6.11.10

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Sẽ mở cửa cảng Cam Ranh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Sẽ mở cửa cảng Cam Ranh

Quỳnh Như, phóng viên RFA 2010-11-01
Cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tuyên bố sẽ mở cửa Cảng Cam Ranh cho nước ngoài sử dụng. Vấn đề này gây nên một sự chú ý đáng kể đối với giới phân tích
.

RFA photo
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng tại Quốc Hội Mỹ hôm, 24/9/2010
Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Khoa Chính trị & Quan hệ Quốc tế, Đại học George Mason, Tiểu bang Virginia, Hoa kỳ về việc này.

Cho mục tiêu kinh tế?

Quỳnh Như: Xin chào Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Thưa Giáo sư, cuối tuần rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra tuyên bố Việt Nam sẽ mở cửa lại quân cảng Cam Ranh cho nước ngoài sử dụng. Ông có cho rằng đó là một điều đáng ngạc nhiên không?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi không thấy ngạc nhiên gì cả bởi vì vấn đề hải cảng Cam Ranh hay quân cảng Cam Ranh đã được đặt ra nhiều lần. Việt Nam đương quyết định làm như thế nào để tiện lợi cho mình nhất. Thường thường khi người ta cho thuê hay cho sử dụng cảng vì hai lý do: hoặc là lý do kinh tế, hoặc lý do chiến lược, hay cả hai, phần lớn là cả hai lý do, như trường hợp của Subic bay ở Philippines.
Và như trường hợp cảng Cam Ranh của Việt Nam khi cho Nga thuê ngày xưa. Vấn đề này cứ được đặt đi đặt lại, không rõ. Việt Nam ở trong thế khó xử; cho bên này thuê thì bên kia cằn nhằn. Thành ra tốt hơn nhất là Việt nam nói rằng dùng cho mục tiêu kinh tế.
Việt Nam ở trong thế khó xử; cho bên này thuê thì bên kia cằn nhằn. Thành ra tốt hơn nhất là Việt nam nói rằng dùng cho mục tiêu kinh tế.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
Tuyên bố do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra thì cũng không phải nói là mở quân cảng Cam Ranh là để cho hải quân ngoại quốc dùng. Ông Dũng chỉ nói Việt Nam sẽ tự xây dựng lại hải cảng Cam Ranh, tự lực làm mà không nhờ ai hết.
Điểm thứ hai, hải cảng đó sẽ làm dịch vụ cho tất cả tàu thuyền của bất cứ nước nào đi đến khu vực này. Có thể là tàu chiến, có thể không phải là tàu chiến, nhưng Việt Nam sẽ làm dịch vụ cho tất cả tàu thuyền nào đi đến. Và điểm thứ ba mà ông Dũng nói là theo cơ chế thị trường, tức là ai trả nhiều tiền thì sẽ phục vụ.
Quỳnh Như: Theo nhận định của Giáo sư vì sao Việt Nam lại đưa ra tuyên bố nói trên vào lúc này?  
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Ông Dũng đưa ra tuyên bố nói trên vào lúc này rất quan trọng bởi vì đang có Hội nghị thượng đỉnh Đông Á thì vấn đề này được quốc tế hoá. Việt nam từ xưa rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông, nhất là gần đây.
Từ năm 2009 đến nay thì rất quan tâm đến vấn đề này nhưng có nhiều áp lực từ mọi phía nên Việt Nam làm từ từ. Tôi nghĩ Việt Nam đã làm tốt được nhiều chuyện – bắt đầu công khai hóa vấn đề. Thứ hai là có được sự hợp tác của các quốc gia thuộc Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á. Trong Hội nghị Bộ trưởng Qúôc phòng Cộng 8, có sự tham dự của các cường quốc trong đó có Nga, Mỹ, Trung quốc.
Vấn đề Biển Đông tuy không muốn đặt rõ ra, trước đó nhiều người nói là đưa ra sẽ gặp rắc rối, cuối cùng hội nghị cũng đưa ra rồi, và tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á này cũng đưa ra. Tức là Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông và các nước khác cũng cùng quan tâm đến vấn đề này. Bây giờ vấn đề Biển đông sẽ giải quyết ra sao. Nên việc đưa ra tuyên bố mở cửa cảng Cam Ranh tôi nghĩ phù hợp với lợi ích chiến lược của Việt Nam. Bởi vì nếu mở cửa cho tất cả mọi người thì, thứ nhất là sẽ không đe dọa ai cả. Thứ hai nữa là nếu có nhiều tàu thuyền đi lại, theo quan niệm của hải quân làm cho tuyến đường biển càng ngày càng đông. Đông người thì không anh nào có thể chế ngự được cả, thì Việt nam sẽ giữ được độc lập của mình.

Lợi nhiều hơn hại

Quỳnh Như: Việt Nam tuyên bố mở cửa Cảng Cam Ranh cho nước ngoài, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội kết thúc vài ngày trước đó, mà trong Hội nghị lần này vấn đề tranh chấp Biển Đông là một trong những đề tài chính. Vậy sự kiện này có liên quan gì đến vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung quốc hay không?
000_Hkg4208833-250.jpg
Từ trái qua: Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Úc Julia Gillard và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong khi chờ đợi lãnh đạo các nước ASEAN cùng chụp hình chung bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á. AFP photo
GS Nguyễn Mạnh Hùng: 
Vấn đề Biển Đông người ta nói là vấn đề quan tâm đến sự an ninh ở Biển Đông, thì đã được nêu ra trong bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, khi tôi nói đến việc mở cửa cảng Cam Ranh cũng có liên hệ đến Biển Đông. Tức là để Việt Nam giữ chủ quyền của mình ở Biển Đông. Bởi vì có nhiều tàu chiến ra vào thì không có ai chế ngự được Biển Đông cả. Đó là hy vọng như vậy.
Và Việt Nam cũng đã chuẩn bị nhiều chuyện lắm. Khi ông Nguyễn Chí Vịnh nói ở bên Trung Quốc, Nhật, Singapore, có nhấn mạnh Việt Nam không liên hệ với ai để chống ai cả, nhưng cũng nói, nếu ai đó có ý định thì Việt Nam sẽ chống lại bằng biện pháp hòa bình. Và sau đó ở một đoạn khác cũng trong bài nói chuyện đó thì ông này nói, Việt Nam cương quyết bảo vệ chủ quyền của mình. Nếu chúng ta đặt những chuyện đó một cách tuần tự thì sẽ thấy rất rõ. Đến Hội nghị Thượng đỉnh Qúôc phòng. Rồi bây giờ đến Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, vấn đề dần dần được công khai hoá, và Việt Nam càng ngày càng tỏ lộ rõ, thứ nhất là quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình, ít nhất là trong vùng Biển Đông. Thứ hai, là cũng đã tạo được tiếng vang nào đó trên thế giới trong việc đặt căn bản hay thực hiện những biện pháp để tiến tới việc bảo vệ chủ quyền đó.
Quỳnh Như: Giáo sư vừa phân tích những lợi ích Việt Nam có thể có được khi quyết định mở cửa quân cảng Cam Ranh. Nhưng đồng thời, theo Giáo sư thì việc này có mang đến điều gì lợi bất lợi cho đất nước hay không?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ là có nhiều điều lợi hơn là hại. Tôi không tưởng tượng ra một điều gì là bất lợi, ngoại trừ trường hợp có một nước nào bực mình có thể làm hành động đó hoặc ngoài đảo, hoặc trên đất liền. Nhưng tôi nghĩ chuyện đó khó xảy ra lắm. Thành ra tôi nghĩ chuyện này có lợi nhiều hơn là hại.
Tôi không tưởng tượng ra một điều gì là bất lợi, ngoại trừ trường hợp có một nước nào bực mình có thể làm hành động đó hoặc ngoài đảo, hoặc trên đất liền.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
Quỳnh Như: Nếu cảng Cam Ranh được mở cửa trở lại cho nước ngoài, theo nhận định của Giáo sư thì trước tiên nước nào sẽ có ý định sử dụng hải cảng này?   
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng ta thấy nhiều nước đã nói rõ ý định muốn sử dụng cảng Cam Ranh, Ấn độ muốn, Nga muốn, Mỹ cũng muốn. Thế cho nên ông Nguyễn Tấn Dũng cũng nói rõ là sẽ áp dụng theo cơ chế thị trường, tức là ai có nhiều tiền sẽ cho sử dụng. Nhưng chúng ta cũng thấy là nước nào hải quân có nhiều tàu thì dĩ nhiên họ sẽ sử dụng nhiều dịch vụ của Việt Nam.
Nói tóm lại, tức là Việt Nam không cho thuê cảng Cam Ranh, Việt Nam không muốn cho ai lập căn cứ ở đó, hoàn toàn do Việt Nam chỉ huy ở đó. Thế còn ai muốn sử dụng dịch vụ sửa chữa tàu hay thăm viếng gì đó thì Việt Nam cũng bằng lòng. Hải quân nước nào có nhiều tàu thì sẽ đến. Thì chúng ta hiểu rõ những lực lượng có nhiều tàu nhất ở vùng đó là Trung quốc và Hoa kỳ mà thôi. Dĩ nhiên cũng sẽ có các nước khác cũng muốn đến Cam Ranh. Tôi nghĩ hai nước cũng có thể sẽ đến đó nhiều là Ấn độ và Nhật bản.        
Quỳnh Như: Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:


Không có nhận xét nào: