8.5.11

Việt Nam tuần qua


Việt Nam tuần qua

Biểu tình ở Điện Biên, công an tra tấn người như thời Trung Cổ, nhà thơ được giải thưởng quốc tế bị công an chận bắt ở phi trường; là những đề tài thời sự đáng chú ý tại Việt Nam tuần này.

RFA
Đồng bào Hmong bán củi (ảnh minh họa) RFA

Biểu tình ở Điện Biên

Cuộc biểu tình của người Hmong diễn ra trước kỷ niệm 57 năm ngày chiến thắng Điện Biên 07/05/1954 tại tỉnh miền núi phía Bắc, giáp giới Lào và Trung Quốc.
Hàng ngàn người Hmong biểu tình đòi quyền được thành lập vùng tự trị và quyền tự do tôn giáo.
Theo tin của các hãng thông tấn quốc tế AP và AFP, một số vụ xô xát nhỏ đã xảy ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh địa phương, buộc quân đội phải can thiệp để tránh không cho bạo động lan rộng.

Một quan chức địa phương ở huyện Mường Nhé, cách thị xã Điện Biên khoảng 200 km về phía tây bắc, đã xác định tin này với Đài chúng tôi:
“Nhiều lần rồi, bình thường thôi mà. Thỉnh thoảng người ta kiện đất đai nên tụ tập đông người đó mà. Nói là tập trung đông người chứ không phải biểu tình. Thôi tôi không nắm rõ lắm đâu…”
Theo nguồn tin quân sự của AFP, chính quyền địa phương đã bắt giữ một số người biểu tình.
Theo nhận định của AFP, có lẽ đây là cuộc biểu tình phản đối chính quyền nghiêm trọng nhất của các sắc dân thiểu số tại Việt Nam từ sau phong trào nổi dậy rầm rộ trong hai năm 2001 và 2004 của người Thượng ở Tây Nguyên.

Dân oan bị đánh đập nhục mạ

cong-an-danh-phu-nu-250.jpg
Một cảnh công an, dân phòng đàn áp phụ nữ. Photo of nuvuongcongly.
Về xã hội, trước những uất ức kéo dài hàng năm trời, nhiều dân oan tại Việt Nam mới đây đã đồng loạt lên tiếng tố cáo tình trạng công an tra tấn, đánh đập họ khi những người dân này lên tiếng đòi chính quyền giải quyết những oan ức của họ.
Trả lời phóng viên Đỗ Hiếu của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu, một phụ nữ ở Bắc Giang kể lại:
“Em không nghĩ là chúng nó tổ chức đánh em. Em đi đến giữa cái bờ ruộng thì cái Nguyễn Thị Xiềng giật tóc và kéo cổ áo làm em ngã xuống, thì Lý Thị Phúc Liên ngay trước mặt em rồi, nó chạy đến nó giẫm đạp em, đá em. Em mới kêu cứu, bảo là “Giời ơi, cứu tôi với! Làng xóm ơi, cứu tôi với!” Thì Nguyễn Thị Xiềng bảo là “Không ai cứu mày đâu.”
Nó cầm cái khăn đội đầu của em nhét vào mồm em, không cho em kêu nữa. Nó túm hai tay em lại, với cái đầu tóc em nó túm lại, em còn mỗi hai cái chân. Lý Thị Phúc Liên nó đạp, nó đá em chán rồi nó mới lột quần em ra, nó gọi Hà Thị Xoài, chị dâu nó, là vợ Lý Văn Bảy: “Chị Xoài đem ớt xuống.” Em thấy nó đem ớt xuống thì nó mới đổ ra tay nó thì em còn hai chân em đạp vào tay nó thì nó tuôn hết lên người em.
Xong rồi nó khóa hai chân em vào không cho hai chân em đạp được nữa. Nó lại đổ ớt ra hai tay nó nữa và nhét vào bộ phận sinh dục của em. Còn số tiền hai triệu linh tám nghìn đồng ở trong túi em nó lấy tất. Thì em nhổm dậy, em ngồi được dậy em không thấy tiền ở đâu rồi.
Thế thì lúc ấy có bà Lùng cầm cái liềm xuống cắt cỏ bảo là không biết ai làm gì ở đây. Nó thấy bà Lùng xuống cách chỗ em hai chục mét thôi, nó bỏ về. Còn cô giáo Lư cách khoảng ba bốn trăm mét thấy như thế thì bà ấy bảo lên can. Bà Nguyễn Thị Ba là mẹ Lý Văn Bảy, bà đứng ở bờ ao của Nguyễn Thị Xiềng bả canh ở đấy, nếu mà ai xuống can là không cho can. Khi cô giáo Lư bảo lên can thì bà ấy bảo là “Cái chuyện đấy không phải chuyện của cô. Cô miễn tham gia”.
Thế bà Lư bà ấy sợ bà quảy quang gánh, bà không cắt cỏ ở đấy nữa, bà quảy quang gánh bà ấy về bên dưới đồng bà ấy cắt.”


Chị Hoàng Thị Xây không phải là dân oan đầu tiên và duy nhất bị công an đánh đập, nhục mạ như vậy. Theo tố cáo của người dân, khắp nơi từ Nam chí Bắc, từ Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Biên Hòa cho đến Bình Định, Nam, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội, cảnh công an tra tấn, đánh đập dân chúng vẫn diễn ra hàng ngày.

Nhà thơ Bùi Chát bị bắt

bui-chat-250.jpg
Từ trái sang: Giám đốc IPA Youngsuk “Y.S.” Chi, Thị trưởng Mauricio Macri, và Bùi Chát tại lễ trao giải Tự Do Xuất Bản năm 2011 ở Buenos Aires hôm 25-4-2011. Courtesy tạp chí Da Màu.
Trong lĩnh vực văn hóa, Việt Nam tuần qua ghi nhận sự kiện nhà thơ Bùi Chát sau khi sang Argentina nhận giải thưởng tự do xuất bản trở về đã bị công an chận bắt ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do vào lúc khoảng 10 giờ tối thứ Bảy 30-4, Bùi Chát cho biết ông còn đang bị giữ ở khu vực kiểm tra của hải quan sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi nhận được tin đó, vào ngày 1 tháng 5, 1IPA đã ra thông cáo báo chí yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho ông Bùi Chát.
Ông Bùi Chát, tên thật là Bùi Quang Viễn, sinh năm 1979. Ông cùng một số người đồng chí hướng đã sáng lập ra nhà xuất bản tự do mang tên Giấy Vụn, bắt đầu hoạt động từ năm 2002.
Mục đích của nhà xuất bản Giấy Vụn là xuất bản những tác phẩm cuả những nhà văn không chấp nhận sự kiểm duyệt cuả cơ quan nhà nước.
Nhờ vào những nỗ lực trong lĩnh vực xuất bản tự do đó, ông được Hiệp hội Các nhà Xuất bản Quốc tế, IPA, trao giải Tự do Xuất bản năm 2011.

Chuyển sang vòi tình

news.go.vn-200.jpg
Chị Tuyền và di ảnh chồng. Photo courtesy of news.go.vn
Và cuối cùng, thưa quý khán thính giả lại thêm một vụ gạ tình gây xôn xao dự luận Việt Nam.
Sau thầy giáo, hiệu trưởng, Chủ tịch tỉnh, cán bộ quản lý thị trường… nay đến lượt công an gạ tình vợ nạn nhân.
Chuyện xảy ra tại Bình Dương, sau khi anh Nguyễn Công Nhựt bị công an bắt giữ, một thiếu tá công an đã gọi điện thoại cho vợ anh Nhựt để gợi ý chạy án cho chồng, bằng chính thân xác của người vợ.
Cùng với những thông tin chung quanh cuốn băng audio công an gạ tình, vụ án còn khiến công luận thêm căm phẫn khi anh Nguyễn Công Nhựt bị chết một các oan ức trong lúc bị công an giam giữ.
 Nghe đoạn đối thoại giữa Công an và Chị Tuyền


Mặc dù cho tới nay vụ án vẫn chưa được công an tỉnh Bình Dương điều tra đến nơi đến chốn nhưng câu hỏi đang được dư luận đặt ra là tại sao ở Việt Nam bây giờ có quá nhiều những trường hợp công an đánh chết người?
Thêm vào đó, phải chăng những vụ cán bộ gạ tình phổ biến gần đây đã phản ảnh phần nào những ảnh hưởng tiêu cực của phát triển kinh tế tại Việt Nam, khi cán bộ có chức có quyền bây giờ do đời sống đã khá giả hơn, không còn vòi tiền nạn nhân như trước kia nữa, mà đã chuyển sang vòi… tình?

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: