19.2.11

Thảm hại lễ hội và giấc mộng Tâm hương


Thảm hại lễ hội và giấc mộng Tâm hương

Quảng Hạnh - Hôm nay đọc báo, thấy biển người hừng hực men say tín ngưỡng, giẫm đạp lên nhau để lấy ấn đền Trần, chợt thấy xót xa.
Văn hóa hay cuồng tín?
Để sở hữu những lá ấn chưa biết có mang lại quan lộc, người ta kéo giập barie sắt, giẫm đổ hàng rào dây thép, húc sập vách ngăn bảo vệ. Hăng lên, có người trèo lên ngọn cây, mái nhà rồi phi xuống vai, xuống đầu biển người phía dưới.

Kiệu rước ấn Thánh cũng không được đối xử nền nã hơn. Khi đoàn rước còn đang long trọng tiến hành nghi lễ, kiệu đã loạng choạng bởi sóng người ào tới, xé rách cả hàng rào bảo vệ dày đặc. Ai cũng gắng ném tiền lẻ cho trúng vào trong kiệu; thế mới đắc lộc quanh năm!
Lộc có thể đâm chồi ngay trong đêm khai ấn nếu biết cách phi thân trong không trung, hoặc… bước trên vai người khác. Mua ấn 20 ngàn đồng/lá, ra ngoài bán lại 200 ngàn, cả đêm chỉ vài chuyến cũng đút túi bạc triệu.
Bạc triệu thấm vào đâu so với túi tiền của kẻ hành hương đang sục sôi tham vọng thăng tiến và lợi lộc! Hãy ngắm lò lửa hóa vàng ngùn ngụt ở đền Bà Chúa Kho, những mâm lễ bạc triệu ngồn ngộn vàng, bạc, đô la âm phủ người ta nườm nượp dâng bà. Hãy nghe những lời cầu khẩn quyết liệt của các “tín đồ đô la”, “con chiên của tước vị” nơi cửa thánh, để thấy nỗi khát khao tiền tài, danh vọng cháy bỏng của họ.
Hỡi ôi, đâu rồi sự chính tâm?
Đền Trần mở hội đầu năm để các thế hệ người Việt tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, tôn vinh hào khí Đông A và tinh thần yêu nước, sao lại thành dịp để người ta chi bạc lẻ mua ấn triện, cầu tước danh?
Đền Trần Thương, đền Bà Chúa Kho – nơi giáo dục tinh thần tận tụy và liêm chính, trách nhiệm với kho dự trữ của nhà nước, sao lại thành chốn mặc cả vay mượn, mua bán cầu lợi lộc của phàm trần?
Năm 2009, người ta dâng các Vua Hùng bánh chưng bánh dầy “to khủng”, với mong ước đẹp lòng tổ tiên, nhân thể giật cái kỷ lục guiness. Tiếc là nhân bánh độn xốp, vỏ bánh thiu vữa, mốc xanh.
Nói chuyện bánh to, rượu khủng, tung tiền mua ấn, sắm lễ bạc triệu trong các lễ hội đầu năm, lại nhớ những vật phẩm thanh khiết mà người Việt từng dâng cúng Phật, Thánh, tổ tiên và các vị anh hùng dân tộc, với đầy đặn một lòng thành kính, biết ơn.
Hội Làng Giang Xá (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, dân làng thường tiến cúng bánh bác dâng vua Lý Nam Đế – vị khai sinh ra nước Vạn Xuân, người Việt đầu tiên xưng đế.
Bánh bác chỉ xuất hiện duy nhất dịp ấy trong năm. Làng Giang Xá dựng rạp ngay trong sân đình để làm bánh suốt 3 ngày đêm; không ai được lai vãng, trừ đội nấu cỗ – khoảng chục nam giới trên 50 tuổi tuyển chọn từ các phe giáp trong làng, phải là những người sạch nhất, khéo nhất, bàn tay chịu được lửa lâu nhất.
Sau hàng chục công đoạn chế biến cầu kỳ tỉ mỉ, bánh bác được cung kính xếp vào các đĩa cổ lĩnh từ đình làng. Trước khi đặt lên ban thờ, bánh được đội tế kiểm tra độ sạch sẽ, thơm, dẻo, dai, bùi, ngọt mát, đo độ đều của bánh bằng thước sơn son thếp vàng. Xem xét cả lòng thành kính của người làm bánh, dâng bánh rồi mới quyết định vật phẩm có được phép tiến vua hay không. Để ngày chính hội, lễ vật này trang trọng trên bệ thờ như những mắt rồng uy nghi với màu đỏ chói của gấc, trắng tinh khiết của gạo nếp và vàng rực của đỗ xanh.
Trưởng ban Lễ hội di tích Giang Xá, ông Đỗ Thúy Dậu (78 tuổi) nói, từ bé ông và người làng Giang Xá đã được chỉ dạy rằng người cúng tiến bánh bác phải dâng trọn tâm thành. Nay, 600 hộ dân Giang Xá vẫn dâng vua bánh bác dịp hội làng 12 tháng Giêng hàng năm, để trước tỏ lòng biết ơn người có công với nước, sau gửi đến ngài ước vọng mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ.
Đấy là ở làng Giang Xá. Khi mà xuân chưa cạn ngày, ở những chốn được rỉ tai là “đại linh” người ta vẫn nườm nượp châm những bó hương cỡ đại, đút lót thánh thần những mâm đại lễ và lớn giọng mặc cả lấy tước lộc giàu sang.
Chẳng cần biết người nhà Phật dạy: “Tâm hương mới là nén hương quý nhất!”.
Hàng ngàn người chen lấn xô đẩy hòng vượt rào xông vào xin ấn đền Trần (TP Nam Định) tối 16-2  – Ảnh: tuoitre.vn
3h đêm 16/2, tại điện Thiên Trường, các cụ cao niên trong làng làm lễ tế.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới dự buổi khai ấn và thắp hương trước đền thờ vua Trần.
Hơn 23h đêm 16/2, trong khi lễ rước ấn vua Trần đang được thực hiện trong đền thì ở bên ngoài, hàng nghìn người dân đã đứng trước hàng rào với mong muốn sớm được vào xin ấn.
Dù lực lượng cảnh sát đã cố gắng giữ trật tự nhưng nhiều người vẫn cố tình vượt qua hàng rào để vào bên trong.
Tình trạng chen lấn, xô đẩy đã khiến phụ nữ này ngất xỉu và phải nhờ sự chăm sóc của các nhân viên y tế.
Nhiều người phải nằm ở phòng cấp cứu dã chiến ngay trong khuôn viên đền.
Trước cảnh chen lấn đến nghẹt thở, cảnh sát đã phải đưa một số phụ nữ mệt lả ra khỏi đám đông.
Khu vực phát ấn bị cả nghìn người vây kín. Để có được vị trí đứng này, nhiều người đã phải đứng xếp hàng trước vài tiếng.
Ai cũng cầm sẵn tiền trên tay để chờ đến giờ phát ấn.
Để có được chiếc ấn, nhiều người phải toát mồ hôi giữa cái rét chỉ hơn 10 độ.
Hơn 2 tiếng sau giờ phát ấn, cả nghìn người vẫn vây quanh các lồng sắt (chứa các thùng ấn) để xin bằng được một vài mảnh vải vàng có đóng triện của vua. Năm nay Ban tổ chức bố trí 75 bàn phát ấn ở nhiều khu vực trong đền, thay vì 4 điểm như năm ngoái.
Dù Ban tổ chức cho biết, ấn được phát miễn phí, nhưng hầu hết người dân muốn xin một chiếc ấn đều “ra lộc” 20.000-50.000 đồng.
Cảnh dẫm đạp, chen lấn nhau để xin ấn đã khiến hàng trăm người bị tuột mất giầy, dép.

Không có nhận xét nào: