Tổng thống Obama kết thúc công du Châu Âu
Vân Anh, thông tín viên RFA, Ba Lan
2011-05-30
Tuần rồi, Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama có chuyến công du Châu Âu đến Ireland, Anh Quốc, Pháp và Ba Lan.
Thông tín viên Vân Anh của Đài chúng tôi có tường trình về cuộc đến thăm Ba Lan vừa qua của người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ.
Chuyến công tác Châu Âu của Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ vừa kết thúc chiều thứ 7, 28 tháng 5 sau 2 ngày làm việc tại Ba Lan.
Chặng dừng chân cuối, sau các họp bàn tại Anh quốc và Hội nghị G8 tại Pháp cho phép Tổng thống Barack Obama hâm nóng quan hệ với Ba Lan đồng thời tham dự phiên họp Thượng đỉnh lần thứ 17 giữa 20 nguyên thủ quốc gia các nước Đông-Trung Âu diễn ra cùng thời điểm tại Ba Lan.
Cùng xây dân chủ, cùng chống độc tài
Con đường Ba Lan đã qua là niềm thổn thức của nhiều quốc gia chưa dân chủ.TT Barack Obama
Barack Obama một lần nữa khẳng định vai trò chiến lược của Ba Lan, vốn là đồng minh trung thành với Mỹ trên chiến trường Afganistan và Iraq với tư cách thành viên NATO. Điểm nhấn được Tổng thống Mỹ tô đậm là vai trò không bị lãng quên của Ba Lan trong quá trình xây dựng nhà nước dân chủ sau nhiều năm đèn ép bởi độc tài toàn trị mà nay có thể là “kinh nghiệm quý giá” cho các nước Bắc Phi, Ả-Rập mới qua cách mạng hoa nhài.
Công Đoàn Độc Lập – Tự Chủ „Đoàn Kết” và thành công của nó được Tổng thống Barack Obama nói tới thay cho cử chỉ dành cảm tình của dư luận Ba Lan, vừa khẳng định giá trị biểu tượng cho nước Mỹ là tự do và dân chủ.
Tổng thống Mỹ ghi nhận các lãnh đạo Ba Lan “đã vượt lên trên các tình cảm tiêu cực trước kẻ thù để xây dựng nền dân chủ đã đi những bước dài xuốt hơn 20 năm qua”.
Tổng thống và thủ tướng Ba Lan đều kết thúc các cuộc họp báo với nguyên thủ quốc gia Mỹ bằng các khẳng định đồng thuận trong thái độ với nhà nước độc tài mà cụ thể là Bạch Nga hiện đang giam giữ nhiều tù nhân chính trị và một nhà báo nước ngoài từ Ba Lan.
Tổng thống Mỹ nói “con đường Ba Lan đã qua là niềm thổn thức của nhiều quốc gia chưa dân chủ”.
Trong các cuộc trao đổi song phương Ba Lan và Mỹ đã cụ thể hơn trong các mảng kinh tế với những hứa hẹn hợp tác trong đó có cơ hội đầu tư vào năng lượng chưa từng khai thác tại Ba Lan: khí đá phiến (shale gas).
Trong khi trông chờ Mỹ đầu tư kỹ thuật khai thác loại khí đốt mới khám phá này, Ba Lan có khả năng làm chủ năng lượng tại Châu Âu với tiềm năng cung cấp khí đốt cho châu lục trong vòng 300 năm – theo tính toán ban đầu.Cùng với chủ đề lá chắn hạt nhân được hâm nóng, chủ đề năng lượng được bàn thảo tại Ba Lan khiến Tổng thống Mỹ đôi lần trấn an Nga qua các tuyên bố “Mỹ cũng đã cải thiện quan hệ với Nga” và đã đạt được các “trao đổi thật thụ” với nước Nga đã có vị thế thay đổi trên chính trường quốc tế.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ kết thúc sau hơn 17 giờ đồng hồ đặt chân tới đất nước Đông Âu lịch sử với điểm dừng chân cuối cùng là cuộc viếng bia tưởng niệm và gặp gỡ một số gia đình nạn nhân tai họa phi cơ tại Smolensk – Nga, nơi 96 lãnh đạo quốc gia cùng Tổng thống và phu nhân Ba Lan tử nạn tháng Tư năm ngoái.
Với vai trò chủ tịch Liên Minh Châu Âu của Ba Lan kể từ tháng 7 tới đây, chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Mỹ cũng là cử chỉ siết chặt quan hệ với khối đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trên chính trường thế giới.
Nếu đặt lên bàn cân, chuyến công tác của Tổng thống Mỹ tại Ba Lan có thể nặng cả về các mảng thực dụng như Mỹ mong muốn và củng cố được cho cả các biểu tượng tự do, dân chủ như thế giới vẫn trông chờ từ người Mỹ.
Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét