Lại là “Lỗi hệ thống”!
Xã hội Việt Nam bây giờ tràn ngập những chuyện bất công, trái tai gai mắt, dù có muốn lạc quan hơn để không bị mang tiếng là “có cái nhìn sai lệch, thiếu thiện chí do bị “các lực lượng thù địch” tuyên truyền, nhằm chống phá thành quả cách mạng của đảng và nhà nước” cũng không thể lạc quan nổi.
Chỉ cần mỗi ngày lướt qua các trang báo “lề phải” chứ chưa nói đến “lề trái”, cũng đã đủ chuyện phơi bày trước mắt.
Trong tuần qua chỉ xin nhắc lại ba trong số rất nhiều vụ việc khiến dư luận bất bình, phẫn nộ: Vụ cô Lượm “giả” trong chương trình “Người xây tổ ấm” của đài truyền hình Việt Nam (VTV), phiên tòa phúc thẩm vụ án hiệu trưởng mua dâm học trò và vụ trung tá công an đánh dân gãy cổ dẫn đến tử vong.
Tóm tắt các sự việc trên như sau:
Câu chuyện về cô Lượm, một nhân vật có số phận đáng thương “mồ côi, phải đi ăn xin, bán vé số, sống lang thang và bị công an bắt vì tội bán bồ đà, bị người yêu bỏ rơi khi đang mang thai, phải một mình nuôi con nhỏ…” phát trên chương trình “Người xây tổ ấm” bị phát hiện là chuyện bịa. Lượm thật ra là cô Trần Thị Thùy Dương, có cha mẹ, có chồng con, có nhà cửa.
Sau khi vụ việc bị vỡ lở, bản thân cô Trần Thùy Dương đã gửi thư “hàng ngàn lần xin lỗi” khán giả cả nước. Trong khi đó, nhà đài mà cụ thể là ban biên tập chương trình “Người xây tổ ấm” – những người được học hành tử tế hơn, bằng cấp cao hơn “cô Lượm”, là dân làm báo chuyên nghiệp và do đó, phải chịu trách nhiệm lớn hơn – đã không làm được như vậy mà đổ lỗi hết cả cho cô Thùy Dương. Ðiều này khiến dư luận càng thêm bức xúc và thất vọng.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên VTV tỏ ra coi thường khán giả. Một số vụ gần đây như MC Lại Văn Sâm dịch sai tiếng Anh lời phát biểu của diễn viên Hongkong Ngô Ngạn Tổ tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ nhất rồi sau đó im lìm không một lời xin lỗi. Hay trong vụ clip sex của nữ diễn viên HTL thì nhà đài lại tổ chức cả một buổi ghi hình chia tay nhân vật một cách “hoành tráng” và phản cảm, chẳng hạn. Trong thực tế, người dân nào từng tiếp xúc hoặc có việc phải liên hệ, “nhờ vả” đến các nhà đài đều biết, một bộ phận phóng viên, biên tập viên, đội ngũ làm tin, làm chương trình của các nhà đài ở Việt Nam thường có lối hành xử với người dân theo kiểu mình là đài truyền hình nhà nước, người dân phải cần đến mình để được đưa tin, lên sóng, trở nên nổi tiếng… Người của các nhà đài đến đưa tin, ghi hình là phải tiếp đón niềm nở, lo ăn uống chu đáo, chưa kể, nếu quay buổi lễ ra mắt của một công ty, giới thiệu về một doanh nghiệp, sản phẩm… thì thường phải có “phong bì”, chuyện này đã trở thành một thông lệ bất thành văn, nếu không, lần sau đừng hòng mà nhờ vả nhau!
Suy cho cùng, xã hội đã quá nhiều sự giả dối, thiếu trung thực: Bằng cấp giả, ngồi nhầm ghế, đạo văn, v.v. thì nhân vật giả cũng đâu có gì là quá bất ngờ.
Phiên tòa phúc thẩm vụ án “Hiệu trưởng mua dâm học trò” ầm ỹ suốt hai năm qua đã kết thúc. Hai em học sinh Thúy, Hằng trước đó bị kết tội “môi giới mại dâm” với bản án 5, 6 năm tù đã được trả tự do, đây là kết quả sức mạnh của dư luận trong suốt thời gian qua. Nhưng người dân thì không thể hoàn toàn vui mừng bởi công lý vẫn chưa được thực thi. Ngoại trừ ông hiệu trưởng bị 9 năm tù vì tội không chỉ mua dâm mà còn bắt học trò phải phục vụ tình dục cho một số quan chức ở tỉnh là những mối “quan hệ cần thiết” của mình, các nhân vật như chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô và hàng loạt các quan chức có tên trong “danh sách đen” mua dâm vẫn bình an vô sự. Người ta có cảm giác kết quả của phiên tòa chỉ là một sự thỏa hiệp, vừa xoa dịu dư luận vừa tránh mở rộng vụ án để khỏi phơi bày mặt trái của chế độ hơn nữa. Thậm chí có người còn cho rằng nếu phiên tòa được xử công khai minh bạch, và các em dẫu có bị tù về tội môi giới nhưng những kẻ mua dâm trẻ vị thành niên cũng bị xử án đúng người đúng tội thì mọi người còn đỡ ấm ức hơn.
Vụ án này, một lần nữa cho thấy công lý, công bằng là không thể có khi luật pháp nằm dưới sự kiểm soát, chỉ đạo lẫn thao túng của bộ máy chính quyền.
Lại thêm một người dân bị công an đánh chết! Ðó là ông Trịnh Xuân Tùng, chỉ vì gỡ mũ bảo hiểm ra để gọi điện thoại và đôi co với công an nên đã bị tay trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, phường Thịnh Liệt, Hà Nội, đánh đến gãy hai đốt sống cổ, sau khi đưa vào bệnh viện một tuần thì qua đời. Việc người dân bị công an sử dụng bạo lực dẫn đến tử vong chỉ vì những sai phạm nhỏ như không đội mũ bảo hiểm hay cự cãi với hàng xóm… đã không còn là chuyện mới mẻ gì. Vào google search chữ “công an đánh chết người” sẽ cho ra 16,100,000 kết quả trong vòng 0.11 giây!
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch năm 2010 đã từng lên tiếng báo động về tình trạng nhiều người dân bị tử vong sau khi bị công an Việt Nam bắt giữ. Trong thông cáo, tổ chức Human Rights Watch đưa ra 19 vụ bạo hành của công an, gây thiệt mạng 15 người. Con số này tất nhiên chỉ là những vụ mà tổ chức này nắm được thông tin, thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. (Chưa kể những vụ đánh nhưng… chưa chết!)
Qua những lời kể của con gái nạn nhân Trịnh Xuân Tùng với các báo, đài cho thấy mạng người chả là cái gì cả đối với những kẻ được gọi là “công an nhân dân”. Nạn nhân bị đánh đau, người nhà xin được cho ăn uống, được đưa đi bệnh viện… công an nhất định không cho, đến khi thấy nặng mới đưa đi nhưng vào đến bệnh viện vẫn còng tay dù nạn nhân đã bị liệt hết tay, chân!
Sau khi ông Tùng chết, người nhà phản ứng, dư luận xôn xao thì công an mới ra lệnh khởi tố tay trung tá đánh chết người. Thực chất chỉ là nhằm xoa dịu, sợ người dân “tức nước vỡ bờ” nhưng rồi nay mai ai dám đảm bảo tay trung tá này lại không nhận được một bản án nhẹ hều như bản án 7 năm dành cho tay trung úy đã đánh chết anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang cũng vì không đội mũ bảo hiểm?
Cả ba sự kiện tuy khác nhau nhưng cho chúng ta thấy điều gì về bức tranh xã hội Việt Nam?
Từ những sai phạm của giới truyền thông cho tới ngành luật pháp, công an đều là “lỗi hệ thống”- một cụm từ rất hay được sử dụng ở Việt Nam gần đây. Nói cách khác, sở dĩ những sự việc bất công, ngang trái như vậy đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra ở Việt Nam là do hệ quả từ một thể chế chính trị độc tài. Nếu trong một xã hội dân chủ tam quyền phân lập ở đó ngành tư pháp có những quyền hạn độc lập nhất định, các quan tòa cũng như luật sư có thể làm việc công tâm hơn; truyền thông cũng không phải chịu sức ép từ bộ máy đảng và nhà nước để có thể lên tiếng đến cùng trước những bất công, sai trái, còn công an cũng không dám ngang nhiên hành xử với dân như vậy. Bởi, truyền thông hay tư pháp, công an đều phải chịu “búa rìu” của dư luận, chính nhân dân mới là những người có quyền lực lớn nhất.
Ngược lại, trong một xã hội không có tự do dân chủ, người dân phải chịu đựng từ sự cẩu thả, tắc trách của giới truyền thông nhà nước cho đến những vụ án oan sai, những cái chết oan mà có lên tiếng hay kêu ca thì cũng chẳng được gì.
Gần đây, khi xảy ra một số sự việc, nhà nước Việt Nam cũng tìm cách xoa dịu dư luận nhưng bản chất của các vấn đề xã hội vẫn còn đó không thay đổi bởi muốn vậy, phải thay đổi toàn bộ cái thể chế chính trị này.
Một hậu quả khác, khi phải sống quá lâu trong một môi trường có quá nhiều cái xấu, sự bất công, thói lừa lọc… người ta không chỉ mất lòng tin vào bộ máy nhà nước, vào luật pháp, công an, truyền thông và vào con người nói chung mà dần dần trở nên quen và không còn biết là mình đang phải chịu đựng những gì. Sự việc nào cũng vậy, khi mới xảy ra thì dư luận ồn ào, phẫn nộ rồi lại lắng xuống, lại đâu vào đó. Ðiều đó cũng lý giải vì sao Việt Nam chưa thể có cách mạng hoa nhài: Mâu thuẫn đã gay gắt, mồi lửa đã có – như vụ dân chết oan hay vụ kỹ sư Phạm Thành Sơn tự thiêu, nhưng tiếc thay, người dân lại quá giỏi chịu đựng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét