2.4.11

Cứ như chuyện “Cá tháng Tư”…


Cứ như chuyện “Cá tháng Tư”…

Dư luận chưa hết bàng hoàng về chuyện toà nhà 5 tầng giữa Thủ đô “bỗng dưng… đổ sập” thì một tai ương khác tại Nghệ An lại gây chấn động: một tảng đá khổng lồ bất ngờ đổ sụp vùi chôn hơn 40 công nhân…

Ở vụ đá lở (xảy ra sáng 1-4 tại mỏ đá Lèn Cờ), bên cạnh những nỗ lực cứu người còn đang bị kẹt bắt đầu có những dự đoán về nguyên nhân gây thảm hoạ. Những người dân trong khu vực cho hay, mỏ đá Lèn Cờ được khai thác theo kiểu hàm ếch khoét sâu vào lòng núi đá nên khi đá sập hầu hết những công nhân đang làm việc sẽ bị vùi lấp. Còn ở vụ sập nhà ở Hà Nội, 24h sau tai nạn phát biểu của những người có trách nhiệm về nguyên nhân vẫn ở dạng… phỏng đoán. Ông Chánh Thanh tra xây dựng quận Đống Đa nói, ngôi nhà sập có thể do các cột trụ được làm rất nhỏ, lại không có lực đỡ một bên và lý do sập có thể do… dư chấn của trận động đất tại Hà Nội (?!). Còn vị phó chủ tịch UBND quận lại nhận định việc cải tạo nội thất có thể đã làm thay đổi kết cấu khiến khả năng chịu lực của ngôi nhà yếu, dẫn đến sập đổ!

Khi sập mỏ, có khoảng 40 công nhân đang làm việc (chủ yếu là phụ nữ và thanh niên các xã Nam Thành, Trung Thành huyện Yên Thành (Nghệ An). Tất cả đều bị vùi trong đá.


Cả hai vụ việc xảy ra trong bối cảnh thời tiết thanh bình, không có bất cứ một sự đe doạ an toàn nào từ những nguyên nhân khách quan. Vậy có loại trừ được nguyên nhân chủ quan hay không?
Mỏ đá Lèn Cờ chỉ cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 100km, do một pháp nhân khai thác (Công ty TNHH Chín Mén) nhưng việc kiểm tra, kiểm soát biện pháp thi công cũng như an toàn lao động gần như… buông lơi, mà điển hình là chuyện Công ty Chín Mén đã bán thầu cho nhiều đơn vị mà chính quyền không có ý kiến. Còn trong vụ sập nhà, bất cứ ai có kiến thức về xây dựng cũng hiểu nguyên tắc cơ bản khi cải tạo nhà là phải có một bản thiết kể tổng thể, chi tiết; trên cơ sở “lý lịch” là thiết kế cũ, nền móng của ngôi nhà để xác định biện pháp thi công phù hợp. Một ngôi nhà 5 tầng ở giữa một con phố lớn của Thủ đô công khai đục phá đến khi đổ sập mà các vị chức trách không có lấy một bản vẽ thiết kế kỹ thuật cũ (thường được lưu ở bộ phận quản lý xây dựng) để làm cơ sở phân tích nguyên nhân thì cũng lạ!
Tin tai hoạ xảy đến khiến người dân bàng hoàng như chuyện “Cá tháng Tư”; nhưng những lý do chủ quan đi theo nó thì không phải chuyện “Cá” nữa rồi!

Không có nhận xét nào: