22.4.11

36 năm đất nước thống nhất, một tội danh bị đánh tráo, nỗi buồn riêng và chung


36 năm đất nước thống nhất, một tội danh bị đánh tráo, nỗi buồn riêng và chung

Lê Diễn Đức - Suốt 36 năm qua, mỗi lần tới ngày 30 tháng 4 là mỗi lần tôi trở về với miền ký ức.

Tôi vốn không thích “bị” phỏng vấn và phỏng vấn có sự chuẩn bị trước, phải hẹn hò, chờ đợi. Thường hỏi về những sự kiện liên quan tới Ba Lan, bạn hữu của đài quốc tế Pháp RFI biết tính tôi vậy, nên khi gọi điện thoại cho tôi chỉ trao đổi ngắn gọn về chủ đề, giới hạn thời gian, rồi thực hiện ngay. 

Năm 2007, anh Nguyễn Khanh của “Radio Free Asia” từ Washington DC gọi điện qua Ba Lan có nhã ý phỏng vấn nhân dịp 32 năm ngày thống nhất đất nước, tôi cũng đề nghị làm luôn. Khi trả lời rằng, ngày này 32 năm về trước tôi đang nằm ở nhà tù Hoả Lò, anh Khanh đã rất ngạc nhiên.

Về miền ký ức

Tác giả - Nhà báo Lê Diễn Đức
 
Sau hơn một năm trời bị biệt giam, không được gia đình thăm viếng, chịu đói rét, ghẻ lở, cùng với các cuộc thẩm vấn liên miên, tôi nhận bản án 2 năm tù giam của Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội với tội danh là “Trốn ở lại nước ngoài”. Tôi bị an ninh cộng sản Ba Lan bắt giữ, giao nộp cho phía Việt Nam và bị áp tải về nước sau chuyến trốn qua Thuỵ Điển không thành, phải quay trở lại.
Ý thức phản kháng lại các đạo lý giáo điều, bất công, phi nhân bản của chế độ cộng sản và cuộc hành trình mạo hiểm đi tìm tự do của tôi đã xảy ra rất sớm, trước cả cái mốc lịch sử của cuộc “exodus” chưa từng có của người Việt sau 30 tháng 4 năm 1975. 

Cũng muốn nói thêm để các bạn trẻ biết rằng, cho đến cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước, sinh viên Việt Nam từ miền Bắc du học ở các nước cộng sản (cũ) chạy sang các nước tư bản bị quy kết tội rất nghiêm trọng. Án phạt dành cho tôi có lẽ được giảm nhẹ sau khi Cục Chấp pháp Bộ Nội vụ kết luận tôi trốn qua Nam Tư, Thuỵ Điển chỉ vì muốn ở lại với người mình yêu, chứ không có hành động làm gián điệp hay phản bội tổ quốc.

Ít ai giờ đây tin rằng, ngay tại châu Âu, hồi đó chúng tôi bị cấm yêu, giữa sinh viên Việt Nam với nhau, chứ đừng sớ rớ tới người ngoại quốc.

Tuy nhiên, đến cả Adam và Eva trên Vườn Địa đàng còn quên lời răn của Thượng đế, không kìm nổi tò mò, dám ăn cả trái cấm, huống chi chúng tôi, những chàng trai, cô gái đang ở tuổi đôi mươi bằng xương bằng thịt nơi trần tục. Chúng tôi vẫn yêu nhau nhưng lén lút, kín đáo và khôn ngoan đối phó với những con mắt cú vọ sẵn sàng bẩm báo với trưởng đoàn lấy điểm. Người yêu của tôi là một cô gái Ba Lan xinh đẹp, tên Bozena, học khoa Pháp văn, cùng Wroslaw University.

Số sinh viên “vượt rào” bị phát hiện và đuổi về nước bấy giờ không ít. Hầu hết bị trả về địa phương, quay lại với “kiếp trâu cày chạy bữa đứt hơi”. Họ không thể ngẩng mặt lên làm một con người bình thường được nữa, vì bị hàng xóm, thậm chí gia đình, khinh thị, hắt hủi. Ở thành phố, tấm lý lịch đen tối không cho họ cơ hội tìm được việc làm tử tế nào ngoài lao động chân tay. Tôi biết T. người Thanh Hoá, học ở Warsaw Polytechnic, đã chết trên biển khi đi đánh cá, còn K. tôi gặp trong tù, người Quảng Bình, đã chết vì mìn nổ khi đi làm ruộng…

Tuy đã phải ngồi tù nhưng tôi gặp nhiều may mắn hơn. Sau 14 năm vật lộn, xoay xở và ma mãnh qua mặt chính quyền với nhiều trò có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết bi hài, tôi đã quay trở lại Ba Lan, đúng lúc chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ và ở lại luôn cho đến nay. Tôi không bao giờ quên cảm nghĩ của mình khi máy bay của hãng Hàng không Liên Xô Aeroflot dứt khỏi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất vươn lên bầu trời vào ngày 9 tháng 10 năm 1989: “Thế là ta đã chiến thắng!”.

Quy định cấm yêu được chấm dứt sau sự kiện Lê Vũ Oanh, con gái của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn, bất chấp can ngăn của Đại sứ quán, đã nhất quyết lấy chồng người Nga, gây nên làn sóng phản đối của sinh viên. Họ đòi hỏi quyền được bình đẳng. Một số đã viết thư tập thể bằng máu gửi lên Đại sứ quán Việt Nam. Nhờ “công” của con gái vị lãnh đạo cao nhất của Đảng mà chính sách được thay đổi! Sau này Lê Vũ Oanh chết do băng huyết trong lúc sinh con, nhiều sinh viên thương cảm nói có lẽ nên đúc tượng đồng “Nữ thần Tình yêu” cho cô! Đúng thế, Lê Vũ Oanh đã làm một cuộc cách mạng.

Vào một đêm không ngủ trong trại tạm giam ở ngoại thành Hà Nội (sau này tôi được biết có tên gọi là B15), tôi viết:

… Tiếng dế kêu thưa thớt, hoang sơ
Tiếng lá cây xào xạc gió khua
Tiếng ếch ngoài đồng sau cơn mưa
Tiếng gà gáy gọi trời trở sáng
Tiếng chó sủa làng bên vang vọng…
Chỉ thế thôi, chẳng có gì hơn
Bản nhạc trời khuya rầu rĩ lạ thường!
 
(…) Sự thật nơi nào trên khắp thế gian
Có bao giờ tình yêu trở thành tội lỗi
Khi đó đây những vành đai biên giới
Khép mọi con đường, giam cả lứa đôi?
 
Hoặc trước đó, trên những nẻo đường đi tìm mặt trời và sóng biển:

… Từ trên cao, Bozena em ơi, hãy cùng anh nhìn xuống địa cầu
Thế giới dọc ngang những đường chia xẻ
Biên giới chẳng riêng là những ngọn núi, dòng sông hay hàng cọc bình thường
Bởi chính nơi đây, chân lý và tình yêu chẳng có phút giây nào khỏi bị đoạ đầy, cắn xé!
 
Cái xấu xa, chua chát của cuộc đời dạy anh bài học yêu em
Giúp anh trả lời thế nào là Tình yêu và Cuộc sống
Quên gông sắt, nhà tù lấy em làm hy vọng
Xây nên cuộc đời!

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một lần trong cuộc phỏng vấn của BBC đã từng nói rằng, trong ngày 30 tháng Tư năm 1975, có triệu người vui nhưng cũng có cả triệu người buồn. Tôi thuộc vế sau. Cả phòng giam hôm ấy huyên náo khi giám thị loan báo tin chiến thắng. Tôi cũng phải cười nói hoà vào đám đông, nhưng lòng quặn đau nghĩ tới viễn cảnh đen tối và cùng đường của mình. Hy vọng le lói của tôi sau khi ra tù sẽ tìm cách vào Nam vụt tắt!

Tội danh bị đanh tráo

36 năm trôi qua. Có thể là một nửa đời người. Việt Nam đã trải qua vô vàn biến động và thay đổi chóng mặt. Nhưng có một thứ bất biến: Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ độc quyền cai trị đất nước, vẫn cùng một triều đại phong kiến mới với những khuôn mặt của các ông Vua mới kế vị nhau.

Tôi đã nhiều lúc nghĩ đến tội danh “trốn ở lại nước ngoài” mà tôi đã phải chịu gánh chịu. Cũng một bộ máy ấy, cũng đảng cầm quyền ấy, tội danh này dưới lăng kính hôm nay sẽ được quan sát ra sao?

Không có Bộ Luật hình sự của CHXHCN Việt Nam trong tay, cũng chẳng ham muốn truy cập trên mạng để tìm hiểu, tôi cho rằng, tội danh “trốn ở lại nước ngoài” đã bị loại bỏ khỏi đời sống pháp lý của chế độ hiện hành. Bởi vì nếu có, nhà tù Việt Nam sẽ không thể nào xây kịp!

Hàng chục ngàn, nếu không nói tới con số hàng trăm ngàn, công nhân Việt Nam lao động trong khuôn khổ hợp tác kinh tế tại Nga, Bulgaria, Tiệp Khắc (cũ), Đông Đức (cũ) sau khi Bức tường Berlin sụp đổ đã không trở về nước mà ở lại mưu kế làm ăn hoặc xin tị nạn.

Tôi cũng là nhân chứng liên tiếp suốt hai thập niên qua trước dòng người Việt bay sang  Nga rồi khốn khổ vượt biên bất hợp pháp vào Ba Lan và các nước khác.

Hàng trăn ngàn công nhân được xuất khẩu lao động trong những năm gần đây, bị bóc lột thậm tệ, bị lừa gạt, bị bỏ rơi, không thể trở về nước vì món nợ đè lên vai, đã phải ở lại vật lộn với cuộc sống cơ cực, thậm chí phải hành nghề trộm cắp, đĩ điếm (như ở Malaysia)…

Rồi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, gần cả triệu người miền Nam chấp nhận một sống hai chết, đã trốn chạy khỏi chế độ.

Nếu bị xử tù như tôi về tội “trốn ở lại nước ngoài”, chúng ta hình dung một bức tranh xã hội sẽ khủng khiếp như thế nào.

Ở đây, chúng ta thấy rằng, cùng một hành vi, ngày hôm trước được xem là có tội, ngày hôm sau mặc nhiên thành chuyện bình thường, thậm chí còn được nhà nước khuyến khích. Vậy thì, trong sự oan ức của tôi chỉ có thể được cắt nghĩa bằng hai cách. Thứ nhất, tôi thuộc những người “đầu thai nhầm thế kỷ”, giống như các văn nghệ sĩ trong phong trào Nhân văn Giai phẩm đã nói về mình. Thứ nhì, sự ấu trĩ và sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đẩy vô vàn con người lương thiện xuống vực thẳm của bất hạnh và đau thương.

Dưới bàn tay cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam, rõ ràng các khái niệm đã được đánh tráo trơ trẽn và nhanh chóng. Giờ đây, lực lượng đông đảo những người “trốn ở lại nước ngoài” (như tôi) mỗi năm gửi về nước nhiều tỷ đôla, mang tiền về nước đầu tư, Nhà nước ra Nghị quyết 36 gọi họ là bộ phận không thể tách rời khỏi cộng đồng dân tộc, là “khúc ruột ngàn dặm”, có thể xênh xang “áo gấm về làng”:

“Ngày đi, Đảng gọi Việt gian
Ngày về thì Đảng chuyển sang Việt kiều
Chưa đi: phản động trăm chiều
Đi rồi thành khúc ruột yêu ngàn trùng!”
(Thơ dân gian)

Song song với các khái niệm bị đánh tráo, các tội danh cũng được phù phép biến hoá thêm cho kịp với hoàn cảnh mới, nhằm phục vụ mục đích đàn áp tự do.

Điều 88 của Bộ luật hình sự xác định tội “truyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam”, được các luật gia và tổ chức quốc tế cho là rất mù mờ, có thể dẫn đến quy kết tuỳ tiện.

Tôi viết những dòng cảm xúc này sau khi vụ án xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong ngày 4 tháng 4 vừa rồi đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước.

10 tài liệu mà Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội lấy cơ sở quy kết tội cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nếu đặt dưới ánh sáng của quyền phát biểu chính kiến và góp ý cho nhà nước được bảo hộ bởi Hiến pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký và cam kết, thì Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ phải được xem là vô tội. Tiếng nói của anh khó nghe với chính quyền, nhưng thực ra anh chỉ nói thay những người cùng có ý nghĩ như anh nhưng chưa hoặc không dám nói ra (ý của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh).

Vậy mà Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã bị kết án nặng nề với 7 năm tù giam, 3 năm quản chế, trong “một phiên toà trơ trẽn”, “làm mất thể diện quốc gia”, thậm chí “lưu manh và ô nhục”.

Trước Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, rất nhiều nhà bất đồng chính kiến khác cũng đã chung một số phận.
Là một công dân có kiến thức tối thiểu về luật pháp, có lương tri, không ai không hiểu một thực tế phũ phàng: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!” (nhận định của bà Ngô Bá Thành, một luật sư nổi tiếng trước và sau năm 1975).

Là một công dân có trách nhiệm với xã hội, khao khát công lý và công bằng xã hội, không ai có thể mặc nhiên cúi đầu chấp nhận trò chơi luật pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được” (phát biểu trước Quốc hội của ông Trịnh Hồng Dương, Chánh án Tòa án tối cao, nhiệm kỳ 1997- 2002).

Lời kết

Ngang nhiên chà đạp lên cả luật pháp do chính mình thiết lập, lên các giá trị nhân đạo vẫn rao giảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bất nhân khi ném hàng triệu sinh linh vào hố tử thần, vào bể khổ của ngục tù và sự đày ải tinh thần, cũng như vật chất kể từ Cải cách Ruộng đất cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975 và suốt 36 năm qua, chưa thấy có tín hiệu cải thiện nào.

Hả hê trên chiến thắng, ngông cuồng trên bạo lực, ngạo mạn trên sự giàu sang phú quý do tham nhũng mà có, những người cầm cán cân công lý của Đảng Cộng sản Việt Nam có lẽ chưa bao giờ nhận thức được sai lầm của các thế hệ tiền nhiệm chăng? Không những thế, họ còn tiếp tục mạnh tay hơn, tàn nhẫn hơn, đưa những người vô tội vào vòng lao lý hoặc cái chết tức tưởi bởi bàn tay của công an, đôi khi chỉ vì đi xe gắn máy quên đội mũ bảo hiểm!

Cho nên, dễ nhận ra rằng, tại sao sau 36 năm đất nước thống nhất, mọi thứ khẩu hiệu hô hào hoà hợp, hoà giải dân tộc, quên quá khứ, hướng tới tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không mang lại ý nghĩa thuyết phục nào. Người ta vẫn thấy đậm màu sắc giả dối phía sau sân khấu tuyên truyền sặc sỡ và ầm ĩ. Trong lòng người Việt muôn phương vẫn nặng trĩu những ký ức oán hờn, tủi hận. Vết thương lòng vẫn rỉ máu vì chưa bao giờ được giải toả hoặc đền bù, chí ít một lời xin lỗi thành tâm cũng không.

Mặc dù phải trải qua số phận nghiệt ngã của đất nước bị chia cắt và cuộc chiến huynh đệ tương tàn vì ý thức hệ, tôi cho rằng, những người con của đất Việt, trong hay ngoài nước, khắp ba miền, không có lý do gì lại không có thể cư xử với nhau trong tình nhân ái, bao dung, cao thượng vì sự phát triển của đất nước. Nhưng thái độ này chỉ có thể tồn tại và thể hiện trong một xã hội cởi mở, dân chủ, tự do, mọi người bình đẳng trước pháp luật và những quyền tự do cơ bản nhất của công dân được Hiến pháp thực sự che chở.

Một nhà nước tạo ra được môi trường như thế sẽ không cần phải tốn công sức kêu gọi tình đoàn kết dân tộc.■

Không có nhận xét nào: