Tâm sự gửi đại biểu Quốc hội vừa trúng cử Trương Tấn Sang
Posted on 27/05/2011 by Doi Thoai
Thưa ông Trương Tấn Sang,
Đại biểu Quốc hội vừa trúng cử
Chưa cần đọc danh sách những đại biểu Quốc hội mới, tôi cứ mặc nhiên xác quyết ông là “Đại biểu Quốc hội vừa trúng cử” mà không sợ sai, vì tôi biết chắc điều ấy ngay từ trước khi bầu (ở Việt Nam mình có cái lợi ấy). Điều xác quyết này tuy đúng với tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng ta, song đối với riêng ông, niềm tin ông sẽ trúng cử có một nguyên nhân khác, và đây chính là điều khiến tôi muốn viết bức thư này.
Tất cả những người Việt Nam còn quan tâm đến tình hình nước mình chắc không ai quên lời phát biểu của ông cách đây mấy hôm:
“Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ”! Không nhẽ cứ để mãi như vậy mai kia, người “ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết! Thế đâu “có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi! Một bầy sâu là chết cái đất nước này!…”
Một vị lãnh đạo Đảng hiện nay mà dám nói một câu như thế nhất định người dân chúng tôi phải bầu, kể cả những cử tri đã quen nghĩ “Quốc hội là của Đảng” (còn nói “của dân” thì chỉ là nói xã giao), kể cả những cử tri định bụng sẽ “gạch tuốt”.
Nếu chỉ công nhận trong Đảng có “một số những kẻ thoái hóa biến chất, không làm theo lời dạy của Bác Hồ” thì dân nghe đã quen tai. Nhưng gọi hẳn chúng là “SÂU”, mà CẢ MỘT BẦY SÂU, thì rất khác trước (mặc dù còn phải chờ xem rồi đây có vạch mặt chỉ tên được “đồng chí Sâu” nào không).
Điều thứ hai khiến dân chúng ngạc nhiên là câu “Nghe mà thấy XẤU HỔ”! Suốt mấy chục năm được Đảng dẫn dắt “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” dân chúng chỉ thèm nghe một lời “xấu hổ” từ giới lãnh đạo.
Đi mãi trên đường thắng lợi mà sao hàng đoàn em gái nước Việt phải sang làm nô lệ tình dục, mà nhục nhã là ở… Căm-pu-chia? Hàng đoàn em gái Việt khỏa thân cho mấy thằng “nhăng nhít” nước ngoài kiểm tra mang về làm “vợ thử” cho cả gia đình chúng hoặc chơi chán thì giết quách… Mà đây không phải là những phụ nữ sa đọa gì về tính dục, họ con nhà lành, trong một xã hội tốt đẹp họ phải được hạnh phúc! Tuy ông chưa kể ra, nhưng một khi người lãnh đạo đã dám nói lời xấu hổ, ắt còn nghĩ đến dân, đến những người đang đóng thuế nuôi mình, trong đầu không thể bỏ qua những day dứt như thế phải không thưa ông?
Ông cha ta đã để lại cho giống nòi một “quỹ gen” rất quý nên mới sinh được những người tài như Nghệ sĩ Piano Đặng Thái Sơn, như GS Toán học Ngô Bảo Châu, như Phó thủ tướng Đức người Việt Philipp Rösler… Tiếc rằng khi “nhận vội” những vinh quang ấy về cho mình, ta đã không hề băn khoăn tự hỏi nếu những hạt giống ấy không được nước ngoài vun xới, cứ ở trong nước thì Đặng Thái Sơn liệu có thoát khỏi cái lí lịch “xấu” của người cha Nhân văn Đặng Đình Hưng, Ngô Bảo Châu liệu có được yên thân như Lê Bá Khánh Trình, vì ông Châu sớm muộn gì cũng bị quy là một kẻ “ngộ nhận, tiếp tay cho diễn biến hòa bình”? Khi tiếp nhận những thành tựu ấy, bên cạnh niềm vui, nhà nước phải biết giật mình mà xem lại chính sách của mình đối với những “nguyên khí quốc gia”, có vàng trong nhà mà không biết dùng, người Việt thông minh tài giỏi thế mà sao nền giáo dục bây giờ cứ nát như tương, chẳng có tác phẩm văn học hay điện ảnh nào xứng tầm thời đại?
Trước khi du nhập trào lưu Cộng sản, dẫu còn nằm trong quỹ đạo Thực dân và Phong kiến, cha ông ta vẫn để lại được cho đất nước một “thế hệ vàng”. Nhưng Cách mạng đã tận dụng và bồi đắp thế nào mà gặt hái được một thế hệ “mất gốc hoàn toàn, vong bản tuyệt đối” ? Nếu chưa thấy rõ điều đáng xấu hổ ấy thì ít nhất cũng phải dừng ngay sự bắt bớ, xử tệ với những tiếng nói phản biện trong lĩnh vực bảo vệ đất nước, chống nội xâm tham nhũng, sửa đổi cách cai trị đang mất lòng dân… Chưa nói đến chuyện phân định ai đúng ai sai, ít nhất cũng phải nhận ra cơn “địa chấn xã hội” đang rung chuyển, thấy xã hội đang rất cần “những phút tĩnh tâm” để cùng nhau rà soát lại cung cách điều hành và dẫn dắt xã hội, vai trò của bất cứ Đảng nào cũng không là gì trước sự tồn vong thịnh suy của đất nước. Còn nếu cứ khăng khăng nhắm mắt lao dốc theo khẩu hiệu “Cách mạng không ngừng” của Lênin thì thưa ông Trương Tấn Sang, bốn chữ Xã hội chủ nghĩa thành “xuống hố cả nút” là điều chắc chắn.
Ta thường nêu cao đặc điểm Văn hóa phương Đông, nên xin thưa Văn hóa phương Đông đặc biệt coi trọng điều liêm sỉ, biết điều sỉ nhục. Dân tộc Nhật Bản, sau Đại chiến 2 biết nỗi nhục của kẻ bạo cuồng phát xít bại trận mà “phẫn chí” bảo nhau tu tỉnh rồi vụt lên thành cường quốc kinh tế thứ nhì đáng nể trọng. Trung Quốc có câu “Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ dã. Bang vô đạo, phú thả quí yên, sỉ dã”, nghĩa là khi nước có đạo lý thì kẻ nào chịu nghèo và chịu hèn phải lấy làm sỉ, nhưng khi nước vô đạo thì những kẻ đã giàu lại sang chính là kẻ đáng sỉ nhục vậy (cái bầy Sâu mà ông đề cập nhất định không biết điều sỉ nhục này dù vẫn luôn mồm viện dẫn Văn hóa phương Đông!).
Một hôm trên tivi, trong lời tâm sự với thày giáo cũ của mình, nhà Toán học Ngô Bảo Châu nói một lời chí lý: “Muốn thành người tử tế, hữu ích trước hết phải là người biết xấu hổ”! Tiêu chuẩn phân định thật đơn giản, rành mạch như toán học. Chỉ dạy tự hào mà không dạy xấu hổ thì con người bị lệch, muốn bay lên mà không xác định được mình đang ở đâu. Khi vận động tranh cử, ông chỉ cần khẳng định “tôi là người biết xấu hổ” là dân tin được một nửa rồi.
Một số Bloggers đã có sáng kiến truy tìm xem điều gì là điển hình cho nỗi QUỐC NHỤC? Các anh em ấy đã tìm thấy cội nguồn sức mạnh của một dân tộc là ở sự biết nhục, biết xấu hổ, trong đó có những ý kiến rằng nỗi Quốc nhục thì có nhiều, nhưng phải tìm ra “nỗi nhục Mẹ” sinh ra các “nỗi nhục Con”, hoặc gợi ý “nỗi nhục lớn nhất là không biết nhục”…, nhưng cuộc trưng cầu ý kiến không thấy kết thúc, vì xúm nhau vào tìm “Quốc hoa” thì được, tìm Quốc nhục là phạm húy chăng? Để cho “cả một bầy Sâu” lũng đoạn xã hội, làm nhục đất nước mà những người tử tế, thậm chí có học mà đành khoanh tay thở dài thì đây là Quốc nhục hay là Quốc vinh?
Lại xin trở về với ấn tượng “một bầy Sâu”. Ai cũng biết câu “Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng với tôi câu ấy gợi một lần trải nghiệm khó quên. Một lần vợ tôi bận việc, tôi xung phong nấu cơm. Tôi chuẩn bị giã cua, gọt mướp, nhặt rau đay tinh tươm. Bữa cơm dọn ra, tôi thầm nghĩ thế nào cũng được vợ khen. Chẳng ngờ khi mở vung nồi canh thì thấy một chú sâu xanh lẹt chết, còn bám chặt vào mặt dưới chiếc vung nồi canh. Tôi chỉ còn biết xin lỗi vợ về sự bất cẩn. Cũng chẳng cần biết con sâu có “can dự” trực tiếp vào nồi canh bên dưới không, nhưng chúng tôi đành đổ phắt cả nồi canh cua đi, ngồi ăn cơm trộn nước mắm, sau này mỗi lần bất giác nhớ lại vẫn ghê cả người. Bây giờ tưởng tượng có một bầy sâu đang sống ngoay ngoảy, con cựa trong nồi, con bò quanh bát thì cơm ngon canh ngọt gì mà nuốt cho được? Tôi tin rằng những người có tâm hồn nhạy cảm, cả một đời sống trong sạch, thiết tha yêu đất nước quê hương, trước những cảnh ghê tởm hiện nay trong xã hội cũng có cảm giác rùng mình như tôi trong bữa cơm có sâu ấy. Nhiều người tâm đắc với bài thơ “Tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt” của nhà thơ Bùi Minh Quốc là vì vậy.
Chúng tôi tin là ông có quyết tâm trừ Sâu, nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên… tử” phải không thưa ông? Thiên tử (con Trời) là Vua, bây giờ là Vua tập thể, trong tập thể Vua ấy có những ai thuộc họ nhà Sâu?
Sâu bọ đã nảy sinh từ lâu, trước ông đã nhiều người đã muốn diệt trừ chúng mà chịu bó tay. Hãy ví dụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông có thể còn điều này điều kia đáng trách, nhưng ai cũng biết ông không hề dính vào bọn “Sâu”, không cho con sang Mỹ, không có đô la gửi Thụy Sĩ, không đưa con vào ngôi vị cao…, nghĩa là ông rất có tư cách để khai chiến với lũ Sâu mà còn bất lực than thở: Sâu từ vai trở xuống thì may còn trị được, chứ Sâu từ vai trở lên đỉnh đầu thì đành xin hàng!
Có vị Bộ trưởng bị đem kiểm điểm đã thú thật: Tôi có lỗi, nhưng đồng chí khác có lên thay thì cũng thế thôi. Cái “cơ chế của ta” nó thế.
Phó thủ tướng người xứ Nghệ thì nói huỵch toẹt cho dễ hiểu: Cứ “chặt chém” (chém sâu) thẳng tay thì bầu cũng không kịp (tức là người số tử tế bổ sung vào không thể nhiều bằng số Sâu sinh ra), thế thì Quốc hội kỳ này có bầu được toàn những “người đủ tài đủ đức”, thì chiểu theo nhận định của ông Sinh Hùng, số “tài đức” ấy cũng chỉ làm cho đội ngũ của “bầy sâu” được đông đảo thêm mà thôi.
Chấp nhận như vậy thì trừng trị cũng vô ích thật, “tốc độ tăng trưởng” của bầy sâu bao giờ cũng cao hơn cùng kỳ khóa trước! Để củng cố thêm cho nhận định sắc như dao của ông Sinh Hùng, Bộ Chính trị cũng nói thẳng là trong vụ thất thoát 84.000 tỷ đồng của Vinashin chưa thấy có ai đáng phải kỷ luật cả. Thế là rất rõ, xin quán triệt.
Cứ với “tốc độ tăng trưởng” của bầy Sâu như vậy thì chẳng mấy chốc mối lo ngại“như vậy mai kia, người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết” e dễ thành hiện thực lắm. Và khi ấy điều lo lắng tiếp theo của ông “Một bầy sâu là chết cái đất nước này”cũng thành hiện thực nốt. Rất rõ, “chết” theo cả nghĩa đen.
Dân chúng tán thưởng lời phát biểu có nét mới của ông nhưng cũng thoáng thấy trong quyết tâm có phảng phất chút gì lo ngại cho tương lai, biết đâu “mai kia tất cả thành sâu hết”…. Khó thế, đến nhân vật thứ nhì trong hệ thống quyền lực (là nói thứ nhì trong Bộ Chính trị, chứ Quốc hội thì quyền lực nỗi gì) còn không trị được Sâu, thì Sâu phải bự phải mạnh hơn “ông thứ nhì” này? Vậy nó là ai hoặc những ai?
Nếu những kẻ gây hại chỉ là Sâu thì cớ sao không diệt được? Sâu ấy phải có tiền mua được tay chân, phải có quyền bắt người vào tù, phải chiếu được hào quang làm người dân lóe mắt, phải biết ngụy trang lúc ẩn lúc hiện, lúc là thánh thiện lúc là ma cô…, chắc phải như vậy thì con người mới phải sợ Sâu, đến nỗi người có quyền lực nhất nhì cũng chịu bó tay.
Thưa ông Trương Tấn Sang, vì cảm được nỗi khó khăn, lắt léo, ma quái trong cuộc trừ Sâu nên trong một bài thơ tôi đã phải gọi con “Sâu bự” ấy là con “QUỶ SỨ” tai ác nằm trong đống rơm, ai cũng trông thấy mà vẫn như không thấy gì cả, cả xã hội cứ chơi hoài một trò Ú tim. Bài thơ làm đã hơn 20 năm nay, mà lúc ấy còn đăng được trên một tờ báo của ngành Tư Pháp.
Xin đưa lại bài thơ này để ông đọc cho vui, như lời chia sẻ có ý nghĩa nhất của tôi với vị đại biểu Quốc hội vừa trúng cử Trương Tấn Sang, người có lời phát biểu đầy ấn tượng, hợp lòng dân hiếm thấy. Tuy thấu hiểu khó khăn, nhưng tôi cũng học nhạc sĩ Tô Hải, thêm một lần hy vọng, vì dẫu sao “đề án diệt sâu” của ông vẫn còn để ngỏ, hiệu quả ở phía trước còn tùy thuộc nơi biện pháp và bản lĩnh của tác giả, tùy thuộc quyết tâm và sự gắn bó với nhân dân.
Trước khi dừng bút xin gửi ông một lời hy vọng chân thành.
Kính thư
Đà Lạt 24-5-2011
H. S. P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét