Niềm hy vọng gửi phiên tòa Cù Huy Hà Vũ
Nguyễn Trọng Tạo – Việc kiện Ủy ban một tỉnh hay kiện Thủ tướng thì ở ta mới chỉ có Cù Huy Hà Vũ làm. Làm vì anh là Ts. luật, anh hiểu là “được phép”. Điều đó làm nhiều người ngỡ ngàng, nhưng cuối cùng lại hiểu ra cái thứ “được phép” ấy. Vậy là dân trí luật được mở. Có thể coi đó là một đóng góp của Cù Huy Hà Vũ cho sự tiến bộ của dân trí luật VN. Đóng góp cho sự tiến bộ, nếu không thưởng cũng nên cám ơn…
4.4.2011 Tòa Hà Nội xét xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Người ngành Luật xử người ngành Luật. Nếu cùng hiểu Luật như nhau thì sao nhỉ?
Tôi nghĩ người ngành Luật chắc phải hiểu Luật như nhau. Vì Luật chỉ có Một.
Và nếu người xử đúng Luật thì người kia sai Luật. Ngược lại, người bị xử đúng Luật thì người xử sai Luật.
Nhưng phiên Tòa đang bắt đầu. Và tôi muốn gửi một niềm hy vọng tới cả 2: Cùng hiểu Luật như nhau.
Phải nói ngay rằng, cái vụ đưa Ts. luật Cù Huy Hà Vũ ra Tòa quá ư là phức tạp. Phức tạp ở chỗ có nhiều luồng nhận thức và dư luận khác nhau. Công an điều tra, viện Kiểm sát đều khép tội TS. luật Cù Huy Hà Vũ “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Công luận trong nước và quốc tế cũng như gia đình Cù Huy Hà Vũ lại cho rằng anh không phạm Luật.
Theo thông tin được công bố thì có 600 chữ ký trong và ngoài nước vào “Thỉnh nguyện thư” của gia đình bị cáo yêu cầu “giải oan và trả tự do cho Ts. Cù Huy Hà Vũ”, trong đó có cả chữ ký của nhiều tướng lĩnh cao cấp trong quân đội NDVN như Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh… Những vị này tôi đã có dịp gặp, và tôi biết họ rất trung thành với tư tưởng nhân đạo của Bác Hồ (họ mãi mãi là “bộ đội Cụ Hồ”). Và họ có cách nhìn nhận theo đúng quan điểm trung thành của họ. Tôi đã từng gửi niềm tin vào họ (vì tôi cũng từng là “bộ đội Cụ Hồ”), và tôi vẫn còn gửi niềm tin vào họ, những người mãi mãi vì dân vì nước.
Chiều nay, ngồi trò chuyện với một vị Cựu Bộ trưởng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, hiện đang trong ban cố vấn của Chính phủ về “vụ Cù Huy Hà Vũ”, tôi ngạc nhiên nghe ông nói: “Vớ vẩn”. Hai từ “Vớ vẩn” phát ra từ ông như chả cần phải suy nghĩ gì nhiều, hay là ông đã suy nghĩ quá kỹ rồi? Tôi cũng không muốn hỏi gì thêm về ý kiến đó của ông, bởi vì tôi đã chuyển từ trạng thái ngạc nhiên sang trạng thái ngược lại – chả cần ngạc nhiên gì. Bởi với ông, nó là thế – “Vớ vẩn”.
Cũng cần nói thêm, ông Cựu Bộ trưởng là một người rất nổi tiếng, mấy năm trước đã từng được khán giả Truyền hình VN bầu làm nhân vật xuất sắc trong năm.
Tôi hy vọng những nhân vật trên không sai.
Nhưng nếu Tòa kết án Ts. luật Cù Huy Hà Vũ phạm trọng tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, thì, các vị ấy trở thành đồng lõa với bị cáo? Đồng lõa với tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”???
Riêng tôi, thiển nghĩ rằng, dân trí Luật của người dân VN chưa thực sự cao so với các nước tiên tiến về Luật pháp như Đức, Anh hay Mỹ… Tất nhiên, vì lịch sử ngành Luật thì ta phải đi học họ, thậm chí anh học Luật ở Đức thường “tự hào” hơn anh học luật ở Nga. Việc kiện Ủy ban một tỉnh hay kiện Thủ tướng thì ở ta mới chỉ có Cù Huy Hà Vũ làm. Làm vì anh là Ts. luật, anh hiểu là “được phép”. Điều đó làm nhiều người ngỡ ngàng, nhưng cuối cùng lại hiểu ra cái thứ “được phép” ấy. Vậy là dân trí luật được mở. Có thể coi đó là một đóng góp của Cù Huy Hà Vũ cho sự tiến bộ của dân trí luật VN. Đóng góp cho sự tiến bộ, nếu không thưởng cũng nên cám ơn. Những ý kiến của Cù Huy Hà Vũ công dân, dù sai hay đúng cũng nên ghi nhận và suy xét đã, vì nếu chúng ta biết sai đúng cả rồi thi chả cần ai góp ý làm gì. Sự góp ý hay nhận định của cá nhân không bao giờ là của tất cả, và càng không phải là điều kiện tiên quyết để buộc thể chế phải thực hiện khi thể chế có quyền không/chưa chấp nhận nó. Vậy thì gửi một lời Cám ơn cũng không thừa. Bao giờ chúng ta làm được một ứng xử lịch sự với công dân nhiệt tâm với đất nước, lúc đó chúng ta biểu thị một văn hóa trọng thị hay tín phục. Nhưng…
Nhưng nghe nói Ts. luật Cù Huy Hà Vũ trọng tội. Có thể thay đổi một tư duy khác được không? Tôi nghĩ, công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng vẫn còn tiếp diễn, và, chắc chắn tư duy vẫn tiếp tục đổi mới trong quy luật phát triển của xã hội bất phân đông tây ngày nay. Cũng như vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa… rồi chúng ta cũng sẽ phải tiếp tục công khai hóa quan điểm chủ quyền như một hệ trọng của đất nước. Ngay trên mặt báo chính thống gần đây đã thể hiện sự “đổi mới” về vấn đề này.
Cù Huy Hà Vũ cũng đã đặt trọng vấn đề chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa. Coi trọng chủ quyền lãnh thổ đất nước không bao giờ là có tội.
Tôi không nghĩ Ts. luật Cù Huy Hà Vũ hoàn toàn đúng, nhưng cái tinh thần, cái bầu máu nóng của anh với đất nước, với dân chủ thì chả có gì phải nghi ngờ, và chả có gì đáng lo ngại.
Chính vì vậy, cũng như các vị tướng lĩnh hay các nhà lãnh đạo nói trên, tôi muốn gửi một niềm hy vọng nhỏ nhoi tới phiên tòa 4.4 – phiên tòa Cù Huy Hà Vũ.
Hà Nội, trước phiên tòa CHHV, 3.4.2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét