Nha Trang, Mũi Né theo xếp hạng của National Geographic
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA......2010-11-20
Tạp chí National Geographic trụ sở tại Hoa Kỳ vừa công bố bản xếp hạng 99 bãi biển trên thế giới, Nha Trang, Mũi Né của Việt Nam bị xem là một trong những bãi biển tệ nhất trong năm.Việc đánh giá và xếp hạng các bãi biển khắp thế giới do National Geographic thực hiện với sự tham gia của 340 chuyên gia thuộc các lãnh vực bảo tồn môi sinh, văn hóa, du lịch dựa trên các tiêu chuẩn như: môi trường, sinh thái, văn hóa, xã hội, đường nét, thẩm mỹ, bảo tồn cổ tích, điều hành du lịch và triển vọng trong tương lai.
Các chuyên gia xếp 99 bãi biển vào năm nhóm từ cao xuống thấp: những bãi biển sạch đẹp đứng đầu bảng, kế đó là kinh doanh tốt, ổn định, đang đối diện với khó khăn và dở, tồi nhất.
Phát triển bừa bãi
Qua bản đánh giá thì Nha Trang bị xem là một bãi biển phát triển kém bền vững vì phải chịu áp lực mạnh mẽ từ việc phát triển thương mại không đồng đều, xây cất ồ ạt hủy hoại những cảnh quan thiên nhiên; nhiều nhà hàng, khách sạn được dựng lên một cách không hợp lý nếu không muốn nói là bừa bãi, mọc lên như nấm dọc theo các bãi biển.Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch cho rằng đánh giá bãi biển Nha Trang phát triển kém bền vững là một nhận xét đúng đắn, nên xem sự xếp hạng này là một lời cảnh báo, để từ đó các cơ quan và viên chức hữu trách phải nhìn lại và xem xét những khuyết điểm của chính mình.
Sau khi bản xếp hạng của National Geographic được công bố, ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Khánh Hòa nói rằng các du khách thập phương vẫn đánh giá cao du lịch biển Nha Trang và lượng khách đến thăm nơi đây ngày càng đông chứ không giảm.
Tuy nhiên theo một viên chức thuộc tỉnh Khánh Hòa thì tình trạng mạnh ai nấy làm là có thật, nhà sau xây cao hơn nhà trước, không có kế hoạch cụ thể, không quy hoạch đúng bài bản.
Các du khách từng đến thăm Miền Thùy Dương cát trắng thì kể lại là hiện nay ở bãi biển Nha Trang dọc khu trung tâm dài bốn kí lô mét có nhiều nơi bị phân lô, có những nơi bãi cát bị doanh nghiệp nước ngoài rào lại. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà hàng, quán cà phê, khu nghỉ mát chỉ được dành riêng cho khách có nhiều tiền lui tới.
Cảnh tỉnh cho du lịch VN
Qua câu chuyện với đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty lữ hành quốc tế Lửa Việt đưa ra nhận xét của mình về bảng xếp hạng của tạp chí National Geographic của Mỹ:“Khi mình nhận được tin đó thì phải hết sức bình tĩnh, phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, như quản lý của mình chưa tốt, xử lý môi trường cũng chưa đảm bảo, là cái chuyện mà mình không nên né tránh. Nếu chỉ dựa vào một số thông tin như vậy rồi xếp hạng là bãi biển là tồi nhất thì tôi cho rằng điều đó cũng oan cho Nha Trang.
Những người làm nghề du lịch biển như chúng tôi thì đều hiểu rằng biển có mùa, có những mùa gió ngược đó, không hiểu vì sao rác lại cứ tấp vào bờ khiến khách không tắm được. Nếu đi vào mùa gió ngược mà phê phán là bờ biển dơ thì có khi tội cho các resort, khách sạn hay là người dân ở đó.
Thật ra trong quá khứ đã có một số nhà báo đi vào mùa gió ngược rồi chụp hình, phê phán các resort ở Mũi Né, Hòn Rơm dơ, bản thân tôi rất hiểu chuyện đó, lúc ấy khách không tắm biển được, có khả năng là những nhà chuyên môn khi họ đi khảo sát vào mùa đó thì mình không thể nào mà biện minh được, vì người Việt mình có câu ‘ Tình ngay mà lý gian’".
Quan điểm của tôi là mình nên xem xét lại mình, như người Việt mình có câu nói rất hay ‘Tiên trách kỷ hậu trách nhân’, đây cũng là một lời cảnh tỉnh, có thể là chưa chính xác hoàn toàn nhưng cũng làm chúng ta giựt mình, trước chuyện về quy hoạch phát triển du lịch.Tuy nhiên theo ông Mỹ thì đây là một thực tế đáng được lắng nghe, ghi nhận hầu tìm ra đáp số đúng đắn, nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau:
Ô. Nguyễn Văn Mỹ
“Quan điểm của tôi là mình nên xem xét lại mình, như người Việt mình có câu nói rất hay ‘Tiên trách kỷ hậu trách nhân’, đây cũng là một lời cảnh tỉnh, có thể là chưa chính xác hoàn toàn nhưng cũng làm chúng ta giựt mình, trước chuyện về quy hoạch phát triển du lịch.
Những người tham gia bình chọn có thể mang thành kiến ít nhiều, bởi vì trước đây đã có thông tin nói là Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa từ chối chuyện đưa Nha Trang trở thành một trong những vùng biển đẹp của thế giới, bởi vì nếu tham gia như vậy thì họ không thể đầu tư về kinh tế, không phát triển các cơ sở đóng tàu hay các ngành khác được.
Báo chí cũng như dư luận thành phố cũng rất bất bình, bởi vì du lịch là một nền kinh tế bền vững, vì thế nếu chọn du lịch thì phải hy sinh những ngành nghề khác, chứ nếu bây giờ mình muốn phát triển nền kinh tế nóng song song với phát triển du lịch thì không thể đảm bảo môi trường được.
Sự bình chọn đó là lời cảnh tỉnh, có ích, hãy cùng nhìn lại quy hoạch phát triển của mình, chứ không thể chủ quan phát triển theo ý mình được.”
Người dân Nha Trang: biết nói sao
Kế đó, ông Quý, một cư dân sinh trưởng và sinh sống phần lớn cuộc đời ở Nha Trang kể về những điều ông chứng kiến hàng ngày, cái đẹp thiên nhiên bị mất dần:“Nói chung bây giờ bãi biển miền Trung là như vậy, cái lợi của người dân bị gác lại, chỉ là lợi của nhà nước là được quý, mà nhà nước đâu thì không thấy, chỉ thấy toàn những công ty từ đâu tới, đó là nói theo nghĩa rộng. Nếu nói hẹp lại thì riêng ở Nha Trang thì có chuyện hết cấm móc lô này rồi tới lô kia.
Người dân ở Mũi Né cũng vậy chứ không nói gì tới Nha Trang, đánh bắt cá rồi muốn vào bờ phải đi con đường chật hẹp như trên TV chiếu đó. Lý thuyết thì nói ‘dân là nước chở con thuyền’ mà do nước cũng có thể lật thuyền, nhưng trên thực tế thì khó quá. Mấy ông này nói cái gì cũng tôn trọng dân hết, nhưng thật sự thì quyền lợi của dân bị coi thường quá.”
Dịp này, ông Quý cũng nói lên tâm trạng của người dân Nha Trang, Khánh Hòa, như ông thuộc thành phần thấp cổ, bé miệng trong xã hội, thì chỉ biết lặng thinh thôi:
“Thật sự ra, nếu nhìn về mức độ xây dựng thì dòm thấy bắt mắt, nếu chụp hình, quay phim, còn nếu hỏi là người dân có thưởng thức được những cảnh quan đẹp đẻ ấy hay không thì chỉ có những người có tiền, chứ người dân lao động chăm chỉ như thường được đề cao ‘lao động là quang vinh’ thì người ta thấy buồn lắm, bởi vì muốn đi ra bờ biển cũng khó quá, anh phải đi xuyên qua những resort (khu nghỉ mát), nhưng tiền đâu vô resort, cho nên rất khó khăn khi muốn bước ra bãi biển.
Nói chung bây giờ bãi biển miền Trung là như vậy, cái lợi của người dân bị gác lại, chỉ là lợi của nhà nước là được quý...Phải đi rất xa men theo mé nước mà đi thôi. Hồi đó, từ phi trường Nha Trang anh đi tắt ra là có bãi biển, bây giờ chỗ nào có công viên mới đi được, chứ không có công viên thì liền kề hết, lô này tới lô kia chạy dài cho tới Cam Ranh luôn.
Ông Quý
Nhiều khi mấy ông cấm cọc để đấy thôi chứ có làm gì đâu, cũng không hiểu việc làm ăn của mấy công ty với viên chức nhà nước như thế nào mà thấy kết quả như vậy. Buồn thì buồn đó, nhưng người dân biết nói làm sao, cứ phải chịu đựng thôi.”
Qua những ý kiến của các viên chức cũng như từ phía người dân địa phương thì cho rằng việc đánh giá “Nha Trang là bãi biển tồi nhất trong năm” đó là lời cảnh tỉnh cho ngành du lịch Việt Nam.
Nhận xét thực tế này giúp cho các bộ ngành, cơ quan nhà nước, người dân và du khách cần có ý thức cùng góp phần mình làm cho Nha Trang lấy lại nét đẹp, thơ mộng, từng được thế giới xem là một bãi biển xanh, sạch, đẹp vì đã được Ủy ban Olympic Á Châu chấp nhận là địa điểm có thể chọn để tổ chức Olympic thể thao bãi biển của Châu Á lần thứ 5, tranh tài vào năm 2016.
Theo dòng thời sự:
- National Geographic Traveler xếp hạng bãi biển Nha Trang tệ hại nhất
- Nha Trang, Mũi Né vào danh sách bãi biển tệ nhất thế giới
- Nha Trang – miền quê hương cát trắng
- Hà Nội và Hội An vào top ten du lịch lý tưởng châu Á
- Lượng du khách nước ngoài đến VN tăng mạnh
- Tổ chức Du lịch Thế giới giúp Việt Nam hoạch định lâu dài
- Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm du lịch, tài chánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét