử lý tối ưu tuyệt đối, ngoài ra còn phải đối đầu với những tai nạn, rủi ro bất thường trong quá trình sản xuất và biến đổi khí hậu, thời tiết”.
Blogger Nguyễn Xuân Diện trích dẫn lời GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi trường lưu ý:
“Đừng nghĩ TKV làm mà chúng ta ung dung, đừng coi đó là việc cơ quan quản lý nhà nước đã làm. Hai câu hỏi tiếp theo là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc kiểm tra thanh tra thế nào và cơ quan giám sát thực hiện việc giám sát tới đâu? Đó mới là nhiệm vụ chính của các cơ quan của Nhà nước đang chịu trách nhiệm trước dân…Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề: khả năng cạn kiệt trong tương lai gần, những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và trước hết là trách nhiệm của chúng ta với con cháu mai sau.”
Blogger Hà Văn Thịnh phân tích lý do khiến thảm họa bùn đỏ, một khi xảy ra ở VN, còn cao gấp nhiều lần so với Hungarie:
“Một nước có trình độ cao gấp mấy lần Việt Nam mà còn bị thảm họa như vậy, trong khi số lượng của nó thì rất ít nếu so với 5-3 năm nữa khi Việt Nam khai thác bauxite Tây Nguyên. Khi đó, chúng ta sẽ thấy nguy cơ bùn đỏ ở Việt Nam còn hơn gấp nhiều lần Hungarie. Tôi nghĩ rằng về trình độ kỹ thuật mình chưa thể bằng Hungarie. Việt Nam cũng không có khả năng để được hỗ trợ của EU như Hungaire. Trong khi tiềm năng, kế hoạch khai thác ở Việt Nam thì gấp nhiều lần Hungaire, vậy nguy cơ bùn đỏ tăng lên là đúng thôi.”
Blogger Nguyễn Xuân Diện trích dẫn lời TS Tô Văn Trường lưu ý về sự sai trái cố ý của giới hữu trách như Nguyễn Khanh trình bày:



Nhân viên cứu hộ đi trên một con đường phủ đầy bùn đỏ ở Devecser, cách thủ đô Budapest 150 km về phía Tây, hôm 11/10/2010. AFP Photo. “Trong dự án bauxite Tây Nguyên ở Việt Nam, hình như những người có trách nhiệm đã làm những chuyện sai trái “tầy trời” là:
-Cố tình lẩn tránh bài toán kinh tế của tổng dự án: giá thành cuối cùng, chi phí vận tải, giá đầu tư công nghệ cao, phí xử lý bùn đỏ.v.v…
-Việc đầu tư hạ tầng cơ sở cho việc vận tải từ nơi sản xuất alumin đến bến cảng xuất khẩu… thuộc trách nhiệm của TKV, doanh nghiệp khai thác, chứ không phải là đầu tư công của nhà nước. Nhiều chuyên gia cho rằng tổng công ty MAL Hungary đã lấy lãi trên kiểu lập lờ đánh lận “công-tư” như kiểu TKV của chúng ta!”
Mặc dù Việt Nam được biết có trữ lượng bauxite rất phong phú khiến giới cầm quyền ra sức thu hút 15 tỷ đô la đầu tư khai thác bauxite và luyện nhôm vào năm 2025, nhưng, theo blogger Anh Ba Sàm trích dẫn bài báo trên tờ Financial Times:
“Quyết định của chính phủ đưa Chinalco, một doanh nghiệp nhà nước khai thác mỏ của Trung Quốc, để mở mang một trong những dự án gây kinh ngạc cho nhiều người Việt Nam. Một số người lo lắng về kỷ lục thiếu quan tâm tới môi trường hàng đầu của các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài. Đối với những người khác, câu hỏi phải trả lời mang tính linh cảm nhiều hơn – đó là những cuộc xâm chiếm của nhiều triều đại Trung Quốc trong 1.000 năm trước, nhiều người vẫn nhìn Trung Quốc với thái độ nghi ngờ lớn.”
Qua bài tựa đề “Không có gì mới”, blogger Quechoa trích dẫn lời nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận xét rằng vấn đề bauxite Tây Nguyên thật ra chẳng có gì mới, vì Quốc Hội VN đã “biết tỏng” hết cả rồi, từ dự án không sinh lời, gây nguy hiểm môi sinh, an ninh quốc phòng cho tới thảm họa bùn đỏ - điều mà chính Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cảnh báo là “quả bom bùn treo lơ lửng trên đầu dân Miền trung”, nhưng Quốc hội vẫn kiên quyết đồng thuận . Và, qua blogger Quechoa, bài viết nhấn mạnh:
“Có thể nói từ khi có nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến giờ chưa có một quyết sách nào của Nhà nước lại bị dân phản ứng dữ dội, bền bỉ như vậy, cũng chưa có một kiến nghị nào các trí thức và quan chức lớn nhỏ lại đồng thanh tương ứng nhiều như vậy, có nhiều tên tuổi lớn kí tên đến như vậy. Chỉ cần đặt câu hỏi vì sao như thế, người ta biết ngay dự án bauxite liên quan đến an nguy của xã tắc như thế nào, không phải nói nhiều.”
Tạp chí Điểm Blog tuần này tạm dừng ở đây, và mong gặp lại tất cả quý vị cũng vào tuần sau.
Theo dòng thời sự:
•Bài học cho Việt Nam từ lũ bùn đỏ Hungary (phần 1)
•Bài học cho Việt Nam từ lũ bùn đỏ Hungary (phần 2)
•Thảm họa bùn đỏ đối với môi trường
•Diễn tiến vụ lũ bùn đỏ tại Hungary
•Hungary có nguy cơ đối diện lũ bùn đỏ thứ nhì
•Hungary xây đập ngăn lũ bùn đỏ thứ 2
•Lũ bùn đỏ Hungary – bài học cho Việt Nam
•Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, với tấm gương về thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở nhà máy Ajka Timfoldgyar, Hungary

Không có nhận xét nào: