Bản chất ‘Bá quyền’ của Trung Quốc
Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-05-29
Việt Nam hôm 29 tháng 5 lặp lại cáo giác Trung Quốc vi phạm lãnh hải, gây căng thẳng tại Biển Đông.
Gia Minh phỏng vấn thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc hồi năm 1974 đến năm 1989, về tình hình liên quan. Trước hết tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có ý kiến:
Cậy lớn hiếp bé
TT Nguyễn Trọng Vĩnh: Tôi đã nói lâu rồi, vấn đề này là bản chất bá quyền, bành trướng của Trung Quốc. Họ ‘rình’ cơ hội lại lấn chúng tôi; có khi bắt ngư dân, có khi đánh đắm tàu cá…
Bản chất của họ là nước lớn cậy mạnh, bắt nạt nước nhỏ. Trong khi đó lại vẫn giương cái ‘16 chữ vàng’ và ‘4 tốt’ để lừa phỉnh những người ngây thơ, nhẹ da.
Gia Minh: Dù là ‘bản chất’ như thế nhưng theo ông có những nguyên nhân gì khiến họ lâu nay không bộc lộ rõ ràng ra như hành động như hiện nay?TT Nguyễn Trọng Vĩnh: Tùy lúc thôi, hễ thấy thuận tiện là họ làm. Họ muốn tranh chấp vùng biển của chúng tôi, tranh chấp tài nguyên dưới đáy biển; nên họ thấy chúng tôi làm thì họ phá; thế thôi.
Gia Minh: Vừa rồi sau thượng đỉnh ASEAN, sau đó đến cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN. Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc có đến tham dự. Sau đó, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đến Philippines, và tổng thống Phi cảnh báo sẽ có chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực. Theo ông đó có phải là thực tế không?
Bản chất của họ là nước lớn cậy mạnh, bắt nạt nước nhỏ. Trong khi đó lại vẫn giương cái ‘16 chữ vàng’ và ‘4 tốt’ để lừa phỉnh những người ngây thơ, nhẹ da.TT Nguyễn Trọng Vĩnh
TT Nguyễn Trọng Vĩnh: Gần đây, Trung Quốc có những hành động muốn chia rẽ các nước ASEAN ra. Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ nhiều nên một mặt họ viện trợ để mua chuộc nước này, nước khác. Vừa rồi họ cũng đi thăm nước này, nước khác.
Trung Quốc xưa nay chỉ muốn đàm phán song phương thôi. Họ không muốn đàm phán với cả khối ASEAN. Chiến thuật của họ là ‘bẻ gãy từng chiếc đũa’. Họ ngại các nước ASEAN đoàn kết với nhau, như thế sẽ gây khó cho họ. Nếu đàm phán với cả khối họ sẽ đuối lý.
Khi đàm phán đơn phương họ có thể mua thuộc, đe dọa dễ hơn.
‘Nắn gân Hoa Kỳ’
Gia Minh: Có ý kiến cho rằng gần đây, Hoa Kỳ có lên tiếng về quyền lợi trên tuyến hàng hải tại khu vực Biển Đông; hơn một năm qua Trung Quốc không có những động thái mạnh trong khu vực đó. Nay do Hoa Kỳ phải lo cho những nơi khác như Trung Đông…nên Trung Quốc lại có động thái lấn lướt. Ông nhận định thế nào về ý kiến đó?
TT Nguyễn Trọng Vĩnh: Vấn đề này cũng có hai mặt. Vừa rồi Trung Quốc đi thăm Hoa Kỳ và có bàn bạc với nhau về vấn đề kinh tế. Lợi ích kinh tế hai nước có lệ thuộc nhau: Hoa Kỳ cần Trung Quốc và ngược lại. Tuy họ có mâu thuẫn nhưng thống nhất về mặt lợi ích kinh tế; như thế họ có thể thỏa hiệp nhau. Đó là cách Trung Quốc muốn ‘nắn gân’, muốn thử xem sao.
Gia Minh: Sau vụ việc vừa qua Bộ ngoại giao Việt Nam có lên tiếng; nhưng rồi Trung Quốc cũng phản bác lại về việc thăm dò dầu khí. Theo ông, Việt Nam cần làm gì thêm nữa để bảo vệ quyền lợi, chủ quyền của Việt Nam? TT Nguyễn Trọng Vĩnh: Chúng tôi không muốn đối đầu quân sự với Trung Quốc; nhưng chúng tôi có đầy đủ lý lẽ, chứng cứ lịch sử về chủ quyền của chúng tôi ở Biển Đông và các quần đảo tại đó.
Đáng lẽ chúng tôi phải đưa những chứng cứ đó ra để đấu tranh với họ, vì họ chẳng có chứng cứ gì đâu. Làm thế thứ nhất để cho thấy họ chẳng có lý lẽ gì, thứ hai để thế giới biết thực chất vấn đề là gì. Ai đúng, ai sai. Tôi cho như thế, nhưng rất tiếc lãnh đạo của chúng tôi không làm như thế. Nếu đưa bằng chứng ra công khai, thế giới sẽ hưởng ứng.
Mặt khác theo tôi, chúng tôi phải tăng cường lực lượng hơn nữa để bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của mình.
Đối với vụ việc vừa rồi, nếu như tôi là người nắm quyền, tôi vừa đấu tranh vừa gửi thư tố cáo lên Liên Hiệp Quốc. Lý do vì họ vi phạm luật biển mà Liên Hiệp Quốc ban ra; đồng thời họ vi phạm hải phận chúng tôi và làm việc ‘nước lớn, bắt nạt nước nhỏ’
Ý kiến của tôi hãy để cho dân chúng, báo chí đấu tranh; thế nhưng lãnh đạo không làm thế.TT Nguyễn Trọng Vĩnh
Gia Minh: Mỗi người dân có quyền lên tiếng về vấn đề này; nhưng hồi năm 2007 một số sinh viên và người khác tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì Nhà Nước, cơ quan chức năng bảo họ hãy chờ có biện pháp thích hợp giải quyết. Trước tình hình hiện nay, theo ông có phải nên chờ Nhà Nước và cơ quan chức năng?
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Tôi đã từng lên tiếng nhiều lần. Ý kiến của tôi hãy để cho dân chúng, báo chí đấu tranh; thế nhưng lãnh đạo không làm thế. Đó là điều mà tôi không tán thành.
Gia Minh: Cám ơn ông về vấn đề đang rất nóng bỏng tại Việt Nam đó.
Theo dòng thời sự:
- Phản ứng trong nước trước hành động gây hấn của Trung Quốc
- VN cáo buộc TQ làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông
- VN gởi công hàm phản đối TQ tấn công tàu thăm dò dầu khí
- Ngăn cấm đánh cá nay Trung Quốc ngăn chặn Việt Nam khai thác dầu
- Trung Quốc phản hồi phản đối của Việt Nam
- Cuộc chạy đua vũ trang không tránh khỏi ở biển Đông
- Việt Nam không đủ sức bảo vệ ngư dân trên vùng biển chủ quyền
- Mối đe doạ không ngừng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét