19.3.11

Những bài học từ thảm họa


Những bài học từ thảm họa

Hiệu Minh – Những sự kiện gần đây, từ bùn đỏ Hungary đến Bauxit Tây Nguyên, dân chủ, đạo Hồi Trung Đông, và tuần trước là thảm họa động đất, sóng thần, điện hạt nhân bên Nhật Bản, đang gây chú ý của bạn đọc trong blog. Liệu có bài học nào được rút ra từ thảm họa.

 “Nguy” bùn đỏ thành “Cơ” cho Bauxite.
Thảm họa bùn đỏ của nước Hung xảy ra hồi tháng 10-2010. Hơn một triệu m3 bùn đỏ độc hại tràn khỏi bể chứa, ô nhiễm cả một vùng rộng đến 40 km2. Bụi đỏ phú kín những ngôi làng, những cánh đồng, những mảnh vườn của người dân Hung. Sông Danube (2.850 km), lớn thứ hai ở Châu Âu, chảy qua Hungary, Serbia, Bulgaria, Rumani và Ucraina… trước khi đổ ra Biển Ðen đã trở thành mầu đỏ.
Sự cố đó đã dấy lên lo ngại về khai thác bauxite trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình và nhiều nhân sỹ trí thức đã gửi thư tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước “khẩn thiết yêu cầu” xem xét lại việc khai thác bô-xít Tây Nguyên sau sự cố bên Hungary.
Tai họa không may cho nước bạn, nhưng cũng là dịp hiếm có “nhìn lại mình” tại các dự án bauxite trên thế giới. Từ tai nạn của họ để rút ra bài học cho mình. Thử tưởng tượng, mấy triệu tấn bùn đỏ trên Tây Nguyên như một quả bom hẹn giờ, sẵn sàng nổ bất kỳ lúc nào ngoài ý muốn của con người.
“Nguy” của bùn đỏ là “cơ” để  xem xét lại dự án khai thác bauxite, một khi không chứng minh được tính khả thi và an toàn.
Đạo Hồi, dầu mỏ và dân chủ
Đạo Hồi ít liên quan đến xứ mình. Có chăng là đạo Thiên Chúa, đạo Phật và…vô đạo. Gọi là vô đạo là vì có kẻ tham ô, ăn cắp nhưng vẫn đến chùa xin thêm lộc, mong thăng quan tiến chức.
Người theo đạo Hồi vốn rất thuần, ít khi biểu tình. Nhưng các cuộc nổi dậy vừa qua, đòi lật đổ cả chính phủ, đã chứng tỏ kin Coran muốn trích dẫn vài điều hay về dân chủ phương Tây.
Cách mạng “hoa” nở rộ khắp thế giới cho thấy vai trò của dân chủ trong hội nhập và phát triển.  Xã hội dân chủ thì xung đột lợi ích được giải quyết ngay từ khi còn trong trứng nước. Nếu đợi “tức nước vỡ bờ” thì ngay cả Nicolae Ceaușescu, nổi tiếng độc tài và tàn ác, có hệ thống an ninh nhất thế giới, cũng bị đem ra xử bắn.
Một khi dân chúng không thể chịu đựng nổi sự bất công “kẻ ăn không hết, người lần không ra”,  quyền lợi bị va chạm, thì biểu tình, phản kháng sẽ tự phát.
Trong trường hợp này, “thảm họa” giáng lên đầu độc tài là cơ hội cho dân chủ này nở.
Thiên tai và nhân họa ở Nhật Bản
Trận động đất khủng khiếp gần 9 độ richter đã phá hủy miền bắc duyên hải của Nhật Bản. Sóng thần cao 10m tàn phá khủng khiếp, cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn người.
Thiên tai gây ra kéo theo nhân họa. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị bốn vụ nổ, một lượng phóng xạ nhỏ thoát ra ngoài, có thể ảnh hưởng sức khỏe của hàng chục triệu người.
Sự cố nghiêm trọng tới mức, Nhật Hoàng Akihito phải lên tivi phát biểu về sự “lo ngại sâu sắc”.
Nhật Bản là nền kinh tế thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Vì thế kinh tế thế cũng bị dư chấn của động đất và sóng thần. Hung tin từ nhà máy điện hạt nhân làm cả thế giới lo ngại, nhất là giới đầu tư.
Nhật dẫn đầu thế giới về công nghệ xe hơi và điện tử . Họ sản xuất 40% lượng linh kiện điện tử, 19% vật liệu bán dẫn, và tới 20% các sản phẩm công nghệ trên toàn thế giới.
Vùng bị ảnh hưởng lại có nhiều nhà máy công nghệ cao. Sendai có các nhà máy điện tử nổi tiếng như Toshiba, Hitachi, Canon, Sony và Fujitsu. Nơi này bị tàn phá nặng nề vì gần tâm chấn. Nhiều nhà máy đã đóng cửa. Người ta ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đô la. Nếu không khống chế được nhà máy điện hạt nhân đang cháy nổ thì thiệt hại khôn lường.
Bài học nào cho chúng ta
Ở tầm quốc gia như Việt Nam thì ảnh hưởng là nhãn tiền. Hàng năm, Việt Nam xuất sang Nhật 1,2 tỷ USD hàng dệt may, 1,6 tỷ USD hải sản đông lạnh và tươi sống. Người Nhật có thói quen tiết kiệm nên chi tiêu sẽ giảm. May mặc và hải sản tươi sống không còn là ưu tiên của các bà nội trợ khi móc ví.
Từ năm 2007 tới nay, Nhật luôn là nguồn ODA lớn nhất cho Việt Nam với hàng tỷ USD/năm. Sau những sự cố trên thì liệu dòng chảy ODA cho phát triển có còn như trước. Có nên dựa vào một nguồn vốn, dù nguồn đó sung túc đến đâu? Cơ hội cho thay đổi chiến lược kinh tế vĩ mô có thể tìm ra từ thảm họa của bạn.
Biến đổi khí hậu thất thường sẽ ảnh hưởng đến VN. Mực nước biển dâng cao hàng mét sẽ làm biến mất những đồng ruộng phì nhiêu. Hệ lụy của nó với nền kinh tế VN ra sao và có ai tính được trước vài thập kỷ?
Thiên tai xảy ra không loại trừ bất cứ quốc gia nào. Sự lựa chọn thời điểm đôi khi lại nằm trong tay…ông Trời, khó biết trước. Dự phòng các phương án xấu nhất liệu đã được đặt ra. Giả sử VN bị động đất 8 độ richter thì thảm họa sẽ như thế nào? Có ai nghĩ đến điều tồi tệ nhất này không?
Thiên tai thường kéo theo nhân họa. Những gì con người xây nên như điện hạt nhân hay công nghệ khai thác bauxite có thể bị thiên tai tàn phá, kéo theo hệ lụy lâu dài về sức khỏe, môi trường cho hàng trăm triệu người.
Điều gì xảy ra nếu bể chứa bùn đỏ trên Tây Nguyên bị phá vỡ bởi một trận động đất. Ai đảm bảo Tây Nguyên không bao giờ có động đất, duyên hải VN không có sóng thần như ở Thái Lan hay Sri Lanka, để giải thích cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
Phát biểu gần đây của Ts Nguyễn Khắc Nhẫn trên BBC rất đáng lưu ý khi ông cảnh báo về điện hạt nhân.
Điện hạt nhân rất nguy hiểm. Không thể nào tiên đoán rủi ro hay tai nạn xảy ra. Nếu tai nạn Chernobyl được xếp hạng số 7 (cao nhất), tai nạn hạt nhân của Nhật có thể là 6, theo ý kiến của một số chuyên gia tại Pháp.
25 năm qua, từ ngày xảy ra sự cố ở Chernobyl (Ukraina), hay Three Mile Island (Hoa Kỳ), chưa có tai nạn hạt nhân nào nghiêm trong như ở Nhật bây giờ. Tôi thiết tưởng chính phủ Việt Nam nên hết sức thận trọng và nên rút lui có trật tự ngay từ bây giờ. Không nên làm điện hạt nhân ở nước nhà, vì nhiều nhà máy sẽ xây ven biển.
Nước Nhật là một cường quốc kinh tế, với những chuyên gia vô cùng lỗi lạc, mà trong mấy ngày nay vẫn không giải quyết được chủ đề làm sao cho các lò nguội để không xảy ra tai biến.
Nếu chuyên gia còn ít, hoặc thiếu nhân sự, nhân tài, không nên xung phong vào lãnh vực hạt nhân.”
Rất có thể, cảnh báo đã đến tai những nhà hoạch định chính sách. Tiếp tục làm điện hạt nhân hay không lại là một câu chuyện khác dài hơn.
Bài học về Văn hóa
Nhiều người nói, văn hóa dân tộc là nền tảng cho phát triển. Hành xử thế nào trước một thảm họa kinh hoàng chính là văn hóa và bản lĩnh của dân tộc đó. Báo chí, bloggers khâm phục dân tộc Nhật kiên cường, kỷ luật, bình tĩnh, nhẫn nại, và can đảm trước tai họa.
Đương nhiên, phía sau những gương mặt bình thản kia còn chứa đựng những gì khác thường thì không thể biết. Lúng túng trong xử lý thảm họa ít lộ ra bên ngoài vì tính cách ít nói của người Nhật.
Nhưng có một điều cả thế giới thừa nhận, thảm họa xảy ra mà nước Nhật không có cướp bóc như cơn bão Katrina – New Orleans (Mỹ),  trận lụt kinh hoàng năm 2007 ở West Country (Anh). Động đất vừa ngớt, cướp bóc xảy ra ngay lập tức ở  Chile và Haiti.
Torii sau động đất và bom nguyên tử
Vào chùa hay nơi trang trọng bên Nhật, khách thường thấy cổng Torii truyền thống mà phía sau là không gian của thánh thần. Chỉ có người biết hy sinh bản thân cho người khác mới được tôn làm thánh.
Thật thú vị, cổng Torii ở Horosima vẫn đứng vững dù thành phố bị bom nguyên tử. Cổng Torii khác ở làng Otsuchi bị động đất vừa qua vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Cổng truyền thống Nhật có giúp gì cho tinh thần võ sỹ đạo hôm nay?
Tôn ti trật tự, có trên có dưới, có trước có sau, tôn trọng người già, khuyến khích trẻ, cúi gập khi chào nói lên điều gì. Phải chăng nền tảng đạo lý đó giúp nước Nhật vượt qua thất bại, không quá kiêu với chiến thắng và biết gồng mình lúc khó khăn. Văn hóa truyền thống Nhật làm nên sức mạnh này chăng?
Hay là chính lớp người Nhật sống theo kiểu dân chủ phương Tây làm nên thương hiệu Made in Japan. Báo chí tự do, dân được biểu tình, hạ bệ chính phủ bằng lá phiếu nếu cần, dân được quyền làm chủ vận mệnh của mình. Họ tự lựa chọn một chính quyền vì chính quyền lợi của họ.
Hay đó là cả hai, dân chủ hiện đại phương Tây kết hợp với văn hóa truyền thống. Các bạn thử nghĩ xem. Và VN học được gì khi nhìn nước Nhật hôm nay.
Chúc các bạn vui cuối tuần.
HM. 16-03-2011.

Không có nhận xét nào: