Các nước đang phát triển muốn thoát khỏi sự thống trị của đồng đô-la
Liên quan đến cuộc họp thượng đỉnh của các cường quốc đang trỗi dậy (BRIC) tại Tam Á, thuộc đảo Hải Nam, Trung Quốc, tờ Les Echos có bài «Các cường quốc muốn thoát khỏi sự thống trị của đồng đô-la ». Còn trên trang 16 của Le Monde thì «BRIC trở thành BRICS».
« BRICS » là tên viết tắt của các nước Brazil, Russia (Nga), India (Ấn Độ), China ( Trung Quốc) và South Africa (Nam Phi).
Theo Les Echos, trong cuộc họp thượng đỉnh lần này, nhóm BRICS đã đề cập đến ba nội dung chính :
Thứ nhất, các nước thành viên cùng tuyên bố hợp tác chống lại sự leo thang của giá nguyên liệu. Theo Les Echos, tuyên bố chung này làm mọi người ngạc nhiên vì chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ đang phải hứng chịu giá dầu tăng và khan hiếm lương thực. Trong khi đó, Nga là nước xuất khẩu dầu, còn Brazil lại là một nước nông nghiệp lớn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga, ông Sergei Ivanov cho rằng, việc giá dầu thô tăng quá cao cũng đe dọa đến nền kinh tế của Nga. Ngoài ra, cả năm nước thành viên đều kêu gọi hạn chế đầu cơ tài chính, thông qua việc giám sát tốt nhất các sản phẩm tài chính.
Thứ hai, các nước thành viên đều nhất trí :
- Bảo đảm tính thiết thực trong việc xây dựng một hệ thống tài chính đa cực, một hệ thống dự trữ ngoại tệ « ổn định và có thể dự báo được».
- Sử dụng các đồng tiền trong khối trong trao đổi thương mại giữa các nước thành viên.
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của « Quyền rút vốn đặc biệt » theo quy định của IMF.
Tuy nhiên, không nước nào đề cập đến việc đưa đồng nhân dân tệ gia nhập vào rổ tiền tệ IMF.
- Bảo đảm tính thiết thực trong việc xây dựng một hệ thống tài chính đa cực, một hệ thống dự trữ ngoại tệ « ổn định và có thể dự báo được».
- Sử dụng các đồng tiền trong khối trong trao đổi thương mại giữa các nước thành viên.
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của « Quyền rút vốn đặc biệt » theo quy định của IMF.
Tuy nhiên, không nước nào đề cập đến việc đưa đồng nhân dân tệ gia nhập vào rổ tiền tệ IMF.
Cuối cùng, trên bình diện ngoại giao, các nước thuộc khối Brics cùng tuyên bố rất quan ngại trước sự nổi dậy tại Trung Đông và Châu Phi. Cả năm nước cùng kêu gọi một giải pháp thương lượng và lên án các cuộc không kích.
Cũng liên quan đến sự kiện này, nhật báo Le Monde có bài viết « Bric, trở thành một câu lạc bộ chính trị của các cường quốc mới trỗi dậy khi gia nhập thêm Nam Phi ». Kể từ bây giờ Bric sẽ thành Brics khi thêm chữ cái « S » tức « South Africa » vào tên khối.
Theo Le Monde, việc gia nhập Nam Phi vào khối gây ra sự chú ý, thậm chí cảm thấy khó hiểu. Làm thế nào mà chú lùn kinh tế này có thể gia nhập, trong khi các nước khác như Mêhicô, Hàn Quốc hay như Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dậm chân ngoài cửa của khối ? Bị gọi là chú lùn kinh tế vì tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Nam Phi chỉ tương đương với 1/16 GDP của Trung Quốc. Dân số chỉ có 50 triệu và tăng trưởng kinh tế không vượt quá 3,5% năm, còn xa mới bằng Trung Qu ốc (10,3% năm 2010).
Le Monde nhận định rằng việc chọn Nam Phi gia nhập khối Bric nhằm gửi đi một tín hiệu rằng đây không chỉ là một cơ cấu giả tạo dựa trên nền tảng của những hiệu quả kinh tế tương đồng, mà còn là một câu lạc bộ chính trị , nhằm chống lại cân đối ảnh hưởng từ phương Tây.
Cũng theo Le Monde, việc Nam Phi gia nhập còn có những nguyên do khác. Thứ nhất, Nam Phi đang định tìm một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Thứ hai, Nam Phi đứng thứ tư trên thế giới về sản xuất vàng và kim cương. Đồng thời, họ cũng sở hữu khoảng 80% dự trữ bạch kim. Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nam Phi. Nam Phi cũng tự giới thiệu như là cửa ngõ để thâm nhập vào châu Phi, lục địa có 1 tỷ người tiêu thụ.
Chiến sự tại Libya, lối thoát nào ?
Chiến sự tại Libya vẫn là đề tài được nhiều tờ báo Pháp quan tâm đến hôm nay. Lối thoát nào cho Libya, khi mà « NATO vẫn dậm chân tại chỗ, liên quân tìm kiếm một lối thoát chính trị », là tựa đề trên trang nhất nhật báo Le Monde. Theo tờ báo, áp lực quân sự phải đi theo các thương lượng trong hậu trường mới làm suy yếu được Kadhafi. Trên trang nhất tờ Le Figaro hô hào « Kadhafi phải ra đi ». Đó là lời phát biểu của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron, trong một bài viết chung được đăng cùng lúc trên các tờ báo lớn « The Times », « The International Herald Tribune », « The Washington Post » và « Al-Hayat ». Trong khi đó, tờ Libération quay trở lại với tình hình tại Côtes d’Ivoires với đề tài « Trong việc bắt giữ Gbagbo, quân đội Pháp đã làm gì ? » kể lại từng phút từng giờ việc bắt giữ Gbagbo và quân đội Pháp đã mở đường cho đội quân ủng hộ ông Ouattara như thế nào để bắt ông Gbagbo.
Liệu Trung Quốc có thể kiểm soát được an toàn thực phẩm ?
Về vấn đề an toàn thực phẩm tại Trung Quốc, hôm nay trên trang 5 nhật báo Le Monde có bài tựa đề « Người tiêu thụ Trung Quốc phẫn nộ về các vụ tai tiếng thực phẩm ».
Theo tác giả, đây là mùa xuân của các vụ xì-căng-đan an toàn thực phẩm tại Trung Quốc. Người tiêu thụ tại Trung Quốc cảm thấy bất bình và mất niềm tin vào chính phủ. Họ không còn tin tưởng vào các biện pháp do chính quyền đề ra. Trong một bài xã luận của tờ Global Times ngày 13 /4, tác giả chỉ trích gay gắt các doanh nghiệp này đã lợi dụng các lỗ hổng trong giám sát hòng tăng lợi nhuận trong thời gian nhanh nhất, mà không nghĩ đến hệ quả của nó trong dài hạn.
Le Monde cho biết, nhận thức được nỗi bất bình của dân chúng, chính quyền Trung Quốc vội vàng đề ra các biện pháp : điều tra và trừng trị thích đáng thủ phạm vụ hoành thánh nhuộm màu. Lập đoàn điều tra vụ thịt heo tẩm chất clenbuterol, tại vùng Hà Nam và Giang Tô, nguồn gốc xuất xứ của vụ thịt heo tẩm hóa chất. Và cuối cùng, từ vụ sữa nhiễm chất độc mélamine, chính phủ lập một cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp sản xuất sữa trên toàn quốc và một hệ thống cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, việc mua bán chất hóa học mélamine cũng sẽ được lưu lại trong hồ sơ.
Le Monde cho biết, vào đầu tháng Tư, sau một vòng thanh tra các cơ sở sản xuất sữa, kết quả cho thấy 45% nhà sản xuất sữa không đủ tiêu chuẩn để cấp giấy phép do họ không có đủ các trang thiết bị để kiểm soát hàm lượng mélamine và kháng sinh trong sữa. Tuy nhiên, Le Monde cũng lưu ý rằng 45% nhà sản xuất sữa này cũng chỉ chiếm có 5% ngành công nghiệp sản xuất sữa tại Trung Quốc.
Mặc dù đã cố huy động dư luận, nhưng cha mẹ của những đứa trẻ bị bệnh sỏi thận do dùng sữa có chứa mélamine không thể nào tiến hành các vụ kiện – hoặc tòa án sẽ bác đơn hoặc các luật sư bị đe dọa. Bị ép buộc phải nhận khoản tiền bồi thường do chính phủ đề ra, những người này tố cáo sự hà khắc của chính phủ. Nhiều người trong số họ than phiền tiền thuốc không được trả. Theo lời các luật sư của các nạn nhân thì rất khó chứng minh được một căn bệnh nào đó là hậu quả của bệnh sỏi thận. Mặt khác, các bệnh viện ngày càng ít thực hiện các xét nghiệm miễn phí, và thường thì gia đình phải chi trả các khoản này.
Cuối cùng, Le Monde kể trường hợp một người cha có con bị nhiễm độc sữa, từng đại diện cho các bậc phụ huynh cùng tình trạng với ông để đàm phán với chính phủ và đã mở một trang Internet để cập nhật thông tin, đã bị kết án hai năm rưỡi với tội danh phá rối trât tự. Ông được trả tự do vì lý do sức khỏe. Trong một đoạn video trên Youtube, ông nói về tình trạng sức khỏe ngày càng trở nên tồi tệ của những đứa trẻ này nhưng lại phải đối diện trước sự lạnh lùng của chính quyền sở tại và các bộ ngành có liên quan.
Dùng thêm thịt nữa nhé ? Không, cám ơn !
Trên đây là hàng tựa của nhật báo Le Monde trên trang 23, mục sức khỏe. Theo tác giả bài báo, hiện nay tại Pháp, cũng như châu Âu có rất nhiều người thay đổi chế độ ăn uống, giảm ăn thịt thậm chí là ăn chay 100%. Theo họ, việc ăn chay bắt đầu từ sự tò mò muốn biết xem họ có thể tồn tại nếu như không ăn thịt cũng như cá và từ bỏ kiểu ăn công nghiệp tồi tệ.
Theo tác giả, ngày càng có nhiều người ủng hộ trào lưu ăn chay. Thậm chí, tại quận 2 của Paris, ông thị trưởng thuộc Đảng Xanh, yêu cầu mỗi tuần phải có một bữa ăn chay ở căng-tin trong các trường học. Ông này cho biết, học sinh rất thích món há cảo dồn đậu phụ và pizza chay. Hay như theo lời một nghị sĩ cũng thuộc Đảng Xanh thì ăn quá nhiều thịt và cá sẽ có hại cho sức khỏe.
Le Monde tự hỏi liệu người Pháp có dùng quá nhiều thịt không ? Theo Trung tâm Nghiên cứu và Quan sát Điều kiện sống, thì vào năm 2007, người Pháp dùng khoảng 139,9 gam/ ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng là con số này hơi nhiều. Theo họ, chỉ nên dùng 400 gam thịt/ tuần và khuyên rằng chỉ nên dung các loại thịt ít mỡ như phần nạc trắng của thịt gà, thịt thỏ hay là thịt bê.
Đồng quan điểm với các nhà dinh dưỡng, Viện Ung bướu Quốc gia cũng khuyên chỉ nên dùng nhiều nhất là 500gam / tuần, nhằm giảm nguy cơ bệnh ung thư. Cũng theo các chuyên gia này, thịt cũng có lợi cho sức khỏe. Trong thịt có chứa chất sắt (khoảng 25%), cơ thể dễ dàng hấp thu hơn trong rau củ (chỉ có từ 5 đến 10%) và vitamine B12, rất cần thiết cho việc tạo hồng huyết cầu, chỉ có thể tìm thấy trong giới động vật mà thôi.
Câu hỏi đặt ra là liệu ta có thể sống mà không cần đến thịt ? Theo các nhà dinh dưỡng thì điều này hoàn toàn có thể được, chỉ cần thay thế thịt bằng cá và trứng. Thậm chí, có thể sống mà không cần thịt và không cần cá. Thực phẩm chay rất tốt cho sức khỏe, có lợi trong việc phòng và chữa trị một số bệnh. Không những thế, những người ăn chay có tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp hơn trong toàn dân.
Tuy nhiên, Le Monde trích lời nhận xét của một bác sĩ rằng trong số những bệnh nhân ăn chay ông chữa trị chưa nhận thấy ca nào bị thiếu chất sắt. Tuy nhiên, ông cũng chưa biết rõ là chuyện gì sẽ xảy ra ở những người ăn chay không dùng trứng và các sản phẩm sữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét