12.3.11

TQ bị nhập siêu: Nguyên nhân và Hậu quả


TQ bị nhập siêu: Nguyên nhân và Hậu quả
(03/11/2011) (Xem: 1618)
Tác giả : Nguyễn Xuân Nghĩa
TQ bị nhập siêu: Nguyên nhân và Hậu quả 


Nguyễn Xuân Nghĩa

Nhập siêu là cái ngọn. Cái gốc mới kinh hoàng...

Chỉ năm ngày sau khi Quốc hội Trung Quốc thông báo sự chuyển hướng trong Kế hoạch Ngũ niên thứ 12 (KH12), thì Tổng cục Quan thuế cho biết là trong Tháng Hai vừa qua, Trung Quốc đã bị nhập siêu 7,3 tỷ Mỹ kim.
Con số hy hữu đó của một xứ xuất cảng mạnh nhất và thường xuyên đạt xuất siêu vì xuất hơn nhập cảng là kết số của hai sự kiện: xuất cảng chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái mà nhập cảng lại tăng 19,4%. Đằng sau hai sự kiện này, lạc quan thì ta có... Tết Nguyên Đán là khi dân chúng tiêu xài nhiều hơn và các doanh nghiệp đều xả hơi, giảm sản xuất.
Nhưng ngoài dữ kiện thuộc về thói quen theo mùa như vậy, ta còn thấy ra nhiều yếu tố khác.
Sau nhiều năm đắn đo co duỗi, Trung Quốc đang chuyển hướng chiến lược kinh tế để lệ thuộc ít hơn vào xuất cảng và chú trọng nhiều hơn đến sức tiêu thụ của thị trường nội địa, và để tái phân lợi tức hầu điều chỉnh thất quân bình kinh tế và nhất là bất công xã hội. Nhưng không phải quyết định về KH12 do Hội nghị Ban chấp hành Trung ương ban hành hồi tháng 10 năm ngoái và Quốc hội thông qua vào tuần trước mới dẫn tới chuyện nhập siêu 7,3 tỷ trong tháng Hai. 
Chiều hướng xuất cảng sút giảm và nhập cảng gia tăng đã có từ nhiều năm rồi: xuất siêu của Trung Quốc giảm liên tục, 298 tỷ vào năm 2008, 196 tỷ năm 2009, và 184 tỷ năm 2010. Gần đây, giá cả các nhập lượng như nguyên nhiên vật liệu, nông khoảng sản, quặng sắt, dầu thô, v.v... (gọi chung là "thương phẩm") lại tăng mạnh, khiến số nhập cảng mới tăng vọt. Đây là ta chưa nói đến sức ép của các quốc gia khác, nhằm đẩy mạnh xuất cảng vào Trung Quốc, và giảm bớt tác dụng của chính sách hối đoái của Bắc Kinh với đồng Nguyên định giá quá thấp... 
Ngay từ tuần trước, ngày mùng bảy, Bộ trưởng Thương mại Bắc Kinh là Trần Đức Minh đã rào trước đón sau, rằng Trung Quốc không loại bỏ sự việc là sẽ bị nhập siêu trong một vài tháng....
Khi tìm hiểu cho kỹ thì chìm sâu bên dưới sự chuyển động âm ỉ và chậm rãi này còn có hậu quả đáng ngại là cả triệu doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thiếu thanh khoản, hiện kim, bạc mặt. Vốn dĩ được quản lý kém hiệu năng, khi lại thiếu tiền kinh doanh, từ nay các doanh nghiệp này sẽ khốn đốn. Và sản lượng sẽ sụt mạnh hơn những dự đoán hay chỉ tiêu ban đầu - là đạt mức tăng trưởng trung bình là 7% trong năm năm tới. Hậu quả xã hội là thất nghiệp có thể tăng.
Chuyện ấy khiến người ta phải đào sâu hơn vào chiến lược phát triển mà thế giới cứ gọi là rồng cọp của Trung Quốc.
Từ cả chục năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh đã thắt lưng buộc bụng người dân để đầu tư dữ dội qua hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Lượng đầu tư khổng lồ này - riêng về tư bản cố định thì tăng hàng năm từ 20 đến 40% trong cả chục năm như vậy chỉ là thuốc bổ cho kẻ đua xe đạp trên đường trường. Chi tiết kỹ thuật ấy không đáng chú ý nếu người ta không thấy là trong cùng thời kỳ, tốc độ đô thị hóa tại Trung Quốc chỉ tăng tối đqa chừng 1,5% một năm. Thế thì đầu tư vào đâu, để làm gì?
Thực tế thì trong nhiều năm liền, mỗi tháng Trung Quốc đầu tư và xây dựng ra hạ tầng đường xá hay địa ốc cho một thị trấn hai vạn dân. Kết quả được bút ghi vào đà tăng trưởng kinh tế là 9-10%, nhưng hậu quả là những thị xã chết, không có người ở: tốc độ đô thị hóa nói trên có cho thấy điều ấy.
Nhưng dù sao mặc lòng, doanh nghiệp nhà nước, từ trung ương tới địa phương vẫn hỳ hục đầu tư để tạo ra việc làm và kể ra thành tích huy hoàng rồi đưa lên trên cho thượng cấp đẹp lòng. Và thế giới thì trầm trồ khen ngợi sức bật của Trung Quốc. Khiến xứ này cứ nhập cảng nguyên nhiên vật liệu cho nhiều, xây nhà cho cao, cán thép cho mạnh... và cất vào tồn kho!
Bây giờ, trên cái núi tồn kho vô dụng và thống kê hào nhoáng đó, lãnh đạo bắt đầu choáng váng. Nếu các doanh nghiệp phải hãm đà tăng trưởng ảo như vậy thì sẽ mất vốn và lãnh thất nghiệp thật!
Hậu quả chính trị là gì thì chúng ta đều rõ, và lãnh đạo Bắc Kinh đều sợ!
Tức là Trung Quốc đang ở giữa một khúc quanh đầy rủi ro. Đúng lúc đó thì lại có trận bão giá về thương phẩm trên thế giới. Doanh nghiệp và lãnh đạo Bắc Kinh đều có thấy trước sự kiện này. 
Các doanh nghiệp bèn đón trước thời cơ, bằng cách mua ngay nguyên nhiên vật liệu về cất trong kho trước khi mọi thứ đều sẽ lên giá. Việc lập kho dự trữ để phòng ngừa lập tức đẩy mạnh nhập cảng - vì xứ này vẫn đói ăn và khát dầu - và khiến hiện tượng nhập siêu sẽ trở thành đáng ngại hơn dự báo ban đầu.
Bây giờ, nhằm đối phó với cơn bão giá, lãnh đạo Bắc Kinh phải chú ý trước tiên đến hậu quả xã hội: lại tăng chi để trợ giá, kiểm soát giá cả và cấm doanh nghiệp tăng giá quá đáng. Từ đấy lại lâm vào một vòng luẩn quẩn khác!
Đây là hiện tượng bị điện giựt trong khúc quanh!
Nhưng chưa hết. Khi công ty lượng giá tín dụng Fitch vừa thông báo điều họ đã nói từ trước, rằng hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể bị khủng hoảng trong những năm tới, Bắc Kinh càng thấy bức xúc. Một giám đốc ngân hàng của Trung Quốc phải lập tức lên tiếng trấn an. 
Fitch tiên đoán rằng với xác suất là 60%, Trung Quốc có thể bị khủng hoảng ngân hàng vào năm 2013, vì một núi nợ xấu sẽ sụp đổ sau khi đã cấp phát tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước theo diện chính sách. Doanh nghiệp lại dùng tiền đó đi vào thị trường đầu cơ để thổi lên bong bóng, Khi bóng bể - sắp rồi - thì mọi thứ đều sụp theo lối dây chuyền....
Sau chuyện doanh nghiệp nhà nước vừa nói tới ở trên là câu hỏi "tiền đâu".
Đầu tiên, các ngân hàng đã bơm tín dụng - với lãi suất trợ cấp - chủ yếu là ba phần tư tổng số cho doanh nghiệp nhà nước gia tăng đầu tư theo lối rồng cọp giấy. Lượng tín dụng từ 750 tỷ Mỹ kim năm 2008 tăng gấp đôi trong năm 2009. Lý do là để kéo kinh tế ra khỏi nguy cơ suy trầm của toàn cầu. 
Kết quả "dương" là Trung Quốc đã đầu tư đến 55% Tổng sản lượng GDP để đạt thành tích tăng trưởng 9% - một sự phao phí phương tiện tốn kém hơn gấp đôi các nước Đông Á trong giai đoạn khởi phát mấy chục năm trước. 
Hậu quả "âm" là các ngân hàng ngồi dưới một núi nợ khó đòi, sẽ thành nợ thối và ụp lên đầu mọi người, nhất là các trương chủ loại thường dân đã chắt bóp tiền tiết kiệm để gửi ngân hàng.
Trong tổng số 120 ngàn doanh nghiệp nhà nước địa phương - chưa kể các công ty vệ tinh làm gia công hay bám sống vào các doanh nghiệp này - một số không ít sẽ không thể tiếp tục ngồi mát ăn bát vàng vì quyết định chuyển hướng sẽ chấm dứt tình trạng có doanh lợi gia tăng mỗi năm từ 15 đến 20%. Vì phản ứng sinh tồn, từ nay các doanh nghiệp sẽ xiết xuống dưới, khiến cả triệu công ty vệ tinh cò con sẽ chết ngộp và phá sản.
Thành thử, con số trừu tượng là Trung Quốc bị nhập siêu 7,3% chỉ là sự kiện nổi trên bề mặt. Bên dưới lại có những chuyển động ngầm còn đáng ngại hơn.
Để kết luận, số nhập siêu của Trung Quốc không chỉ liên hệ đến chuyện vui chơi ngày Tết mà có nguyên nhân sâu xa. Và có hậu quả đáng ngại hơn về kinh tế, xã hội và nhất là chính trị. Đây là chuyện rất nên theo dõi... vì cũng có ảnh hưởng đến Việt Nam đang bị vùi dập trong cơn bão giá và lại vừa được dự báo là thuộc thành phần quốc gia sẽ vỡ nợ nay mai. Tùy cách tính thì đứng hạng thứ tám đến thứ 10, ngay sau Ai Cập!
Vì những biến chuyển dồn dập, quý độc giả có thể theo dõi những phân tích cập nhật của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trên trang mạng Dainamax Magazine: www.dainamax.org

Không có nhận xét nào: