Những người bạn Mỹ của Hồ Chí Minh (02/08/2010 10:15)
Quan hệ Mỹ - Việt có nguồn gốc sâu trong lịch sử hiện đại, ngay từ lúc Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới như một quốc gia có chủ quyền. Trang đầu này của tình hữu nghị giữa hai quốc gia thật đẹp, nhưng đã bị gián đoạn bởi “luồng gió” chiến tranh lạnh nổi lên khắp toàn cầu …Tới ngưỡng cửa thế kỷ 21, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ấm áp trở lại, nhờ đóng góp của những ai từng là cộng sự gần gũi của Hồ Chí Minh ở cả hai phía thời kỳ 1945. Xin cùng nhìn lại thời khắc lịch sử này qua lăng kính của ký giả Jonathan Birchall (Ho's American Pals) viết trên báo Financial Times, tháng 8, 1998.
Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp với sĩ quan Mỹ tại Tân Trào năm 1945.
Trong số những hiện vật lịch sử phong phú của những ngày đầu đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, có một chiếc điện đài vô tuyến cũ kỹ được bày trên tầng hai của bảo tàng Quân đội nằm ở góc đường Điện Biên Phủ, Hà Nội.
So với chiếc MIG – 21 nằm ở mặt tiền của bảo tàng, cũng như đống xác máy bay Mỹ bị bắn rơi nằm ở sân trong, chiếc điện đài này khó mà lôi cuốn được sự chú ý của khách tham quan. Nhưng trong nó ẩn dấu một câu chuyện huyền diệu.
Ngày nay, một chương từng bị che khuất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam đang được tái hiện một cách thận trọng. Một phần nào, nhờ vào một dự án của Hoa Kỳ nhằm ghi lại các hồi ức về một thời, khi các quân nhân Hoa Kỳ và các chiến binh Việt Nam cộng sản từng chiến đấu sát cánh bên nhau.
“Thế hệ trẻ hiện chưa được biết về những sự kiện ấy,” Thiếu tướng Nguyễn Kim Hùng, nay 72 tuổi, đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn tráng kiện. “Nhưng hôm nay, khi Việt Nam và Hoa Kỳ lại đang hướng về nhau đầy thiện chí, tôi cho rằng nên cho đồng bào biết rõ những gì đã xảy ra”.
Cuối tháng 9/1997, tướng Hùng cùng một số cựu chiến binh Việt Nam đã sang New York để tái ngộ với những người bạn Mỹ từ 50 năm trước trên núi rừng Việt Bắc. Một ngày đầu năm 1945, chàng trai 18 tuổi, Nguyễn Kim Hùng đã đầu quân cho quân du kích trang bị vô cùng thô sơ của Hồ Chí Minh, lúc đó gọi là lính Việt Minh.
Dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, vốn là một nhà giáo, quân Việt Minh bắt đầu tìm cách đánh đuổi cả quân Nhật lẫn quân Pháp đã đầu hàng phát xít ở Đông Dương, để sau đó ra tuyên bố Việt Nam độc lập, chính thức tách khỏi khối thuộc địa của Pháp ngay khi thế chiến kết thúc.
Năm 1945, các lực lượng Đồng minh đã đóng tại Côn Minh, ở miền Nam Trung Hoa, để hỗ trợ lực lượng Trung Hoa dân quốc. Chiến tranh trên chiến trường châu Âu sắp kết thúc, Hồ Chí Minh, lúc này đã mạnh lên nhiều về thế và lực, nhận thức rằng (cuộc cách mạng Việt Nam) cần được hậu thuẫn về quân sự và về chính trị. Hồ Chí Minh quay sang phía Hoa Kỳ.
Tháng 2/1945 khi du kích Việt Minh cứu được một phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi, Hồ Chí Minh đã đích thân dẫn viên phi công Mỹ này trên chặng đường dài 600 km về Sở chỉ huy quân Đồng minh ở Côn Minh. Tại đây ông đã gặp Charles Fenn, một sĩ quan OSS.
Theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, Fenn đã tổ chức cuộc gặp ngày 29/3 với tướng Chennault, người chỉ huy lừng danh của binh đoàn Không quân số 14 của Hoa Kỳ. Chennault chính là người từng lập ra phi đoàn Hổ Bay khét tiếng trên chiến trường Trung Hoa.
“Khi họ gặp nhau, tướng Chennault đã cảm tạ Cụ Hồ về việc cứu viên phi công Mỹ”, tướng Hùng cho biết. “Chennault cũng hứa rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam về các trang bị như vũ khí nhẹ, thuốc men, và sẽ cử các sĩ quan Mỹ sang làm việc bên cạnh Việt Minh để đánh Nhật”.
Tại cuộc gặp này, Hồ Chí Minh đã đưa ra một đề nghị kỳ lạ: ông muốn tướng Chennault ký tặng ông một tấm ảnh chân dung của mình. “Tôi được biết tướng Chennault có tặng Cụ Hồ tấm ảnh của mình, sáu khẩu súng ngắn, một số thuốc men. Chennault cũng muốn biếu một số tiền”, tướng Hùng nói tiếp. “Nhưng Hồ Chí Minh chỉ nhận tấm ảnh, mấy khẩu súng, và thuốc men. Người đã không nhận tiền”.
Giữa tháng Tư 1945, một chiếc phi cơ của Mỹ đưa các lãnh đạo Việt Minh ra biên giới Việt Nam. Đoàn còn gồm hai quân nhân Mỹ gốc Hoa được cử đi cộng tác với Việt Minh. Đó là Mac Shin, báo vụ viên, và Frank Tan, sĩ quan phân tích tình báo.
Hai tháng sau, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Kim Hùng được phái đi tháp tùng đoàn Hồ Chí Minh, gồm cả hai người Mỹ, trên chặng đường gian nan, mưa dầm nắng gắt suốt 20 ngày từ biên giới đến một căn cứ mới nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam, tại xã Tân Trào. Tại đây, anh đã được Mac Shin huấn luyện về báo vụ, để rồi được giao nhiệm vụ duy trì liên lạc điện báo với sở chỉ huy Mỹ ở Côn Minh.
“Trên đường hành quân về căn cứ Tân Trào, lần đầu tôi được gặp người Mỹ”, tướng Hùng hồi tưởng. “Chúng tôi đã xây dựng được một quan hệ bình đẳng và thân thiết với các bạn Mỹ. Họ rất ngay thẳng, bộc trực, và chúng tôi rất quý mến họ. Mac Shin cũng thích tôi vì tôi học rất nhanh. Anh ấy tặng tôi một chiếc kèn ácmônica. Nó đã bị thất lạc trong những trận đánh liên tục sau đó, làm tôi cứ ân hận mãi”.
Giữa tháng bảy, Thiếu tá Allison Thomas chỉ huy một đội, gồm sáu sĩ quan OSS làm nhiệm vụ huấn luyện, nhảy dù xuống Tân Trào. Mang bí danh là đội “Con Nai”, các sĩ quan Mỹ bắt đầu huấn luyện Việt Minh sử dụng súng các bin Mỹ, súng máy, moóc chiê, và bazoka, được máy bay Mỹ bay từ Côn Minh thả dù xuống.
“Cụ Hồ yêu cầu người Mỹ phiên chế một đơn vị gồm khoảng 100 người lính, gọi là đại đội Việt Mỹ”, tướng Hùng kể tiếp. “Chỉ huy đại đội là người Việt, nhưng toàn đơn vị do các sĩ quan Mỹ huấn luyện”.
Bạn cố tri của tướng Hùng là ông Triệu Đức Quang, lúc đó mới 15 tuổi, đã nhập vào đại đội Việt - Mỹ. "Tôi học về cứu thương nhưng cũng được người Mỹ dạy về chiến thuật phân đội"- ông Quang nhớ lại. Triệu Đức Quang được huấn luyện về y tế bởi Paul Hoagland, một quân y sĩ của OSS. Hoagland đã làm chức trách hồi phục sức khoẻ cho Hồ Chí Minh sau khi Người nằm liệt một thời gian vì sốt cao.
15/8/1945, Nhật đầu hàng vô điều kiện sau khi Hirosima và Nagasaki bị ném bom nguyên tử, và Hồ Chí Minh phát động giai đoạn giành chính quyền. Lực lượng vũ trang còn nhỏ của ông, gồm cả đại đội Việt Mỹ, bắt đầu hành quân rời Tân Trào về Hà Nội ngay hôm 16 tháng Tám, trước tiên tiến đánh quân Nhật đang chiếm đóng Thái Nguyên.
Các sĩ quan Mỹ cùng đi để theo dõi chiến sự. “Thiếu tá Thomas viết tối hậu thư bằng tiếng Anh kêu gọi quân Nhật đầu hàng”, ông Quang, một trong những người tham gia trận đánh Nhật ở Thái Nguyên, hồi tưởng lại.
Cùng lúc, Việt Minh Hà Nội dấy lên một cuộc khởi nghĩa sâu rộng. Cao tay hơn các đối thủ chính trị không cộng sản của mình, Việt Minh đã cắm được lá cờ đỏ sao vàng lên nóc Nhà hát lớn cổ kính trên quảng trường trung tâm thành phố.
Nhưng ở hải ngoại, cán cân lực lượng quốc tế đã xoay chuyển theo hướng chống lại lợi ích của liên minh giữa Hồ Chí Minh và OSS. Lo sợ ảnh hưởng của Liên Xô lan ra khắp châu Âu, Washington nay thấy cần nước Pháp, hơn là Mỹ đã từng cần đến một nền độc lập cho Việt Nam, nhất là khi chính quyền mới ở Việt Nam lại do những người cộng sản lãnh đạo.
Đồng Minh (Anh do Churchill/Attlee, Mỹ do Truman, và Liên Xô do Stalin đứng đầu) họp ở Posdam (17/7 -2/8 1945) ký Hoà ước xác định rằng quân Nhật ở Đông Dương sẽ do quân Anh và quân Tàu (Tưởng) giải giáp, trước khi Đông Dương được trao trả lại cho Pháp.
Một số thành viên OSS có cảm tình rõ rệt với Hồ Chủ tịch và Việt Minh, đồng thời chia sẻ sự chán ghét của cố Tổng thống Roosevelt đối với nền thuộc địa của Pháp. Bản thân Hồ Chí Minh cũng đặt ý thức hệ cộng sản sang một bên, hiểu rõ rằng quan hệ với người Mỹ (như đại diện cho Đồng Minh) lúc này có lợi cho dân tộc Việt Nam.
“Trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh rõ ràng đã gây được thanh thế khi cùng với các sĩ quan OSS … tiến về Hà Nội,” Robert Brigham, một sử gia Mỹ, chuyên nghiên cứu về sự dính líu về quân sự của Mỹ ở Việt Nam, phát biểu. “Hoa Kỳ lúc đó được xem như thế lực chống thuộc địa, và như những người giải phóng nhân loại khỏi ách phát xít trong mắt người dân. Việc Hồ Chí Minh chọn một sách lược như thế là sáng suốt”.
Mồng 2 tháng Chín 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam trước quần chúng cách mạng vô cùng phấn khích trên quảng trường Ba Đình. Ông đã mở đầu bản Tuyên ngôn bằng việc trích dẫn Tuyên Ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Thiếu tá Patti, chỉ huy OSS vừa từ Côn Minh sang, đã tham dự đại lễ này.
Trong khi các sĩ quan Pháp thuộc phe Đờ Gôn (De Gaulle) bị Việt Minh gần như giam lỏng ở Hà Nội, các sĩ quan Mỹ được tự do đi lại. “Chúng tôi tới thăm các bạn Mỹ lưu trú tại khách sạn Metropole”, ông Quang nhớ lại, “rồi chúng tôi dẫn các bạn Mỹ đi thăm phố phường, thật là vui”.
Niềm vui ấy vụt tắt ngay vào giữa tháng Mười, khi tất cả các nhân viên quân sự Mỹ được Washington ra lệnh rời khỏi Đông Dương. Tới tháng Ba năm sau, 1946, quân Pháp vào Hà Nội để thế chân quân Tưởng vừa rút đi. Cuối năm ấy, Nguyễn Kim Hùng và Triệu Đức Quang lại xung trận vì độc lập cho Tổ quốc, trong một trận đánh dài 30 năm.
Ở Việt Nam trong suốt 50 năm qua, Hồ Chí Minh, Người mà Mac Shin coi như ông của mình, đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của toàn dân tộc. Nhưng các mô tả chính thức về Cách mạng tháng Tám vẫn dành một vị trí mơ hồ cho quan hệ của Việt Minh với OSS.
Tới một ngày tháng 9/1997, tổ chức từ thiện Hoa Kỳ “Dự án hoà hợp Mỹ - Đông Dương” (US-Indochina Reconciliation Project) đã tổ chức cho đoàn Việt Nam gồm các CCB Việt Nam từng được “Con Nai” huấn luyện sang New York hội ngộ với bạn đồng minh người Mỹ thời Cách mạng tháng Tám của họ. Các sử gia Việt Nam và Hoa Kỳ cũng được mời tới cuộc gặp mặt này, để ghi nhận các hồi ức về một thời bộ đội Việt - Mỹ.
“Tôi rất vui khi được gặp lại các bạn Mỹ”, tướng Hùng chia sẻ, “Tôi nói với Mac Shin và Frankie Tan rằng, tôi luôn coi họ là thày giáo, là những người anh, những người bạn thân của mình. Rằng tình cảm của tôi với họ vẫn trong sáng như buổi đầu. Rằng những ngày từng chiến đấu bên nhau ấy sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi.
LÊ ĐỖ Huy (biên dịch)
(NB&CL- 31/2010- AT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét