VN mong đợi gì từ CG 2010?
Việt Hà, phóng viên RFA....2010-12-06
Tr.ong hai ngày 7 và 8 tháng 12, tại Hà nội sẽ diễn ra Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2010.Hội nghị diễn ra giữa lúc Việt Nam tham gia nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới. Trong khi đó Việt Nam cũng đang phải đương đầu với nhiều vấn đề như tham nhũng, tính minh bạch, cải cách hành chính là những điều luôn được các nhà tài trợ quan tâm. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng thế nào đến cam kết tài trợ năm nay dành cho Việt Nam?
Cứ đến hẹn lại lên, đầu tháng 12 năm nay, các nhà tài trợ lại nhóm họp với chính phủ Việt Nam để bàn thảo về các vấn đề lớn xung quanh nền kinh tế, đưa ra các góp ý về chính sách và cam kết tài trợ. Nhưng cuộc họp kéo dài hai ngày năm nay hứa hẹn nhiều thay đổi.
Đầu tư và phát triển kinh tế
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết hội nghị CG lần này sẽ tập trung thảo luận xung quanh chủ đề ‘Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững’.Nhưng đây cũng chính là khâu cho thấy nhiều vấn đề trong suốt một năm qua. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển, người đã nhiều lần tham dự các hội nghị CG các năm về trước cho biết:
"Tình hình đầu tư và phát triển kinh tế trong mấy tháng vừa quá có nhiều điều đáng lo ngại. Tôi nghĩ là tình hình lạm phát quay trở lại đang gây xáo động xã hội rất lớn ở Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó chính phủ tìm mọi biện pháp làm cứ như là rất là quan tâm rất tích cực để giải quyết lạm phát, hô hào các bộ, quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, … thì đấy là các vấn đề xã hội mà tôi nghĩ những việc này là vuốt đuôi để lấy lòng dư luận thôi.
Còn nguyên nhân sâu xa của lạm phát là do chính sách của chính phủ gây ra, bây giờ lại dùng biện pháp hành chính để kiểm soát giá, để làm cho lạm phát bớt đi thì tôi nghĩ không có hiệu quả, nó đã ăn sâu vào nền kinh tế là tính hiệu quả."
Theo ông thì để đạt được mức tăng trưởng khoảng 6% trong năm qua, Việt Nam đã phải bỏ ra một lượng đầu tư rất cao hơn 40% so với GDP và điều này đã diễn ra trong nhiều năm. Điều này được ông gọi là triệu chứng chi tiêu nhiều mà lại không hiệu quả, đặc biệt trong khu vực công.
Còn nguyên nhân sâu xa của lạm phát là do chính sách của chính phủ gây ra, bây giờ lại dùng biện pháp hành chính để kiểm soát giá, để làm cho lạm phát bớt đi thì tôi nghĩ không có hiệu quả.Tuy thế, trước thềm hội nghị, người đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh ‘những phân tích do World Bank và Quỹ tiền tệ quốc tế tiến hành cho thấy, vị thế nợ của Việt Nam vẫn bền vững.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank, Deepak Mishra nói ông hoàn toàn không quan ngại gì với nợ công của Việt Nam. Cho dù Việt Nam có nợ công cao, nhưng nếu các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn mạnh thì cũng không có gì đáng ngại.
Mặc dù vậy, bà Giám đốc ngân hàng thế giới cũng thừa nhận là các phân tích của World Bank về khả năng trả nợ của Việt nam mới chỉ dựa vào những số liệu chính thức mà World Bank nhận được mà thôi.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, các vấn đề nóng hổi khác như biến động tỷ giá và Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin, hay tham nhũng cũng sẽ là các vấn đề được chú trọng lần này.
Vấn đề tài trợ
Liên quan đến tham nhũng và tính minh bạch, chính Liên minh châu Âu, một trong các nhà tài trợ lớn cho Việt Nam hàng năm cũng đã lên tiếng thúc giục chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh công tác này trong hội nghị giữa kỳ nhóm họp vào giữa năm nay tại Kiên Giang. Trong bài phát biểu tại hội nghị, đại diện liên minh châu Âu đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phải khuyến khích sự tham gia giám sát của báo chí, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, đảm bảo cho các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp được họat động một cách tự do và độc lập.Mặc dù vậy, kể từ hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam lần đầu tiên tổ chức ở Paris năm 1993 đến nay, Việt Nam đã nhận được cam kết tài trợ gần 55 tỷ 400 triệu đô la. Năm ngoái, mức tài trợ đưa ra cho Việt nam đã đạt mức kỷ lục hơn 8 tỷ đô la. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong số các nước sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất. Mặc dù đại diện Ngân hàng thế giới có thừa nhận là tốc độ giải ngân chỉ khoảng 2 tỷ đô la một năm của Việt Nam là một mức hơi thấp.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập, người đã dự hội nghị năm ngoái, cho rằng, tại các hội nghị này, các nhà tài trợ thường không gây sức ép lớn lên Việt Nam đối với các cam kết trong năm. Việc tăng cam kết tài trợ hàng năm kết hợp với ngoại giao khôn khéo của nước ngòai dành cho Việt Nam là để tránh những rắc rối cho chính các công ty của họ ở Việt Nam. Ông giải thích:
... mặc dù các nước rất có thiện chí với Việt Nam, nhưng mức cam kết sẽ không quá cao, do kinh tế thế giới và do Việt Nam đã vượt ngưỡng 1,000 đô la một đầu người."Các nhà tài trợ trong năm, nhiều lần tổ chức các cuộc hội thảo để bày tỏ sự quan tâm của mình. Dĩ nhiên họ là các nhà tài trợ, nhà ngoại giao, họ sẽ biểu đạt ý kiến của họ rất thận trọng, họ muốn giúp đỡ mình, họ cũng không nói điều gì làm cho nước chủ nhà phật lòng, vì một sự phật lòng như vậy như trong trường hợp của Trung Quốc ảnh hưởng tai hại đến các doanh nghiệp của họ đang đầu tư và họat động ở Việt nam và chắc chắn đó là điều họ không muốn."
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Câu hỏi đặt ra là liệu năm nay Việt Nam có khả năng sẽ vẫn nhận được cam kết tài trợ cao như mọi năm hay không khi Việt Nam đã chính thức tham gia nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng đây là điều khó có thể xảy ra. Ông giải thích:
"Tôi nghĩ là năm 2009 cái mức cam kết cho Việt nam đã cao đến mức kỷ lục, có lẽ năm nay sẽ khó có thể vượt qua được, mức cao của năm 2009 là do đồng yên tăng giá, nên mức cam kết của Nhật bản tính bằng đồng đô la rất cao.
Năm nay do tình hình kinh tế thế giới chưa hồi phục và mặc dù các nước rất có thiện chí với Việt Nam, nhưng mức cam kết sẽ không quá cao, do kinh tế thế giới và do Việt Nam đã vượt ngưỡng 1,000 đô la một đầu người. Những nước Bắc Âu là các nước có quan hệ rất tốt với Việt nam, như Thụy Điển thì đã nói rất rõ ràng là họ sẽ ngưng viện trợ cho Việt Nam trong thời gian tới đây mà chuyển sang các nước châu Phi là các nước có thu nhập thấp hơn và có nhiều khó khăn hơn."
Trong khi đó tại hội nghị giữa kỳ năm nay, chính phủ Việt Nam vẫn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được các cam kết tài trợ lớn của nước ngòai để tiếp tục duy trì phát triển.
Còn bà Kwakwa của ngân hàng thế giới cho biết, kể cả khi con số này có đi xuống thì cũng không có nghĩa là các nhà tài trợ ít chú ý hơn đến Việt Nam mà có thể hiểu là các nhà tài trợ đã tin tưởng hơn và thấy rằng Việt Nam không cần đến các nhà tài trợ nhiều như trong quá khứ nữa.
Theo tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh thì việc ODA bị cắt giảm đã được chính phủ Việt Nam chuẩn bị từ trước. Vấn đề nằm ở chỗ chính phủ cần phải cải cách hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính làm sao để có thể huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân một cách tối đa, chứ không thể dựa dẫm vào nước ngoài, và đó là điều tất yếu mà bất cứ một nền kinh tế tự chủ nào cũng phải hướng tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét