23.6.11

Làm sao lấy lại tài sản quốc dân bị thất thoát?


Làm sao lấy lại tài sản quốc dân bị thất thoát?

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011-06-22
Hôm Thứ Ba 21 Tháng Sáu, Ngân hàng Thế giới và Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội ác, gọi tắt là UN-O.D.C. vừa công bố một báo cáo đáng chú ý. Đó là “Những Rào cản trong việc Thu hồi Tài sản bị Thất thoát”.
AFP photo
Một nhân viên ngân hàng Trung Quốc đang xếp tiền đô la Mỹ và đồng NNT tại một ngân hàng ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hôm 08/4/2010.
Xuất phát từ sáng kiến do Văn phòng O.D.C. của Liên hiệp quốc đề xướng năm 2007 nhằm thu hồi lại các khoản tài sản của quốc dân bị đánh cắp, hai tổ chức quốc tế nói trên đã nghiên cứu về những trở ngại và đưa ra nhiều đề nghị cho giới hữu trách của các quốc gia. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về đề tài đặc biệt này qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện.

Tài sản của quốc dân

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, Ngân hàng Thế giới vừa công bố kết quả nghiên cứu hỗn hợp với Văn phòng Bài trừ Ma túy và Tội ác của Liên hiệp quốc về việc thu hồi các khoản tài sản quốc dân đã bị thất thoát. Khi được bản tin của Ngân hàng Thế giới phổ biến cho truyền thông về công trình nghiên cứu này, chúng tôi tò mò về ba chuyện, thứ nhất là tài sản thất thoát, thứ nhì là nỗ lực thu hồi, và thứ ba là những cản trở trong việc thu hồi đó.
Vì vậy, mục Diễn đàn Kinh tế kỳ này đề nghị ông trình bày cho vấn đề và công trình nghiên cứu nói trên, và như thông lệ, xin ông nói về bối cảnh của câu chuyện….
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong lĩnh vực truyền thông, chúng tôi được tham khảo tài liệu này một ngày trước với yêu cầu là chỉ phổ biến ngày Thứ Ba 21, theo giờ quốc tế. Xin nói ngay rằng đây là một phúc trình chuyên môn về pháp lý của một vấn đề phức tạp vì liên hệ đến chuyện quốc gia và quốc tế, và bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế đến chính trị, từ viện trợ đến ngoại giao, từ hình sự đến chính sách….
Về bối cảnh thì năm 2007, Văn phòng ODC của Liên Hiệp Quốc đề xuất một sáng kiến gọi là “Thu hồi Tài sản bị Đánh cắp” – Stolen Asset Recovery. Lý do là tài sản quốc dân của nhiều nước đang phát triển đã bị đánh cắp và tẩu tán nên gây thiệt hại xã hội cho các nước nghèo. Từ mười mấy năm nay, con số mà các nước nghèo bị thất thoát như vậy có thể là từ 20 đến 40 tỷ đô la một năm, mà đa số lại do chính các viên chức nhà nước gây ra. Trong 15 năm qua thì các nước chỉ thu hồi được có năm tỷ, một tỷ lệ cực kỳ ít ỏi. Vì vậy, Liên Hiệp Quốc mới cùng Ngân hàng Thế giới nghiên cứu phương cách lấy lại được các khoản tài sản đó. Bản báo cáo nêu ra 29 rào cản cho việc thu hồi và đưa ra tám nhóm đề nghị để cải tiến. Đó là về bối cảnh, thưa ông.
Vũ Hoàng: Trước tiên, chúng ta hãy nói về định nghĩa. Thưa ông, thế nào là một tài sản bị ăn cắp hoặc bị thất thoát?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tiếp tục nói về bối cảnh vấn đề thì xã hội nào cũng có tội ác, nạn tham ô và ăn cắp. Nhưng trong các nước đang phát triển – tức là còn nghèo – và lại bị ách độc tài, thì hiện tượng tội ác, tham nhũng và ăn cắp rất dễ gom làm một và được chính guồng máy nhà nước “định chế hóa” – trong ngoặc kép. Sự kiện đó khiến lãnh đạo có thể thu vét tài sản của quốc dân và tẩu tán ra ngoài. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc vào năm 2007, trích dẫn một tác giả vào năm 2005 thì trên thế giới, tài sản bị đánh cắp như vậy có thể lên đến từ 1.000 tới 1.600 tỷ đô la một năm. Mà phân nửa là tại các nước đang phát triển! Một thí dụ ai cũng rõ là khi một chế độ độc tài sụp đổ thì lãnh tụ hoặc thân tộc của họ có tài sản tới mấy chục tỷ đô la và việc thu hồi lại khoản tiền đó để trả lại cho quốc dân bị bóc lột đã trở thành vấn đề của quốc tế.
Trả lời cho câu hỏi của ông về định nghĩa, ta có thể nhìn ra nhiều cấp khác nhau. Một tổ chức tội ác như buôn bán ma túy cũng thụ đắc, tẩu tán và còn rửa sách các khoản tiền bất chính này. Trong các nước giàu, người ta cũng có thể tẩu tán tài sản  hoặc đầu tư ra ngoài để tránh thuế chẳng hạn. Trong các nước nghèo, giới chức cao cấp trong đảng cầm quyền hay bộ máy nhà nước cũng có thể ăn cắp tài sản quốc dân và chuyển ra ngoài. Một thí dụ nóng hổi là cách đây một tuần, hôm 13 vừa qua, chính Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh cũng vừa báo động là viên chức nhà nước, đa số trong lĩnh vực an ninh, lại đánh cắp tài sản quốc dân đến khoảng 123 tỷ đô la trong những năm từ 1995 đến 2008 và tẩu tán ra nước ngoài qua tám ngả khác nhau! Đây là con số chính thức chứ con số thật thì hiển nhiên là phải cao hơn.
Trong đề tài chúng ta đang tìm hiểu thì Ngân hàng Thế giới và các cơ quan chuyên môn của Liên hiệp quốc tập trung chú ý đến loại tài sản bị viên chức nhà nước ăn cắp theo nhiều cách khác nhau và tuồn ra ngoài. Từ nhiều năm nay, họ thấy ra hậu quả của hiện tượng này là sự bất công cho dân nghèo và tai họa cho xã hội về mặt chính sách và pháp chế nên tìm cách thu hồi lại.

Rất khó thu hồi

Vũ Hoàng: Và theo như ông vừa trình bày, họ còn thấy ra đến 29 rào cản cho việc thu hồi này. Thế các rào cản như vậy là những gì, mà vì sao lại có quá nhiều như vậy?
000_Hkg1146598-250.jpg
Một nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội hôm 25/3/2008. Ảnh minh họa. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế nêu ra ba nhóm rào cản hay những khó khăn khác nhau của việc thu hồi.
Thứ nhất là sáu trở ngại tổng quát thuộc lĩnh vực định chế là lĩnh vực tâm lý và chính sách có khả năng chi phối cách hành xử. Các trở ngại đó gồm có sự thiếu tin cậy; thiếu một chính sách nhất quán; thiếu phương tiện; thiếu sự tham gia đồng bộ vào các biện pháp được quốc tế đề ra;  thiếu phối hợp giữa các cơ quan hữu trách; v.v…
Thứ hai là rất nhiều, có đến 14 loại, trở ngại về pháp lý khiến thủ tục tiến hành việc thu hồi bị chậm trễ, nhiêu khê, tốn kém và chưa hiệu quả. Các luật gia đang tiến hành nghiệp vụ này trong thực tế đã nêu ra những khó khăn muôn mặt về pháp lý nên cũng đề nghị một số biện pháp đối phó khá độc đáo.
Thứ ba là chín loại rào cản thuộc lĩnh vực điều hành hay nghiệp vụ, từ chuyện thiếu thông tin đến yêu cầu tập trung giải quyết cốt lõi của vấn đề, từ tinh thần thiếu biến báo sáng tạo đến các khó khăn khá cụ thể như thiếu kế toán công khai, không có khả năng tham khảo hồ sơ của các ngân hàng nước ngoài, v.v…
Nói chung thì sáng kiến đã có, một số khí cụ pháp lý để tiến hành việc thu hồi tài sản bị đánh cắp cũng đã có, nhưng cần có sự phối hợp và cải tiến cho tinh vi hơn thì mới đạt kết quả.
Vũ Hoàng: Từ chuyện đó, chúng ta bước qua phần đề nghị. Báo cáo này có đưa ra tám nhóm đề nghị khác nhau, thưa ông, nội dung các đề nghị đó là những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu đối chiếu với các trở ngại nhiều mặt được quy vào ba loại khác nhau thì tám loại đề nghị có tính chất chỉ đạo ấy cũng có thể được xem như để giải quyết từng loại trở ngại. Chúng ta cần xin lỗi quý thính giả vì sẽ nói về chuyện trừu tượng nhức đầu!
Thứ nhất là về mặt định chế. Nếu có thực tâm giải quyết, quốc gia nên quyết liệt nêu quyết tâm thi hành một chính sách và chiến lược minh bạch, rộng lớn, bền bỉ và có phối hợp. Chiến lược đó phải đưa tới chính sách có đặc tính chủ động chứ không thụ động, linh hoạt và biến báo, công khai và trong sáng, chứ không nên viện dẫn lý do thoái thác, như vì quyền lợi kinh tế chẳng hạn.
Thứ hai, về các trở ngại pháp lý, ta thấy ra hai cấp thẩm quyền là truy tố tội phạm và thu hồi tài sản phi pháp. Đề nghị ở đây là phải có phương cách hay khảo hướng linh hoạt và chủ động, để kết hợp cả hai. Việc truy tố về hình sự cần được phối hợp với nhu cầu thu hồi tài sản và đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý về thời gian như kéo dài hạn kỳ hồi hiệu, và về không gian như bãi bỏ chế độ bí mật ngân hàng trong các vụ án có tính chất quốc tế. Cụ thể là tài sản tấu tán ra ngoài mà được cất giữ trong ngân hàng ngoại quốc thì phải tìm cho ra và lấy về cho hết!
Thứ ba, về loại rào cản trong điều hành và liên lạc khi thi hành nghiệp vụ thì bản báo cáo đề nghị xây dựng tinh thần tin cậy và trao đổi thông tin giữa các giới chức hữu trách, thúc đẩy việc huấn luyện nhân viên điều tra, các thẩm phán và công tố viên về tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Tinh thần chủ đạo ở đây là thông tin và hợp tác từ cấp quốc gia ra quốc tế để giới chức có nhiệm vụ thu hồi tài sản hoàn tất được nhiệm vụ.
Nói chung, đây là các đề nghị chính yếu và thiên về lĩnh vực pháp lý xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của hơn 50 viên chức đã phải thi hành nhiệm vụ này, cho nên nếu chúng ta không có những vụ án cụ thể hoặc thí dụ rõ ràng thì thấy là quá trừu tượng và khó hiểu.

Trường hợp VN

Vũ Hoàng: Quả thật là nếu không đặt các hồ sơ này trong khung cảnh thực tế và có kiến thức cơ bản về pháp lý thì mình khó mường tượng ra nội dung của vấn đề và các phương thức cải tiến. Câu hỏi cuối, thưa ông, nói riêng về trường hợp Việt Nam, ông có nhận định gì về hồ sơ này?
000_Hkg3844410-250.jpg
Trụ sở chính của tập đoàn Vinashin tại Hà Nội. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tài liệu nghiên cứu chú trọng đến vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát với các thủ tục sai áp và tịch thu để bồi hoàn cho quốc gia bị ăn cắp. Nhưng vấn đề là vì sao quốc gia lại bị ăn cắp tới bạc tỷ năm này qua năm khác? Và vì sao viên chức nhà nước lại có thể tẩu tán tài sản ra ngoài? Vì sao nhiều doanh nghiệp quốc tế còn tham dự vào các nghiệp vụ tham ô và tẩu tán này trong các nước nghèo? Tại sao các nước công nghiệp hóa và có hệ thống luật pháp tinh vi phải bước vào giúp các nước đang phát triển, là nhóm quốc gia cứ đòi vượt qua các nước tiên tiến mà vẫn để xảy ra nạn tham ô và tẩu tán tài sản? Vì sao người ta tiếp tục viện trợ và hợp tác với các chế độ độc tài dù biết rằng tham nhũng và ăn cắp là thuộc tính của độc tài?
Nói về trường hợp Việt Nam, hay cả Trung Quốc mà tôi vừa nhắc đến ở trên, nạn tham nhũng, cướp đất của dân hoặc đảng viên cán bộ đầu tư giả tạo mà thực chất là tẩu tán tài sản ra ngoài, loại hiện tượng ấy đã thành công khai rõ ràng. Cụ thể là một năm người Việt ở nước ngoài gửi về cho thân nhân cỡ tám tỷ đô la tiền tươi, dưới dạng chính thức chứ chưa nói đến hình thức khác.
Con số ấy cũng bằng mức tăng trưởng một năm của cả nền kinh tế quốc dân! Chả hóa ra là có tiền trút vào thì cũng có tiền tuồn ra, tối thiểu là một ngân khoản tương đương, rồi chuyển qua Mỹ hoặc ký thác vào một ngân hàng ở Singapore chẳng hạn! Làm sao ngăn cản được điều ấy khi thế giới vẫn viện trợ cho Việt Nam mà không nêu điều kiện là chính quyền phải cải thiện cơ chế và hợp tác với quốc tế một cách cụ thể, để thứ nhất, không cho cán bộ ăn cắp nữa, thứ hai, để thu hồi lại tài sản bất chính?
Tôi thiển nghĩ rằng sự sụp đổ của các nước Á Rập độc tài vừa qua là một hồi chuông cảnh báo khiến các nước dân chủ Tây phương phải duyệt lại đối sách ngoại giao, viện trợ và thủ tục pháp lý để không dung dưỡng chế độ độc tài rồi mất cả chục năm điều tra, truy cứu và kiện tụng mà có khi vẫn chẳng thu hồi được tài sản đã bị đánh cắp, được chuyển qua các nước Tây phương và còn được các ngân hàng Tây phương bảo vệ bằng một dàn luật sư và một rừng luật lệ!
Cho nên, tòa đại sứ nước cấp viện, là các nước viện trợ chính thức, cần được huy động vào việc này để giải thích rõ ràng. Và thực tế thì luật lệ tại các nước cấp viện về chống tham nhũng, rửa tiền và chuyển ngân phi pháp phải được chấp hành và họ nên nêu ra một số vụ án làm gương. Một thí dụ nóng hổi là việc Interpol đang truy nã hai giới chức cao cấp của tập đoàn Vinashin trong khi tám người khác đang còn ở trong tù mà chẳng viên chức lãnh đạo nào bị khiển trách. Việt Nam và các nước liên hệ lẫn các ngân hàng cho vay phải làm cho vụ này ra lẽ để biểu dương quyết tâm. Kết luận thì nếu không chặn từ gốc mà chỉ chạy theo nhặt bạc lẻ thì người ta chưa thực sự giải quyết được vấn đề!
Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành cho cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào: