15.4.11

Chiều mưa biên giới … anh đi về đâu?


Chiều mưa biên giới … anh đi về đâu?

Gần đây, trên diễn đàn Internet có xuất hiện một tranh cải về một bài viết ngắn của ông Ngô Bảo Châu trên mạng BBC, phê bình phiên tòa sét xữ Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ tại Việt-Nam ngày 4 tháng 4 2011 vừa qua.  Từ trong lòng của một chế độ độc tài, với một nhà cầm quyền sẵn sàng “dã man” với chính dân mình, những lời phát biểu và thái độ của ông Cù Huy Hà Vũ đã dễ dàng biến ông thành một anh hùng.  Cho nên với lời nhận định mỡ đầu
“ Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt”, ông Ngô Bảo Châu đã gặp những phản ứng không mấy thuận lợi và hài lòng mà có lẻ đã làm ông phải quyết định đóng cửa cái web site “Thích Toán Học” của mình…
Tôi không được đọc những bài phê bình về bài viết của ông Châu với những “ngôn ngữ nặng nề” như có người đã lên án và cũng không nghĩ vì thế mà ông Châu nên đóng cửa cái web site của mình.  Nhưng nói về những phê bình có tính “logic” trên bài viết của ông Châu thì với tôi, bài viết của cô Huỳnh Thục Vy mà tôi có dịp đọc đã nói lên đầy đủ những phản biện cần thiết rồi (http://baotoquoc.com/2011/04/07/cu-huy-ha-vu-l%c6%b0%c6%a1ng-tam-th%e1%bb%9di-d%e1%ba%a1i/ ) .  Trong tình trạng thiếu vắng nhân tài của Việt-Nam, ông Ngô Bảo Châu trở thành một ngôi sao sáng, là “thần tượng” của một số người hay ít ra cũng là một niềm tự hào cho người Việt nói chung, trong đó có tôi.  Nếu ông Châu là một người tầm thường thì đã không có vấn đề gì.  Nhưng là một ngôi sao sáng, phát biểu của ông có thể được diễn dịch như là một nhận định có trọng lượng của giới “trí thức” Việt-Nam, từ cái nhìn của thế giới, qua việc mạng BBC chọn lựa ông để đăng tải những bình luận.
Qua những tranh luận về tính “logic” của vấn đề, tôi cảm nhận một cái gì đó không ổn trong phát biểu không rõ ràng của một nhà toán học và việc trả lời cho câu hỏi “tại sao” như vậy trở thành không phải là quá khó? 
Gần đây nhất là bài viết của ông Đại Nghĩa mà tôi có dịp đọc và có chút ý kiến…
“… Qua bài viết nói trên, một lần nữa ta thấy được cái thông minh và cái tinh tế của con người Ngô Bảo Châu, một nhà đấu tranh ôn hòa đầy nhiệt huyết, cương nhu lảo thông. Tuy nhiên, dù sao Ngô Bảo Châu vẫn là một thanh niên trẻ chưa được trui rèn trong chịu đựng nên đã vội“ đóng cửa chùa”. Tôi mong rằng dư luận phải có trách nhiệm và khả năng nhận định đừng làm thui chột một nhân tài có lòng với đất nước, đừng đẩy họ về phía bên kia…
Tôi không hiểu “đấu tranh ôn hòa” theo diễn dịch của ông Đại Nghĩa và một số tác giả khác tôi đọc trên diễn đàn là gì? – là đối thoại để thuyết phục?, là “tiếp cận tích cực để chuyển hoá” ?, là tham chính để xây dựng chính quyền ?…  Dư âm của đại hội đảng CSVN lần thứ 11 vẫn còn đó để người ta có thể nghe rõ rằng Việt-Nam không cần đa nguyên đa đảng gì cả! – và chỉ mới đây thôi, đi tham quam một tòa án được công bố là “công khai” mà vẫn bị đánh đập và giam cầm thì phải ôn hòa như thế nào?
Không ai có thể xô đẩy ông Châu cả.  Con đường là do ông tự chọn.  Trong đời người chúng ta, dù muốn dù không cũng phải có một sự chọn lựa hay nếu không thì sẽ chịu sự chọn lựa của người khác nghĩa là còn tệ hơn nữa: mất hết!  Vì đời vốn không thể vẹn toàn(?) cho nên trong bất cứ sự chọn lựa nào,  sự chọn lựa đã phải mang ý nghĩa rằng nếu đã chọn “cái này” thì đành phải mất “cái kia” mà thôi.  Đứng giữa có nghĩa là sẽ mất cả 2.  Sự chọn lựa của ông Châu cũng không thể ra khỏi những quy luật này.  Như khi đã nhận “ân huệ” của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt-Nam, làm sao ông có thể độc lập trong phát biểu về những suy nghĩ của mình? Hơn thế nữa, “đừng đùa với cách mạng”: nhà cầm quyền Việt-Nam sẽ có thái độ nếu ông cứ tiếp tục phát biểu như thế.  Cho nên con đường “chính trị” của ông Châu cũng sẽ phải đến một ngã rẽ mà ông còn chưa thấy?  – Đó cũng là ngã rẽ mà ông Cù Huy Hà Vũ đã phải đến dù xuất thân gia đình của ông Vũ là những công thần của chế độ. 
Rất tiếc cho những kẻ sĩ trong “thời loạn” – nơi sự thành tựu  không hoàn toàn tùy thuộc vào tài năng mà còn ở thái độ chọn lựa của họ.  Dĩ nhiên người ta có thể tranh luận tiếp là làm thế nào để đánh giá cho một thành tựu như thế!  Trong văn học Việt-Nam cũng đã từng xuất hiện một nhân vật mà việc tranh cải có thể vẫn chưa chấm dứt cho đến bây giờ.  Nhân vật Tôn Thọ Tường là người đã được lưu lại trong sữ sách Việt-Nam qua 2 câu thơ trứ danh của ông Phan Văn Trị:
Anh hởi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng…
Trong cuộc chiến thảm khốc tại Việt-Nam vừa qua, cũng có một nhân vật khác, trong khi các chiến sĩ cùng thời đang hàng ngày nằm xuống cho lý tưởng tự do của quê hương mình thì anh ta đã chỉ biết ôm đàn “than khóc”.  Với tất cả những tác phẩm để lại cho đời, nhất là trong lãnh vực tình ca mà hầu hết mọi người đều không phủ nhận giá trị nghệ thuật của nó thì nhân cách của anh vẫn còn là một dấu hỏi lớn.  Cho nên tài năng và “được kính trọng” là 2 gíá trị có khi rất xa nhau trong cùng một con người.  Theo “trường phái xã hội”, giá trị của một con người  được định trên mức độ cống hiến của con người đó trong xã hội chứ không phải trên những kiến thức hay bằng cấp họ đạt được trong học trình.   Người Mỹ cũng có câu:  “Respect is something you have to earn” mà tôi hiểu đó là sự kính trọng là điều mà một người phải phấn đấu, gầy dựng chứ không thể van xin hay mua chuộc.
Trong bối cảnh của xã hội Việt-Nam hiện nay, giá trị của một kẻ sĩ là gì? Trong buổi chiều mưa biên giới, những kẻ sĩ đã không biết đi về đâu thì cũng không nên ngạc nhiên gì khi bị bắn từ cả 2 phía!
Võ Trang

Không có nhận xét nào: