19.2.11

Dân Chủ – Đó là quyền của tất cả các quốc gia

Dân Chủ – Đó là quyền của tất cả các quốc gia

Có phải Dân Chủ là cho mọi người? Đối với người Mỹ thì câu trả lời rất là hiển nhiên. Nền Dân Chủ của Hoa Kỳ dựa trên những tiền đề rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, (và) được đấng tạo dựng nên họ ban cho những quyền bất khả chuyển nhượng,” và rằng “Chính quyền có được quyền lực chính đáng là nhờ vào sự ưng thuận của những người dưới quyền cai trị.” Những điều này, nêu ra trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, là những “chân lý” đã được xem là “hiển nhiên.” Đương nhiên, từ trước đến nay chưa bao giờ có những điều như vậy. Không một chính quyền nào trước đây đã đặt nền tảng trên những điều này. Những điều này, tuy thế, là những điều tuyên xưng niềm tin hay những nguyên lý đầu tiên, và dù không thể chứng minh được, đã bày tỏ những quan điểm căn bản về công lý của các bậc lập quốc Hoa Kỳ. Dẫn giải từ lý thuyết này, tác giả Joshua Muravchik, một học giả của Học Viện Doanh Thương Hoa Kỳ, và là tác giả của cuốn sách: “Xuất Cảng Nền Dân Chủ: Hoàn Thành Vận Mệnh Hoa Kỳ,” đã nhìn vào khái niệm của “nền dân chủ phổ quát” và định nghĩa sự giới hạn và những thách thức của khái niệm này.

* * *
Không có điều gì trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập nói rằng các nguyên lý này chỉ áp dụng cho người Mỹ. Ngược lại, các tác giả đã nhắm mô tả những nguyên lý về một chính phủ công bình có thể áp dụng cho “mọi người.” Tính chất phổ quát này đã được xác nhận bởi sự thành công với việc chính thể Hoa Kỳ thu hút hằng triệu những người di dân thuộc mọi giống dân khác biệt hoàn toàn với những người lập quốc, và những người nô lệ đã được thả tự do. Trong khi quốc gia tăng trưởng với nhiều ngôn ngữ khác nhau, nền dân chủ của Mỹ đã không yếu đi, mà đều đặn tăng trưởng một cách vững chắc hơn. Những người Mỹ đã tin tưởng vào nền dân chủ của mình và vào các lý do mà các bậc tiền bối lập quốc đã nêu lên, cũng cần phải tin tưởng chắc chắn rằng người dân ở các quốc gia khác cũng được trời ban cho những quyền tương tự, và chính quyền khắp mọi nơi phải được thiết lập trên sự ưng thuận của người dân.
Những thách thức của Thuyết Dân Chủ Phổ Quát
Nhưng với nét đặc trưng rất Hoa Kỳ này, lòng tin chắc vào ý tưởng dân chủ phổ quát đã không được xem như là điều “hiển nhiên” đối với mọi người. Thí dụ, các đại biểu của các Chính Quyền Á Châu tụ họp ở Vọng Các năm 1993 trong buổi họp vùng để chuẩn bị cho hội nghị thế giới của Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền đã tuyên bố rằng: “Tất cả mọi quốc gia… có quyền định đoạt hệ thống chính trị cho họ,” với ngụ ý bao gồm cả những hệ thống vô dân chủ. Và họ nhấn mạnh rằng Nhân Quyền, “phải được xem xét trong bối cảnh của… quốc gia và những điều cá biệt của vùng và các quá trình khác nhau về lịch sử, văn hóa, và tôn giáo của mỗi nước.” Mặc dù câu nói trên đã được bày tỏ một cách khoa trương, như thường dùng trong các lời tuyên bố ngoại giao, điểm được nêu lên thật là rõ ràng: Dân Chủ có thể không tốt cho tất cả mọi người. Lời tuyên ngôn ở Vọng Các đã ngấm ngầm ủng hộ ý kiến của đường lối chính trị “theo kiểu Á Đông” đặt để tập thể trước cá nhân, và theo đuổi chính sách phát triển kinh tế bằng các phương tiện của nền thống trị độc quyền. Các ý tưởng tương tự, đã được đề ra cho những người ở các vùng khác, thí dụ như, những người vùng Trung Đông ưa thích các hệ thống chính trị dựa trên các lời giáo huấn của đạo Hồi Giáo, hay những người Châu Mỹ La Tinh thì lại thấy hệ thống chính trị theo kiểu hợp tác bình dân thích hợp hơn là một nền dân chủ cách “máy móc”.
Một đường hướng tranh luận thứ hai thách thức thuyết dân chủ phổ quát từ một phương hướng khác. Nhiều nhà học giả Hoa Kỳ đã đặt câu hỏi là không biết những người thuộc các nước nghèo hay các nước không thuộc Tây phương có khả năng tự cai trị chính họ hay không? Nhà bình luận chính trị Irving Kristol đã viết: “Tôi không phải một trong những người đã vui sướng lên với sự thành công của nền dân chủ ở Á Căn Đình [Argentina] hay ở Phi Luật Tân [Philippines] hay ở… Đại Hàn… Tôi cá rằng dân chủ sẽ không sống sót nổi ở những quốc gia đó,” bởi vì các quốc gia đó thiếu “những điều kiện tiên quyết của nền dân chủ… những điều chắc chắn… như các quan điểm về truyền thống và văn hóa.” Tâm điểm của quan điểm này, không phải ở chỗ có một thể chế khác tốt đẹp hơn dân chủ, mà là nền dân chủ ở các quốc gia đó thực sự bất khả thi. Như nhà học giả về chính trị James Q. Wilson đã viết: “Dân chủ và sự tự do của con người thì tốt cho mọi người… Nhưng những cái tốt họ mang lại chỉ có thể ghi nhận khi người ta điềm tĩnh và dung thứ được những khác biệt.” Ông ta nêu lên, đây không phải là trường hợp ở Trung Hoa, Nga Sô, hầu hết Phi Châu và ở Trung Đông, hay hầu hết Châu Mỹ La Tinh. Ông Wilson và Kristol, là những người bảo thủ, nhưng nhiều học giả cấp tiến khác đã dựa theo cái nhìn của họ. Thí dụ, khoa học gia về chính trị Robert Dahl viết:”Đó là một thực tế bi thảm, dù có thể nhiều người không đồng ý, là hầu hết tại các nước khác trên thế giới đều thiếu những điều kiện cần thiết cho sự duy trì và phát triển dân chủ, và nếu mà có thì cũng yếu ớt.”
Chúng ta hãy cùng cân nhắc lại từng điểm một trong hai điều phản đối thuyết dân chủ phổ quát này. Trước lời tuyên bố rằng mỗi quốc gia có quyền chọn hệ thống chính trị cho mình, ta phải hỏi ai đã phát biểu cho quốc gia của mình? Nhà kinh tế người Ấn Độ, Amartya Sen, người đã đoạt giải Nobel năm 1998, cho rằng: “những lý lẽ bào chữa cho những xếp đặt các nền chính trị chuyên chính ở Á Châu… thường được đưa ra không phải từ những sử gia độc lập mà chính là từ những giới cầm quyền.” Bởi vì những biện luận như vậy rõ ràng là chỉ nhằm phục vụ riêng tư, nên những điều đó thường được nêu lên với danh nghĩa của người dân. Những giới này nói với chúng ta, là “nhân dân Trung Hoa” hay “nhân dân Tân Gia Ba [Singapore]” hay bất cứ ở nơi nào, người dân không muốn dân chủ. Bỏ qua một bên điểm khôi hài này, (tại sao, tách các điều này khỏi những tiền đề dân chủ, sự việc đã có bao giờ ăn nhằm đến những gì người dân muốn?) Ở đây câu hỏi được nêu lên, là làm thế nào chúng ta biết những gì người dân muốn trừ phi chúng ta hỏi họ?
Những kẻ cai trị thường nói họ biết đối tượng của họ muốn gì, nhưng tại sao phải chấp nhận những lời tuyên bố của họ? Vào năm 1950, ở miền nam nước Mỹ, phát ngôn viên cho người da trắng thường khẳng định rằng “những người da màu” hài lòng chấp nhận việc phân biệt chủng tộc. Nhưng mà khi quyền bầu cử đã được bảo đảm cho người da đen, thì lập luận này của những người phân biệt chủng tộc đã hoàn toàn bị phản bác.
Trên khắp thế giới, đã có nhiều trường hợp trong đó người sống dưới chế độ độc tài rốt cuộc cũng đã được cơ hội bày tỏ ước muốn của họ, và kết quả thì luôn đi ngược lại với những gì những kẻ độc tài tuyên xưng. Thông thường, điều này đã xảy ra khi chính thể đương nhiệm tự đưa mình rơi vào vòng áp lực và bởi vậy đã dàn xếp một cuộc bầu cử dưới những nhiệm kỳ có lợi cho họ trong niềm hy vọng còn bám víu vào quyền lực. Vào năm 1977, khi các cuộc biểu tình dâng cao để chống lại hệ thống quân luật mà Indira Gandhi đã áp đặt trên Ấn Độ, bà đã đồng ý tiến hành một cuộc bầu cử vì bà tin tưởng rằng cuộc bầu cử sẽ mang lại cho bà lá phiếu tín nhiệm. Bà lý luận rằng trong một quốc gia đã kiệt quệ như Ấn Độ, những tiền đề kinh tế mà bà đưa ra sẽ được chấp nhận nhiều hơn là những quyền lợi về chính trị. Ngược lại, cuộc bầu cử đã truất phế bà ra khỏi địa vị, và phe đối lập là phe được lãnh đạo bởi đảng của “tiện dân”, những người nghèo nhất của những người nghèo (thuộc đẳng cấp xã hội thấp nhất Ấn Độ) [đã lên cầm quyền]. Vào năm 1987, ông Ferdinand Marcos kêu gọi một “buổi bầu cử tức thời” ở Phi Luật Tân, để phe đối lập không có đủ thời giờ tổ chức, nhưng ông ta cũng vậy, đã bị đánh bại. Vào năm sau đó ở Chí Lợi [Chile], Tổng thống Augusto Pinochet, không dám liều lĩnh một cuộc tranh cử, đã đồng ý một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định cho ông được tiếp tục cai trị. Sáng kiến này là để cho cử tri chọn lựa giữa tình trạng hiện thời hay một tương lai xa lạ mà chỉ dẫn đến bất ổn. Mặc dù vậy, đa số đã bầu “không chấp nhận” sự tiếp tục cai trị của ông Pinochet. Vào năm 1989, chính quyền Ba Lan và phe đối lập đã đồng ý để có một cuộc bầu cử bán phần. Nhiều ghế trong ngành lập pháp đã được đề ra để dân chúng lựa chọn, nhưng trong danh sách của những đảng viên cộng sản cao cấp không có một người đối lập nào để bảo đảm là họ sẽ thắng cử. Tuy vậy, người dân đã làm hỏng ý đồ đó. Mặc dầu không có những ứng cử viên khác để chọn, phần đông cử tri đã xóa trên lá phiếu tên của những người tai to mặt lớn đang cai trị. Những người này là những ứng cử viên chưa từng có trong lịch sử, tranh cử không có đối lập mà vẫn thua. Vào năm 1990, trong lúc các chế độ độc tài ngã nhào chung quanh thế giới, những nhà cai trị quân sự ở Miến Điện đã bị đương đầu với những cuộc biểu tình vĩ đại trên đường phố. Quân lính đã giết rất nhiều người biểu tình, nhưng rốt cuộc những nhà cai trị đã phải đồng ý để đưa ra một cuộc bầu cử đầu tiên trên toàn quốc trong vòng 30 năm qua. Đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ (National League for Democracy) đã thắng hơn 80 phần trăm lá phiếu, nhưng bi thảm thay chính quyền quân phiệt đã từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử.
Ước muốn có nền dân chủ
Còn rất nhiều những thí dụ điển hình như vậy có thể nêu lên. Ngược lại, đâu là những thí dụ điển hình về những người độc tài đã thắng cử trong một cuộc bầu cử tự do vì nhân dân chấp thuận sự cai trị của họ? Đã có khi nào người dân lại bỏ phiếu từ bỏ những quyền dân chủ của họ? Thật ra cũng có những trường hợp các nhà lãnh đạo được bầu trong cuộc bầu cử tự do, đã từ chối không nhượng bỏ quyền lực, và do đó đã biến họ trở thành những kẻ độc tài, nhưng chưa có trường hợp nào mà những kẻ độc tài đó dám nêu lên ý định độc tài của họ khi tranh cử. Cũng có những trường hợp những cựu đảng viên Cộng Sản được bầu trở lại quyền hành ở nhiều quốc gia thuộc khối Xô Viết cũ. Nhưng không có một ứng cử viên nào đã đề nghị phục hồi lại sự cai trị độc đảng. Thay vào đó, họ đã vận động tranh cử trên những vấn đề xã hội và kinh tế, đồng thời xác nhận sẽ tuân theo những thủ tục dân chủ.
Hai trường hợp gần đây nhất là người dân Indonesia và Iran sống dưới sự cai trị chuyên chính đã chứng tỏ ước muốn chế độ dân chủ cho họ. Các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh đã đưa đến sự sụp đổ chế độ của Tướng Suharto vào năm 1998; những cuộc bầu cử tiếp sau đó đã khiến cho đảng phái cai trị Golkar phải thất bại nặng nề. Iran vẫn chưa đưa ra được những cuộc bầu cử hoàn toàn tự do. Chỉ có những ứng cử viên nào tuyên hứa ủng hộ một hệ thống Hồi Giáo và đã được chấp nhận bởi thẩm quyền của hàng giáo phẩm mới được cho phép ra ứng cử. Nhưng ít ra, những cuộc bầu cử nghị viện trong năm nay đã chứng tỏ rõ ràng ước muốn của đại chúng cho một chế độ dân chủ càng bành trướng hơn. Những biến cố này cho thấy “ông trời có mắt,” vì Iran và Indonesia là hai quốc gia đã lên tiếng trình bày lý lẽ tích cực nhất ở hội nghị Vọng Các cho rằng người dân Á Đông không hoan nghênh những tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và dân chủ.
Một dạng thái khác của điểm tranh luận này cho rằng một vài quốc gia không muốn có dân chủ được minh họa bằng lời của nhà học giả Hoa Kỳ Howard Wiarda, một nhà chuyên môn về Châu Mỹ La Tinh. “Tôi nghi ngờ rằng Châu Mỹ La Tinh muốn… dân chủ theo lối Hoa Kỳ (U.S-style).” Điều này thoạt nghe như là đặt câu hỏi có phải chăng dân chủ là một giá trị thích hợp phổ quát cho mọi nơi, nhưng hơn thế, có phải chăng tất cả mọi quốc gia phải có một hệ thống chính trị được đúc từ một cái khuôn giống nhau, được đặt tên là cái khuôn của người Mỹ. Đây là một vấn đề sai nhầm. Tại sao bất cứ quốc gia nào khác lại muốn dân chủ theo lối Hoa Kỳ? Hệ Thống Mỹ, với những nét đặc thù như chính sách Cân Bằng và Kiểm Soát, quyền lực mạnh mẽ được phân chia cách kỳ quặc ở Thượng Viện, sự phân chia quyền lực giữa tiểu bang và chính quyền liên bang, cái ưu thế của hai đảng chính, vân vân… được khởi sanh từ những kinh nghiệm riêng của nước Mỹ. Các chế độ dân chủ khác gồm có các hệ thống nghị viện, những chính quyền thống nhất, có các cuộc bầu cử đa đảng, có chế độ đại biểu theo tỷ lệ cân xứng, có các hệ thống lập pháp đơn viện, và vô số các dạng khác. Khi những người chiếm cứ Phe Đồng Minh thiết lập Dân Chủ ở Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến, họ đã thử dùng hệ thống liên bang trong một thời gian ngắn, nhưng cái đó quá xa lạ đối với truyền thống của Người Nhật, cho nên hệ thống đó đã không tồn tại. Mỗi một nền dân chủ có tính cách riêng biệt của nó, và có thể có nhiều dạng tổ chức khác nhau.
Tuy nhiên, không thể nói rằng những gì được gọi là dân chủ thì xứng với tên của nó. Trải qua nhiều năm, nhiều phong trào và chính thể cách mạng, hay nhiều người Cộng Sản, đã tự cho họ là “dân chủ” bởi vì họ tự nhận là đã tận tâm lo cho sự phúc lợi của người dân, mặc dầu họ đã không được tuyển chọn trong một cuộc bầu cử. Nhưng trong những năm cuối cùng của Liên Bang Sô Viết, Tổng Thống Mikhail Gorbachev đã xác nhận là từ ngữ dân chủ đã không được dùng một cách đúng đắn. Ông nói: “chúng ta biết ngày nay, là chúng ta có thể tránh khỏi rất nhiều… khó khăn nếu tiến trình dân chủ đã được phát triển một cách bình thường ở quốc gia chúng ta.” Điều này có nghĩa như ông ta đã nói, “dân chủ theo lối đại biểu và nghị viện.”
Xác định dân chủ là gì?
Bởi vì từ ngữ đã được dùng một cách sai lạc, cho nên rất là quan trọng để nhận ra một số đặc điểm căn bản dùng phán đoán một quốc gia có dân chủ hay là không. Các đặc điểm này được tóm tại trong ba điều. Thứ nhất, các viên chức chính quyền chính yếu phải được tuyển chọn trong những cuộc bầu cử công bằng và tự do. Điều này có nghĩa là bất cứ ai cũng có quyền ra tranh cử và tất cả mọi người đều có quyền bầu cử. Đương nhiên, cũng có một vài sai biệt nhỏ không quan trọng lắm [nhưng cũng khiến cho dân chủ không được hoàn thành], như Nam Phi dưới chính sách tách biệt chủng tộc (apartheid) đã đưa ra những cuộc tranh cử, mà người da đen lại không được bầu. Đó không phải là dân chủ. Hay Iran đã có bầu tổng thống và ngành lập pháp, nhưng nhiều ứng cử viên đã bị chặn ngăn không cho ứng cử bởi quyền lực của giáo hội, và những viên chức dân cử lại phải phục tùng các hội đồng tôn giáo không do dân bầu ra. Đó không phải là dân chủ.
Thứ hai, tự do diễn đạt phải được cho phép, đó là, tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và các tự do giống như vậy. Dĩ nhiên, cũng có một vài khuyết điểm nhỏ nhưng có thể có chút quan trọng, như trường hợp tại Tây Bá Lợi Á [Serbia], các phương tiện truyền thông đại chúng hầu hết nằm trong sự độc quyền của chế độ, và một số nhỏ các cơ sở truyền hình và báo chí độc lập thì lại bị quấy nhiễu về cả thể chất và pháp lý, thì đó không phải là dân chủ mặc dầu nhà nước đã đưa những cuộc tranh cử có tính cách thi đua hẳn hoi
Thứ ba, pháp trị phải chiếm được ưu thế. Khi một người đã bị kết tội với một tội trạng, người đó phải có được lý do để tin tưởng là trường hợp của mình sẽ được xét xử theo tội trạng, chứ không theo mệnh lệnh của các thẩm quyền chính trị đưa xuống cho các vị thẩm phán. Cũng giống như vậy, khi một người công dân phải chịu đựng sự ngược đãi sai phạm dưới bàn tay của một viên chức, thì phải có một số cách thức pháp định qua đó người công dân có thể đòi được bồi thường. Như vậy, thì Mã Lai không có thể chấp nhận là có dân chủ, mặc dù quốc gia này mới tổ chức bầu cử, bởi vì người lãnh đạo bên phe đối lập đã bị giam giữ trong nhà tù với những sự kết tội do tổng thống chủ mưu.
Chúng ta hãy cùng nhau trở lại với thách thức thứ hai đối với thuyết dân chủ phổ quát, đó là điều tranh luận của các nhà tư tưởng như Kristol, Wilson và Dahl cho rằng dân chủ, mặc dầu rất thích hợp, nhưng vượt quá khả năng của những người không phải là Tây phương và nghèo kém.
Lý luận này chẳng phải là điều mới mẻ gì. Một vài thập niên vừa qua, cũng đã có một số hoài nghi tương tự về khả năng dân chủ của các xã hội mà nay đã được coi là có nền dân chủ vững chắc, như Nhật Bản chẳng hạn. Khi Đệ Nhị Thế Chiến sắp kết thúc, Tổng Thống Harry Truman ra lệnh cho các chuyên viên hàng đầu về Nhật Bản làm việc ở Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thực hiện một báo cáo về chính sách của Mỹ đối với Nhật Bản khi quốc gia ấy đã bị đánh bại. Chuyên viên Joseph Grew đã thưa với ông rằng: “từ cái nhìn chiến lược dài hạn, điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng là thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến, vì kinh nghiệm đã cho thấy nền dân chủ ở Nhật Bản sẽ không bao giờ thực hiện được.” Tương tự như vậy, vào năm 1952 khi sự chiếm đóng Tây phương ở Đông Đức kết thúc, khoa học gia về chính trị nổi tiếng Hans Eulau đi kinh lý nước Đức và viết một cách rất thất vọng rằng “Nền Cộng Hòa Bonn xem ra giống như là màn trình diễn thứ hai của Weimar[*]… với điềm báo trước hồ như là sẽ có số phận giống như cũ.” Vấn đề, Eulau giải thích, là “nền chính trị Đức Quốc đã đặt căn bản không phải trên kinh nghiệm dân chủ mà đã trên sự kêu gọi tình cảm.”
Khi Ý Đại Lợi chuyển qua chủ nghĩa phát xít vào những năm 1920, sử gia Arnold Toynbee viết rằng: “Sự kiện nước Ý bác bỏ dân chủ đã đặt ra một câu hỏi chưa có câu trả lời dứt khoát là phải chăng cây chính trị không thể đâm rễ vững chắc ở bất cứ nơi đâu ngoại trừ ngay trên phần đất quê hương của nó,” nghĩa là Anh Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng dù có ở Hoa Kỳ, nghi ngờ thường được nêu lên về khả năng chính trị của một số công dân. Như thượng nghị sĩ Strom Thurmond giải thích ở Viện Đại Học Luật Harvard vào năm 1957: “Nhiều người da đen, đơn giản mà nói, là không đủ hiểu biết về chính trị để… tham gia vào các sứ vụ công dân và chính trị… một số lớn khác có lẽ cũng thiếu một số phẩm chất khác cần có trước để có thể bầu một lá phiếu thật sự khôn ngoan.”
Điều tranh luận nói rằng dân chủ đòi hỏi truyền thống dân chủ là một lập luận vòng tròn. Làm thế nào mà có được một truyền thống dân chủ ngoài việc thực tập dân chủ? Câu trả lời, những kẻ hoài nghi hay nói, là dân chủ bên Tây phương nảy sinh ra từ một số ý kiến từ truyền thống Tây phương mà có thể truy tìm ngược lại từ thời cổ điển xa xưa. Nhưng Amartya Sen có lời đáp lại rất đáng để ý. Ông vạch ra rằng truyền thống Tây phương gồm có những yếu tố thay đổi khác nhau. Nguồn gốc của dân chủ có thể truy tìm từ thời cổ Hy Lạp, nhưng những nhà triết gia Hy Lạp lại tán thành sự nô lệ. Dân chủ hiện đại được phác họa dựa trên một số yếu tố lấy từ truyền thống Tây phương trong khi đó cũng loại bỏ những điều khác. Vả lại, ông Sen dẫn chứng những yếu tố tự do có thể tìm thấy trong Phật giáo, Khổng giáo, Bà La Môn giáo, Hồi giáo, và các tư tưởng cổ xưa của Ấn Độ, và ông ta hỏi tại sao những điều này lại không có thể rút ra như một căn bản văn hóa để áp dụng cho dân chủ ở thế giới không phải là Tây phương.
Mặc dầu chúng ta ý thức rằng văn hóa là một điều quan trọng định đoạt chính trị, sự liên hệ giữa hai điều ấy rất là khó để ghi ra cho rõ. Học giả về chính trị Samuel Hungtington đã nhắc nhở chúng ta là một vài thập niên trước đây tất cả mọi xã hội với phần đông dân chúng theo Khổng giáo là xã hội nghèo đói, và các nhà học giả về Xã Hội tranh luận rằng có một số điều gì đó trong thái độ hành động được thúc đẩy thêm từ những niềm tin của Khổng giáo đã giữ (những xã hội ấy) ở trong cảnh nghèo đói. Thế nhưng, kể từ đó, các xã hội Khổng giáo đã kinh nghiệm sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn là các xã hội Hồi giáo hay Kitô giáo có thể làm được từ trước đến nay. Bây giờ, các nhà học giả về Xã Hội đang cố gắng để hiểu điều gì ở niềm tin Khổng Giáo đã thúc đẩy giàu mạnh.
Dân Chủ Phổ Quát có phải là điều thích hợp không?
Lời phản bác thích đáng nhất đối với những người nghi ngờ khả năng tiếp thu dân chủ của những người nghèo và không phải là người gốc Tây phương là kinh nghiệm của những thập niên gần đây. Chiếu theo bản tường thuật có căn cứ và đích xác nhất, là bản “khảo sát tự do” hàng năm do tổ chức tư nhân, “Nhà Tự Do” (Freedom House) thực hiện, là năm ngoái, 120 quốc gia trong số 190 quốc gia trên thế giới đã có chính quyền được bầu qua thể thức dân chủ. Tổng số này tính ra có 62.5 phần trăm các quốc gia và bao gồm 58.2 phần trăm dân số thế giới. Tới nay đã có 20 chế độ dân chủ bầu cử ở Phi Châu, 14 ở Á Châu, không đếm các quốc gia hải đảo vùng Thái Bình Dương Á Châu, trong số các quốc gia này có 11 quốc gia có chế độ dân chủ. Không cần phải nói thêm, các nền dân chủ không phải Tây phương này gồm có một số đông các quốc gia nghèo. Đương nhiên, rất là đúng sự nghèo đói, nạn mù chữ thất học, và các va chạm trong xã hội làm cho việc thực thi dân chủ khó hơn. Chắc có thể xảy ra là những chế độ dân chủ còn non nớt mà Nhà Tự Do đã đếm năm nay sẽ trở lại chế độ độc tài, như là hầu hết các quốc gia Tây Âu đã đạt được dân chủ qua những giai đoạn của tiến triển và thoái lui chứ không phải là tất cả (tiến đến dân chủ) cùng một lúc. Nhưng kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng những trở ngại văn hóa và xã hội không phải là không thể vượt qua được. Hãy cùng xét chế độ dân chủ đầu tiên được thành lập năm 1776, chế độ ấy rất là bất toàn, và bây giờ, 224 năm sau, đã có 120 chế độ dân chủ, điều nổi bật là dân chủ đã bành trướng rộng lớn đến thế nào chứ không phải là dân chủ đã bị giới hạn như thế nào.
Nếu tất cả những điều này đã chứng tỏ là dân chủ phổ quát là điều quả thực có thể thực hiện được, liệu nó có phải là điều người dân mong muốn không? Tôi tin tưởng là có. Đầu tiên, nó sẽ tạo ra một thế giới hòa bình hơn. Các chế độ dân chủ không đánh lẫn nhau. Có rất nhiều nghiên cứu đã được chú tâm vào điểm quan sát này từ lúc nó được nêu ra trong 10 hay 15 năm qua, và cho tới ngày nay nó vẫn đứng vững, như lời nói của một học giả, “như là một định luật thực nghiệm trong quan hệ quốc tế.” Có cuộc bàn cãi về điều các chế độ dân chủ thì hòa bình hơn, có phải chăng đó là tự chính bản tính, hay chỉ là hòa bình hơn đối với các nền dân chủ khác. Nhưng một trong hai đường hướng, thì chiến tranh sẽ xảy ra ít thường xuyên hơn, nếu càng đông (quốc gia) trên thế giới trở thành dân chủ.
Cộng thêm điều “hòa bình dân chủ” này, ông Sen đã đẩy mạnh một đề nghị khác về các chế độ dân chủ mà chưa có ai đã đưa ra một trường hợp bác bỏ. Ông ta nói là chưa có một chế độ dân chủ nào đã kinh nghiệm nạn chết đói hay một tai họa tương tự. Ông nói lý do là nạn chết đói có thể ngăn ngừa được. Trong các hệ thống chính trị có xếp đặt cơ cấu “thông báo phản hồi” (feedback), cơ cấu thường có trong chế độ dân chủ, các chính phủ đã được báo động khi các trạng huống tạo nên nạn chết đói đang thành hình và họ đã hành động để làm giảm bớt đi trước khi những điều đó đạt đến mức tỷ lệ thảm khốc.
Những điều này là những lý lẽ then chốt ủng hộ cho dân chủ. Nhưng, đối với tôi, có lẽ bởi vì tôi là một người Mỹ, lý do mạnh mẽ nhất thì không khách quan lắm. Tôi tin tưởng là mỗi một người trưởng thành phải được có tiếng nói trong chính phủ của mình, nếu người ấy muốn vậy. Đây là một phần trong việc hình thành nhận thức của tôi về nhân phẩm, dù cho các chính quyền dân chủ có đưa ra những quyết định khôn ngoan hay là không. Nhiều cá nhân không luôn luôn quyết định một cách khôn ngoan trong cuộc sống cá nhân của họ, thí dụ như trong việc chọn người phối ngẫu hay nghề nghiệp. Nhưng tôi tin tưởng cái đó tốt cho người ta để họ được tự do lựa chọn và phạm sai lầm cho chính họ, còn hơn là để cho người khác cai quản cuộc đời của họ. Giống như vậy, theo cái nhìn của tôi, có thể áp dụng vào phạm vi công cộng. Tôi không chứng minh được là tôi đúng. Đây không phải là một đề nghị có thể chứng minh được, nhưng nó là vấn đề của những giá trị cốt lõi. Dầu vậy, xét về sự lan rộng của dân chủ chung quanh thế giới, những gía trị này đã được chia sẻ bởi rất nhiều người có những kinh nghiệm rất là khác với những gì của cá nhân tôi.
Joshua Muravchik

Không có nhận xét nào: