Việt Nam xúc tiến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Gia Minh, biên tập viên RFA – “Công tác xúc tiến đang rất khẩn trương. Nga sẽ xây nhà máy thứ nhất của Việt Nam. Hiện cả hai nước đang đàm phán khẩn trương để đi đến đàm phán chính thức, hai bên cũng chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi…” – Giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt Nhân Đà Lạt, ông Nguyễn Nghị Điền.
Toàn thế giới tiếp tục chú ý đến công tác cứu cấp tại khu nhà máy điện hạt nhân Fukushima cuả Nhật, nơi xảy ra sự cố nổ các lò phản ứng hạt nhân sau trận động đất 9 độ Richter hôm 11 tháng ba vừa qua.
AFP PHOTO – Một mô hình nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam được trưng bày tại triển lãm về năng lượng hạt nhân tại Hà Nội.
Những nước đã có nhà máy điện hạt nhân đều xem xét lại các biện pháp an toàn tại những cơ sở đang hoạt động cuả họ; những nước có kế hoạch nâng cấp các nhà máy mới như Thuỵ Sĩ lên tiếng nói sẽ cho ngưng chương trình đó lại, những nơi đang có kế hoạch phát triển cũng rà soát lại rất kỹ.
Công tác này tại Việt Nam ra sao?
Vẫn tiến hành
Tại Việt Nam hôm 16 tháng 3 vừa qua, Bộ Khoa học- Công nghệ họp báo nêu ra những điểm mà Hà Nội phải cân nhắc trong kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân sắp đến, dự kiến ở tỉnh Ninh Thuận, tuy nhiên Việt Nam vẫn xúc tiến kế hoạch đã dự kiến.
Theo những ngươì đang ở tại Nhật, cũng như truyền thông Nhật loan tin thì dân chúng tại Xứ Phù Tang rất lo lắng về tình trạng phóng xạ phát ra từ những lò phản ứng bị sự cố cuả nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Không riêng ngươì dân nước Nhật, mà dân chúng tại những quốc gia lân cận Nhật Bản như Nga, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực đều lo lắng và thậm chí đã có những tin đồn về phóng xạ do gió đưa đi.
Nhà máy hạt nhân Fukushima.
Nhà máy hạt nhân Fukushima.
Cơ quan chức năng cuả các nước về năng lượng hạt nhân đều có những động thái phản ứng trước biến số tại Fukushima. Đa số đều cho rằng cần xem xét lại vấn đề an toàn cuả hệ thống nhà máy đang hoạt động tại quốc gia họ; các kế hoạch phát triển mới đều được cân nhắc.
Việt Nam cho hay vẫn phải xúc tiến nhà máy điện nguyên tử đầu tiên theo kế hoạch đã đề ra.
Chi tiết cuả công tác tiến đến khởi công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam được Giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt Nhân Đà Lạt, ông Nguyễn Nghị Điền, cho biết qua cuộc trao đổi với chúng tôi vaò ngày 16 tháng 3 như sau:
“Công tác xúc tiến đang rất khẩn trương. Nga sẽ xây nhà máy thứ nhất của Việt Nam. Hiện cả hai nước đang đàm phán khẩn trương để đi đến đàm phán chính thức, hai bên cũng chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi.
Trong nghiên cứu khả thi này có nhiều tính toán về điạ điểm, đầu tư… Điạ điểm đã chọn là Ninh Thuận, nhưng khi chính thức cần phải có nghiên cứu sâu thêm ví dụ như khoan để lấy số liệu về điạ chất, rồi số liệu cụ thể về điạ chất công trình, thuỷ văn… rồi mới đi đến quyết định chính thức.
Những tác động về động đất, sóng thần trong quá trình tiền khả thi đã có xem xét, và đi đến kết luận có thể chấp nhận được. Nhưng trong nghiên cứu khả thi phải có nghiên cứu tiếp như khoan mẫu để lấy điạ chất công trình cuả nền móng, trước khi có ký kết chính thức.
Nhà máy đầu này sẽ chọn công nghệ cuả Nga là nhà máy PVR1000. Trong PVR1000 có một số loại và chưa có quyết định chọn chính thức loại nào. PVR1000 là loại nước áp lực thế hệ 3 và 3+, khác với nhà máy Fukushima là lò nước sôi thế hệ hai; đây là nhà máy đầu tiên cuả Nhật được xây dựng hồi năm 1971.
Hiện nay trên thế giơí công nghệ nước áp lực phổ biến nhất, rồi công nghệ lò nước sôi, và công nghệ lò nước nặng. Ngoaì ra còn có một vài công nghệ nữa như ‘lò nhanh’, ‘lò khí’… Tuy nhiên trong 450 lò đang có trên thế giới, phổ biến nhất là công nghệ lò nước áp lực, sau đến lò nước sôi, và đến lò nước nặng.”
An toàn hạch nhân?
Mặc dù các quốc gia đều cho rằng an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu khi xây dựng các nhà máy điện nguyên tử cuả họ; thế nhưng các sự cố vẫn xảy ra. Nhiều ngươì trên thế giới vẫn không thể nào quên những tai nạn nguyên tử như nhà máy Chernobyl ở Nga hồi năm 1986…
Nhà máy hạt nhân Nhật bốc khói
Nhân dịp này chúng tôi trích dẫn lại đánh giá của giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, một chuyên gia về điện hạt nhân hiện cư ngụ tại Pháp, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, về điện hạt nhân:
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng công nghệ điện hạt nhân về bản chất hết sức mong manh (fragile) vì phải xử dụng hàng trăm, hàng ngàn phương pháp vô cùng phức tạp, gây ra những nguồn sự cố đa dạng không thể nào tiên đoán được. Vì nhiều lý do kỹ thuật, khí hậu, động đất, khủng bố, phá họai, phi công cảm tử… không có một cơ sở hạt nhân nào được xem là an toàn.
Một thảm họa, trong chớp nhoáng, diễn ra bất cứ ở đâu trên thế giới, sẽ đánh tan sự tin cậy miễn cưỡng của dân chúng, đồng thời có khả năng làm sụp đổ ngành công nghiệp điện hạt nhân.
Chuyên gia tư vấn về điện hạt nhân, ông Phùng Liên Đoàn, từ Hoa Kỳ cho biết thêm thông tin về những sự cố đang xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima:
Trong một tâm lò như ở Fukushima có chứa phóng xạ rất nhiều, nhiều gấp mấy lần phóng xạ cuả một quả bom nguyên tử. Bởi vì những chất uranium được sử dụng để tạo ra rất nhiều điện, trong vòng 40 năm qua, trung bình mỗi năm phát ra trung bình độ 20 tỷ kW điện.
Cứ ba năm một lần phải thay nhiên liệu, mà những thanh nhiên liệu có rất nhiều phóng xạ có thể đến 10 tỷ curie (1curie đã nguy hiểm lắm rồi, nên 10 tỷ là rất nguy hiểm).
Khi nhà máy không hoạt động nữa vẫn phát ra nhiệt, vì các chất phóng xạ làm cho nóng lên nếu như không có nước bên ngoài làm cho nguội đi. Chất uranium trong đó có thể làm nóng lên đến 3000-4000 độ F, tương đương 1500-2000 độ C.
Hiện tượng cháy bên ngoài tạo ra zirconium oxide và nhiều hydrogen.Các nhiên liệu nguyên tử làm thành từng viên một, nhỏ như ngón tay con ngươì thôi. Tất cả những viên này nóng dần, nóng dần đến chừng 2000 độ thì các phóng xạ bốc hơi như cizium … (những chất khi bay ra trước).
Nguy hiểm nhất là những máy bay trực thăng ngay trên lò như ở vụ Chernobyl. Nếu không đứng thẳng chỗ phóng xạ, thì như đứng gần một ống khói,càng gần ống khoí càng bị nhiều..
Đối với những biện pháp đang được thực hiện để đối phó với sự cố các lò phản ứng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima ở Nhật, ông Nguyễn Nghị Điền, giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt Nhân Đà Lạt có nhận định:
Sau khi động đất, theo thiết kế lò ‘dập’ rồi. Tiếp đó hệ thống làm lạnh khẩn cấp và hệ điện máy diesel làm việc. Trên nguyên tắc, nếu như không có sóng thần, hệ thống khẩn cấp đó sẽ đưa lò vào trạng thái an toàn bình thường. Nhưng nhà máy điện Fukushima chịu sự cố ‘kép’, tức bị động đất và sau đó một tiếng lại có sóng thần.
Nước vào khiến cho hệ thống khẩn cấp đó bị hỏng hết. hệ thống này không làm việc khiến cho nhiệt dư không được tải, từ đó gây nóng trong vùng hoạt cuả lò. Khi phá áp trong lò ra, hơi này ra gặp oxy nên gây nổ ngoài lò; nếu không phá áp ra sẽ gây nổ phía trong.
Nói nôm na, cách giải quyết như thế là đúng, trong tình huống như thế không có cách giải quyết nào khác.
Ông cũng nói đến thiết kế an toàn cuả một lò phản ứng hạt nhân:
Trong thiết kế lò có nguyên tắc bảo vệ gồm năm tầng, trong đó gồm bản thân vỏ thanh nhiên liệu là một tầng bảo vệ, rồi đến thùng lò, rồi đến nhà lò… Khi cả năm tầng bảo vệ đó bị phá, phóng xạ mới ra ngoài. Tại Fukushima, hiện phóng xạ đã lọt ra ngoài. Như thế, những tầng bảo vệc chắc chắn không còn hoàn hảo nữa.
Năng lượng điện hạt nhân lâu nay giúp những quốc gia như Nhật Bản giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Tuy nhiên, mỗi khi xảy ra biến cố hay tai nạn nhà máy điện nguyên tử với những thiệt hại về kinh tế và di hại lâu dài cho những ngươì bị nhiễm phóng xạ, thì vấn đề an toàn nguyên tử lại được đặt ra, việc khai thác những nguồn năng lượng tái tạo được kêu gọi nghiên cứu, đưa vào khai thác thay thế cho những nguồn năng lượng gây hại cho con ngươì và làm suy kém môi trường.
Mục Khoa học- Môi trường tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh cuả Đài Á Châu Tự Do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét