Giai cấp mới
Nói chung, xã hội nào cũng có hai giai cấp: Thống trị và bị trị. Một cách cụ thể, đó là những người cầm quyền cai trị (thống trị) và những người bị cai trị (những người không có quyền hành gì hết).
Mỗi giai cấp, không chỉ thuần những người cầm quyền mà thôi. Những người cầm quyền có những quyền lợi liên hệ với nhau mà còn bao gồm luôn cả những người tuy không cầm quyền, nhưng có quyền lợi liên hệ đến những người cầm quyền, hay quyền lợi của họ có liên hệ, có khi rất chặt chẽ cùng với nhau.
Dĩ nhiên, để bảo vệ quyền lợi của chính mình, hay bảo vệ quyền lợi của những người có liên hệ đến người cầm quyền, thì người ta đặt ra những luật lệ, những biện pháp, thậm chí cả hiến pháp để giành độc quyền cai trị và bóc lột người bị thống trị.
Có thể xem một vài ví dụ:
- Để bảo vệ “quyền lợi của đảng” hay nói đúng hơn là quyền lợi của đảng viên, hay người ta còn gọi là “giai cấp đảng viên” thì phải có cái gọi là “Điều 4 hiến pháp”. Ai cũng biết đó là điều khoản trong hiến pháp, dành cho đảng Cộng Sản Việt Nam nhiều độc quyền:
- Độc quyền hoạt động. Nghĩa là ở Việt Nam không thể có một đảng chính trị nào khác ngoài đảng Cộng Sản.
- Độc quyền hoạt động đưa tới độc quyền cai trị. Không có đảng phai nào cùng cầm quyền, tranh quyền, bất hợp pháp hay hợp pháp, với đảng Cộng Sản VN.
Khi độc quyền cai trị, đảng CSVN đặt ra những luật lệ để bảo vệ quyền lợi của đảng hay quyền lợi “giai cấp đảng viên” hay cho chính đảng viên.
Ví dụ: Ngân sách quốc gia, tài sản quốc gia, kinh tế tài chánh quốc gia được dùng để phục vụ đảng, “giai cấp đảng viên” hay cho chính đảng viên.
Ngân sách quốc gia không thể có điều khoản nào dành cho đảng xử dụng. Nói rõ hơn là đảng viên, nếu không làm việc cho chính phủ, chính quyền thì không được lảnh lương do “nhà nước” trả. Lương trả cho người làm việc cho chính quyền, không phải trả cho đảng viên.
Đảng Cộng Sản muốn có cơ sở để sinh hoạt, hoạt động, muốn có phương tiện di chuyển, v.v… phải tự lo liệu lấy, không thể lấy công ốc, xe cộ, tàu bè, giao cho đảng hay đảng viên xử dụng. Các phương tiên kinh doanh, thuộc quốc doanh hoặc tư doanh. Các công ty, xí nghiệp quốc doanh không có nghĩa là đảng sở hữu nó hay đảng hưởng lợi do nó đem lại. Nếu đảng có cơ sở kinh doanh, cơ sở đó coi như thuộc về tư nhân, đoàn thể.
Nói cho đúng với thực tế lịch sử, cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam đã giải phóng một số người. Những người được giải phóng là ai, số lượng là bao nhiêu người.
Sau khi “Việt Minh cướp chính quyền” (danh từ thường dùng trong sách báo thời kỳ ấy) năm 1945, ban đầu, vì tình hình chính trị phức tạp, thế lực Cộng Sản Việt Nam (CSVN) còn yếu, các đảng phái Quốc Gia còn nguyên vẹn lực lượng, chưa bị CSVN đánh phá, thủ tiêu, giết chóc… quân Tầu Tưởng chiếm đóng phía Bắc vĩ tuyến 16, quân Pháp theo chân Anh trở lại miền Nam VN, dân chúng Nam bộ đứng lên chống Pháp (Nam bộ Kháng chiến), nên CSVN không dám ngang nhiên tự xưng họ là Cộng Sản. Họ núp dưới chiêu bài “giải phóng dân tộc”, dưới cái áo kháng chiến chống Pháp gọi là Việt Minh và cuộc xung đột giữa Việt Minh và Pháp xảy ra trên toàn bộ đất nước ngày 19 tháng 12 năm 1946.
Cuộc chiến đấu nầy gồm nhiều thành phần dân tộc: Trí thức, tư sản, tiểu tư sản thành thị, địa chủ, phú nông, trung nông, tiểu nông, vô sản thành thị và vô sản thôn quê…
Sau cái gọi là “chuẩn bị tổng phản công”, sau đại hội đảng CSVN lần thứ 2 tại Việt Bắc, bấy giờ thế lực đảng CSVN đã mạnh hơn, dần dà họ loại ra khỏi hàng ngũ Việt Minh những thành phần dân chúng mà CSVN không thể chấp nhận sự có mặt của họ trong hàng ngũ Việt Minh. Sau bốn, năm năm chiến đấu, CSVN đã đào tạo được một tầng lớp cán bộ chỉ huy lãnh đạo mới, gốc từ thành phần vô sản.
Những ai thuộc trí thức, tiểu tư sản thành thị, phú nông, trung nông thậm chí cả tiểu nông đều bị “biên chế”. Trong hàng ngũ Việt Minh chỉ còn lại thành phần vô sản thành thị, vô sản thôn quê, tức bần nông, cố nông, v.v…
“Biên chế” là một hành động của CSVN nhằm loại trừ thành phần không phải là vô sản ra khỏi hàng ngũ Việt Minh, kiện toàn và phát triển tổ chức đảng của họ.
Trong đường hướng đó, cái gọi là “Cải Cách Ruộng Đất” đã được CSVN cho thi hành.
Cải cách ruộng đất là cái gì?
Là xóa bỏ Văn hóa phong kiến, triệt tiêu các thành phần “phản quốc, phản động, bóc lột”, gồm Việt gian, cường hào các bá, đảng phái đối lập, địa chủ, phú nông…
Chiến dịch nầy do đảng CSVN thực hiện vào các năm 1953, 54 nhằm tịch thu tài sản, ruộng đất của các thành phần nói trên để chia cho bần nông, cố nông. Hoạt động nầy có sự cố vấn trực tiếp của cán bộ Tầu Cộng, nhằm mục đích tiến lên xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình phát động chương trình nầy, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lí hợp tình, chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ”.
Sự thực, “chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ” chỉ là một cách nói với mục đích tuyên truyền của Hồ Chí Minh mà thôi.
Chỉ với miền Bắc, có 810.000 héctaruộng, 106.448 trầu bò, 1.846.000 nông cụ, 148.565 ngôi nhà được chia cho hơn 2 triệu hộ nông dân, chiếm khoảng 72,8% số hộ nông dân ở miền Bắc.
Giai cấp địa chủ hoàn toàn bị tiêu diệt.
Theo Bernard Fall thì không thể biết chính xác con số, nhưng ít nhất khoảng 50.000 người bị giết và 100.000 người bị bắt giam. Đây là những người bị xếp vào loại “kẻ thù của nhân dân”, bị “đào tận gốc, trốc tận rễ”.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo ở Hà Nội phát biểu: “Tôi nhận ra cái điều này cũng lâu rồi, mà nhận từ từ, bởi vì tôi đã đựơc chứng kiến cụôc Cải cách Ruộng đất ở ngoài miền Bắc mà gia đình tôi là nạn nhân. Tôi thấy nó rất là khủng khiếp. Tôi không hiểu cái chủ nghĩa gì mà nó chỉ có một biện pháp duy nhất là trấn áp người ta, mang người ta ra đấu tố và bắn bỏ người ta, mà không có xét xử công minh, cũng không có bằng cớ gì cả.”
Sau đó, Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo CSVN đưa ra chính sách sửa sai.
Mao Trạch Đông từng nói: Khi muốn uốn cong một thanh sắt, ta phải uốn cho nó quá đà một chút. Khi thanh sắt đàn hồi, thì vừa đúng tầm ta muốn uốn. Cái sai của CSVN chỉ là việc uốn quá tầm một thanh sắt mà thôi. Việc quá tầm ấy là có chủ ý, không phải sai.
Việc cải cách ruộng đất, thực chất là “xóa bỏ văn hóa phong kiến”, đánh đổ giai cấp thống trị, và thành lập “giai cấp thống trị mới” với một nền “văn hóa mới”.
Có ba vấn đề cần phải tìm hiểu:
1)- Văn hóa phong kiến là cái gì?
2)- Giai cấp thống trị mới là những ai?
3)- Văn hóa mới là cái gì?
Giải thích:
1)- “Văn hóa phong kiến”:
Khi dùng danh từ “văn hóa phong kiến” là nói chung chung. Phong kiến có nghĩa là “phong tước kiến địa”. Chế độ “phong kiến” (phong tước kiến địa) xuất phát từ thời Tây Chu bên Tầu. Vua Chu phong đất đai cho bà con để thành lập các nước chư hầu. Chế độ này gần giống chế độ phong đất cho bồi thần bên châu Âu nên người ta đã dùng chữ “phong kiến” để dịch chữféodalité từ tiếng Pháp. Thông thường chế độ phong kiến châu Âu là cha truyền con nối.
Các địa chủ phong kiến nắm quyền sở hữu phần lớn ruộng đất (gồm cả sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước) và tiến hành bóc lột địa tô.
Từ nền kinh tế đó, xã hội bị phân hóa thành những giai cấp và đẳng cấp khác nhau. Về chính trị có thể là phân quyền cát cứ và tập quyền. Phong kiến phản ánh hình thức truyền nối và chiếm hữu đất đai của chế độ quân chủ chuyên chế. Chế độ phong kiến phản ánh một thời kỳ của chế độ quân chủ.
Một số nhà sử học tỏ ý nghi ngờ hoặc phủ nhận sự hiện hữu của chế độ phong kiến phương Đông.
Theo nhận xét như vừa trình bày ở trên, nước ta không thể có chế độ phong kiến. Đời Trần, chỉ vài quốc thích hay đại công thần như Đức Trần Hưng Đạo, được phong ấp, không phải lãnh địa như các lãnh chúa bên châu Âu. Đức Trần Hưng đạo có đất ruộng và binh lính riêng của ngài, số binh lính nầy lập công lớn trong ba lần đại phá quân Nguyên.
Khi ông Ngô Đình Cẩn cầm toàn quyền ở miền Trung, người dân gọi mỉa ông là lãnh chúa, với ý nghĩa tương tự như lãnh chúa bên châu Âu. Nước ta chưa bao giờ có lãnh chúa như kiểu Ngô Đình Cẩn.
Đã không có chế độ phong kiến, làm sao có “văn hóa phong kiến” như CSVN chủ trương.
Nước ta, trước khi bị Tây đô hộ, từ thời nhà Nguyễn trở về trước, chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế. Các chế độ quân chủ chuyên chế, dựa trên Nho giáo để cầm quyền. Nhà Nguyễn thì ứng dụng Tống Nho tích cực hơn, để bảo vệ ngai vàng.
Trong viễn tượng đó, văn hóa xã hội Việt Nam, nhìn chung, từ trước khi giành được độc lập là “văn hóa Nho giáo”, giao hòa với đạo Phật, đạo Lão, thành ra “Tam giáo”.
Điều CSVN gọi là văn hóa phong kiến, thực chất nó là văn hóa tam giáo của người dân nước ta. Đó là cái CSVN triệt tiêu kể từ khi thực hiện cải cách ruộng đất.
2)- “Giai Cấp Mới”thống trị xã hội là những ai?
Xin đưa ra một ví dụ điển hình:
Nhà văn Tô Hoài (năm 1954-1955, ông mới 34 – 35 tuổi), tác giả “Ba Người Khác” là một tiểu thuyết rất sinh động, làm người đọc tin vào những điều trần trụi, khốc liệt được lần lượt phơi bày trong tác phẩm.
Tấn đại bi kịch hãi hùng về cải cách ruộng đất ở một xã đồng bằng Bắc bộ đã được nhà văn vẽ ra. Một vùng quê đang yên lành, bỗng chốc chìm ngập trong các cuộc đấu tố, tranh giành, oan khốc, đen tối và đẫm máu…
Bối, đội phó Đội cải cách ruộng đất, kiêm chánh án. Hai người khác là Cự (đội trưởng) và Đình (cán bộ đội), cả ba không hiểu biết gì về nông thôn, nông dân, nhưng “được tiếng là đánh địch (địa chủ, phản động) giỏi, có thành tích” trong ba đợt cải cách ở Thanh Hóa, được cấp trên tin cậy, điều về “cải thổ” một xã ở Hải Dương, mới tiếp quản sau khi quân Pháp rút.
Bối, Cự, Đình thực sự là ba gã bản chất lưu manh theo ba kiểu khác nhau. Khi về địa phương, họ bắt mối và tập hợp quanh mình các “rễ”, “chuỗi” u tối, toàn đui, què, mẻ, sứt, vô học và đầy lòng thù hận…
Cả ba ông Đội tuy cùng trình độ văn hóa thấp, nhưng đủ khôn ranh để biết việc nào đúng, sai, tốt, xấu, lợi, hại. Vì sức ép thành tích, vô trách nhiệm, tham vọng quyền lực cá nhân, ham muốn thỏa mãn dục vọng, biết sai, xấu vẫn làm; biết dối trá, tội ác vẫn “vô tư” lăn xả… gây ra bao nhiêu bi thương, tang tóc cho làng xóm.
Không bao giờ họ tỏ ra đau khổ hay sám hối. Mầm mống nhân tính đã bị chính những người như họ tiêu diệt.
Chuyện tình dục tội lỗi được kể bằng thứ ngôn ngữ chính xác, khoái cảm hả hê, tâm đắc. Chỉ với 250 trang sách mỏng, những cảnh hoang dâm, quần dâm diễn ra thường xuyên, mọi lúc mọi nơi: Ba anh Đội: Cự, Bối, Đình thay nhau, nhường nhau làm tình các nữ dân quân, bần cố nông “rễ, chuỗi”: Đơm, Duyên… bất kể ban đêm, ban ngày, trước, sau lúc hội họp, lúc đấu tố; làm tình ngay bụi cây bên đường làng, bên đống rạ trong sân; làm tình cô Đơm trước người mẹ tàn tật, làm tình cô Duyên bên ông bố điếc; Đội Bối quần dâm với nhiều nữ dân quân trong một đêm ở lán gác…
Bọn vô sản nầy, bất cứ hoàn cảnh nào, cũng như lũ cuồng dâm vồ nhau làm tình, không hề từ tình cảm mà chỉ từ động dục, đổi chác, lợi dụng nhau… giữa làng xã tiêu điều, đói khát, oan khốc, đấu tố tùy tiện. Viết về tình dục và dâm đãng để tạo ra sự rùng rợn về một loài kinh tởm hơn cầm thú và man di mọi rợ chưa từng có trong xã hội loài người.
Bọn họ là những nhân vật tội đồ hoàn hảo nhất từ trước tới nay trong văn chương Việt Nam. (theo Trúc Anh)
Tuy nhiên bọn họ, sau cải cách, sau sửa sai, vẫn tiếp tục được thăng quan tiến chức, hưởng ngập mặt những bổng lộc, quyền lợi, nhờ cải cách ruộng đất, và đến tận cuối đời, chứng khôn ranh vẫn nguyên vẹn, vẫn thu hút được quanh mình đủ loại “chuỗi, rễ” đời mới, là chưa hiểu hết cái sâu xa, cái vô cùng của tác phẩm.
Căn cứ vào những số liệu ghi trên, có thể chúng ta có một con số như sau:
Hơn hai triệu hộ nông dân đuợc chia 810.000 hécta ruộng 106.448 trầu bò, 1.846.000 nông cụ, 148.565 ngôi nhà.
Nếu tính trung bình mỗi hộ gia đình có 4 người (hai vợ chồng, hai con) thì có 8 triệu người được “giải phóng” khỏi ách thống trị của địa chủ và “giai cấp bóc lột”.
8 triệu người được giải phóng trên tổng số dân Bắc Việt Nam hồi đó là bao nhiêu? Hai mươi triệu là cao nhất.
Con số đó không nhỏ.
Sau khi được “giải phóng”, bước lên “giai cấp thống trị”. Họ cầm quyền từ thôn ấp, lên tới quận tỉnh và trung ương. Thôn ấp tỉnh quận thì có những người như trong “Ba người khác” như Bối, Đình, Cự, những nhân vật điển hình khác như thị Mịch, thị Nở, thị Dậu, chí Phèo. Trung ương thì có Đoàn Duy Thành, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, v.v…
8 triệu người đó, sinh con đẻ cháu, v.v… bây giờ lên tới con số là bao nhiêu triệu người? Cha mẹ thuộc giai cấp thống trị, con cái có thuộc giai cấp bị trị được hay không?
Sau 1975, bao nhiêu người trong số “đảng viên, cán bộ vô sản” nầy được CSVN “chi viện” cho miền Nam. Số “chi viện” nầy hiện ở đâu? Saigon, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang và các tỉnh, quận khác?…
Thử tính nhẩm, con số chi viện nầy là bao nhiêu? 5 triệu, 7 triệu. Có người quen nói với tôi là 10 triệu. Vào Nam, bọn nầy sinh đẻ thêm bao nhiêu nữa?
Tính chung, từ Bắc chí Nam, tầng lớp gốc vô sản nầy cũng như “rễ”, “chuổi” của nó cầm quyền cai trị khắp nước.
Đặc điểm của “giai cấp mới” là “văn hóa mới”, “văn hóa xã hội xã hội chủ nghĩa”, là “đạo đức chủ nghĩa xã hội”, là “đạo đức cách mạng.”
Nói thì nhiều văn hóa, đạo đức như thế nhưng trong thực tế, bọn chúng không có gì hết. Hồ Chí Minh nói: “Muốn có đạo đức xã hội chủ nghĩa thì phải có xã hội chủ nghĩa.”
Ta thấy có hai vế trong câu nói của Hồ Chí Minh.
Một là xã hội chủ nghĩa phải có trước.
Sau mới có đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Nếu không có xã hội chủ nghĩa thì sẽ không có đạo đức xã hội chủ nghĩa. Bao giờ thì có xã hội chủ nghĩa để có đạo đức xã hội chủ nghĩa? Bây giờ thì chưa có xã hội chủ nghĩa nên đạo đức xã hội chủ nghĩa cũng chưa có. Có nghĩa là xã hội VN bây giờ chưa xây dựng được xã hội chủ nghĩa nên chưa có đạo đức. Không bao giờ xây dựng được xã hội chủ nghĩa nên cũng không bao guờ có đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Hiện thời chúng ta thấy:
Chủ nghĩa Cộng Sản là một chủ nghĩa “đấu tranh giai cấp”. Muốn có “đấu tranh giai cấp” phải có “hận thù giai cấp”. Nó có nghĩa là không có “hận thù giai cấp” thì không thể đấu tranh giai cấp được.
Trong ý nghĩa đó, nói chung xã hội VN bây giờ là xã hội thù hận.
Khi còn ở ngoài Bắc, “thù hận giai cấp”, có nghĩa là thù hận địa chủ, trung nông, phú nông. Ở thành thị thì “thù hận giai cấp” là thù hận tiểu tư sản thành thị, giai cấp tư bản, đại tư bản, trí thức, thù hận người thành thị, v.v…
Sau 1975, ai là người miền Nam không bị người miền Bắc vào “chi viện” thù hận?
Tư sản, tư bản, tiểu tư sản thành thị, nông dân miền nam có ai nghèo, có ai vô sản để khỏi bị thù hận?
Trong hai mươi năm chiến tranh, miền Bắc xơ xác tiêu điều, đói ăn thiếu mặc… Ở miền Nam, có thấy “Mỹ Ngụy bóc lột” như “đảng và nhà nước tuyên truyền” đâu? Dân miền Nam, chúng nó có nhà cao cửa rộng, chúng nó có xe hơi nhà lầu, chúng nó cơm ngon, áo đẹp…. Ấy là đằng đằng thù hận lên cao!!!
Đảng viên, cán bộ thấy mình là người có công với cách mạng, với đảng và nhà nước. Nếu không có giai cấp vô sản miền Bắc, làm sao có “giải phóng được miền Nam”?
Đó là bệnh công thần, tức là đòi phải được đền bù, thụ hưởng.
Từ bệnh công thần, đẻ ra bao nhiêu bệnh khác nữa: thù hận, tham lam, giành giật, ganh tỵ, ghen ghét…
Thành ra, bây giờ có điều gì xấu mà đảng viên, cán bộ không làm, làm để thỏa mãn bệnh công thần, tính tham lam, lòng thù hận.
Giàu có thì sinh ra hưởng thụ: phải ăn ngon, ăn bổ, mặc đẹp, dâm dục, phải sang trọng, phải chứng tỏ sự giàu có,… Bây giờ, ở VN đừng nói tới lương tâm, bác ái, từ bi, hỉ xã, tu hiền, tu nhân tích đức. Tất là đều là “văn hóa phong kiến”, bị triệt tiêu sạch.
Trong “nhật ký tháng 1-2009”, tạp chí Tân Văn số 28 tháng 11-2009, Hoàng Dược Thảo trích lại về thói xấu của “giai cấp mới” nầy như sau:
“…
“Xã hội Cộng sản đã tạo ra rất nhiều “người khôn”, những cái khônmà một người viết khác trong nước đã “nhận diện” ra làm bốn loại:
- Thói gian lận:
Từ điển tiếng Việt 1994 nhận định gian lận là “có hành vi dối trá, mánh khóe, lừa lọc”. Dẫn từ điển cho chắc ăn thôi chứ nhắm mắt vào cũng thấy rõ người ta gian lận, dối trá thế nào, có khi còn thấy rõ hơn.
Trong buôn bán, từ nửa lạng cà chua, dăm ba quả táo đến hàng tấn cá ba sa, hàng tấn xi măng sắt thép đều có thể bị cân điêu. Trong sản xuất thì bớt xén nguyên vật liệu, rút ruột công trình, làm hàng giả hàng nhái, gian lận giấy tờ sổ sách kế toán để moi tiền dự án bất chấp là dự án ODA hay dự án quốc gia, rút được tiền chia chác thì làm, không thì bỏ, bất kể chất lượng tốt xấu… Trong giáo dục thì trường trường lớp lớp đua nhau cho điểm vống lên, học sinh lên lớp hết để lấy thành tích, cán bộ có muốn có bằng thì có người đi học thay, dân tứ chiếng muốn có bằng thì mua, điểm thi thì tẩy xóa xin xỏ, giấy báo kết quả thì mạo điểm mạo danh, vào thi thì mang theo phao, cấm đoán thế nào cũng không xuể, cha mẹ thì chạy trường chạy lớp phờ cả người, nghĩ mà kinh… Về mặt xã hội thì kể không biết bao nhiêu ví dụ cho xuể. Trong văn hóa tư tưởng thì đạo văn đạo nhạc, đạo thơ đạo họa đủ cả, cũng chạy giải thưởng cho có danh, đánh bóng mạ kền cho sáng tên tuổi… Một phần không ít thanh niên học hành làm việc thì lười mà chỉ muốn có tiền nhanh, chỉ muốn tiêu xài xì tin, váy cộc chân dài tóc bờm dựng ngược, nay vũ trường mai nhà nghỉ.
- Thói vô trách nhiệm
Lại dẫn từ điển Việt 1994: Trách nhiệm: 1- phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả.
Cứ theo như định nghĩa trên, cho tới bây giờ, hầu hết những kết quả không tốt đều chưa có đâu phải gánh chịu. Như thế là thói vô trách nhiệm.
Nếu như trách nhiệm của mình chưa ba năm rõ mười thì ai ai cũng nghĩ rằng đó là trách nhiệm của người khác, ngành khác, của cơ quan khác. Phủi tay.
Ngày trước, người ta bảo vệ cây ven đường bằng cách quét vôi quanh gốc. Lúc đầu người công nhân quét rất cẩn thận, nước vôi trắng vừa đủ, vôi không rớt xuống chung quanh. Càng về sau, nước vôi càng loảng, vôi tung tóe ra đường, cho tới một lúc họ gạch chéo vào gốc mấy cái, coi thế là xong.
- Thói cơ hội chủ nghĩa. (diễn giải của SGN: thói chụp thời cơ)
Định nghĩa một cách đơn giản nhất, theo tự điển tiếng Việt 1994 là: 1- Quan điểm, chủ trương lợi dụng cơ hội, mưu cầu những lợi ích trước mắt và cục bộ, bất kể việc làm đúng hay sai. 2- Khuynh hướng tư tưởng-chính trị trong hpong trào công nhân, chủ trương chính sách tùy thời, thỏa hiệp.
Chủ nghĩa cơ hội là len lỏi, xâm nhập vào từng cá nhân, trở thành một thói xấu là thói cơ hội chủ nghĩa theo đó người ta bất chấp đúng sai, tùy thời thỏa hiệp, đón gió trở cờ để mưu cầu lợi ích cho riêng mình.
Thói cơ hội chủ nghĩa đang biến dạng trái tim và tâm hồn tôi, anh, đang phá hoại niềm tin của chúng ta đối với những giá trị tinh thần cao đẹp.
- Thói chí phèo
Không cần phải dẫn định nghĩa, ai cũng hiểu thói chí phèo là gì. Chỉ nói thêm dân gian còn thêm một từ khác để chỉ thói xấu nầy, đó là từ “bầy hầy”.
Thói chí phèo là do người ta nhờn với pháp luật và coi nhẹ một số những giá trị tinh thần, là thói xấu mà tôi, anh và chúng ta bây giờ có thể nhận rõ trong rất nhiều những hành xử hằng ngày. Dân gọi gọi những người mắc thói chí phèo; là những người đứt dây thần kinh xấu hổ, những dân ngụ cư ở phố hàng thớt.
Thêm vào đó, để đạt được tham vọng, ham muốn, hưởng thụ, bọn giai cấp mới cấu kết với nhau, cấu kết với thành phần miền Nam cũ, tức là những kẻ bị gọi là “đấu hàng giai cấp”, với Việt Kiều hải ngoại về kinh doanh (tức là về kiếm ăn) điển hình như cha con Nguyễn Cao Kỳ, Kỳ Duyên… thì có một cuộc cách mạng hoa lài, hoa mẫu đơn, hoa hồng, v.v… nào có thể xảy ra?
Bọn giai cấp mới “vô sản” không muốn có cách mạng. Bọn miền Nam “quì gối” trước CSVN, bọn Việt Kiều “về nước kiếm ăn” có muốn cách mạng xảy ra hay không? Để thiệt thòi quyền lợi chúng hay sao?
Sau mấy chục năm bị “Giai cấp mới” cai trị, số địa chủ, phú nông, tiểu tư sản,… ở miền Bắc chẳng còn ai. Xã hội miền Bắc chỉ còn rặc một thứ vô sản là giai cấp mới mà thôi.
Từ miền Bắc, sau 1975, “giai cấp mới” nầy vào “giải phóng” và thống trị xã hội miền Nam. Cũng tại miền Nam, “giai cấp mới” nầy nắm toàn bộ chính quyền từ xã ấp lên tới tỉnh, đô thị và Saigon cũ.
Trong tình hình đó, khi nào “Cách mạng Hoa hồng” xảy ra ở Việt Nam?
Khi mâu thuẫn xã hội hay chính xác hơn, mâu thuẫn của “giai cấp mới” trở nên sâu sắc!
Mâu thuẫn đó, bao giờ cũng đặt căn bản về kinh tế. Người giàu giàu quá. Người nghèo nghèo quá! Người thừa thải, phung phí, người bới rác kiếm ăn không ra.
Khi người nghèo quá nghèo. Khi người nghèo đông quá, nhiều quá, thì “bạo lực cách mạng” trở thành vô nghĩa. Người dân không còn biết sợ nữa, không còn sợ nữa. Nghèo đói quá, sẽ chết. Đứng lên đấu tranh, cũng chết. Đằng nào cũng chết, nên người ta phải đứng lên.
Tuy nhiên, “mâu thuẫn giai cấp” như nói trên nảy sinh từ bọn chúng, từ bọn thống trị, từ “giai cấp mới” mà ra. Cách mạng từ chúng mà ra, từ những người nghèo khổ, bị bóc lột, bị đàn áp trong xã hội Việt Nam mà ra.
Sự mâu thuẫn đó đã bắt đầu xuất hiện từ hiện tượng những người bất mãn với chế độ như Trần Độ, Huỳnh Minh Chính… từ những người đấu tranh cho dân chủ như Cù Huy Hà Vũ, Trương Hồng Sơn, Vi Đức Hồi, Lê Quốc Quân… từ giáo dân Cồn Dầu, Thái Hà, từ tín đồ Phật giáo Hòa Hảo… từ “dân oan khiếu kiện” từ công nhân biểu tình đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc…
Cho tới bây giờ, những cá nhân, đoàn thể nầy chưa đoàn kết, chưa thống nhứt đường lối đấu tranh. Và nếu như so sánh với “giai cấp mới” lực lượng chống đối nầy chưa đông, chưa mạnh.
Cách mạng chỉ có thể xảy ra khi những người bị áp bức, bóc lột, bị đày đọa phải đông hơn, nhiều hơn bọn thống trị.
Cách mạng ở nước ta không thể phát xuất từ hải ngoại, khi họ đứng trên một nơi chốn an toàn để kêu gọi…
hoànglonghải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét