18.6.11

Chấm thi tốt nghiệpTHPT ở ĐBSCL :Thỏa thuận để cho điểm... vô tư!


Chấm thi tốt nghiệpTHPT ở ĐBSCL :Thỏa thuận để cho điểm... vô tư!

Đỗ Thị Lệ (NLĐ) - Để đạt điểm thi môn ngữ văn cao, các chuyên viên bộ môn ngữ văn của 11 sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL đã có cuộc họp vào ngày 5-6 tại TP Cần Thơ, ra “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn ngữ văn”. Thực chất đây là thỏa thuận để “nâng cao chất lượng” bằng cách cho điểm “vô tư”, thoát ly hẳn hướng dẫn chấm thi môn này của Bộ GD-ĐT

Đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn năm nay được dư luận nhận định là hay, phù hợp với phương pháp giảng dạy mới. Nhận được nhiều lời khen nhất chính là câu đầu tiên trong đề thi năm nay. Cụ thể, câu 1 (2,0 điểm) hỏi: “Trong đoạn cuối của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?”. Tuy nhiên, với hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT, nhiều học sinh đã bị mất điểm ở câu 1, mặc dù tổ chấm chúng tôi đã rất cố gắng “đọc hiểu” giùm cho học sinh cũng như vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm thi của bộ. Câu 2 và câu 3 kết quả đạt được cũng không khả quan vì kỹ năng vận dụng kiến thức của học sinh còn hạn chế.

Kết thúc đợt chấm thi, chúng tôi cảm thấy buồn và ray rứt vì kết quả đạt được không như mình mong đợi, nhưng vui vì mình đã đánh giá khách quan thực lực của người học.


“Biên bản thống nhất...” của lãnh đạo bộ môn ngữ văn được lập vào ngày 5-6 tại TP Cần Thơ

Từ bàng hoàng và phẫn nộ...

Giữa lúc chúng tôi đang tự đánh giá, rút kinh nghiệm về cách dạy của mình, một người bạn đã cho chúng tôi “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn ngữ văn” (theo tinh thần cuộc họp triển khai đáp án của 11 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 5-6-2011 tại Cần Thơ). Đọc biên bản này, cảm xúc đầu tiên của chúng tôi là bàng hoàng và phẫn nộ. Làm sao không bàng hoàng và phẫn nộ khi cuộc họp triển khai đáp án thực chất là một cuộc gặp gỡ của các chuyên viên bộ môn ngữ văn với mục đích là thỏa thuận để “nâng cao chất lượng” bằng cách cho điểm “vô tư” bài làm của thí sinh – thoát ly hẳn hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT! Làm sao không bàng hoàng và phẫn nộ khi thỏa thuận này lại là một văn bản phi khoa học đến vậy! Với cách triển khai và vận dụng hướng dẫn chấm thi như thế này, theo tôi, học sinh không cần phải nhớ các chi tiết nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm, không cần phải học cách đọc văn bản tác phẩm văn chương và cũng không cần phải học cách viết một bài văn nghị luận.

Bởi vì, theo biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi từ cuộc họp triển khai đáp án của 11 tỉnh khu vực ĐBSCL ngày 5-6-2011 tại Cần Thơ mà chúng tôi có được, để trả lời cho câu hỏi thứ nhất: “Trong đoạn cuối của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào?”, học sinh thay vì nhớ và tái hiện chính xác các chi tiết: màu hồng hồng của ánh sương mai (0,5 điểm); người đàn bà vùng biển (người đàn bà hàng chài) bước ra từ tấm ảnh (0,5 điểm) thì có thể trả lời đại khái, qua loa vẫn đạt điểm như hướng dẫn chấm của bộ. Cụ thể, biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi tại Cần Thơ triển khai đáp án như sau:

Câu 1:
Những hình ảnh thường hiện lên là :

Ý 1: Học sinh nêu được một trong các ý sau được 0,5 điểm:
- Màu hồng hồng - Ánh sương mai - Chiếc thuyền - Chiếc thuyền lưới vó ở ngoài khơi tiến vào… màu sương mờ…

Ý 2: Nêu được một trong các ý sau cho 0,5 điểm: - Hình ảnh người đàn bà - Người đàn bà hàng chài -lNgười đàn bà trong chiếc thuyền bước ra

Như vậy, học sinh dù trả lời không đầy đủ, không rõ ràng, thậm chí trả lời sai hoàn toàn vẫn đạt điểm tối đa (!) (Đáng lưu ý là các hình ảnh “- Chiếc thuyền” và “- Chiếc thuyền lưới vó ở ngoài khơi tiến vào… màu sương mờ…” là hoàn toàn không có trong đoạn cuối của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu)!

Về ý nghĩa của hình ảnh, theo hướng dẫn chấm thi của bộ, những hình ảnh đó nói lên: chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống (0,5 điểm); hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người (0,5 điểm). Sau này, trong văn bản số 3749/BGDĐT-KTKĐCLGD v/v hướng dẫn bổ sung chấm thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, ký ngày 8-6-2011, theo tinh thần đề mở và đáp án mở, để bảo đảm đúng nguyên tắc chấm thi, đồng thời khuyến khích những sáng tạo của thí sinh trong bài thi, ý 2 của câu 1 được bổ sung như sau:

a) Nếu thí sinh không trả lời trực tiếp, cụ thể như trong đáp án mà nêu được ý tưởng nghệ thuật của tác giả về mối quan hệ giữa nghệ sĩ với hiện thực, nghệ thuật với cuộc sống: có thể cho từ 0,5 điểm trở lên, với điều kiện tổng số điểm cho ý này không quá 1,0 điểm.

b) Nếu thí sinh phân tích kỹ và sâu sắc ý đã nêu: Có thể cho tới tối đa 1,0 điểm, với điều kiện tổng số điểm cho ý này không quá 1,0 điểm”.

Trong khi đó, biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi từ cuộc họp triển khai đáp án của 11 tỉnh khu vực ĐBSCL ngày 5-6-2011 tại Cần Thơ, thống nhất cho điểm ý 2 của câu 1 là:

Ý 3: Nêu được một trong các ý sau cho 0,5 điểm: - Chất thơ hoặc lãng mạn, vẻ đẹp nghệ thuật - Biểu tượng nghệ thuật…

Ý 4: Nêu được một trong các ý sau cho 0,5 điểm: - Hiện thực về số phận lam lũ hoặc khốn khó… - Bức tranh đời sống hoặc hiện thực…

Ngoài ra, với ý 3 và ý 4, học sinh có thể nêu một trong các ý sau cho 1,0 điểm: - Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống - Cái nhìn đa chiều, toàn diện

Lưu ý:
- Không trừ điểm khi học sinh nêu dư ý trong bài làm - Không tính lỗi chính tả -lKhông yêu cầu viết thành đoạn văn”.

Mặt khác, một số chi tiết, theo thiển nghĩ của tôi, cũng chưa hẳn chính xác. Chẳng hạn, về ý nghĩa của hình ảnh “màu hồng hồng của ánh sương mai”, thay vì câu trả lời đúng là “chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống” thì biên bản thống nhất hướng dẫn chấm của 11 tỉnh khu vực ĐBSCL lại nêu là “Chất thơ hoặc lãng mạn, vẻ đẹp nghệ thuật”.

Phải chăng để có niềm vui trọn vẹn mà đối với câu 2 trong đề thi (3,0 điểm - tạo lập văn bản nghị luận xã hội), biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi của 11 tỉnh khu vực ĐBSCL cũng đã có những triển khai hết sức vô lý. Theo đó, câu 2, chỉ cần “Học sinh nắm vững kỹ năng làm văn, bố cục có 3 phần : MB - TB - KB (mở bài – thân bài – kết bài – ghi chú của tòa soạn), nội dung dù có sơ sài cho tối thiểu: 1,5 điểm” hay “Học sinh trình bày theo hướng lập thân, lập nghiệp trong tương lai (hợp lý) thì tối đa: 2,0 điểm”. Từ hướng dẫn chấm này, việc giảng dạy của giáo viên sẽ rất nhẹ nhàng, bởi vì các em viết lạc đề vẫn đạt 2 điểm, hay nội dung bài viết có sơ sài đi nữa thì các em vẫn đạt hơn 1,5 điểm!

.... đến kinh hoàng!

Theo một giáo viên dạy môn ngữ văn ở tỉnh Tiền Giang, năm nay chỉ có 73% thí sinh ở tỉnh này đạt điểm trung bình môn này. Nếu chấm theo “Biên bản thống nhất...” của 11 tỉnh ĐBSCL thì 100% thí sinh tỉnh Tiền Giang sẽ đạt điểm trung bình môn ngữ văn.

Phần hướng dẫn chấm câu 3 (5,0 điểm - tạo lập văn bản nghị luận văn học) càng kinh hoàng hơn. Về mặt lý thuyết, để viết được một bài văn nghị luận về một đoạn thơ, học sinh phải có năng lực cảm nhận, phải biết phương pháp phân tích một đoạn thơ. Học sinh phải biết cách phân tích một hình tượng nhân vật... Và, bài viết đạt điểm tốt, cần phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức. Tuy nhiên, khi đọc biên bản thống nhất nêu trên, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. So với hướng dẫn chấm của bộ thì hướng dẫn chấm của 11 tỉnh khu vực ĐBSCL đã “mở rộng đến vô cực”. Xin trích dẫn dưới đây:

Câu 3a: Thống nhất với hướng dẫn chấm, song giám khảo cần thống nhất các tình huống sau đây:
- Về kỹ năng, bài đủ 3 phần: MB - TB - KB, nội dung không đầy đủ → cho ít nhất: 2,0 điểm.
- Về nội dung: Bức tranh thiên nhiên nêu được ý hùng vĩ, thơ mộng → cho trọn: 1,5 điểm.
- Về nghệ thuật:
+ Nêu được một vài ý về nghệ thuật (không cần nêu triệt để): 1,0 điểm
+ Không nêu được nghệ thuật: trừ 1,0 điểm.
- Phân tích nội dung và nêu được một vài ý nghệ thuật: vẫn được trọn 4,0 điểm.
- Phân tích nội dung trước rồi mới nêu nghệ thuật sau: chỉ cho tối đa 4,5 điểm.
- Diễn xuôi đoạn thơ: cho từ 2,5 - 3,0 điểm
- Đánh giá chung hoặc kết luận: vẫn cho 0,5 điểm…

Câu 3b: Thống nhất với hướng dẫn chấm, song giám khảo cần thống nhất các tình huống sau đây:
- Về kỹ năng, bài đủ 3 phần: MB - TB - KB, nội dung không đầy đủ → cho ít nhất: 2,0 điểm.
- Phân tích nhân vật, đôi chỗ còn hạn chế (kể chuyện): tối thiểu 3,5 điểm.
- Bài làm sa vào kể lể, nặng về tóm tắt truyện hay hoàn toàn tóm tắt cốt truyện: tối đa 2 điểm…”.

Như vậy, cuộc họp triển khai đáp án của 11 tỉnh khu vực ĐBSCL ngày 5-6-2011 tại Cần Thơ đã gần như thoát ly hướng dẫn chấm của bộ. Nếu như tỉnh, thành nào cũng có những bước đi “đột biến” như vậy thì đâu cần hướng dẫn chấm thi thống nhất của bộ! Điều này cũng có nghĩa là học sinh không cần phải lo lắng khi đi thi môn ngữ văn vì chỉ cần các em “biết gì viết nấy”, đừng bỏ giấy trắng, cứ viết đầy trang thì thế nào cũng có điểm, thậm chí còn có điểm tốt, vì đã có thầy cô “đãi cát tìm văn” giúp các em. Vậy là với cách làm này, trò có điểm tốt, thầy có học sinh đỗ cao, trường đạt được thành tích đề ra!

Vì sao và tại sao?

Khi đọc hướng dẫn chấm này, chúng tôi không khỏi băn khoăn. Một biên bản thỏa thuận phi khoa học như thế này mà cũng được xem là “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi...” cho một kỳ thi cấp quốc gia sao? Với một biên bản triển khai và thống nhất hướng dẫn chấm như thế, khi xem kết quả trên bảng điểm của thí sinh, những giáo viên giảng dạy môn ngữ văn sẽ nghĩ gì? Họ có vui và hạnh phúc trước những số điểm được “ban phát” từ tình thương và tấm lòng nhân hậu của các chuyên viên bộ môn ngữ văn của các tỉnh, của các giám khảo, trong đó có bản thân mình? Và các em học sinh, các em có vui vì đạt được kết quả tuyệt vời như thế này?

Do đâu lại có cuộc họp triển khai đáp án của 11 tỉnh khu vực ĐBSCL ngày 5-6-2011 tại Cần Thơ? Và còn các khu vực khác, có hay không những cuộc họp “triển khai” đáp án giữa những tỉnh, TP được phân công chấm chéo lẫn nhau? Rõ ràng với cách tổ chức kiểm tra đánh giá như thế này, những trăn trở, ưu tư của giáo viên khi vận dụng hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng; vận dụng cách đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng; việc cập nhật kiến thức, cải tiến phương pháp dạy học sẽ chẳng còn ý nghĩa gì!

ĐỖ THỊ LÊ (Giáo viên Trường THPT chuyên Tiền Giang)

. Bookmark the permalink.

8 Responses to Chấm thi tốt nghiệpTHPT ở ĐBSCL :Thỏa thuận để cho điểm... vô tư!

  1. Dân Đen ít Học says:
    Cách chấm điểm ma giáo như vậy, không loại trừ với nhiều môn thi tự luận khác cũng được các hội đồng chấm thi tại các địa phương khác "mở rộng đáp án" đến vô cực; mới giúp cho kỳ thi tốt nghiệp Quốc gia vừa qua trở thành một trò hề chữ nghĩa, giúp cho báo cáo thành tích các trường, các tỉnh-thành được "đẹp"; và là tín hiệu of sự đi xuống thảm hại đối với nền giáo dục giả trá này.
  2. Nặc danh says:
    GIÁO DỤC VIỆT NAM THỜI XHCN ĐANG QUẰN QUẠI TRONG VŨNG LẦY TUYỆT VỌNG!
  3. Nặc danh says:
    Bản chất của cộng sản là thùng rỗng kêu to, học dốt mà thằng nào cũng đầy ắp bằng thạc sỹ ,tiến sỹ, bây giờ chúng nó cũng muốn chạy theo thành tích ảo để mị dân , làm vừa lòng cha mẹ học sinh, như vậy cũng cố được chế độ ngày nào hay ngày đó. Chế độ CS sắp giẫy chết.
  4. Nặc danh says:
    Không có gì ngạc nhiên, đó là biểu hiện của một chế độ gian dối lừa bịp từ trước tới nay.
  5. NGƯỜI COI THI says:
    NGUYÊN NHÂN CHÍNH LÀ ĐỀ THI MÔN TOÁN QUÁ DỄ, HỌC SINH TRUNG BÌNH LÀM BÀI KHOẢNG 60 PHÚT LÀ XONG, TRONG LHI THỜI GIAN QUI ĐỊNH LÀ 150 PHÚT

    Những tỉ lệ đẹp

    Từ 39,7% lên 100%

    Ngày 17-6, Sở GD-ĐT Quảng Nam công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Theo đó, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Quảng Nam là 97,8%, tăng hơn 3% so với năm 2010. Lần đầu tiên Quảng Nam có đến 16 trường THPT (trong tổng số 44 trường) đậu tốt nghiệp 100%. Trong số này, đáng chú ý là Trường THPT Nam Trà My của huyện miền núi Nam Trà My. Với hầu hết học sinh là người dân tộc thiểu số và nhiều năm trước đều có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất tỉnh (8,7% năm 2008, 18% năm 2009, 39,7% năm 2010), nhưng năm nay trường đã đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Đối với giáo dục thường xuyên, tỉ lệ tốt nghiệp là 96,33%, tăng 38,47% so với năm 2010, trong đó có ba trung tâm đậu tốt nghiệp 100%. (X.Phú)

    Năm nay, TP.HCM có 34 trường đạt tỉ lệ đậu tốt nghiệp 100%, tăng hơn nhiều so với con số 22 trường trong năm 2010. Tương tự, thông tin từ sở GD-ĐT các tỉnh thành Tiền Giang, Cà Mau, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ... cho biết tỉ lệ tốt nghiệp của các tỉnh thành này đều đạt từ 90% trở lên. Kết quả này cho thấy năm nay là một năm thu kết quả “đẹp” với hầu hết các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

    Trong đó, lần đầu tiên nhiều địa phương đã chạm đến mốc tỉ lệ 90%, thậm chí xấp xỉ 98%. Riêng tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên còn được “cải thiện” đáng kể hơn. Cụ thể ở Tây Ninh, tỉ lệ tốt nghiệp 56,4%, trong khi năm 2010 chỉ 25,41%. Tỉ lệ này ở Đồng Tháp 81,9%, Cà Mau trên 83%.

    Đặc biệt, nhìn lại lộ trình ba năm qua, nhiều địa phương đã có những “cú nhảy” ngoạn mục. Năm 2009, nhiều người dân Hà Tĩnh xôn xao vì kết quả tốt nghiệp của tỉnh tụt xuống còn 74% hệ THPT và 22% hệ giáo dục thường xuyên. Năm nay Hà Tĩnh có tỉ lệ đậu tốt nghiệp lên đến 99,14% ở hệ THPT và 97,61% ở hệ giáo dục thường xuyên.

    Các tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn trong các năm trước đều đứng cuối bảng xếp hạng về tỉ lệ đậu tốt nghiệp, thì năm nay tỉ lệ đậu cũng ở mức cao. Bắc Kạn năm 2010 tỉ lệ đậu tốt nghiệp khoảng 70% THPT và 50% giáo dục thường xuyên thì năm nay là 91,78% ở hệ THPT (chưa tính thí sinh tự do) và 88,86% hệ giáo dục thường xuyên.

    Tỉnh Sơn La từ chỗ đứng cuối bảng xếp hạng năm 2009 với 39% đậu tốt nghiệp, năm 2010 vọt lên 91% và năm nay là 97% ở hệ THPT và 98% ở hệ giáo dục thường xuyên. Ở những tỉnh thành có điều kiện thuận lợi, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay đều ở mức xấp xỉ 100%. Đơn cử như Ninh Bình 99,8% hệ THPT và 99,87% hệ giáo dục thường xuyên, Bắc Giang 99,37% hệ THPT và 99,63% hệ giáo dục thường xuyên, Hưng Yên 97,05% hệ THPT và 98,05% hệ giáo dục thường xuyên...
  6. Con cái chúng ta ai cũng giỏi hết các bạn không muốn hay sao?
  7. Nặc danh says:
    cháu nói thật các pác chứ cái đề thi tốt nghiệp nó còn dễ hơn cái đề kiểm tra 1 tiết của lớp cháu nữa.cháu nhớ năm 2008 thi TN, toán thời gian hình như là 120' hay 150' gì đó- cháu không nhớ rõ.hjc,cháu chỉ làm 65' xong ngồi chơi tới hết giờ.kết quả cháu và gần cả lớp 10đ tròn.cháu không bịa chuyện để nói đâu
  8. Nặc danh says:
    không còn gì để nói với xã hội thối nát này nữa!

Leave a Reply

Không có nhận xét nào: